30/06/2021
Người dịch: Trần Ngọc Diễm, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS)
Giới thiệu
Trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên của Ấn Độ được ghi nhận ở bang Kerala – miền Nam Ấn Độ vào ngày 30/1/2020 là một phụ nữ 20 tuổi trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc[1]. Sau đó 16 tháng, số ca bệnh ở Ấn Độ đã lên tới 28,3 triệu người[2]. Trên thế giới, Ấn Độ hiện chỉ đứng sau Mỹ về số ca bệnh dương tính với COVID-19 và tỷ lệ này chiếm khoảng 2% tổng dân số Ấn Độ. Tính đến ngày 3/6/2021, số người chết do COVID-19 đã lên tới hơn 300.000 người[3], đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Brazil với tỷ lệ người tử vong đạt mức 234 người trên 1.000.000 dân[4].
Ấn Độ chính thức triển khai đợt tiêm chủng COVID-19 vào ngày 16/1/ 20201, với hai loại vắc xin được phê duyệt - Covishield và Covaxin. Tính đến ngày 3 tháng 6 năm 2021, theo báo cáo từ Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình[5] (MoHFW), Ấn Độ phân phối được hơn 221 triệu liều vắc xin. Tính đến thời điểm giữa tháng 6/2021 chỉ khoảng 45,1 triệu người Ấn Độ được tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin trên số lượng 1,38 tỷ dân – chiếm 3,26% dân số, trong khi đó Mỹ đã tiêm phòng cho 41% dân số[6].
Các chuyên gia đều đồng quan điểm rằng đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng sẽ là cách duy nhất để Ấn Độ vượt qua đại dịch[7]. Theo số liệu công khai từ phía Chính phủ Ấn Độ, vào tháng 5/2021, khoảng 79 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được cung cấp cho các bang và đến tháng 6/2021 con số này sẽ tăng lên 120 triệu liều[8]. Tuy nhiên, ngoài câu hỏi về nguồn cung vắc xin, còn rất nhiều vấn đề khác quyết định tới sự thành công của chiến dịch tiêm chủng ở Ấn Độ.
1.Những trở ngại đối với Chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ
Những lầm tưởng và thông tin sai lệch về vắc xin trên các phương tiện truyền thông xã hội đã gây ảnh hưởng tới hoạt động tiêm chủng trên thế giới. Thực tế hiện nay người dân không muốn đi tiêm chủng do lo ngại về những loại vắc xin này được phát triển và tiêm đại trà một cách nhanh chóng và cơ chế hoạt động của những loại vắc xin này cũng chưa được phổ biến với nhiều người[9][10].
Mỹ đã đưa ra chính sách và cơ chế cụ thể để phát triển vắc xin một cách nhanh chóng thông qua chiến dịch Warp Speed vào tháng 5/2020[11]. Các vắc-xin thường mất nhiều năm để được phát triển và trải qua các thử nghiệm lâm sàng, và Chiến dịch Warp Speed nhằm mục đích chạy đua với thời gian mà không ảnh hưởng đến quy trình khoa học phù , sự an toàn khi tiêm chủng vắc xin . Các quốc gia khác cũng sớm bắt đầu đẩy nhanh quá trình phát triển và phê duyệt vắc xin của họ (Xem Bảng 1). Kết quả là ngày nay có hơn 300 loại vắc xin đang được phát triển trên khắp thế giới, trong đó một số loại đã được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp[12].
