18/09/2019
Sáng ngày 17/9/2019, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS) đã tổ chức Buổi toạ đàm Khoa học trao đổi về tình hình của Ấn Độ trong Nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Modi. Đại sứ Ấn Độ, ông Pranay Verma đã trao đổi về một số điểm chính trong quan hệ Ấn Độ- Việt Nam dưới góc nhìn của Ấn Độ, và tình hình Ấn Độ trong thời gian gần đây.
Sáng ngày 17/9/2019, tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS) đã tổ chức Buổi toạ đàm Khoa học trao đổi về tình hình của Ấn Độ trong Nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Modi. Buổi tọa đàm có sự tham gia của Ông Pranay Verma- Đại sứ Án Độ, Ông Rajesh Uike- Phó Đại sứ và Ông Sushil Prasad- Bí thư thứ nhất. Về phía Việt Nam, các học gia tham dự buổi trao đổi bao gồm: GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; TS. Nguyễn Bình Giang- Phó viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới và TS. Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tich Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD). Về phía VIISAS, có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á và các nghiên cứu viên của Viện.
Trong Toạ đàm, Đại sứ Pranay Verma đã trao đổi về một số điểm chính trong quan hệ Ấn Độ- Việt Nam dưới góc nhìn của Ấn Độ, và tình hình Ấn Độ trong thời gian gần đây.
Ông Pranay Verma- Đại sứ Án Độ phát biểu tại Tọa đàm (nguồn: http://viisas.vass.gov.vn/Pages/defaults.aspx)
Đại sứ chia sẻ quan điểm về đối ngoại của Ấn Độ và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng và mối quan hệ lịch sử giữa tốt đẹp, hai bên chia sẻ lợi ích chung, hỗ trợ nhau trong mọi hoàn cảnh. Hai quốc gia đều có những vĩ nhân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru là những người từng kết nối hai dân tộc và để lại dấu ấn trong lòng nhân dân hai nước. Về lĩnh vực văn hóa, có nhiều dấu tích thể hiện mối liên hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam từ trong lịch sử, như dấu vết nền văn hoá Chămpa tại Việt Nam và các công trình văn hoá khác
Đại sứ coi trọng vai trò của VIISAS, là cơ quan đầu mối nghiên cứu về Ấn Độ, Đại sứ hy vọng quan hệ giữa ĐSQ Ấn Độ tại Hà Nội và VIISAS sẽ được duy trì tốt đẹp. Trong thời đại mới, với sự biến đổi của tình hình quốc tế và trong nước, trong quá trình phát triển, cả Ấn Độ và Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn và có lợi thế riêng để đạt sự phát triển ổn định và thịnh vượng. Nền kinh tế trong nước của Ấn Độ đặt ra mục tiêu thu hút 15 tỉ USD đầu tư trước năm 2020. Đại sứ cho rằng hai nước cùng chia sẻ những thử thách trên bộ và trên biển, và cần phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược, ví dụ như: trong lĩnh vực năng lượng, an ninh, tăng cường kết nối người dân giữa hai nước thông qua kết nối hàng không.
Lãnh đạo hai nước có những cam kết hợp tác, nhìn nhận mối quan hệ song phương với tầm nhìn chiến lược, an ninh vì lợi ích của hai bên và khu vực; hợp tác kinh tế công bằng và thoả thuận mậu dịch tự do, thay đổi thủ tục hành chính và các chính sách chưa phù hợp. Việt Nam là đối tác quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương và chính sách ngoại gia trong khu vực ASEAN của Ấn Độ, Việt Nam ngày càng trở thành vị trí quan trọng. Ấn Độ mong muốn Việt Nam trở thành đối tác trong chặng đường phát triển và thịnh vượng của mình.
