20/01/2021
Bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm lần thứ 74 Ngày Độc lập của nước Cộng hòa Ấn Độ, 75 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh nước CNXHCN Việt Nam Chủ đề Webinar: “Ấn Độ - Người bạn lớn của nhân dân Việt Nam” Chủ đề phát biểu: “Phong trào giành độc lập của nhân dân Ấn Độ” Thời gian: 9h30, ngày 27/8/2020 (Thứ Năm)
Kính thưa:
Kính thưa toàn thể quý vị,
Trước hết cho phép tôi được gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội hữu nghị Việt Nam Ấn Độ Tp. HN, Trung tâm VH Swami Vivekananda, Đại sứ quán Ấn Độ đã có lời mời tôi tham gia sự kiện có ý nghĩa quan trọng này.
Như Ngài Đại sứ Pranay Verma đã chỉ ra trong phát biểu khai mạc, Tôi nghĩ những ngày này cả VN và Ấn Độ đều sống trong không khí thiêng liêng của những ngày lễ lớn của đất nước. Thực sự, tháng 8 và tháng 9 có nghĩa quan trọng đối với cả Việt Nam và Ấn Độ. Sự kiện ngày độc lập Ấn Độ và ngày quốc khánh Việt Nam diễn ra rất gần nhau cho thấy sự kết nối chia sẻ về lịch sử của 2 dân tộc. Có lẽ quý vị cũng biết là ngày 8.8.1942, Mamatma Gandhi phát động phong trào “Rút khỏi Ấn Độ” (Quit India Movement), phong trào này còn được gọi là “Phong trào tháng 8” hay “Cách mạng tháng 8”. Trong khi đó, ba năm sau, ngày 19.8. 1945 là ngày Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, đánh dấu sự thành công của Cách mạng tháng 8 ở Việt Nam. Như vậy, Ấn Độ và Việt Nam đều có “Cách mạng tháng 8” và kỷ niệm ngày Độc lập rất gần nhau. Điều này làm chúng ta trở nên gần gũi với nhau hơn, chia sẻ với nhau được nhiều hơn.
Để nói về “Phong trào giành độc lập của nhân dân Ấn Độ” là một chủ đề lớn, kéo dài trong khoảng 100 năm, từ cuộc khởi nghĩa của binh lính Bengal năm 1857 đến khi Ấn Độ được trao trả độc lập vào năm 1947. Trong bài phát biểu hôm nay, tôi chỉ xin chia sẻ một số suy nghĩ của bản thân khi tìm hiểu về phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ấn Độ.
Trước hết, tôi muốn nói một chút về khái niệm “độc lập” hay “tự trị” theo cách hiểu của Ấn Độ, hơi khác với cách hiểu thông thường của chúng ta về “độc lập” “tự do”. Tiêu biểu ở đây là cách hiểu của Mahatma Gandhi.
Sau đó, tôi sẽ khái quát một số dấu mốc chính trong phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ấn Độ.
Cuối cùng là một số nhận xét, kết luận.
1. Khái niệm “độc lập, tự trị” (swaraj) của Ấn Độ
Khái niệm “độc lập, tự trị” của Ấn Độ có thể được tiếp cận một cách khá rõ nét thông qua việc tìm hiểu quan điểm của Mahatma Gandhi về “Swaraj” trong tác phẩm Hind Swaraj (Nền Tự trị Ấn Độ). Đối với Mahatma Gandhi, “độc lập” “tự trị” không đơn giản chỉ là đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đối với Gandhi, sự “độc lập, tự chủ” thực sự nằm ở khả năng làm chủ của mỗi người Ấn, rằng dù có hay không có mặt người Anh trên đất nước Ấn Độ không quan trọng, điều quan trọng là mỗi người Ấn cần làm chủ vận mệnh của mình, kiểm soát được hành động của mình.
