15/07/2019
Ngày 15/07/2019, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề "Chiến lược vành đai con đường của Trung Quốc với các nước trong khu vực". Hội thảo có sự tham gia của các đại diện của Đại sứ quán Ấn Độ và Sri Lanka, cùng nhiều chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc với Ấn Đô, Việt Nam… cả trong và ngoài Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, như GS Srikanth Kondapalli (Đại học Jawaharlal Nehru, Delhi) một trong những chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc học của Ấn Độ; GS Đỗ Tiến Sâm (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc); TS. Nguyễn Xuân Cường (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc); PGS.TSKH Võ Đại Lược (nguyên Viện trưởng Viện NC Kinh tế Chính trị thế giới); Ông Nguyễn Vinh Quang (Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng)...
Sau bài phát biểu khai mạc của PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, GS Srikanth Kondapalli đã trình bày báo cáo về “Sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc”, đề cập đến những nỗ lực thực hiện sáng kiến trong suốt 6 năm qua, và tác động tới các quốc gia là đối tác với Trung Quốc. Ông đã nêu rõ quan điểm từ phía Ấn Độ đối với “Chiến lược Vành đai và Con đường” cũng như tác động từ các tình hình nội bộ Trung Quốc tới quan hệ song phương Trung Quốc - Ấn Độ. GS. Đỗ Tiến Sâm đã phát biểu báo cáo về Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc và sự tham gia của Việt Nam, trong đó nêu những kết quả bước đầu và sự quan điểm của Việt Nam về sự tham gia trong sáng kiến này. PGS.TSKH Võ Đại Lược phân tích những bối cảnh và đặc điểm của “Chiến lược vành đai và con đường” và những thách thức đối với các nước tham gia nhận đầu tư qua các dự án từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Vinh Quang đã đưa ra những quan điểm về sáng kiến nay, trong tư tưởng của Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng như thách thức mà Trung Quốc và các nước nhận viện trợ hiện phải đối mặt.
Trong phiên họp buổi chiều, GS. Srikanth Kondapalli trình bày báo cáo khoa học về quan hệ song phương Trung Quốc, Ấn Độ. Ông đề cập tới điểm nổi bật trong chính sách của hai bên là gắn kết và giữ nguyên hiện trạng. Về lâu dài chính sách giữ nguyên hiện trạng sẽ không còn phù hợp. Bên cạnh đó, cả hai nước cũng đều theo đuổi cân bằng quyền lực, và kiềm chế lẫn nhau. Ấn Độ cho rằng mình đang bị Trung Quốc kiềm chế thông qua việc chuyển giao vũ khí cho Pakistan, còn Trung Quốc lại cho rằng Ấn Độ đang xích lại gần Mỹ để kiềm chế Ấn Độ. Học thuyết hạt nhân của Ấn Độ là để ngăn chặn Pakistan và thuyết phục Trung Quốc. Mặt khác Ấn Độ đang xây dựng hệ thống tên lửa tầm xa (từ 5000km đến 7000km, nghĩa là Trung Quốc có thể rơi vào tầm ngắm), chuyển từ chính sách thuyết phục sang ngăn chặn Trung Quốc. Chính sách của Trung Quốc nhằm mục đích giữ Ấn Độ trong cái hộp Nam Á.
Trung Quốc đang tiếp tục tiến hành chính sách gắn kết, thể hiện trong lĩnh vực ngoại giao nhân dân và du lịch. Quan điểm của quân đội Trung Quốc cũng là quan điểm nổi trội của phía Trung Quốc đối với Ấn Độ. Thủ tướng Modi đến thăm Trung Quốc vào tháng 5/2015. Mâu thuẫn biên giới trong quan hệ Ấn Độ Trung Quốc, kéo dài 36 năm đàm phám nhưng chưa đạt được kết quả. Dự kiến khoảng 15 – 20 năm nữa vấn đề này mới có sự tiến triển.
Trong cả hai phiên họp của Hội thảo, nhiều phát biểu có giá trị khoa học được các học giả khác nêu lên, phân tích những tác động tích cực và thách thức. nguy cơ từ “Chiến lược Vành đai con đường” của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hội thảo kết thúc vào 15h30 phút cùng ngày.
Thủy Nguyên