Bảng 1. Quy trình cấp tốc phát triển vắc xin COVID-19
Giai đoạn tiền lâm sàng
Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng
Giai đoạn phân phối
Giai đoạn phê chuẩn
Quy trình thông thường
Diễn ra trong khoảng 1 – 2 năm
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật
Diễn ra trong khoảng 4 – 6 năm
Các thử nghiệm lâm sàng trên người tiến hành tuần tự theo 3 giai đoạn
Diễn ra trong khoảng 2 – 4 năm
Cơ sở hạ tầng, các kênh sản xuất và phân phối được thiết lập sau Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 hoặc sau giai đoạn phê chuẩn theo quy định
Diễn ra trong 1 năm
sau khi hoàn thành và phân tích dữ liệu từ tất cả các giai đoạn của Thử nghiệm lâm sàng
Quy trình cấp tốc
Diễn ra trong 6 tháng
Được tiến hành dựa theo các nghiên cứu theo dõi nhanh và sử dụng các nền tảng vắc xin hiện có
Thử nghiệm lâm sàng trên người trong 3 giai đoạn được tiến hành đồng thời song song với phân tích liên tục
Thiết lập cơ sở hạ tầng và sản xuất ngay cả trước khi được phê duyệt để cho phép phân phối nhanh hơn
Phân tích dữ liệu và thủ tục phê duyệt tiến hành song song với các thử nghiệm lâm sàng
Nguồn: World Health Organization[13]
Đối với Ấn Độ, quy mô dân số lớn với hơn 1,38 tỷ dân cũng sẽ là một trong những trở ngại đối với tốc độ của tiến trình triển khai tiêm chủng vắc xin. Nhận thấy sự cần thiết phải có thêm vắc xin để đáp ứng nhu cầu trong nước, Tổng cục Kiểm soát Thuốc của Ấn Độ (DCGI)[14] đã đưa ra quyết định chấp thuận sử dụng tại quốc gia này tất cả các loại vắc xin đang được sử dụng trên toàn cầu theo Danh sách Sử dụng Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc được chấp thuận bởi các tổ chức như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (USFDA), Cơ quan Thuốc Châu Âu (EMA), Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe Vương quốc Anh (Vương quốc Anh MHRA), và Cơ quan Dược phẩm và Thiết bị Y tế, Nhật Bản (PMDA Japan).
Vắc xin Sputnik V được sản xuất và phân phối tại Ấn Độ là một trong ba loại vắc xin được Phê duyệt Sử dụng Khẩn cấp ở Ấn Độ bên cạnh Covishield và Covaxin. Vắc xin Novavax đang được Viện Huyết thanh của Ấn Độ tiến hành thử nghiệm ở giai đoạn II và III ở Ấn Độ cho thấy những kết quả đầy tiềm năng trong khả năng chống lại các biến thế mới. Vắc xin của Pfizer và Moderna cũng dự kiến sẽ được chấp nhận sử dụng khẩn cấp trong tương lai gần khi các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các công ty và Chính phủ Ấn Độ. Các loại vắc xin mới này được kì vọng sẽ có khả năng chống lại các biến chủng mới ở Ấn Độ trong đó có B.1617. Gennova Biopharmaceuticals cũng đang phát triển một loại vắc-xin HGCO19, dựa trên nền tảng tương tự như Pfizer và Moderna. Vắc xin tiêm trực tiếp vào mũi BBV154 (của Bharat Biotech) và COVI-VAC (của Codagenix) cũng đang được phát triển với kỳ vọng sẽ tạo ra khả năng miễn dịch niêm mạc, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và lây truyền virus.
Mặc dù hiện nay chỉ trong thời gian ngắn Ấn Độ đã hàng loạt đơn vị nghiên cứu và phát triển vắc xin nhưng những nỗ lực này là chưa đủ để đạt được mục tiêu tăng khả năng miễn dịch cộng đồng. Hệ thống y tế của Ấn Độ đủ khả năng để tiêm chủng cho khoảng 5 – 10 triệu người/ngày, tuy nhiên người Ấn Độ vẫn còn do dự về hiệu quả của vắc xin cùng với việc hạn chế liên quan đến Cổng trực tuyến về tiêm chủng CO-WIN gây ra tác động đến quá trình tiêm chủng ở Ấn Độ.
Trên thế giới hiện nay có một bộ phận người phản đối sự cần thiết của vắc xin và họ đã phát động các chiến dịch công khai chống lại việc sử dụng bất kỳ loại vắc-xin nào, bao gồm cả vắc-xin cho COVID-19. Các cuộc biểu tình phản đối việc sử dụng vắc-xin đã xuất hiện trên một số phương tiện truyền thông và tiếp cận đến một số lượng lớn người dân. Ngoài ra, một lý do dẫn đến sự do dự khi quyết định tiêm vắc xin là sự sợ hãi. Vắc xin là sản phẩm của các nghiên cứu sinh học nên không thể tránh khỏi tác dụng phụ tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau ở mỗi người. Nhận thức về tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19 đang bị thồi phồng trong khi những phản ứng rất hiếm khi xảy ra như dị ứng, sốc phản vệ hoặc đe dọa tính mạng lại đến từ nhiều yếu tố không phải do bản thân vắc xin.
