04/09/2020
Ngày 03/09/2020, trong khuôn khổ chương trình tọa đàm khoa học định kỳ của Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề đề: “Cải cách quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi” tại Hội trường tầng 7, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, do ThS. Nguyễn Đắc Tùng, Nghiên cứu viên, phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa trình bày.
Tham dự buổi Tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Xuân Trung, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á cùng đông đảo các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
Báo cáo viên: Nguyễn Đắc Tùng
Tại buổi Tọa đàm, báo cáo viên Nguyễn Đắc Tùng đã tập trung trình bày về cải cách quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi thông qua 3 nội dung chính: Những nhân tố tác động đến cải các quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi; Nội dung cải cách quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi; Đánh giá cải các quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi.
Trong phần những nhân tố tác động đến cải các quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi, trong phần này tác giả làm rõ những nhân tố bên trong như tình hình quốc phòng của Ấn Độ hiện nay, tham vọng trở thành nước lớn của Ấn Độ và nhân tố bên ngoài như nhân tố Mỹ, Trung Quốc và Pakistan tác động đến cải cách quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi.
Các cải cách quốc phòng của Ấn Độ trước thời Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi tỏ ra chậm chạp và không hiệu quả, đòi hỏi Ấn Độ cần phải tiến hành cải cách quốc phòng. Theo nhà phân tích quân sự V.K. Kapoor: Các biện pháp cải cách cơ cấu quân đội Ấn Độ rất cần thiết. Từ khi Ấn Độ độc lập hơn 70 năm trước đến nay, cơ cấu của quân đội Ấn Độ cơ bản đã tiếp tục cơ cấu tổ chức của quân đội hoàng gia Anh. Rất nhiều cơ quan của Lục quân Ấn Độ đều là mô phỏng, cần cải cách gấp.
Trong phần nội dung cải cách quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi; phần này làm rõ mục tiêu cải cách quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi và nội dung cải cách quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi như việc Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi lần đầu tiên bổ nhiệm Tham mưu trưởng quân đội để đẩy mạnh việc cải tổ quân đội, tăng cường sự phối hợp giữa ba lực lượng vũ trang hải - lục - không quân trong quân đội Ấn Độ, cải cách công nghiệp quốc phòng.
Vai trò chính của các lực lượng vũ trang Ấn Độ là bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược từ bên ngoài và những xáo trộn bên trong. Để thực hiện cam kết này, lực lượng vũ trang phải cải cách quốc phòng để tích hợp cả ba lực lượng hải, lục, không quân tăng cường sự phối hợp chiến đấu, đảm bảo rằng không có tình trạng huynh đệ tương tàn. Ấn Độ là một quốc gia lớn thứ 7 thế giới và cải cách quốc phòng của Ấn Độ liên quan đến việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ: trên bộ, trên biển, trên không. Ấn Độ giáp 6 quốc gia là Pakistan, Nepal, Bhutan, Myanmar, Bangladesh và Trung Quốc. Vấn đề trở nên khó khăn hơn do địa hình đa dạng mà các lực lượng vũ trang phải làm việc và sự cần thiết phải trang bị và huấn luyện chúng cho phù hợp. Biên giới phía Tây có các sa mạc, phía Bắc nhiều ngọn núi và cao nguyên và biên giới phía đông có nhiều rừng rậm và sông. Ấn Độ có biên giới hàng hải 7.516 km và vùng đặc quyền kinh tế là 2.305.143 km2. Việc bảo vệ này là một trách nhiệm nặng nề và đòi hỏi một lượng lớn nguồn nhân lực và ngân sách quốc phòng lớn.
Chính phủ Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi đã ấn định các mục tiêu tham vọng cho ngành công nghiệp quốc phòng vốn đã tiến thêm một bước và khiến cho lực lượng vũ trang vốn ưu tiên các thiết bị nhập khẩu, không hài lòng. Việc tạo chức vụ tổng tham mưu trưởng quốc phòng có thể cho phép một sự điều phối tốt nhất giữa ba lực lượng hải-lục-không quân để xác định những nhu cầu và là chủ thể kết nối với các cơ quan chính phủ trong việc mua sắm vũ khí. Tính năng động này nhằm tiếp sức cho lĩnh vực quốc phòng qua việc sử dụng vốn đầu tư nước ngoài có thể khiến cho các cuộc cải cách trở nên không thích đáng với các điều kiện đặt ra cho việc chuyển giao công nghệ và hội nhập theo chiều sâu.