Cách lý giải của Gandhi về nền độc lập, tự trị của Ấn Độ được trình bày rõ trong cuốn Hind Swaraj (Nền Tự trị Ấn Độ) mà ông viết trong vòng 10 ngày, từ 13 đến 22 tháng 11 năm 1909, trên chuyến tàu từ nước Anh trở lại Nam Phi của tác giả. Trong tác phẩm này, Gandhi lý giải về nền độc lập tự trị Ấn Độ thông qua việc giải thích nguyên nhân sự nô lệ, lệ thuộc của Ấn Độ. Khác với cách hiểu thông thường của nhiều người sẽ đổ lỗi cho người Anh xâm chiếm Ấn Độ và thuộc địa hóa Ấn Độ, Gandhiji không đổ lỗi cho người Anh mà đổ lỗi cho người Ấn. Gandhiji cho rằng, chính sự xuống cấp về đạo đức của người Ấn đã dẫn đến sự xâm chiếm của người Anh và chính người Ấn đã giữ người Anh ở lại. Ông nói, “Người Anh đã không chiếm Ấn Độ mà là chúng ta trao Ấn Độ cho họ. Họ không ở lại Ấn Độ vì sức mạnh của họ mà bởi vì chúng ta giữ họ.” Gandhi cho rằng, ban đầu, người Anh đến Ấn Độ vì mục đích thương mại và hoàn toàn không có ý định thiết lập một vương quốc. Chính người Ấn đã giúp đỡ nhân viên của Công ty, chào đón họ với vòng tay rộng mở. Gandhi diễn giải điều này như sau: “Nếu tôi có thói quen uống rượu bhang và có người bán nó cho tôi, thì tôi phải đổ lỗi cho anh ta hay đổ lỗi cho chính mình? Bằng cách đổ lỗi cho người bán, liệu tôi có thể tránh được thói quen này không? Và nếu một người bán lẻ bị đuổi đi, thì liệu có chắc là có một người khác sẽ không thế vào chỗ anh ta không?” Một yêu nước thực sự sẽ phải đi đến tận gốc rễ của vấn đề. (Hind Swaraj)
Vậy làm thế nào để Ấn Độ có được sự độc lập, tự trị và tự do? Mahatma Gandhi cho rằng, nếu mỗi người Ấn trở nên độc lập tự chủ và tự do thì Ấn Độ sẽ trở nên độc lập, tự chủ và tự do. Và trong ý nghĩa đó, Gandhi đưa ra cách hiểu về nền độc lập tự trị của Ấn Độ. Gandhi cho rằng, “Tự trị” hay Độc lập nằm ở trong tay chúng ta. Sự Tự trị đó phải được trải nghiệm bởi bản thân mỗi người. Sự tự trị này cần thiết cho Ấn Độ trong mọi thời đại, không chỉ trong thời kỳ thuộc địa. Vì vậy, những dòng cuối cùng của cuốn “Hind Swaraj”, Gandhi nhắc lại:
Điều này làm tôi nhớ đến bài phát biểu của Thủ tướng Modi nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày độc lập Ấn Độ, khi ông đưa ra tầm nhìn về một “Ấn Độ tự cường” (A self-reliant India - Atmanirbhar Bharat). Thủ tướng Modi nhấn mạnh, …Để bảo vệ chính mình và chủ động đối phó (trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế), cũng như thực hiện ước mơ xây dựng Ấn Độ thế kỷ 21, con đường phía trước của chúng ta là đảm bảo rằng, đất nước trở nên tự chủ.”[1] Hiện nay, thuật ngữ “Ấn Độ Tự cường” đã trở thành một từ khá thông dụng trong các bài viết về Ấn Độ. Có thể nói, Ấn Độ Tự Cường chính là phong trào Swadeshi[2] của thế kỷ 21.