Tuy nhiên, những tác dụng phụ hiếm gặp như sự cố đông máu sau tiêm chủng ở châu Âu[15] lại đang là một trong nguyên nhân tạo ra sự do dự khiến người dân ngại đi tiêm chủng. Ấn Độ cần chủ động áp dụng các biện pháp để tạo niềm tcủa sự an toàn trong vấn đề tiêm chủng cho người dân. Một ngôi làng hẻo lánh ở Janefal thuộc bang Maharastra[16] đã thành công tiêm vắc xin COVID-19 cho 100% dân số trong diện đủ điều kiện được tiêm chủng. Các nhà chức trách địa phương đã áp dụng các biện pháp thông qua tin nhắn, các chiến dịch nâng cao nhận thức và các biện pháp xây dựng lòng tin. Để triển khai tiêm chủng hiệu quả ở các vùng nông thôn đòi hỏi phải có cách tiếp cận theo chiều từ dưới lên: phát triển cơ sở hạ tầng ở cơ sở và huy động nguồn nhân lực như cán bộ y tế cơ sở và tình nguyện viên để phổ biến thông tin đầy đủ cho các gia đình tại nông thôn khi đượctiêm phòng.
Để hỗ trợ cho quy trình tiêm chủng, Chính phủ Ấn Độ đã cho ra đời một nền tảng kỹ thuật số - được gọi là Co-WIN cho phép người dân có thể đặt lịch hẹn tiêm chủng, kiểm tra tình trạng tiêm chủng và sau đó tải xuống giấy chứng nhận tiêm chủng. Một cổng thông tin tương tự cũng được phát triển cho phép chính phủ theo dõi số liệu thống kê tiêm chủng của đất nước. Ý tưởng rất đơn giản: số hóa quy trình, tránh những phức tạp của việc lưu trữ hồ sơ tương tự và cho phép quản lý dữ liệu dễ dàng. Tuy nhiên, Co-WIN cũng có những hạn chế như sau:
Khi Ấn Độ bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch tiêm chủng vào tháng 3 cho người cao tuổi và những người có bệnh lý nền, cổng thông tin này đã bị quả tải do hàng triệu người đồng loạt đăng kí đặt chỗ tiêm vắc xin. Những người truy cập qua ứng dụng di động hoặc website gặp sự cố do máy chủ ngừng hoạt động dẫn đến việc người dùng không thể tìm thấy tài khoản và bị chặn đăng ký. Mặc dù nhân viên y tế được yêu cầu phải trải qua khóa đào tạo về cách sử dụng cổng thông tin điện tử, nhưng vẫn bị lỗi trong quá trình nhập dữ liệu dẫn đến việc sao chép hoặc tẩy xóa nhiều chi tiết. Các sai sót trên hệ thống cũng xuất hiện ngày càng nhiều khi Ấn Độ mở rộng chiến dịch tiêm chủng cho những người trên 45 , bao gồm cả những người không mắc bệnh lý nền và những người trên 18 tuổi, khi đó cổng thông tin liên tục bị quá tải. Mặc dù Co-WIN được xây dựng nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêm chủng nhưng vẫn cần phải cải thiện hơn nữa để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Trong vài tuần qua, hệ thống đã bộc lộ những điểm yếu, đặc biệt là đối với việc sử dụng ở các vùng nông thôn[17].
Lãng phí là một vấn đề dễ gặp phải đối với bất kỳ chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nào, trong đó có chiến dịch ở Ấn Độ. Có rất nhiều lý do khác nhau[18], nhưng nguyên nhân chủ yếu là do bảo quản bằng dây chuyền lạnh không đúng cách hay quy trình tiêm chủng kém như không thể rút đủ số liều quy định từ lọ. Lãng phí tạo ra nhu cầu vắc xin cao một cách không cần thiết, đồng thời làm chậm toàn bộ chiến dịch. Mức lãng phí của cả Covishield và Covaxin đã giảm đáng kể trong hai tháng qua xuống dưới 5% tính đến ngày 22 tháng 5 năm 2021. Mức trung bình trên toàn quốc, tính đến ngày 25 tháng 5 năm 2021, là 6,5%[19], tuy nhiên ở nhiều bang mức độ lãng phí lên tới trên 30%.
2.Hướng tới công bằng trong phân phối vắc xin
Chìa khóa để kiềm chế đại dịch COVID-19 là tiêm chủng trên diện rộng, với tốc độ nhanh chóng, cả ở nhóm nước giàu và nước nghèo, hướng tới mục tiêu công bằng trong việc phân phối vắc xin. Các nước có thu nhập trung bình thấp (LMIC), với công nghệ và nguồn lực hạn chế, phụ thuộc vào các liên minh vắc xin toàn cầu của WHO, Liên hợp quốc, Quỹ Gates, cũng như GAVI và COVAX. Liên minh này có sự tham gia của các nước phát triển cam kết cung cấp vắc xin cho các quốc gia nghèo hơn. Theo hình 1, trong khi các nền kinh tế lớn đã tiêm chủng cho phần lớn dân số của họ, thì tốc độ ở các quốc gia nghèo hơn lại tiến triển rất chậm.
