15/11/2013
Raksha Bandhan, được biết đến phổ biến với cái tên Rakhi, là một lễ hội được tổ chức để tỏ lòng tôn kính đối với mối quan hệ thiêng liêng và vô điều kiện giữa anh trai và em gái. Đó là một lễ hội cổ có từ thời Veda ở Ấn Độ, được tổ chức hàng năm vào ngày trăng tròn của tháng Shravan trong lịch Hindu (thường rơi vào Tháng 8 dương lịch). Năm nay, Lễ hội Raksh Bandhan sẽ được tổ chức tưng bừng ở Ấn Độ vào ngày 21 tháng 8.
Một nghi lễ quan trọng được thực hiện vào dịp lễ hội này là nghi lễ buộc sợi dây rakhi nhiều sắc màu của người em gái xung quanh cổ tay của người anh trai. Rakhi là sợi dây linh thiêng, biểu tượng cho tình cảm gắn bó giữa các anh chị em ruột.
Lễ hội bắt đầu bằng việc thực hiện nghi lễ aarti truyền thống (một nghi lễ tôn giáo trong đó ánh lửa từ ngọn bấc đặt trong cốc đựng ghee-một loại bơ sữa trâu lỏng, được dâng cúng cho một hoặc nhiều vị thần) và kết thúc bằng việc cầu nguyện. Ngoài ra, theo truyền thống, trong dịp lễ hội này, người anh trai sẽ dành tặng cho em gái nhiều món quà thú vị cùng với những lời hứa sẽ hướng dẫn và bảo vệ em gái trong suốt cuộc đời. Quà tặng có vai trò rất quan trọng và là bằng chứng của tình yêu thương và sự quan tâm.
Lễ hội Raksha Bandhan có màu sắc tôn giáo và có thể truy nguyên từ thần thoại và lịch sử Ấn Độ. Những ví dụ thú vị liên quan đến việc chào mừng lễ hội Raksha Bandhan cũng có thể được tìm thấy trong các văn bản cổ. Trong sử thi Mahabharata, có sự kiện xảy ra giữa Krishna và Draupadi, vợ của năm anh em Pandava, liên quan đến lễ hội Rakhi. Một lần, Draupadi xé một dải lụa từ tấm sari của mình và buộc nó vào cổ tay Krishna để cầm máu cho chàng vì một vết thương trong cuộc chiến. Krishna đã xúc động về hành động này và tuyên bố cô là em gái của mình, mặc dù họ không có quan hệ ruột thịt. Chàng hứa sẽ trả ơn cô và sau đó đã dành 25 năm tiếp theo để làm điều đó. Draupadi, mặc dù kết hôn với 5 chàng chiến binh dũng cảm và là con gái của một quốc vương hùng mạnh nhưng nàng rất tin tưởng và hoàn toàn phụ thuộc vào Krishna.
Trong thời hiện đại, Lễ hội Rakhi còn mang những hàm ý khác. Vào năm 1905, khi thực dân Anh quyết định chia cắt xứ Bengal ở phía Đông Ấn trên cơ sở đẳng cấp và tôn giáo, Rabindranath Tagore đã tổ chức một nghi lễ chào mừng ngày Raksha Bandhan nhằm thúc đẩy mối quan hệ yêu thương và gắn bó giữa những người Hindu và Hồi giáo của Bengal và thúc giục họ cùng phối hợp để đấu tranh chống lại đế chế Anh. Tagore đã sử dụng diễn đàn của Raksha Bandhan để mở rộng tình cảm huynh đệ trong cộng đồng. Theo Tagore, Rakhi không chỉ là một lễ hội của anh chị em ruột mà còn là một lễ hội của toàn nhân loại. Trên tinh thần của Raksha Bandhan, ông đã phát triển khái niệm về sự đoàn kết và hài hòa giữa tất cả các thành viên trong xã hội. Ông tin rằng trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội là giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau.
P.V
Giới thiệu cuốn sách “Nữ giới Phật giáo với báo chí” (Chủ biên: TS. Ni sư Như Nguyệt, TS. Lê Thị Hằng Nga, TS. Trần Thanh Thủy)
Giới thiệu cuốn sách “Quan hệ giữa Ấn Độ với một số nước trong khu vực và hàm ý cho Việt Nam” (Chủ biên: Lê Thị Hằng Nga)
Giới thiệu cuốn sách “India – Vietnam Enhancing Partnership” (Co-editors: Jayachandra Reddy G & Nguyen Xuan Trung)
Giới thiệu cuốn sách “Nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam năm 2018: Những vấn đề văn hóa, xã hội và phát triển (Chủ biên: Trần Hoàng Long)