Cần thúc đẩy cỗ máy hành chính quan liêu dân sự hướng tới bảo vệ tổ hợp công nghiệp quân sự của nhà nước. Nếu không, một hướng đi khác được thúc đẩy, một chính sách nhằm tạo thuận lợi cho lĩnh vực tư nhân thiết lập một sự cạnh tranh với DPSU, thậm chí loại DPSU ra khỏi một số gói mời thầu, tuy nhiên cũng có thể gặp rào cản vì sự bất bình đẳng của luật chơi. Việc thực hiện các mục tiêu ấn định-giảm nhập khẩu, thông qua chương trình “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ), đồng thời xóa bỏ những cách làm xưa cũ trong quá khứ và tạo cho đất nước một nền tảng sản xuất đáng tin cậy về công nghệ và kinh tế, trở nên nổi tiếng trên thị trường quốc tế.
Phần thứ 3 là đánh giá cải các quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi. Phần này đánh giá những thành tựu và hạn chế về cải cách quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi.
So với các lần cải cách trước đây, đợt cải cách quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi lần này có quy mô lớn nhất và triệt để nhất, được thể hiện các điểm nổi bật là: Hệ thống chỉ huy tác chiến rút gọn từ 17 bộ chỉ huy xuống còn 6-9 bộ chỉ huy, (chuyển từ mô hình của Anh trước đây sang mô hình của riêng Ấn Độ). Điều chỉnh tỷ lệ quân số giữa các lực lượng, chuyển từ coi trọng Lục quân sang Hải quân, Không quân. Việc bổ nhiệm Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ là bước đầu tiên để chuyển đổi quân đội Ấn Độ từ một thế lực thành một cường quốc quân sự ở châu Á.
Dưới thời thủ Tướng Ấn Độ, Narendra Modi, cải cách quốc phòng của Ấn Độ đã bắt đầu được tiến hành và đạt được một số thành tựu, giúp tăng cường cả thế và lực của quân đội Ấn Độ không những trong khu vực mà còn trên thế giới. Tuy nhiên, cải cách quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi vẫn bộc lộ một số hạn chế như: diễn ra chậm do tồn tại một số hạn chế nhất định do bộ máy quan liêu cồng kềnh, ngân sách chi cho mua sắm vũ khí quá ít, cải cách công nghiệp quốc phòng vẫn còn chậm, phe đối lập trong nước phản đối...
Cuối cùng, bài báo cáo đi tới kết luận:
Phòng thủ chống lại sự xâm lược từ bên ngoài, đánh bại các thách thức bên trong và duy trì sự ổn định trong khu vực gần kề của Nam Á là ưu tiên cải cách quốc phòng của Ấn Độ. Dưới thời Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, cải cách quốc phòng của Ấn Độ đã đạt được một số thành tựu quan trọng, góp phần đưa Ấn Độ trở thành quốc gia có lực lượng quân hải, lục, không quân hiện đại, đứng thứ 2 châu Á, với việc lần đầu tiên bổ nhiệm Tham mưu trưởng quân đội góp phần tăng cường sự phối hợp chiến đấu của hải-lục- không quân, làm cho quân đội Ấn Độ từng bước có thể đủ sức chiến đấu trên cả 2 mặt trận (Trung Quốc, Pakistan).
Có thể nói, cải cách công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi à một nỗ lực rất lớn và định hướng đúng cho ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ vươn lên đáp ứng các yêu cầu về vũ khí, trang bị của lực lượng vũ trang. Đồng thời, đây được xem như một bước cải thiện căn bản khuôn khổ chính sách hiện hành để hỗ trợ cao hơn cho sản xuất quốc phòng nội địa, góp phần từng bước đưa Ấn Độ trở thành cường quốc trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh những thành tựu, cải cách quốc phòng của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi cũng bộc lộ một số hạn chế như bộ máy quan liêu cồng kềnh, cải cách triển khai chậm...Cải cách công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ: Xét về công nghệ, Ấn Độ chưa thể so sánh với các nước tiên tiến, đặc biệt là Mỹ, Anh, Pháp và Nga. Các nước này dành trên 10% ngân sách quốc phòng cho nghiên cứu và phát triển, trong khi Ấn Độ chỉ dành 6% (khoảng 2,2 tỷ USD). Bên cạnh đó, việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển cải cách quốc phòng của còn hạn chế và thiếu rõ ràng khi chưa quy định mức phần trăm doanh thu hoặc lợi nhuận dành cho nội dung này. Đồng thời, theo đánh giá, cải cách này còn thiếu một sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân cũng như cơ chế giám sát độc lập trong sản xuất quốc phòng... gây khó khăn cho việc đánh giá các tiến bộ trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm quốc phòng.
Author: Nguyễn Đắc Tùng