Hình 1: Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo các nhóm thu nhập
Ấn Độ thông qua sáng kiến “Vaccine Maitri” đã phân phối vắc xin đến nhiều quốc gia nghèo trên thế giới. Tính đến ngày 28 tháng 5, Ấn Độ đã gửi hơn 66,37 triệu liều[20] của cả Covishield và Covaxin tới 95 quốc gia. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng nỗ lực này đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt trong nước, chính phủ và Bộ Ngoại giao[21] vẫn khẳng định rằng chính sách ngoại giao vắc xin không làm tổn hại đến nhu cầu của quốc gia.
Vào tháng 10 năm 2020, Ấn Độ và Nam Phi đề xuất Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ trong khía cạnh thương mại (TRIPS)[22] đối với vắc xin COVID-19. Mục đích của lời kêu gọi này là khuyến khích chia sẻ dữ liệu và chuyển giao công nghệ cần thiết, do đó cho phép các quốc gia có thu nhập thấp sản xuất vắc xin và thuốc mRNA để phân phối rộng rãi hơn và điều trị / tiêm chủng nhanh hơn cho dân số của họ. Ban đầu, lời kêu gọi này nhận được các phản ứng tiêu cực, tuy nhiên hiện nay, Hoa Kỳ đã chấp thuận có điều kiện đề xuất[23]. Sau đó, ngay cả Liên minh Châu Âu[24], New Zealand [25] và Pháp[26] cùng đều thể hiện sự sẵn sàng đàm phán các điều khoản và điều kiện của việc từ bỏ TRIPS.
Do Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn và đa dạng, do đó hướng tới công bằng trong việc phân phối vắc xin cũng là một thách thức lớn của quốc gia này. Trong đợt đại dịch đầu tiên, các khu vực nông thôn bị ảnh hưởng tương đối ít hơn so với các khu vực thành thị. Tuy nhiên trong làn sóng thứ hai, các khu vực nông thôn đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng người mắc COVID-19. Một phân tích do Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ tiến hành cho biết rằng tỷ lệ các khu vực nông thôn ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19 là 52,9%.
Lý do chính dẫn tới hạn chế trong việc duy trì công bằng phân phối vắc xin giữa thành thị và nông thôn là do yếu kém về hậu cần, cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và nhân sự có chuyên môn cao, đặc biệt là ở các bang nghèo hơn[27]. Để hoạt động tiêm chủng có hiệu quả, các bang nghèo hơn cần nguồn lực và nâng cao năng lực để cải thiện cơ sở hạ tầng y tế, đặc biệt liên quan đến phát triển dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin. Trong khi các loại vắc xin hiện đang được sử dụng không có yêu cầu quá cao trong việc bảo quản bằng dây chuyền lạnh, nhưng sự phân bố các điểm bảo quan bằng dây chuyền lạnh ở Ấn Độ không đồng đều giữa các vùng. Tính đến tháng 12 năm 2020, Ấn Độ có 29.000 điểm dây chuyền lạnh trên cả nước[28]. Một phân tích chi tiết vào tháng 3 năm 2021 cho thấy chỉ sáu bang (Maharastra, Karnataka, Tamil Nadu, Rajasthan, Gujarat, Andhra Pradesh) có dân số chỉ chiếm khoảng 34% dân số Ấn Độ nhưng lại sở hữu 52% tổng số kho dây chuyền lạnh trên cả nước[29].
Khuyến nghị và Kết luận
Việc tiêm chủng cho một cá nhân có vẻ đơn giản - giống như cuộc thi chạy nước rút 100m. Tuy nhiên, việc tiêm chủng đại trà giống với cuộc chạy marathon và vượt chướng ngại vật 10.000m, với các chướng ngại vật được dựng lên ở nhiều điểm khác nhau và thể hiện dưới vô số hình thức. Ấn Độ sẽ cần một cách tiếp cận đa chiều để giải quyết những trở ngại này. Tại thời điểm giữa tháng 6/2021, làn sóng thứ hai đang có xu hướng giảm; đợt thứ ba dự kiến vào khoảng tháng 11, và do đó khoảng thời gian này phải được sử dụng như một bước đệm để khởi động chiến dịch tiêm chủng thành công.
