20/02/2019
Ngày 20/02/2019, tại Viện Hàn lâm KHXH, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và tây Nam Á đã tổ chức tọa dàm khoa học với chủ đề “Tìm hiểu văn hóa kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ thông qua thước đo văn hóa của G. Hofstede” do TS. Lê Thị Hằng Nga, trưởng phòng NC.Văn hóa và lịch sử trình bày. Tham dự tọa đàm có các nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
Bài trình bày tìm hiểu văn hóa kinh doanh của Việt Nam và Ấn Độ thông qua thước đo văn hóa của Geert Hofstede, đây là một chủ đề thú vị, do văn hóa là yếu tố quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh. Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ cũng có giao lưu văn hóa từ rất sớm trong lịch sử và chia sẻ nhiều điểm tương đồng về văn hóa nói chung. Tuy nhiên, trong hoạt động hợp tác kinh tế, điều này chưa thực sự được tận dụng để mang lại sự tương tác hiệu quả giữa hai bên. Do đó, bài trình bày nhằm mang tới một vài hiểu biết về văn hóa kinh doanh của hai bên dưới góc nhìn của G. Hofstede. Bài trình bày bao gồm (1): Thước đo văn hóa của Geert Hofstede, (2) Văn hóa kinh doanh Việt Nam và Ấn Độ nhìn từ thước đo văn hóa của Hofstede.
Theo G. Hofstede, văn hóa là một củ hành có thể tách vỏ, bóc từng lớp để thấy được nội dung bên trong. Hofstede cho rằng, văn hóa là “sự lập trình tập thể của tâm thức, phân biệt các thành viên của một nhóm/ loại này với các nhóm/loại khác.” Ban đầu, Hofstede xác định 4 thước đo văn hóa phù hợp và tác động đến văn hóa kinh doanh. Đó là: khoảng cách quyền lực (Power Distance), chủ nghĩa cá nhân đối lập với chủ nghĩa cộng đồng (Individualism versus Collectivism), nam tính đối lập với nữ tính (Masculinity versus Femininity), và tránh sự không chắc chắn (Uncertainty Avoidance). Vào thập kỷ 80, ông đã mở rộng phạm vi khảo sát và bổ sung thước đo thứ năm, đó là định hướng dài hạn đối lập với định hướng ngắn hạn (Long Term versus Short Term Orientation). Trong thập niên đầu thế kỷ 21, Hofstede tiếp tục mở rộng phạm vi khảo sát và đã thêm thước đo thứ 6, đó là hưởng thụ đối lập với kiềm chế (Indulgence versus Restraint).
Bài nghiên cứu giới hạn tìm hiểu văn hóa kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ thông qua 5 thước đo: khoảng cách quyền lực, tránh sự không chắc chắn, chủ nghĩa cá nhân đối lập với chủ nghĩa cộng đồng, nam tính đối lập với nữ tính, và định hướng dài hạn đối lập với định hướng ngắn hạn.
Các thang điểm dựa trên thước đo văn hóa của Hofstede (tổng hợp của tác giả)
- Khoảng cách quyền lực: cả Ấn Độ và Việt Nam đều có khoảng cách quyền lực lớn. Điều này cũng cho thấy mức độ bất bình đẳng về quyền lực và sự giàu có trong xã hội.
Theo Hofstede, những từ sau đây có thể bao chứa thái độ của người Ấn trong doanh nghiệp: phụ thuộc vào ông chủ trong định hướng công việc, chấp nhận các quyền bất bình đẳng giữa những người có đặc quyền và những người ít quyền ở bậc dưới trong các nấc thang quyền lực, lãnh đạo gia trưởng, dùng phần thưởng để đổi lấy sự trung thành của nhân viên. Tương tự, người Việt chấp nhập một hệ thống thứ bậc trong đó mọi người đều có vị trí nhất định và điều này không cần biện minh. Hệ thống thứ bậc trong tổ chức, trong doanh nghiệp được xem như là phản ánh những bất bình đẳng cố hữu, sự tập trung là phổ biến, cấp dưới mong đợi được sai bảo và ông chủ lý tưởng là một người độc tài nhân từ (a benevolent autocrat). Thách thức đối với lãnh đạo không được đón nhận tích cực. Trong văn hóa làm việc của người Việt, việc nghe lời ông chủ được coi là nghĩa vụ.
- Tránh sự không chắc chắn: cả Ấn Độ và Việt Nam đều có chỉ số thấp, thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi. Theo Hofstede, người Ấn chấp nhận cái không hoàn hảo; ở Ấn Độ, không có gì phải hoàn hảo hay là phải diễn ra chính xác như kế hoạch. Ấn Độ là một quốc gia kiên nhẫn nơi có sự khoan dung lớn hơn đối với những điều bất ngờ. Người Việt không chú ý nhiều đến những rủi ro và những sự kiện không lường trước được. Họ sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi và thử nghiệm, những thứ thuộc về truyền thống thường thay đổi và ít bị hạn chế bởi các định luật có sẵn. Tuy nhiên, điều này thì không đúng hoàn toàn ở tất cả các vùng miền của Việt Nam. Ở miền Bắc Việt Nam, người ta thường cảm thấy bị đe dọa bởi những tình huống mơ hồ, không thể đoán định nên thường lựa chọn những công việc ổn định và tránh những ý tưởng mới có thể dẫn đến rủi ro.
