30/12/2019
Sáng ngày 30/12/2019, tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã tổ chức chương trình toạ đàm khoa học chủ đề “Tìm kiếm cân bằng quyền lực mới trong thế giới của Tổng thống Trump” do GS. Sreeram Sundar Chaulia, Giám đốc Trung tâm Chính sách và quản trị toàn cầu (CGGP) trình bày.
PGS.TS. Cù Chí Lợi Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, TS. Võ Xuân Vinh , Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và các nghiên cứu viên trẻ từ các Viện khối nghiên cứu quốc tế của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
Chủ đề chính của TĐKH xoay quanh những vấn đề của trật tự mới trong thế giới của Trump. Theo GS. Chaulia, chúng ta mong muốn Hoa Kỳ đóng vai trò cân bằng ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, những sự kiện xảy ra gần đây (sự kiện Scaborough năm 2012, vụ việc Giàn khoan 981 năm 2014, sự kiện Doklam năm 2017) tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á cho thấy phản ứng của chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama và Trump là rất hạn chế. Theo GS. Sreeram Sundar Chaulia, chúng ta không thể trông đợi vào vai trò cân bằng của Hoa Kỳ trong một trật tự thế giới mới dưới thời chính quyền Trump. Một xu hướng đang diễn ra là Hoa Kỳ đang tăng sự tập trung vào các vấn đề trong nước, giảm sự hiện diện của mình tại chính trường quốc tế, và hạn chế vai trò của một cường quốc thế giới. Một số quan điểm cho rằng sự thay đổi phản ứng và chính sách của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ chấm dứt khi Trump ngừng nắm quyền. Khi đó, các chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo cũ, nhưng GS. Sreeram Chaulia không cho là vậy. Trong một cuộc điều tra về ý kiến người dân Mỹ về Trung Quốc, phần lớn không nhận thấy sự đe doạ trực tiếp từ Trung Quốc. Ý kiến số đông (70%) dân số Mỹ không cho rằng việc duy trì hiện diện của Hoa Kỳ trên các khu vực khác của thế giới là cần thiết, mặc dù sự nổi lên của Trung Quốc trên thế giới. GS. cho rằng Mỹ đang đối mặt với những thách thức mang tính nội bộ: tình hình kinh tế chậm phát triển, các ý kiến thiếu tính đồng nhất trong chính phủ, ... Những năm gần đây, chính phủ Hoa Kỳ thiếu những chính sách lớn cho khu vực Nam Á, và giảm các hợp tác trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng gia tăng hiện diện ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Đối với nhiều quốc gia, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn hàng đầu.
Trong hoàn cảnh đó, các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ cần làm gì? Ngoài việc tiếp tục hợp tác truyền thống, Giáo sư cho rằng, các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và Úc nên hình thành những nhóm “liên minh nhỏ” để giải quyết những vấn đề nổi lên từ tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược trong trật tự thế giới của Trump. Ấn Độ cũng đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác bên ngoài khu vực Nam Á, như Pháp, Nga, Nhật Bản. Theo ông, Việt Nam và Ấn Độ cần tìm các đồng minh và tự hình thành các nhóm hợp tác thay vì phụ thuộc và kỳ vọng vào các cường quốc. Trong hoàn cảnh hiện nay, các cơ chế hợp tác gắn liền kinh tế và chính trị. Các nước như Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Indonesia... có thể tìm kiếm sự hợp tác. Ấn Độ đang thực hiện những chính sách tập trung vào ASEAN nhưng trên thực tế, tình hình tại khu vực này còn phức tạp. Theo GS Sreeram Chaulia, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội và cả những thách thức đối với các nền kinh tế tại khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Sau trình bày của GS. Sreeram Chaulia, các khách mời tham dự chia sẻ ý kiến của mình về quan điểm của Úc đối với sự hình thành nhóm hợp tác trong khu vực, cam kết của Mỹ đối với châu Á, vai trò của Hàn Quốc trong tình hình mới... Các trao đổi xoay quanh các vấn đề cơ hội hợp tác của nhóm Bộ tứ QUAD. Mặc dù các nước thành viên đã triển khai những cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên vào ngày 27/9/2019, nhưng tổ chức này vẫn chưa thể hiện được vai trò tích cực. Những sáng kiến hợp tác chung giữa các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam cần được đẩy mạnh.
Author: Phạm Thủy Nguyên