Báo cáo đề xuất các khuyến nghị sau:
(i) Sản xuất và mua sắm vắc xin: Chính phủ Ấn Độ phải chủ động đàm phán các thỏa thuận mua sắm vắc xin và nguyên liệu sản xuất vắc xin với số lượng lớn. Với các cuộc đàm phán đang diễn ra để miễn trừ TRIPS, cần bắt đầu chuyển giao công nghệ nhanh chóng và nhập khẩu nguyên liệu thô. Đồng thời, năng lực sản xuất trong nước cũng cần được thúc đẩy. Cho đến thời điểm Ấn Độ có thể tích trữ hoặc thiết lập dây chuyền sản xuất các loại vắc xin từ nước ngoài, sản xuất vắc xin Covishield và Covaxin trong nước vẫn là những lựa chọn tốt nhất. Đánh giá định kỳ phải được thực hiện với một kế hoạch khả thi để mở rộng sản xuất vào cuối năm 2021.
(ii) Phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực: Cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng và chuỗi bảo quản lạnh hiện có cần được củng cố, trong đó cần bảo đảm được sự hợp tác của Chính phủ với phía tư nhân để duy trì vận chuyển và lưu trữ vắc xin ngay cả ở những vùng sâu vùng xa. Mặc dù các yêu cầu về bảo quản đối với vắc xin đã được nới lỏng, nhưng cần phải có một cơ chế mạnh mẽ để đảm bảo kiểm soát chất lượng. Với một lượng lớn dự trữ vắc-xin dự kiến trong những tháng tới, tất cả các bang phải có đủ nguồn lực để lưu trữ và phân phối.
(iii)Phân phối công bằng: Các khu vực và cộng đồng có nguy cơ cao phải được xác định và phân phối phù hợp các loại vắc xin tương ứng. Cần tiến hành đánh giá định kỳ về các ca bệnh, tỷ lệ dương tính và cách thức phân phối để hướng dẫn việc giải ngân nguồn cung vắc xin một cách hiệu quả. Hậu cần của chuỗi cung ứng cũng cần được nâng cấp đầy đủ để phân phối công bằng ở nông thôn Ấn Độ.
(iv) Giảm lãng phí và tăng khả năng phòng bệnh của vắc xin: Cần đánh giá quá trình tiêm chủng - từ sản xuất, vận chuyển, bảo quản và quản lý - để xác định những nơi lãng phí vắc xin. Cần phải nỗ lực để giảm lượng lãng phí xuống dưới1% — điều này đòi hỏi phải có cơ chế nghiêm ngặt quản lý lãng phí, đào tạo nhân viên y tế, tuân theo quy định của WTO rằng bất kỳ lọ vắc xin nào đã được mở / được sử dụng trong một buổi tiêm chủng có thể được lưu trữ trong 28 ngày và được sử dụng cho một buổi tiêm chủng khác miễn là chúng đáp ứng các tiêu chí nhất định[30].
(v) Cải thiện khả năng cận: Triển khai các đơn vị tiêm chủng lưu động với sự tham gia của các nhân viên được đào tạo và trang thiết bị tốt để xử trí các tình huống phát sinh. Các buổi tuyên truyền với cộng đồng nên được bắt đầu ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa với kế hoạch phù hợp và thông báo trước. Một số thành phố đã bắt đầu tiêm chủng ngay trên xe ô tô[31] là một biện pháp cần được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Đối với việc đăng ký tiêm chủng ở các vùng nông thôn, chính quyền cấp huyện hoặc cấp làng xã có thể yêu cầu triển khai tại Trung tâm Tiêm chủng Covid.
(vi) Vận động tiêm chủng: Sự do dự hay tâm lý e ngại tiêm vắc xin phải cần được loại bỏ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi thường hạn chế về khả năng tiếp cận với luồng thông tin đầy đủ. Truyền thông thay đổi hành vi, với sự tham gia ở cấp cộng đồng, phải được thực hiện ngay lập tức.
Nguồn: Haryax Pathak (2021), India’s COVID-19 Vaccination Campaign: A Marathon, Not a Sprint, ORF Special Report No.143, June 2021, Observer Research Foundation.
[1] Andrews, M. A., Binu Areekal, K. R. Rajesh, Jijith Krishnan, R. Suryakala, Biju Krishnan, C. P. Muraly, and P. V. Santhosh. 2020. “First Confirmed Case of COVID-19 Infection in India: A Case Report”. The Indian journal of medical research 151 (5): 490–92.