- Chủ nghĩa cá nhân đối lập với chủ nghĩa cộng đồng: đây là khía cạnh mà Việt Nam và Ấn Độ có sự khác biệt lớn nhất, Ấn Độ mang đặc điểm của một xã hội vừa có những đặc điểm của chủ nghĩa tập thể, vừa có những đặc điểm của chủ nghĩa cá nhân. Việt Nam là một xã hội tập thể. Theo thước đo văn hóa của Hofstede , Ấn Độ vừa là một xã hội mang tính cá nhân, vừa là một xã hội mang tính tập thể. Khía cạnh tập thể có nghĩa là, người Ấn mong muốn thuộc về một khuôn khổ xã hội lớn hơn trong đó các cá nhân được mong đợi sẽ hành động phù hợp với lợi ích lớn hơn của nhóm/cộng đồng.Ở Ấn Độ, việc làm ăn kinh doanh liên quan đến việc xây dựng các mối quan hệ. Người Ấn chỉ muốn làm ăn với những người mà họ biết và tin cậy. Nền văn hóa có tính tập thể bắt nguồn từ giá trị gia đình truyền thống Ấn Độ. Theo quan điểm của Hofstede, khía cạnh cá nhân của xã hội Ấn Độ xuất phát từ tôn giáo/ triết học thống trị ở nước này – Hindu giáo.
Theo Hofstede, khía cạnh tập thể của xã hội Việt Nam được thể hiện ở sự gắn kết lâu dài với nhóm nơi một người là thành viên. Nhóm này có thể là một gia đình, một đại gia đình hoặc các mối quan hệ mở rộng
- Nam tính đối lập với Nữ tính: theo thang điểm của Hofstede, quốc gia càng đạt điểm cao ở khía cạnh này thì khoảng cách giữa các giá trị của nam giới và nữ giới càng lớn. Ấn Độ đạt 56 điểm ở khía cạnh này và do đó là một xã hội thiên về nam tính, ở khía cạnh phô diễn về thành công và quyền lực, Ấn Độ cũng là quốc gia có sự bất bình đẳng giới cao. Việt Nam đạt 40 điểm ở khía cạnh này và vì vậy được cho là một xã hội thiên về nữ tính. Trọng tâm của các quốc gia “nữ tính” là “làm việc để sống”, các nhà quản lý phấn đấu để đạt tới sự đồng thuận, mọi người coi trọng sự bình đẳng, đoàn kết và chất lượng trong công việc của họ. Xung đột được giải quyết bằng cách thỏa hiệp và thương lượng.
- Định hướng dài hạn đối lập với Định hướng ngắn hạn
Ấn Độ có điểm cao có nghĩa là người Ấn có tính kiên trì và tiết kiệm. Trong làm ăn kinh doanh, người Ấn cũng muốn đưa ra những kế hoạch kinh doanh chi tiết bởi vì họ có nhu cầu định hướng dài hạn. Ở Ấn Độ, các gia đình kinh doanh khá phổ biến. Hầu hết các gia đình ở Ấn Độ điều hành một doanh nghiệp dựa trên nền tảng vững chắc về cam kết và mối quan hệ lâu dài và thường rất thành công. Việt Nam cũng là một xã hội có định hướng dài hạn, một nền văn hóa thực dụng/thực tế. Trong một xã hội có xu hướng thực tế, mọi người tin rằng, chân lý/sự thật phụ thuộc nhiều vào tình huống, bối cảnh và thời gian. Người Việt đánh giá cao sự kiên trì/ bền chí, định hướng dài hạn và tiết kiệm.
TS. Lê Hằng Nga đã rút ra một số kết luận như sau:
Thứ nhất, Việt Nam và Ấn Độ có một số khác biệt trong khía cạnh về mức độ tránh sự không chắc chắn. Việt Nam và Ấn Độ có sự khác biệt lớn trong các khía cạnh như chủ nghĩa tập thể/chủ nghĩa cá nhân và nam tính/nữ tính.
Thứ hai, việc khái quát hóa văn hóa Ấn Độ nói chung, văn hóa kinh doanh nói riêng, có thể là không hợp lý do đây là đất nước có dân số lớn, sự đa nguyên và đa dạng về văn hóa, nên nghĩ rằng Ấn Độ là một tập hợp của nhiều nền văn hóa khu vực hay các tiểu vùng văn hóa.
Thứ ba, tương tự, mặc dù Việt Nam không có mức độ đa dạng lớn như Ấn Độ, nhưng việc khái quát hóa văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa kinh doanh Việt Nam nói riêng, cũng có thể dẫn đến nhận thức sai lầm. Việt Nam cũng có sự khác biệt trong văn hóa vùng miền.
Thứ tư, thước đo văn hóa của Hofstede có thể không phải là thước đo hoàn hảo trong việc cung cấp thông tin về nền văn hóa kinh doanh Việt Nam và Ấn Độ. Những kết quả nghiên cứu này có xu hướng định hình văn hóa trong các hộp cứng nhắc và không phải luôn đúng, bởi có sự khác biệt giữa những người của cùng một nền văn hóa. Tất nhiên, không có xã hội nào đồng nhất từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, thước đo văn hóa của Hofstede sẽ cung cấp sự hiểu biết cơ bản về văn hóa quốc gia nói chung và văn hóa kinh doanh nói riêng, giúp chúng ta tự tin hơn khi tương tác với các nền văn hóa hóa.
Thủy Nguyên