13/01/2020
Ngày 13/1/2020, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á kết hợp với Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Swami Vivekananda tổ chức Tọa đàm khoa học nhân kỷ niệm “157 năm ngày sinh Đại sư Swami Vivekananda” (1863-2020).
Tọa đàm có sự tham gia của các khách mời từ Hội Hữu nghị Việt - Ấn, TP. Hà Nội, bà Phan Lan Tú - Chủ tịch, bà Hoàng Thị Minh Hiền Tổng thư ký; Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Độ, Đại học Đà Nẵng. Về phía Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, có PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng và các nghiên cứu viên của Viện.
Chương trình bao gồm triển lãm sách và tranh về cuộc đời và ảnh hưởng của Đại sư Swami Vivekananda. Trước khi TĐKH bắt đầu, các khách mời tham gia chương trình đã làm lễ dâng hoa cho Đại sư Swami Vivekananda.
TĐKH bao gồm 2 báo cáo của TS. G.B. Harisha, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Swami Vivekananda và cũng là tác giả của cuốn sách về Đại sư Swami Vivekananda và TS Lê Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Nghiên cứu Lịch sửVăn hóa , Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
Bài báo cáo của TS.G.B. Harisha giới thiệu về cuộc đời và những đóng góp của Đại sư đối với quá trình giành độc lập của Ấn Độ. Đại sư Swami Vivekananda là một trong những triết gia, nhà tư tưởng lớn của Ấn Độ. Ông đã để lại di sản là những giá trị tư tưởng về sự thật, đạo đức, tinh thần bất bạo động, chủ nghĩa dân tộc và Hindu giáo. Những bài giảng của ông đã trở thành cảm hứng, ảnh hưởng tới những nhà chính trị và nhiều nhân cách vĩ đại của Ấn Độ như nhà thơ Tagore, Gandhi… Ông là người đã đi tới những vùng đất khác nhau tại Ấn Độ (khi đó chia tách thành các quốc gia nhỏ khác nhau) và tập hợp những nhà vua của những vùng đất đó, để chiến đấu chống lại chế độ thực dân Anh thời bấy giờ.
Báo cáo của TS. Lê Thị Hằng Nga về trải nghiệm của Đại sư Swami Vivekananda trong thời gian ông đi tới các nước phương Tây. TS. Lê Thị Hằng Nga đã chia sẻ về sự truyền bá của Ấn Độ giáo (văn hóa Ấn Độ) ở phương Tây thông qua các chuyến đi của Swami Vivekananda đến phương Tây. Đại sư Swami Vivekananda đã "đi về phía Tây" hai lần, lần thứ nhất (năm 1893 đến 1896) và lần thứ hai (từ năm 1899 đến 1900). Vào thời cổ đại, văn hóa Ấn Độ tương tác với văn hóa Hy Lạp và để lại dấu ấn đậm cho đến bây giờ. Vào cuối thế kỷ 19, Ấn Độ giáo đã theo Swami Vivekananda đến Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, mở ra một cuộc trao đổi Đông-Tây mới. Sau khi hoàn thành một chuyến đi vòng quanh Ấn Độ, ông đi du lịch đến phương Tây. Swami Vivekananda đã truyền nhiều cảm hứng và trở nên nổi tiếng ở phương Tây trong thập kỷ cuối của thế kỷ 19 và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20. Cuộc đời và giáo lý của ông là sự giao hòa giữa Đông và Tây. Ông trở nên nổi tiếng tại Hội nghị tôn giáo được tổ chức tại Chicago vào năm 1893, tại đó ông đại diện, trình bày về Ấn Độ giáo. Vivekananda mang thông điệp phổ quát của Vedanta đến phương Tây, và đồng thời truyền lại các giá trị tinh thần cổ xưa của Vedanta vào sức mạnh sáng tạo, tính năng động của phương Tây.
Cuộc đời và sự nghiệp của đại sư Swami Vivekananda đã được biết tới trên toàn thế giới, Tờ New York Herald cho rằng: “Ông chắc chắn là nhân vật vĩ đại nhất trong Hội nghị tôn giáo”. Đại sư Vivekananda được coi là vị thánh yêu nước của Ấn Độ hiện đại và là người truyền cảm hứng cho chủ nghĩa. dân tộc, tinh thần bất bạo động. Ngày nay, Swami Vivekananda tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ người Ấn Độ, đặc biệt là giới trẻ. Ngày sinh của ông được chọn là ngày Thanh niên quốc gia từ năm 1984.
Sau 2 bài báo cáo, các khách mời tham dự chia sẻ ý kiến của mình về những ảnh hưởng của tư tưởng về tôn giáo, lẽ phải đối với Ấn Độ và sự liên hệ giữa những quan điểm này trong Hindu giáo và Phật giáo, và các tôn giáo khác. Các tôn giáo tuy khác nhau nhưng đều có một giá trị chung là hướng con người hành thiện và đi theo lẽ phải. Các khách mời nhận xét về nét đặc sắc trong văn hóa tư tưởng Ấn Độ được du nhập và truyền bá tại Việt Nam, như tinh thần yêu lẽ phải, tinh thần sống đạo đức, thực hành yoga…
Sau phần thảo luận, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung đã phát biểu kết thúc chương trình, và chụp ảnh lưu niệm.
Author: Phạm Thủy Nguyên