12/12/2019
Sáng ngày 11/12/2019, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á đã tổ chức thành công Hội nghị tạp chí 2019, nhằm nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá những thành tựu đã đạt được, những hạn chế cần khắc phục và đề ra phương hướng hoạt động Tạp chí trong thời gian tới để Tạp chí ngày càng phát triển hơn.
Tham dự Hội nghị, về phía khách mời có PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Đại diện Ban quản lý Khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ths. Đỗ Tuấn Thành, Ban Tổ chức - Cán bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Tạp chí và các Viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các thành viên Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; các thành viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á; cùng toàn thể các cán bộ, viên chức trong toàn viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á
PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung chủ trì Hội nghị
Hội nghị đã được nghe Báo cáo tổng kết các hoạt động của Tạp chí nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á trong thời gian qua do PGS.TS Nguyễn Xuân Trung, Tổng biên tập trình bày. Báo cáo đã nêu rõ hiện trạng, thành tựu, hạn chế cũng như những định hướng hoạt động của Tạp chí trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á đã từng bước trưởng thành và phát triển lớn mạnh. Từ ngày thành lập đến nay, Tạp chí đã luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, là diễn đàn khoa học của giới nghiên cứu và của bạn đọc quan tâm đến Ấn Độ nói riêng và Châu Á nói chung.
Hiện nay, Hội đồng Biên tập của Tạp chí gồm 12 người, được thành lập theo quyết định số: 256/QĐ-KHXH của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ngày 09 tháng 03 năm 2018, quy tụ các nhà khoa học uy tín thuộc các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy trong và ngoài nước. Đó là: PGS. TS Bùi Nhật Quang (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); PGS. TS Chu Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Tôn giáo); TS. Nguyễn Xuân Cường (Viện Nghiên cứu Trung Quốc); GS. TS Ngô Xuân Bình, PGS. TS Nguyễn Xuân Trung, TS. Trần Hoàng Long, TS. Lê Thị Hằng Nga (Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á); GS. TS Hoàng Khắc Nam, PGS. TS Đỗ Thu Hà (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội); và ba học giả Ấn Độ: GS. S. Manivasakan (Đại học Madras), GS. G.J. Reddy (Đại học Sri Venkateswara), GS. Jabin Jacob (Đại học Shiv Nadar). Hội đồng Biên tập Tạp chí, đã đảm bảo vừa có chuyên gia trong nước vừa có chuyên gia nước ngoài, vừa có những người trẻ tuổi vừa có những người lớn tuổi nhằm nâng cao năng lực quản lý và chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác tòa soạn trong các khâu: nhận bài, phản biện bài, biên tập bài của tạp chí bằng các phương pháp và công nghệ hiện đại.
Về xuất bản, với những nỗ lực không ngừng, số lượng phát hành tạp chí cũng tăng lên đáng kể. Nếu như ở năm đầu tiên (năm 2012), tạp chí chỉ xuất bản 3 số, thì năm 2013 là 10 số. Năm 2014, Xuất phát từ nhu cầu nghiên cứu và trao đổi thông tin khoa học của các cán bộ khoa học, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh ngày càng lớn, từ năm 2014 Tạp chí đã duy trì được việc xuất bản 12 số/năm. Năm 2019, Tạp chí xuất bản thành công thêm một số bằng ngôn ngữ tiếng Anh (June, 2019 Volume 1, Number 1) , theo văn bản cho phép số 1548/BTTTT-CBC ngày 20/5/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đặc biệt, tháng 8 năm 2019 vừa qua, Tạp chí đã ra thành công tạp chí số 8 (81) tháng 8-2019, số đặc biệt về Mahatma Gandhi. Số tạp chí này đã được Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và các bạn đọc đánh giá cao. Ngày 2 tháng 10/2019, Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức Kỷ niệm 150 năm ngày sinh lãnh tụ Mahatma Gandhi tại Hà Nội và đã chọn lễ ra mắt tạp chí số đặc biệt này là một trong những hoạt động kỷ niệm.
Do công tác biên tập và phản biện ngày càng hoàn thiện hơn và các bài viết có giá trị khoa học cao, Tạp chí đã được HĐCDGSNN công nhận xét tính điểm khoa học (với số điểm tối đa 0,5 điểm) cho 4 ngành/liên ngành khoa học gồm: Ngành Kinh tế; Liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học; Liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học; Liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục - Thể thao. Đây chính là dấu mốc, là thước đo quan trọng nhất thể hiện sự trưởng thành về mọi mặt của Tạp chí.
Hội nghị cũng đã được nghe các ý kiến chia sẻ và góp ý từ các đại biểu tham dự như PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Đại diện Ban quản lý Khoa học; TS. Ngô Văn Vũ, Quyền Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội; TS. Nguyễn Song Tùng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Địa lý Nhân văn; PGS.TS. Phạm Thái Quốc, Quyền Tổng biên tập Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới; Ths. Đỗ Tuấn Thành, Ban Tổ chức cán bộ; PGS.TS. Đỗ Thu Hà, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Toàn cảnh Hội nghị
Kết luận Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã cảm ơn chân thành những ý kiến chia sẻ, góp ý sâu sắc của các đại biểu, và khẳng định Tạp chí sẽ tiếp tục quán triệt tôn chỉ mục đích của một Tạp chí nghiên cứu khu vực, quốc tế; đăng tải các công trình nghiên cứu phù hợp với bối cảnh quốc tế mới, đặc biệt, sớm phát hiện những vấn đề mới, những yêu cầu mới; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với các nhà khoa học, cộng tác viên thân thiết trong cả nước; phấn đấu trở thành Tạp chí nghiên cứu chuyên ngành hàng đầu Việt Nam.
Author: Bằng Lăng