07/09/2020
Sáng ngày 07/09/2020, tại Hội trường 3C, Nhà B, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm khoa học do Ngài Pranay Verma, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam trình bày, với chủ đề “Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ và phản ứng của Ấn Độ trong đại dịch COVID 19”. Tọa đàm đã thu hút sự chú ý tham gia của nhiều nhà nghiên cứu và người quan tâm đến từ các đơn vị trong và ngoài Viện Hàn lâm cùng sự có mặt của đông đủ các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
Tại Tọa đàm, Ngài Pranay Verma, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam đã trình bày thông tin nội dung của Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ về Hợp tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học và Công nghệ vào ngày 25/8/2020 do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đồng chủ trì (phiên họp trực tuyến) cùng tham dự tại các đầu cầu Hà Nội và New Delhi có lãnh đạo và quan chức các bộ, ngành và Đại sứ hai nước.
Ngài Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của Kỳ họp đã góp phần rà soát việc triển khai quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện” trong hai năm qua (kể từ Kỳ họp thứ 16 tổ chức tháng 8/2018), và đề ra những biện pháp và phương hướng hợp tác mới cho giai đoạn tới, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1/2022). Bài trình bày đã thông tin chi tiết về những thành tựu trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong những năm gần đây, cơ hội hợp tác thời gian tới và những khó khăn thách thức cần tháo gỡ trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, hỗ trợ phát triển, văn hóa, y tế, giáo dục…
Về ứng phó với dịch Covid- 19, Ngài Pranay Verma chia sẻ Ấn Độ đang chịu ảnh hưởng nặng nề với hơn 4 triệu ca dương tính, đứng thứ 2 thế giới. Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra các biện pháp nhanh chóng và quyết liệt để hạn chế thiệt hại với mục tiêu giảm thiểu tử vong hết mức có thể. Các chính sách bao gồm: phong tỏa toàn quốc, xét nghiêm diện rộng (đến nay mỗi ngày tiến hành 1 triệu xét nghiệm, mở rộng cơ sở hạ tầng quy mô lớn dùng trong thời gian đại dich và để làm nền tảng chăm sóc sức khỏe trong tương lai; Nâng cao năng lực sản xuất thiết bị y tế: đáp ứng đủ nhu cầu trong nước một số mặt hàng đã có khả năng xuất khẩu…. Nhờ chính sách đúng đắn và kịp thời của chính phủ, Ấn Độ đã giữ tỷ lệ ca nhiễm và số ca tử vong trên trên dân số ở mức thấp so với trung bình của thế giới. Tỷ lệ người được chữa khỏi bệnh cao đã cung cấp kinh nghiệm lâm sàng phong phú cho Ấn Đô để đối phó với tình hình dịch bệnh. Năng lực sản xuất vắc xin của Ấn Độ được đánh giá cao khi có 2 vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm. Ấn Độ cũng đưa ra sáng kiến hợp tác với các nước Nam Á để cùng chung tay chống lại đại dịch này.
Đại dịch đã tác động mạnh làm suy giảm nền kinh tế thế giới nói chung. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để các quốc gia nâng cao khả năng tự cường tự lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ nước ngoài. Trong đại dịch, Ấn Độ đang định vị lại và tăng cường liên kết với chuỗi giá trị toàn cầu. Chính phủ tung gói kích thích kinh tế 300 tỷ USD (10% GDP); khởi động lại Chương trình cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Ấn Độ theo đuổi mục tiêu nâng cao phúc lợi và phát triển con người thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu kinh tế thông qua dự án an ninh lương thực lớn nhất thế giới (20 tỷ USD) – Chương trình thực phẩm phúc lợi cho người nghèo cung cấp thực phẩm cho hơn 800 triệu người; Chương trình phúc lợi cho ngươi nghèo cung cấp 6 tỷ USD vào tài khoản 300 triệu nông dân Ấn Độ; cung cấp các khoản vay mới trị giá 12 tỷ USD cho nông dân Ấn Độ.
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS) cảm ơn trình bày của ngài Đại sứ đã cung cấp thông tin rất cụ thể, chi tiết và hữu ích cho các nhà khoa học quan tâm đến Ấn Độ. PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung cũng đánh giá Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ là cuộc họp cực kỳ quan trọng đối với hai bên. Ngoài việc tổng kết thành tựu trong quan hệ hợp tác hai bên, cuộc họp này đã cụ thể hóa các hợp tác được lãnh đạo hai bên đã đã đưa ra trước đó, đưa ra được các cách thức để tháo gỡ các thách thức, khó khăn trong quan hệ hai nước và đưa ra các gợi mở cho thời gian tới. Ấn Độ đang khá thành công trong việc ứng phó với đại dịch và chính phủ Ấn Độ đã rất nỗ lực trong việc đề ra các chính sách ứng phó kịp thời với đại dịch này.
