24/08/2020
Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS) tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề: “Cạnh tranh chiến lược Ấn - Trung và tác động đối với các nước”
Ấn Độ và Trung Quốc là hai cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, sức mạnh tổng hợp quốc gia không ngừng gia tăng, vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Bước vào thế kỷ XXI, cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực châu Á và thế giới ngày càng có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ cả phạm vi và cường độ để phục vụ những mục tiêu chiến lược của mỗi quốc gia. Cả hai cường quốc đều mong muốn hiện diện và can thiệp sâu, rộng hơn nhằm giành giật ảnh hưởng và kiềm chế, ngăn chặn lẫn nhau để tạo dựng vị thế, hướng khu vực đi theo quỹ đạo riêng của mình thông qua thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, tăng cường sự hiện diện quân sự, tạo ra các lợi ích đan xen và cạnh tranh ở khu vực. Các quốc gia đang phải ứng phó trước những biến động đầy phức tạp, với vô số thách thức, nhưng cũng nhiều cơ hội nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia và cân bằng nước lớn. Điều này, đem lại sự khó khăn cho tiến trình hội nhập, liên kết khu vực, liên khu vực cũng như cấu trúc an ninh của khu vực. Có thể nhận thấy, cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung là cuộc cạnh tranh sẽ góp phần quan trọng để định hình cục diện khu vực trong tương lai gần. Năm 2020, cạnh tranh chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc đứng trước những bước ngoặt mới: sự bùng phát của đại dịch COVID-19, những vụ đụng độ diễn ra ở biên giới hai nước từ tháng 5/2020 đã khiến cho những lo ngại của hai bên về các mối đe dọa lợi ích càng trở nên trầm trọng, thúc đẩy mỗi nước tạo lập cho mình một cơ chế hợp tác quốc tế, thậm chí là một liên minh chiến lược để kiềm chế ảnh hưởng của nhau.
Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á tổ chức hội thảo quốc tế “Cạnh tranh chiến lược Ấn - Trung và tác động đối với các nước” để thảo luận về: nguyên nhân và bản chất; nội dung/ phương thức của cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung; kết quả của sự cạnh tranh; tác động của nó đến các khu vực, quốc gia, các luật lệ và thể chế quốc tế; phản ứng chính sách của các quốc gia. Từ đó xây dựng những kịch bản có khả năng xảy ra, đưa ra những hàm ý chính sách cho Việt Nam tận dụng lợi thế những tác động tích cực, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc.
Xuất phát từ ý nghĩa đó, Ban Tổ chức trân trọng kính mời các học giả viết bài cho hội thảo với các nội dung sau:
(1) Khái niệm của cạnh tranh, cạnh tranh chiến lược, sự khác nhau giữa cạnh tranh và cạnh tranh chiến lược, các loại hình/ phương thức cạnh tranh chiến lược.
(2) Cơ sở hình thành của cạnh tranh chiến lược Ấn - Trung: tính toán, lợi ích và mục tiêu chiến lược của Ấn Độ và Trung Quốc; bối cảnh quốc tế và khu vực…
(3) Các nội dung chính của cạnh tranh chiến lược Ấn - Trung: tranh giành ảnh hưởng trên các lĩnh vực: chính trị, an ninh, kinh tế, khoa học- công nghệ, sức mạnh mềm văn hóa…; kết quả của sự cạnh tranh chiến lược Ấn - Trung.
(4) Tác động của cạnh tranh chiến lược Ấn - Trung đến đường lối phát triển và chính sách đối ngoại của cả hai quốc gia.
(5) Tác động tích cực và tiêu cực của cạnh tranh chiến lược Ấn - Trung đến các nước có liên quan trên các lĩnh vực: thương mại – đầu tư, an ninh -quốc phòng, đến chính trị đối nội và đối ngoại, đến chiến lược phát triển và cơ hội hợp tác của các nước như thế nào?
(6) Phản ứng chính sách và đề xuất giải pháp cho các nước chịu ảnh hưởng của cạnh tranh chiến lược Ấn - Trung.
(7) Những thách thức mà cạnh tranh chiến lược Ấn - Trung đặt ra cho các thể chế khu vực như: SAARC, ASEAN và cho sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
(8) Triển vọng/ kịch bản cạnh tranh chiến lược Ấn- Trung đến năm 2030
(9) Những hàm ý chính sách đối với Việt Nam trước sự cạnh tranh chiến lược Ấn- Trung.
(10) Những vấn đề khác có liên quan đến chủ đề Hội thảo nhưng chưa được nhắc đến trên đây.
Hội thảo dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 27/11/2020.
Ngôn ngữ: Tiếng Việt và tiếng Anh
Kính mong Quý Ông/Bà gửi:
Tham luận được gửi bằng file word, từ 10-20 trang A4, font chữ Times New Roman, cỡ chữ 13.
Rất mong nhận được sự cộng tác của Quý Ông/Bà
Trân trọng cảm ơn.
Please check "FILE DOWNLOAD" for: Call for paper in English.
LH: Nguyễn Thị Oanh
Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á,
Tel: 02462730597/0973 562 339
Email: Nguyenoanh1010@gmail.com
File download: