11/09/2018
Ngày 10/9/2018, Trung tâm văn hóa Swami Vivekananda, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 125 năm bài phát biểu tại Chicago của Đại sư Vivekananda.
Buổi Lễ có sự tham dự của Ngài M.J. Akbar, Quốc Vụ Khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Ngài P. Harish, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, nhiều cán bộ, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên các cơ quan như Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ Tp. Hà Nội…
Tại buổi Lễ, Ngài M.J. Akbar đã đề cập tới sự gắn kết trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên nền tảng tư tưởng của những con người vĩ đại như Đại sư Vivekananda, Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhấn mạnh những ảnh hưởng to lớn của Đại sư Vivekananda đối với đối với việc truyền bá thông điệp về văn hóa Ấn Độ và Hindu giáo trên toàn cầu; khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ thanh niên Ấn Độ tinh thần phụng sự dân tộc và quê hương. Ngài M.J. Akbar cũng nhắc lại những lời giáo huấn cao đẹp của Đại sư, về sự yêu thương con người, khoan dung tôn giáo, tôn trọng nữ giới, nhấn mạnh vai trò của sự thực hành… Ngài M.J. Akbar cũng dành những lời ca ngợi đối với Chính phủ hiện tại ở Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi đã đưa những thông điệp cao cả của Đại sự Vivekananda vào chính sách của nhà nước...
Đại sư Vivekananda sinh ngày 12/1/1863, mất ngày 4/7/1902, là nhà triết học Hindu vĩ đại. Cuộc đời và những bài giảng của ông đã có ảnh hưởng lớn đến những vĩ nhân, trong đó có Rabindranath Tagore và Mahatma Gandhi.
Dưới đây là phần Việt dịch của bài phát biểu nổi tiếng của Đại sư Vivekananda tại Hội nghị Tôn giáo Thế giới Chicago năm 1893:
Thưa những người anh chị em Hoa Kỳ,
Trái tim tôi ngập tràn niềm vui khôn tả trước sự đón tiếp nồng ấm và thân tình mà các bạn dành cho chúng tôi. Tôi xin cảm ơn các bạn nhân danh tăng đoàn của những tu sĩ cổ xưa nhất trên thế giới, nhân danh mẹ của các tôn giáo và nhân danh triệu triệu người Hindu thuộc tất cả mọi tầng lớp và giáo phái.
Tôi cũng xin được cảm ơn một vài diễn giả tại diễn đàn này, những người mà khi nhắc tới các đại biểu đến từ phương Đông, đã nói với các bạn rằng những con người này đến từ những đất nước xa xôi hẳn mang trong mình niềm vinh hạnh khi đem ý tưởng về lòng khoan dung tới chia sẻ ở những miền đất khác. Tôi tự hào thuộc về một tôn giáo đã dạy thế giới cả về lòng khoan dung và sự chấp nhận quảng đại. Chúng tôi không chỉ tin tưởng vào lòng khoan dung quảng đại mà chúng tôi thực sự chấp nhận tất cả các tôn giáo là chân lý. Tôi tự hào thuộc về một đất nước đã che chở cho những người bị đàn áp và những người tị nạn đến từ mọi tôn giáo, mọi dân tộc trên trái đất này. Tôi tự hào nói với các bạn rằng, chúng tôi mang trong mình những gì thuần khiết nhất còn sót lại của người Do Thái cổ, những người đã tới miền nam Ấn Độ và nương náu với chúng tôi trong những năm tháng mà đền thờ thánh của họ bị phá vỡ thành từng mảnh bởi chế độ độc tài La Mã. Tôi tự hào thuộc về tôn giáo đã che chở và vẫn đang nuôi dưỡng phần còn sót lại của dân tộc Hỏa giáo huy hoàng. Tôi sẽ trích dẫn cho các bạn, những người an hem, một vài dòng từ bài thánh ca mà tôi nhớ đã vang lên suốt những ngày tôi còn thơ bé, và giờ đây vẫn đang được ca vang mỗi ngày bởi hàng triệu triệu con người: “Bởi những con suối có mạch nguồn khác nhau rồi sẽ đều xuôi về biển cả, nên, hỡi Thượng Đế, những con đường khác biệt mà chúng con đang chọn đi, dẫu trông có ra sao, quanh co hay thẳng tắp, tất cả rồi sẽ đều dẫn tới Người”.
Hội nghị đang diễn ra này, một trong những Hội nghị tối cao nhất từng được tổ chức, tự nó là một minh chứng, một tuyên bố với thế giới về giáo lý tuyệt vời được rao giảng trong Chí Tôn Ca (Gita): “Bất cứ ai đến với Ta, dù dưới bất kỳ hình thức nào, Ta đều đón nhận; tất cả mọi người đang vật lộn trên những nẻo đường mà cuối cùng sẽ dẫn đến Ta”. Chủ nghĩa bè phái, sự cố chấp và hậu duệ khủng khiếp của nó là sự cuồng tín, từ lâu đã chiếm hữu trái đất xinh đẹp này. Chúng đã lấp đầy trái đất bằng bạo lực, liên tục tưới đẫm nó bằng máu người, phá hủy sự văn minh và đẩy tất cả các quốc gia, các dân tộc đến bờ tuyệt vọng. Nếu không phải vì những con quỷ khủng khiếp này, xã hội loài người đã tiến bộ hơn rất nhiều so với bây giờ. Nhưng thời gian của chúng đã hết; và tôi nhiệt thành hy vọng rằng, tiếng chuông vang lên vào buổi sáng nay để tôn vinh Hội nghị này sẽ là hồi chuông báo tử cho toàn bộ chủ nghĩa cuồng tín, cho mọi sự bức hại, khủng bố gây ra bởi thanh gươm hay ngòi bút, cũng như mọi cảm xúc nghiệt ngã, khắt khe giữa những con người đang trên đường cùng tiến tới một mục tiêu chung.
PV. Ngọc Sáng
Giới thiệu cuốn sách “Nữ giới Phật giáo với báo chí” (Chủ biên: TS. Ni sư Như Nguyệt, TS. Lê Thị Hằng Nga, TS. Trần Thanh Thủy)
Giới thiệu cuốn sách “Quan hệ giữa Ấn Độ với một số nước trong khu vực và hàm ý cho Việt Nam” (Chủ biên: Lê Thị Hằng Nga)
Giới thiệu cuốn sách “India – Vietnam Enhancing Partnership” (Co-editors: Jayachandra Reddy G & Nguyen Xuan Trung)
Giới thiệu cuốn sách “Nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam năm 2018: Những vấn đề văn hóa, xã hội và phát triển (Chủ biên: Trần Hoàng Long)