09/02/2022
Tổng hợp: ThS Nguyễn Thị Hiên, Phòng NC Kinh tế và Phát triển
Hội nghị thượng đỉnh Đối tác chiến lược “Partnership Summit” lần thứ 27 do Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) tổ chức với sự tham gia của gần 200 diễn giả từ hơn 40 quốc gia, với sự tham gia của hơn 20 bộ trưởng nước ngoài, 7 bộ trưởng Ấn Độ và 25 CEO và hơn 100 chuyên gia lãnh đạo từ các tổ chức trên thế giới đã bắt đầu diễn ra kể từ ngày 13-15/12/2021, kết hợp hai hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Với chủ đề riêng về Việt Nam mang tên “Cơ hội hợp tác kinh doanh Việt Nam – Ấn Độ”, diễn đàn có sự tham gia của các nhà lãnh đạo, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp của Việt Nam và Ấn Độ. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định, đánh giá về quan hệ thương mại Việt Nam – Ấn Độ và chỉ ra những lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác giữa hai quốc gia. Đặc biệt, chương trình được diễn ra đúng thời điểm Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ có chuyến thăm công tác tại Ấn Độ, điều đó càng minh chứng cho sự quan tâm của hai quốc gia trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương, đặc biệt là quan hệ thương mại.
Mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây. Kể từ khi hai quốc gia thiết lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện năm 2016, nhiều chuyến thăm của các lãnh đạo quốc gia đã diễn ra giữa hai nước. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã khiến các chuyến thăm cấp cao giữa hai quốc gia bị gián đoạn. Cuối tháng 12/2020 Thủ tướng Việt Nam và Ấn Độ đã trao đổi hội nghị thượng đỉnh trực tuyến. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Ấn Độ dịp này là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của hai quốc gia kể từ khi dịch bệnh diễn ra.
Tại hội nghị, ông Sajay Budhia, Chủ tịch, Ủy ban Quốc gia CII về EXIM đã chỉ ra 5 lĩnh vực hợp tác triển vọng của Việt Nam và Ấn Độ gồm: thứ nhất, ưu tiên xây dựng chuỗi chung ứng kỹ thuật số để hội nhập khu vực sâu rộng hơn. Thứ hai, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng hậu cần, đa dạng chuỗi cung ứng, nâng tầm quan trọng của tuyến thương mại Việt Nam – Ấn Độ. Thứ ba, mở rộng hợp tác trong chăm sóc sức khỏe, dược phẩm. Thứ tư, khám phá các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Thứ năm là hợp tác trong công nghệ và số hóa, thanh toán kỹ thuật số. Ấn Độ có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc tạo ra một hệ thống tích hợp với giao diện thống nhất mang lại lợi ích lớn, cho phép chuyển tiền liên tục xuyên biên giới. Khuyến khích đổi mới trong thanh toán và cho phép các công ty fintech mở rộng kỹ năng và hoạt động. Ấn Độ có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống kỹ thuật số đáng tin cậy thông qua thương mại kỹ thuật số đầu cuối.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Madan Mohan Sethi đánh giá cao những tiến bộ của Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh Covid -19, Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong năm 2020 và là quốc gia duy nhất ở khu vực ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng dương 1,9% trong năm 2020. Ông đánh giá Việt Nam mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Ấn Độ bởi Việt Nam có tình hình chính trị an ninh ổn định, lực lượng lao động trẻ với tay nghề cao, chi phí lao động thấp và lực lượng lao động dễ đào tạo. Việt Nam là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư kinh doanh thế giới. Bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mức 600 tỷ USD vào cuối tháng 10/2021. Hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp Việt Nam đang dần trở lại mức bình thường như trước khi có dịch.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự quán phân tích những thế mạnh của Việt Nam bao gồm chế biến thực phẩm, các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, gạo, cà phê, cao su, trái cây. Bên cạnh đó, các công ty đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thống lĩnh các sản phẩm công nghệ như điện thoại di động, các sản phẩm phần cứng máy tính. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Hiện Việt Nam có khoảng 70 nghìn đơn vị kinh doanh, đóng góp 77% vào GDP của cả nước đạt khoảng 300 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên 350 triệu USD vào năm 2021. Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh thân thiện hơn và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động. Mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong ba quốc gia sản xuất hàng đầu ở khu vực ASEAN vào năm 2030.