[2] Ministry of Health and Family Welfare, “COVID-19 Statewise Status”.
[3] Ministry of Health and Family Welfare, “COVID-19 Status”.
[4] Worldometer, “COVID-19 Coronavirus Pandemic”.
[5] Ministry of Health and Family Welfare, “Cumulative Covid Vaccination Report 2nd June 2021”.
[6] Centers for Disease Control and Prevention, “COVID-19 Vaccinations in the United States”.
[7] Rakesh Sood, Kriti Kapur and Oommen C Kurian, “India’s Vaccine Rollout: A Reality Check,” ORF Special Report No. 139, May 2021, Observer Research Foundation.
[8] Government of India, “Update on COVID Vaccine Allocation“, Press Information Bureau, May 30, 2021.
[9] Loomba, Sahil; Figueiredo, Alexandre de; Piatek, Simon J.; Graaf, Kristen de; Larson, Heidi J. (2021): Measuring the impact of COVID-19 vaccine misinformation on vaccination intent in the UK and USA. In Nature human behaviour 5 (3), pp. 337–348.
[10] Islam, Md Saiful; Kamal, Abu-Hena Mostofa; Kabir, Alamgir; Southern, Dorothy L.; Khan, Sazzad Hossain; Hasan, S. M. Murshid et al. (2021): COVID-19 vaccine rumors and conspiracy theories: The need for cognitive inoculation against misinformation to improve vaccine adherence. In PloS one 16 (5), e0251605.
[11] United States Department of Defense, “Coronavirus: Operation Warp Speed”.
[12] COVID-19 Vaccine Tracker.
[13] World Health Organisation (2020): Update on COVID-19 Vaccine Development. Available online at, updated on 12/21/2020
[14] Directorate General of Health Services (2021). Central Drugs Standard Control Organisation.
[15] Cines, Douglas B.; Bussel, James B. (2021): SARS-CoV-2 Vaccine-Induced Immune Thrombotic Thrombocytopenia. In The New England journal of medicine.
[16] Puja Changoiwala (2021): How a village in India reached 100% vaccination in the face of misinformation and hesitancy. National Geographic. Updated on 5/22/2021
[17] Supreme Court of India, of 5/31/2021, Suo Motu Writ Petition (Civil) No.3 of 2021 IN RE: DISTRIBUTION OF ESSENTIAL SUPPLIES AND SERVICES DURING PANDEMIC, pp. 27–31. E.5.
[18] Ministry of Health and Family Welfare, “Vaccine Wastage Assessment”, April 2010.
[19] Ministry of Health and Family Welfare, 25 May 2021.
[20] Ministry of External Affairs, COVID-19 Vaccine Supply, “Vaccine Maitri”.
[21] Ministry of External Affairs, “Statement by External Affairs Minister in Lok Sabha on the Vaccine Maitri Initiative”, 17 March 2021.
[22] World Trade Organization: “Waiver From Certain Provisions Of The Trips Agreement For The Prevention, Containment And Treatment Of Covid-19”.
[23] Office of the United States Trade Representative, “Statement from Ambassador Katherine Tai on the Covid-19 Trips Waiver.” Washington. 5 May 2021.
[24] European Union, “Statement by President von der Leyen at the joint press conference with President Michel and Prime Minister Costa following the informal meeting of EU Leaders and the EU-India leaders’ meeting.” 8 May 2021.
[25] New Zealand, “NZ backs moves to improve global access to COVID vaccines.” 6 May 2021.
[26] Macron backs waiving IP rights for COVID-19 vaccines. Reuters. 6 May 2021.
[27] Ministry of Health and Family Welfare, “Rural Health Statistics”, 2018-19.
[28] Ministry of Health and Family Welfare, 25 December 2020.
[29] The Indian COVID-19 Alliance (2021): India COVID-19 Vaccination Distribution Report. IDFC Institute.
[30] World Health Organisation: WHO Policy Statement: Multi-dose Vial Policy (MDVP). 2014.
[31] Sangeeta Ojha, “Drive-in Covid-19 vaccinations centres in these cities in India. Full list.” Mint. 18 May 2021.
PTI “Drive-through COVID-19 vaccination centre starts in Ahmedabad.” 27 May 2021.
PTI, “Kolkata to Get Its First Drive-through Vaccination Centre.” News 18 India. 2 June 2021.