16/05/2019
Chiều ngày 16/05/2019, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã tổ chức Buổi toạ đàm khoa học về chủ đề “Bầu cử Ấn Độ 2019: Một số phân tích và đánh giá”, với sự tham gia của TS. Tôn Sinh Thành, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; TS. Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; TS. Lê Hằng Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á và toàn thể cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
Toàn cảnh Buổi toạ đàm khoa học ngày 16/05/2019
Sau khi Ths. Nguyễn Lê Thy Thương và Ths. Nguyễn Thị Oanh trình bày 02 chuyên đề “Nguyên tắc tổng tuyển cử của Ấn Độ, một số so sánh với Mỹ” và “Các yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý của cử tri trong cuộc bầu cử”, Nguyên Đại sứ Tôn Sinh Thành dã thuyết trình về “Một số đánh giá,phân tích về bầu cử Ấn Độ, quy mô đánh giá và tác động”.
ThS. Nguyễn Lê Thy Thương và ThS. Nguyễn Thị Oanh (từ trái sang) trình bày tại Toạ đàm
Trong bài trình bày của mình, ThS. Nguyễn Lê Thy Thương đề cập tới những thông tin khái quát về hệ thống bầu cử hệ thống chính trị, quá trình bầu cử, ngân sách vận động tranh cử, động cơ vận động tranh cử của Mỹ và Ấn Độ. Từ đó, rút ra kết luận rằng: mỗi hệ thống đều có tính ưu việt riêng, như đặc điểm nền bầu cử Ấn Độ khiến người dân muốn bầu Đảng lãnh đạo hạ viện và thủ tướng, họ cần bầu cho thành viên của để Đảng đó, dù việc ứng viên đó có phù hợp hay không; trong khi đó, hệ thống bầu cử qua đại cử tri của Mỹ khiến các Đảng muốn thắng lợi thì cần có những chiến lược phù hợp...
Tiếp theo, ThS. Nguyễn Thị Oanh nêu lên các yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý của cử tri trong cuộc bầu cử, gồm có: yếu tố phát triển kinh tế, vấn đề thách thức, mức độ hài lòng của người dân về tình hình nghề nghiệp, vấn đề an ninh, chủ nghĩa dân tộc. Từ những yếu tố này, ThS. Oanh bàn luận về khả năng 3 kịch bản cho kết quả bầu cử Ấn Độ: Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) giành chiến thắng, Đảng Quốc Đại giành chiến thắng hoặc khả năng quốc hội “treo”.
Nguyên Đại sứ Tôn Sinh Thành và PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung tại Toạ đàm
Phát biểu trong Toạ đàm khoa học, Nguyên Đại sứ Tôn Sinh Thành đã đưa ra những đánh giá và phân tích quy mô và tác động của cuộc bầu cử Ấn Độ. Theo đại sứ, cuộc bầu cử của Ấn Độ có quy mô của nền dân chủ lớn nhất thế giới, thể hiện cao nhất tính dân chủ của người dân, với số lượng Đảng chính trị tham gia lớn (50 đảng). Tại Ấn Độ, Cơ quan bầu cử, cơ quan kiểm toán, Toà án là 3 cơ quan hoạt động có tính độc lập tạo sự chính xác cao trong quá trình bầu cử. Đại sứ cũng chia sẻ về những kinh nghiệm của các cuộc bầu cử trong quá khứ và 3 khả năng về kết quả bầu cử, ông cho rằng mọi khả năng đều có thể xảy ra.
Tham gia chia sẻ ý kiến trong toạ đàm, TS. Võ Xuân Vinh cho biết quan điểm về đặc điểm của 2 Đảng lớn BJP và Đảng Quốc Đại. Ông cho rằng, cả Đảng BJP và Đảng Quốc đại đều có những ưu điểm và điểm yếu khác nhau để giành chiến thắng. Đảng BJP đã giúp đưa nền kinh tế Ấn Độ phát triển với tốc độ cao (7%), và hình tượng Modi nhận được nhiều ủng hộ của tầng lớp thanh niên, người trẻ, và nhiều doanh nghiệp Ấn Độ. Tuy nhiên, Đảng này có một điểm yếu là vấn đề tỉ lệ thất nghiệp lớn và từng bị cáo buộc che giấu các thông tin này. Đảng Quốc đại, sau một thời gian trở lại với hình tượng tích cực hơn, được coi là đối thủ nặng ký của Đảng BJP, họ dựa vào sự ủng hộ của tầng lớp người dân nghèo và Hội sinh viên toàn Ấn. Điểm yếu của Đảng Quốc đại là hệ thống gia đình trị có thể gây quan ngại về việc chỉ định các vị trí chính trị sau này.
Bên cạnh đó, Tọa đàm nhận được nhiều chia sẻ của các cán bộ nghiên cứu trong Viện từ góc độ văn hóa và quan điểm của người dân tại Ấn Độ. Buổi tọa đàm đã diễn ra thành công, thu được nhiều thông tin bổ ích.
Thuỷ Nguyên