Theo ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, năm 2022 là một năm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam – Ấn Độ, hai nước kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, đồng thời Ấn Độ sẽ kỷ niệm 75 năm ngày độc lập. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ có chuyến thăm Ấn Độ kể từ ngày 15/12/2021, với đoàn đại biểu hơn 300 người, trong đó có 107 doanh nhân. Chuyến thăm này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội kể từ sau khi nhậm chức, và đây là chuyến thăm lãnh đạo cấp cao sau 4 năm kể từ năm 2018. Chuyến thăm này kỳ vọng chuyến sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đại sứ khẳng định đây là một cơ hội tốt để hai quốc gia cùng xem xét lại quan hệ thương mại song phương, hướng tới sự cân bằng hơn trong quan hệ thương mại, bởi hiện nay quan hệ thương mại đang nghiêng thặng dư về phía Việt Nam, gây ra sự mất cân bằng trong quan hệ giữa hai nước.
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Việt Nam và Ấn Độ đang phải đối mặt với những thách thức từ dịch bệnh Covid-19. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn hợp tác với phía Ấn Độ trong việc nghiên cứu phát triển Vacxin. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai nước cần tích cực cải thiện năng lực hoạt động, tận dụng những tiến bộ công nghệ, kỹ thuật số để nâng cao năng lực của mình, và phát huy tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh Ấn Độ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Nam Á, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 của Ấn Độ trên toàn cầu và lớn thứ tư trong khu vực ASEAN. Về mặt đầu tư, hiện Ấn Độ có 315 dự án đang có hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới gần 1 tỷ USD, xếp thứ 26/141 quốc gia và cùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các lĩnh vực đầu tư chính bao gồm chế biến, chế tạo.
Hai nước đã vượt qua khó khăn, thách thức do đại dịch mang lại, hơn nữa Việt Nam và Ấn Độ còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy hết để phát triển kinh tế thương mại hơn nữa về thương mại, nông, thủy sản còn rất nhiều tiềm năng và hợp tác mà Việt Nam và Ấn Độ có thể bổ sung cho nhau. Việt Nam đang mong muốn chuyển sang tiếp xúc với các sản phẩm nông thủy sản bao gồm trái cây, thực phẩm tươi sống, trà, cà phê, gia vị, ngũ cốc và các loại hạt, cá basa. Những sản phẩm này phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người Ấn Độ, đây có thể là đầu vào cho các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại nông thủy sản. Hai bên cần phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh các thủ tục mở cửa thị trường, trước hết đối với các mặt hàng đã nộp hồ sơ kỹ thuật đàm phán nhập khẩu.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông đánh giá Việt Nam và Ấn Độ còn rất nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Nhưng để đạt được điều đó, Việt Nam và Ấn Độ cần duy trì sự ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô bằng cách giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng, thể chế, pháp lý nội bộ, và nguồn nhân lực. Liên quan đến chuỗi cung ứng cần đa dạng và giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là hậu cần và chi phí hành chính, đồng thời hướng tới một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch và có trách nhiệm giải trình.
Về phía doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp Ấn Độ đang hoạt động tại Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm kinh doanh của mình tại thị trường Việt Nam như AptechLtd, Ishan Foudation, Investfy. Ông Anuj Kacker, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Aptech Ltd, cho rằng Aptech Ltd là một nhà cung cấp giáo dục trong lĩnh vực truyền thông, trò chơi và hiệu ứng hình ảnh giải trí và các lĩnh vực khác. Aptech đã ở Việt Nam trong vòng hơn 20 năm, một chặng đường dài với nhiều nỗ lực và thành công. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía chính phủ và người dân Việt Nam. Và những thành công mà Aptech có được tại Việt Nam đã minh chứng cho việc các bạn, doanh nghiệp Ấn Độ có thể thành công tại Việt Nam.
Ông Shantanu Srivastava, Chủ tịch, Giám đốc Điều hành Ishan Foundation. Ishan Foudation là một trong số ít các công ty Ấn Độ và nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam cách đây hơn 30 năm, đó cũng là đặc ân của tôi khi thành lập phòng kinh doanh Ấn Độ tại Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đầu tiên vào năm 1998. Ông Indronil Sengupta, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Invesify. Các doanh nghiệp Ấn Độ hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp Ấn Độ muốn phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh như năng lượng, dược phẩm, cơ sở hạ tầng.
Nguồn: Trích dẫn từ Hội nghị thượng đỉnh Đối tác chiến lược “Partnership Summit” lần thứ 27 do Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) tổ chức