08/04/2019
Từ ngày 02/4/2019 đến ngày 07/4/2019, đoàn công tác Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch dẫn đầu, đã đi thăm và làm việc tại Ấn Độ.
Tham gia đoàn công tác có Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á.
Trong thời gian tại Ấn Độ, Đoàn đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ; tham gia Đối thoại ICWA – VASS lần 2 tại New Delhi; tham gia Đối thoại tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Quốc gia (National Institute of Advanced Studies - NIAS), Bengaluru; thăm quan khảo sát tại khu đền Akshardham (New Delhi) và Bảo tàng Công nghiệp và Công nghệ Vishweshwaraya tại Bengaluru (Bangalore).
Đối thoại ICWA – VASS khai mạc lúc 14:30 ngày 3/4/2019 và kéo dài 3 phiên, với sự tham dự của TS. TCA Raghavan, Tổng Giám đốc ICWA, Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu, TS. Sonu Trivedi, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học; GS. Jayachandra Reddy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateshwara, Tirupati, TS. Pukhrem Shrishti, Quỹ Ấn Độ (India Foundation), Ông Sabya Dutta, Giám đốc trung tâm Hợp lưu Châu Á (Asian Confluence), nhiều cán bộ của ICWA và các chuyên gia, học giả đến từ các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học tại Ấn Độ như Đại học Calcutta, Đại học Jawaharlal Nehru…
Phiên 1 của Đối thoại ICWA – VASS tập trung trao đổi những vấn đề khu vực và toàn cầu. Phiên 2 và phiên 3 trao đổi những vấn đề liên quan đến hợp tác kinh tế và phát triển giữa Việt Nam và Ấn Độ; thúc đẩy hợp tác thông qua đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch…
Về hợp tác kinh tế và phát triển, các học giả tại Đối thoại đã có những đánh giá sâu sắc về thực trạng hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, bao gồm những thành tựu cũng như những hạn chế, đồng thời chỉ ra một số cơ hội hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Các học giả Việt Nam và Ấn Độ cho rằng, hai nước đã đạt được những thành tựu nhất định trong thương mại song phương, chỉ số xuất nhập khẩu liên tục tăng lên trong những năm qua.
Tuy nhiên, các học giả Việt Nam và Ấn Độ tại Đối thoại thống nhất quan điểm rằng, mặc dù Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và sự tin cậy chính trị sâu sắc, nhưng điều này chưa được thể hiện tương xứng trong hợp tác song phương trên lĩnh vực thương mại và đầu tư. Đối thoại cũng chỉ ra những thách thức trong quan hệ hai nước, bao gồm sự khó khăn trong việc triển khai hiệu quả những thỏa thuận đã ký, sự thiếu hụt thông tin trong hợp tác thương mại, sự thiếu hiệu quả của ngoại giao văn hóa, sự khác biệt về văn hóa nói chung, văn hóa kinh doanh nói riêng giữa hai nước…
Về thúc đẩy hợp tác thông qua ngoại giao nhân dân, kết nối con người, phiên 3 của Đối thoại đề cập đến thực trạng và tương lai quan hệ hợp tác Việt Nam và Ấn Độ trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch, khoa học, công nghệ, phim ảnh, truyền thông đại chúng…
Với mong muốn làm sâu sắc thêm quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ, các học giả tại Đối thoại đã xác định những nội dung cần tiếp tục thực hiện để thúc đẩy quan hệ song phương. Các học giả tại Đối thoại cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương cũng như hợp tác ba bên giữa Việt Nam - Ấn Độ và một bên thứ ba như Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản.
Về hợp tác kinh tế và phát triển, Ấn Độ và Việt Nam cần chú trọng (1) khai thác một số lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh như: công nghệ cao, công nghiệp phần mềm và công nghiệp điện tử. Các học giả Ấn Độ và Việt Nam đề xuất quan hệ đối tác ba bên giữa Việt Nam - Ấn Độ - Nga, Việt Nam - Ấn Độ - Hàn Quốc trong hợp tác kinh tế. (2) Bên cạnh đó, phía Việt Nam cần chú ý khai thác đầu tư của Ấn Độ vào các nước CLMV. (3) Các học giả Ấn Độ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các cơ sở về ngân hàng của Ấn Độ tại Việt Nam và ngân hàng Việt Nam tại Ấn Độ. GS. Ram Upendra Das cho rằng, nếu các ngân hàng Ấn Độ được mở ra ở Việt Nam sẽ giúp làm tăng thêm niềm tin cho doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam. (4) Việt Nam và Ấn Độ cần nhanh chóng mở đường bay thẳng giữa hai nước. (5) Sự cần thiết trao đổi thông tin, đặc biệt những thông tin về thị trường, về văn hóa kinh doanh, về những kỹ năng mà hai phía cần có khi hợp tác với nhau. Hai bên cần có chiến lược khắc phục sự thiếu hụt về thông tin của nhau. Mặc dù Ấn Độ đã có chính sách Hành động phía Đông, nhưng sự thiếu hụt về thông tin giữa hai bên vẫn còn rất lớn và khu vực tư nhân của Việt Nam cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa để có thể làm kinh tế tại Ấn Độ. (6) Thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ ở cấp địa phương, đặc biệt vùng Đông Bắc Ấn nơi có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
Về thúc đẩy ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, kết nối con người, các học giả đưa ra kiến nghị về việc (1) thành lập Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Ấn Độ; (2) khuyến khích Trung tâm Việt Nam học mở các lớp tiếng Việt cho người Ấn; (3) nâng cao tiếng Anh cho sinh viên Việt Nam thông qua việc tăng số lượng khóa học tiếng Anh trong chương trình ITEC; (4) phía Việt Nam cấp cho sinh viên Ấn Độ một số học bổng về ngôn ngữ và văn hóa; (5) mở kênh truyền hình về Ấn Độ trên truyền hình Việt Nam, thay đổi lựa chọn phim Ấn Độ chiếu tại Việt Nam, lựa chọn những phim phù hợp với thị hiếu của giới trẻ; (6) thúc đẩy nghiên cứu về Ấn Độ tại Việt Nam và về Việt Nam tại Ấn Độ thông qua các cơ quan nghiên cứu như ICWA và VASS.
Buổi đối thoại với Viện Nghiên cứu Cao cấp Quốc gia (NIAS) diễn ra ngày 5/4/2019, với sự tham gia của GS. Shailesh Nayak, Giám đốc NIAS, Đại sứ P.S. Raghavan, Ủy ban Cố vấn An ninh Quốc gia (National Security Advisory Board – NSAB), nhiều chuyên gia đến từ các lĩnh vực khoa học, công nghệ của NIAS, TS. Dhrubajyoti Bhattacharjee và TS. Temjenmeren Ao từ ICWA, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quốc phòng, hàng hải, khoa học và công nghệ đến từ các trường Đại học tại Bengalure như Đại học Christ. Buổi đối thoại giữa VASS, ICWA và NIAS gồm hai phiên và tập trung thảo luận vị trí và vai trò của Ấn Độ, Việt Nam và trật tự thế giới đang nổi lên; về hợp tác song phương Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực quốc phòng, kinh tế, hoa học và công nghệ. Các học giả nhấn mạnh, cùng với sự nâng cấp trong quan hệ chính trị - ngoại giao lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trên các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, khoa học công nghệ cũng có nhiều bước tiến. Hợp tác kinh tế trên đà phát triển tốt, nhất là từ năm 2016. Về khoa học công nghệ, hai nước đã ký kết hiệp định hợp tác khoa học công nghệ từ năm 1978. Trong khuôn khổ hợp tác song phương, Ấn Độ đã giúp Việt Nam nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đầu tư vào các công viên phần mềm, trung tâm công nghệ của Việt Nam. Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng rất sâu sắc, thể hiện “lòng tin chiến lược” giữa hai nước.
Tuy nhiên, các học giả chia sẻ quan điểm cho rằng, hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ và quốc phòng còn những hạn chế nhất định. Cơ cấu kinh tế giống nhau của Việt Nam và Ấn Độ, những nước có thu nhập trung bình 2,500 USD có khó khăn khi hợp tác với nhau. Sự chênh lệch về trình độ khoa học và công nghệ cũng làm cho hai phía chưa thể hợp tác hiệu quả. Trong khi Ấn Độ là một trong những nước hàng đầu về khoa học và công nghệ thì Việt Nam vẫn là một nước có trình độ khoa học công nghệ tương đối thấp.
Các học giả tại Đối thoại với NIAS cho rằng, (1) Việt Nam và Ấn Độ cần thiết lập những kết nối thể chế tích cực hơn. Mặc dù được cho là mối quan hệ “như bầu trời không một gợn mây” nhưng hai nước chưa thành công trong thúc đẩy quan hệ thương mại và phát triển. (2) Cần thúc đẩy hợp tác ba bên giữa Việt Nam - Ấn Độ và Nhật Bản khi cả Việt Nam và Ấn Độ đều có mối quan hệ tốt với Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác ba bên giữa Việt Nam - Ấn Độ và Nga khi Việt Nam và Ấn Độ chia sẻ nhiều công nghệ của Nga. (3) Việt Nam và Ấn Độ có những lĩnh vực có sự khác biệt lớn như công nghệ cao, công nghệ quốc phòng, sự phát triển của tên lửa. Ấn Độ, đặc biệt Bengaluru, là nơi tập trung những bộ óc giỏi nhất. Nếu có thể khai thác tốt những khác biệt, hợp tác song phương sẽ không dừng ở con số nhỏ bé như hiện nay mà sẽ tăng lên nhiều. (4) Hai nước cần thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, chia sẻ thông tin về các nguy cơ đối với an ninh mạng, chia sẻ thông tin và hợp tác trong quản lý thiên tai. (5) Ngành công nghiệp tái tạo cũng là lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác cho hai nước. (6) Một số học giả Ấn Độ cho rằng, Việt Nam nên mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào công nghệ mới tại các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (7) NIAS là nơi tập trung những chuyên gia hàng đầu về khoa học và công nghệ của Ấn Độ. VASS có thể giúp kết nối NIAS với Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch đã trao tặng các cơ quan, tổ chức nghiên cứu của Ấn Độ một số ấn phẩm khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Hằng Nga