PGS. TS. Đỗ Đức Định, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, chia sẻ các nội dung trình bày rất là rộng và chi tiết, qua cuộc tọa đàm có thể hiểu rõ hơn về tình hình phát triển của Ấn Độ cũng như quan hệ Việt Nam – Ấn Độ trong thời gian gần đây. Về thương mại, Việt Nam Ấn Độ tăng nhanh lên hơn 12 tỷ USD là thành tựu lớn trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên bên cạnh đó còn nhiều khó khăn vướng mắc cản trở thương mại hai nước phát triển nhanh hơn nữa đặc biệt là các rào cản về thuế quan hai nước. Để thúc đẩy quan hệ thương mại trong thời gian tới, hai nước cần thúc đẩy đổi mới cơ chế hợp tác trong khuôn khổ FTA giữa Ấn Độ và ASEAN nên phải đẩy nhanh đổi mới cơ chế hợp tác. Bên cạnh đó, PGS.TS Đỗ Đức Định cũng muốn ngài Đại sứ làm rõ hơn về ảnh hưởng của chính sách, chiến lược phát triển kinh tế mỗi quốc gia ảnh hưởng nhiều đến cơ chế hợp tác hai nước. Ví dụ trước khi cải các kinh tế hai nước Việt Nam, Ấn Độ đều ít hợp tác với bên ngoài. Sau khi hai nước tiến hành cải cách thì quan hệ hai nước tiến triển rất nhanh.
PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, bày tỏ tin tưởng vào việc Ấn Độ sẽ kiểm soát được đại dịch. PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng đưa ra câu hỏi cho ngài đại sứ về nguyên nhân nào đang cản trở quan hệ hai nước chưa phát triển đúng tiềm năng và còn nhiều vấn đề vướng mắc trong quan hệ hai nước không được giải quyết kịp thời. Các cơ chế được đánh giá về hiệu quả của hợp tác giữa hai nước về một số lĩnh vực như: hỗ trợ phát triển, đào tạo… đã thực sự hiệu quả hay không?
PGS.TS. Đinh Công Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Trường ĐH Đại Nam, cảm ơn bài trình bày của ngài Đại sứ đã giúp hiểu rõ hơn về sự phát triển của Ấn Độ và cách Ấn Độ ứng phó với đại dịch. Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có mối quan hệ truyền thống và niềm tin chiến lược sâu sắc. Tuy nhiên quan hệ kinh tế hai nước hiện vẫn chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp này. Việc quan trọng trong thời gian tới là tìm các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để nâng cao kim ngạch thương mại song phương.
Đề cập đến các lĩnh vực hợp tác cụ thể, Bà Phan Lan Tú, Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội đã đưa ra câu hỏi cho ngài đại sứ về các biện pháp để thúc đẩy hợp tác hai nước về dược phẩm và du lịch và hỗ trợ học bổng đến nhiều các đối tượng không thuộc biên chế nhà nước.
Ngài đại sứ đã phản hồi các câu hỏi của các nhà khoa học cũng như cung cấp thêm thông tin chi tiết hơn về những lĩnh vực hợp tác hai nước được các học giả quan tâm. Đại sứ cũng nhấn mạnh trong bối cảnh địa chính trị mới, hợp tác Việt Nam Ấn Độ đã có rất nhiều phát triển và gặp nhiều khó khăn vướng mắc mới. Tuy nhiên, chính phủ, các bộ ban ngành hai nước đang rất nỗ lực giải quyết thông qua các cơ chế hợp tác để quan hệ Việt Nam Ấn Độ phát triển hơn nữa. Ngài đại sứ cũng hi vọng sẽ có nhiều cuộc tọa đàm trong thời gian tới đề cung cấp thêm nhiều thông tin hơn nữa.
Có thể thấy, với nội dung của buổi toạ đàm, các nhà khoa học đã có thêm nhiều thông tin và cùng nhau thảo luận sâu được rất nhiều nội dung có liên quan. Vui mừng trước kết quả đạt được, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung đã đánh giá cao nội dung buổi tọa đàm và cho rằng các trao đổi đã góp phần bổ nâng cao hiểu biết về mối quan hệ Việt Nam – Ấn Độ, cách thức Ấn Độ đói phó với đại dịch Covid -19. Qua đó các học giả sẽ góp phần để thúc đẩy mối quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp hơn.
Author: Nguyễn Trung Đức