21/03/2019
Ngày 21/3/2019, tại Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã tổ chức thành công Toạ đàm khoa học với Chủ đề: “Một số vấn đề về phát triển năng lượng tái tạo Ấn Độ", do ThS. Nguyễn Trung Đức, nghiên cứu viên phòng Kinh tế & Phát triển trình bày, với sự tham gia toàn thể cán bộ nghiên cứu Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
Là một quốc gia đông dân và là nền kinh tế năng động của châu Á và thế giới, Ấn Độ cần một nguồn năng lượng dồi dào phục vụ cho đời sống của người dân cũng như các hoạt động sản xuất tại đây. Bên cạnh nguồn năng lượng truyền thống, nước này đã và đang thúc đẩy hệ thống năng lượng tái tạo để đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước và góp phần giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình sản xuất năng lượng truyền thống gây ra. Bài trình bày của ThS. Nguyễn Trung Đức đề cập tới các vấn đề chính như sau: Khái niệm về năng lượng tái tạo, một số lĩnh vực năng lượng tái tạo được Ấn Độ sử dụng và phát triển, các chính sách quản lý và phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, và một số liên hệ đối với Việt Nam.
Năng lượng tái tại được đề cập tới bao gồm: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối. Năng lượng mặt trời phát triển nhanh chóng. Ấn Độ kỳ vọng trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong sản xuất điện mặt trời. Nhờ các chính sách hỗ trợ điện gió Ấn Độ hiện có công suất điện gió lớn thứ tư trên thế giới. Bộ năng lượng mới và tái tạo của Ấn Độ và áp dụng phát triển các trang trại gió và tấm pin mặt trời. Về thủy điện, Ấn Độ có năng suất đứng thứ 7 thế giới. Sự phát triển của mặt trời và gió đã làm giảm tỷ trọng của lĩnh vực thủy điện tại Ấn Độ do lĩnh vực thủy điện mang nhiều rủi ro đối với môi trường, điều kiện sống của người dân. Ngoài ra, nước này còn phát triển năng lượng sinh khối tại các vùng kém phát triển và xa trung tâm.
Ấn Độ có những chính sách quản lý các ngành năng lượng tái tạo tại từng bang khác nhau, để có sự phân phối và điều chỉnh phát triển phù hợp. Việt Nam có những điều kiện để phát triển một số ngành năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối nhờ đường bờ biển dài, các tỉnh miền Nam và miền Trung nhiều nắng, gió, và nguồn nguyên liệu từ hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi. Việt Nam cũng đang cần phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống. Việt Nam cần xây dựng hệ thống quản lý và các chính sách hỗ trợ thị trường và phát triển các công ty tư nhân trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Thủy Nguyên