Đông đảo các vị đại biểu và cán bộ Viện tham dự tọa đàm (Nguồn: http://viisas.vass.gov.vn/Pages/defaults.aspx)
Chia sẻ trong buổi thảo luận, trả lời nhận xét của Ts. Nguyễn Ngọc Trường về thành công của Thủ tướng Modi đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Ấn Độ trong10 năm tới. Đại sứ cho rằng, tham vọng, và quy mô của nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển lớn nhất trong những năm qua. Ấn Độ hiện là nền kinh tế có mức tiêu dùng lớn thứ ba thế giới. Đối với những mục tiêu phát triển lâu dài, Ấn Độ cần và sẽ xây dựng những kế hoạch dài hạn yêu cầu một tầm nhìn chiến lược. Trong năm 2019, vị trí của Ấn Độ trong Bảng xếp hạng các quốc gia có môi trường đầu tư thuận lợi đã tăng hạng từ 142 trong năm 2014 lên vị trí 77 (2019). Tự tin của các nhà đầu tư vào Ấn Độ ngày càng tăng, nhờ những thay đổi trong hệ thống thuế, và các “quyết định táo bạo” trước những thử thách khó khăn của Thủ tướng Modi. Trong hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới, như các quốc gia khác, Ấn Độ sẵn sàng đón nhận những thử thách mới. Về vấn đề Kashmir, Đại sứ cho rằng đay là khu vực vốn có nhiều tranh chấp và bất ổn về an ninh xuất phát từ chủ nghĩa khủng bố. Những đe doạ về an ninh đã ảnh hưởng tới cuộc sống, kinh tế và tình hình xã hội của người dân nơi đây. Trong quá trình phát triển chung của đất nước này, ồn tại những khoảng cách giữa khu vực Jamul Kashmir và phần còn lại của Ấn Độ. Trong khi các khu vực khác phát triển về văn hoá xã hội kinh tế, thì người dân khu vực này không được tiếp cận với những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Chậm phát triển kèm theo tham nhũng và đe doạ về an ninh tại khu vực biên giới với Pakistan. Theo Đại sứ, vấn đề Jamul Kashmir thuộc nội bộ của Ấn Độ, các quyết định của chính phủ xuấ phát từ mục tiêu phát triển cho người dân khu vực này. Trong tình hình hiện nay, với những nguồn thông tin đa dạng, Đại sứ hy vọng mọi người tiếp cận thông tin từ các nguồn tin chính thống và từ các nhà khoa học.
Ông Rajesh Uike- Phó Đại sứ và Ông Sushil Prasad- Bí thư thứ nhất cũng đại diện cho diện các quan chức của Đại sứ quán Ấn Độ (nguồn:http://viisas.vass.gov.vn/Pages/defaults.aspx)
Về ảnh hưởng của Chiến tranh Thương mại Mỹ- Trung tới Ấn Độ, Đại sứ cho rằng, nước này có cơ hội thu hút thêm đầu tư vào thị trường trong nước, nhưng trước tiên Ấn Độ cần khắc phục một số vấn đề về thanh toán, thâm hụt thương mại ... trong nước, trước khi có thể tận dụng được điều kiện tình hình quốc tế.
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ nói chung và đối với Trung Quốc nói riêng độc lập với những thay đổi trong quan hệ Mỹ Trung. Ấn Độ muốn tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc qua các tổ chức quốc tế và khu vực, và với một thái độ thận trọng. Một số trở ngại có thể đến từ cách ứng xử của Trung Quốc trong khu vực và quan hệ Trung Quốc- Pakistan
Đại sứ hy vọng hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong nhiệm kỳ sẽ phát triển hơn nữa, đặc biệt trong vấn đề kết nối và đầu tư. Ấn Độ và Việt Nam có nhiều cơ hội là đối tác phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, các lĩnh vực an ninh mạng, an ninh truyền thống, hợp tác phát triển lĩnh vực CNTT, trong chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Ngoài ra các học giả và Đại sứ cũng chia sử quan điểm về hợp tác khu vực của Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, trong các tổ chức khu vực Hợp tác Mekong sông Hằng và cơ hội hợp tác trong BIMSTEC (Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa khu vực)
Sau phát biểu cảm ơn và bế mạc của PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, các thành viên tham gia đã chụp hình lưu niệm, TĐKH thành công tốt đẹp vào 12h00 cùng ngày.
Phát biểu cảm ơn và bế mạc của PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện NC Ấn Độ và Tây Nam Á (nguồn: http://viisas.vass.gov.vn/Pages/defaults.aspx)
Author: Phạm Thủy Nguyên