13/11/2020
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), sáng ngày 12/11/2020, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Hàn lâm tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Cạnh tranh chiến lược Ấn Độ - Trung Quốc và tác động đối với các nước” nhằm nhận diện những nguyên nhân, bản chất, nội dung và phương thức của cạnh tranh chiến lược Ấn Độ- Trung Quốc; tác động của sự cạnh tranh đối với các nước, từ đó dự báo những kịch bản có khả năng xảy ra, từ đó đưa ra những hàm ý cho Việt Nam trong việc hoạch định chính sách với các quốc gia liên quan.
Tham dự Hội thảo về phía các đại biểu quốc tế có Bà Alita Doquangkeomany, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán CHDCND Lào tại Hà Nội; Ông Mohammad Nazar Rebin, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội; Bà Prasadi Boomawalage, Bí thư thứ ba, Đại sứ quán Sri Lanka tại Hà Nội. Về phía Viện Hàn lâm có GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng; TS. Lê Thị Hằng Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á; PGS.TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an và đại diện đến từ Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an; Vụ Trung Đông- Châu Phi, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng… và đại diện lãnh đạo đến từ các viện nghiên cứu thuộc khối quốc tế Viện Hàn lâm.
Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia đông dân nhất thế giới, cường quốc ở Châu Á cùng thay nhau chiếm giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Sự trỗi dậy mạnh mẽ và ổn định của nền kinh tế đã góp phần quan trọng làm gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia của hai cường quốc lên tầm cao mới và vị thế mới trên thế giới và khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Bên cạnh sự hợp tác về phát triển kinh tế thì cả hai cường quốc láng giềng đều tìm kiếm những phương thức chiến lược để gia tăng ảnh hưởng và lợi ích của mình. Cuộc đua tranh ảnh hưởng diễn ra toàn diện, gia tăng ảnh hưởng và lợi ích của mình. Cuộc đua tranh ảnh hưởng diễn ra toàn diện, gia tăng về cường độ trên các lĩnh vực: chính trị- ngoại giao, an ninh – quốc phòng, thương mại, năng lượng. Hai cường quốc đều mong muốn tranh giành ảnh hưởng nhằm kiềm chế lẫn nhau, khiến các quốc gia nhỏ phải ứng phó trước những biến động phức tạp và vô số thách thức để tạo thế đứng cân bằng, tối đa hóa lợi ích của mình.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ của các đại biểu tham dự; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề hội thảo; phân tích những đặc điểm nổi bật trong mối quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc cũng như chiến lược cạnh tranh giữa hai nước. Từ đó GS Phó Chủ tịch đã đưa ra giả thuyết trong cuộc cạnh tranh này và cơ hội, thách thức sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia xung quanh. Những cơ hội và thách thức trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh sẽ tạo ra những liên minh kinh tế mới và một trật tự mới dựa trên luật lệ và pháp quyền là những điều mà các quốc gia như Việt Nam mong mỏi. Đặc biệt, cuộc cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung sẽ góp phần đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương, mở rộng các cơ hội hợp tác thương mại và đa dạng hoá hệ thống luật lệ, thể chế. Do đó đối với mỗi quốc gia, cần đưa ra những lựa chọn phù hợp nhưng không phải là lựa chọn đứng về bên nào, mà lựa chọn hợp tác trên những khía cạnh nào để phục vụ hiệu quả nhất cho lợi ích quốc gia trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. PGS Phó Chủ tịch mong muốn hội thảo sẽ đóng góp những đề xuất thiết thực để các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam sẽ định vị được chỗ đứng, tối đa hóa lợi ích của mình trước những tác động tích cực và tiêu cực của bối cảnh mới.
Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung đã phân tích sâu sắc hiện tượng cạnh tranh chiến lược trong quan hệ quốc tế (Ấn Độ - Trung Quốc) về nguyên nhân, bản chất, không gian cạnh tranh, tác động và dự báo xu hướng cạnh tranh giữa từ nay đến năm 2030. Đặc biệt, năm 2020, cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung đứng trước những bước ngoặt mới, tác động của đại dịch Covid-19, cuộc đụng độ ở khu vực biên giới giữa hai nước vào giữa năm 2020 đã khiến cho những vấn đề còn chưa có lời giải, cạnh tranh trong quan hệ Ấn – Trung bị đẩy lên một tầng nấc mới. Diễn biến này tác động đến toàn bộ cục diện chính trị- an ninh thế giới trong đó có khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, PGS Viện trưởng cũng nhấn mạnh đến mối tương quan trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ - Trung Quốc và đưa ra những nội dung cần tập trung thảo luận tại Hội thảo:
1/ Những lý luận chung về cạnh tranh, cạnh tranh chiến lược, sự khác nhau giữa cạnh tranh chiến lược và các loại hình/ phương thức cạnh tranh chiến lược.
2/ Cơ sở hình thành của cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung: mục tiêu, lợi ích, nguyên nhân, bản chất của cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung.
3/ Các nội dung chính của cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung trên các lĩnh vực: chính trị, an ninh, kinh tế, khoa học – công nghệ, năng lượng, sức mạnh mềm văn hóa…; kết quả của sự cạnh tranh chiến lược Ấn- Trung.
4/ Tác động tích cực và tiêu cực của cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung đối với Ấn Độ, Trung Quốc và các nước có liên quan.
5/ Phản ứng chính sách và đề xuất giải pháp cho các quốc gia chịu ảnh hưởng của cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung
6/ Những hàm ý chính sách đối với Việt Nam trước sự cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung.
Hội thảo nhận được 06 tham luận, được chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung vào những vấn đề nghiên cứu về cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung và tác động đến các khu vực (Trung Đông – Châu Phi)…và những vấn đề mới trong sự thay đổi chính quyền ở Mỹ sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của Mỹ- Ấn Độ và Trung Quốc và ảnh hưởng đến sự định hình trật tự của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích cho các nhà khoa học, nhà ngoại giao và các học giả trao đổi, bàn luận về cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung. Qua đó, đưa ra những kiến nghị, hàm ý chính sách đối với các nước liên quan, đặc biệt là Việt Nam nhằm tận dụng những tác động tích cực, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Xem thêm tại
Source: https://vass.gov.vn/