2. Khái quát phong trào giành độc lập của nhân dân Ấn Độ
Quay trở lại với câu chuyện về phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ấn Độ, chúng ta có thể khái quát như sau: Phong trào này đã tiến triển từ đầu thế kỷ 19 và trải qua một số dấu mốc quan trọng như sau: Đầu tiên là khởi nghĩa của binh lính (sepoy mutiny) ở Bengal vào năm 1857; sau đó là sự thành lập của các tổ chức chính trị ở Ấn Độ và đỉnh cao là sự thành lập của Đảng Quốc Đại Ấn Độ vào năm 1885.
Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Đảng Quốc Đại hoạt động giới hạn trong giới tinh hoa chính trị và tầng lớp có học. Bắt đầu từ thập niên thứ 2 của thế kỷ 20, phong trào đấu tranh giành độc lập của người Ấn bắt đầu trở thành một phong trào của đại chúng khi Mahatma Gandhi xuất hiện trên vũ đài chính trị Ấn Độ sau khi trở về từ Nam Phi. Với sự xuất hiện của Gandhi, phong trào dân tộc Ấn Độ có sự chuyển biến lớn, từ một phong trào của giới ưu tú trở thành một phong trào của đông đảo quần chúng nhân dân. Chúng ta đã biết, Mahatma Gandhi đã sử dụng những kỹ thuật đấu tranh bất bạo động, bất hợp tác mà ông đã thử nghiệm thành công ở Nam Phi khi lãnh đạo các phong trào đấu tranh ở Ấn Độ.
Bên cạnh phong trào đấu tranh do Gandhi lãnh đạo, ở Ấn Độ cũng có những phong trào đấu tranh cấp tiến hơn, cũng có những phong trào ủng hộ bạo động cách mạng như phong trào do Subhas Chandra Bose lãnh đạo, tuy nhiên, phong trào bất bạo động kiên trì chân lý dưới sự lãnh đạo của Mahatma Gandhi là phong trào thắng thế. Vì vậy, trong giới hạn bài trình bày hôm nay, tôi sẽ tập trung nói về những phong trào đấu tranh bất bạo động của nhân dân Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Mahatma Gandhi. Việc kiên trì đấu tranh bất bạo động để giành lấy sự tự trị, độc lập của Ấn Độ là điểm nổi bật, khác thường của phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ấn Độ. Đây cũng là đóng góp quý báu về phương pháp đấu tranh cách mạng phi bạo lực của Ấn Độ đối với việc giải quyết xung đột trên thế giới hiện nay.
Trong những seminar về Gandhi đã được tổ chức trước đây, chúng ta nói nhiều đến tư tưởng của ông mà ít nói đến vai trò của ông trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Ấn Độ. Vì vậy, hôm nay, tôi xin tập trung nhiều hơn về điều này.
Như tôi đề cập ở trên, sự xuất hiện của Mahatma Gandhi trên vũ đài chính trị Ấn Độ đã biến phong trào dân tộc của giới ưu tú thành phong trào của đông đảo quần chúng nhân dân. Sau khi trở về từ Nam Phi, Mahatma Gandhi bắt đầu tìm hiểu tình hình Ấn Độ và dấn thân vào các hoạt động chính trị chống lại những luật lệ bất công của chính quyền thực dân. Bằng việc sử dụng phương pháp đấu tranh Bất bạo động tích cực mà ông học được ở Nam Phi, Mahatma Gandhi đã có thể thu hút được hàng triệu người Ấn tham gia các phong trào do ông phát động. Trong thời gian từ năm 1917 đến 1931, Mahatma Gandhi đã lãnh đạo các phong trào nổi bật sau đây:
+ Phong trào Champaran (1917-1918): là phong trào đầu tiên do Gandhiji trực tiếp lãnh đạo, nhằm giúp nông dân trồng chàm ở Champaran (Bihar) đấu tranh chống lại những quy định bất công của các chủ đồn điền (chủ yếu người Anh). Chàm là một cây trồng phổ biến ở Ấn Độ thời thuộc địa. Chính sách áp đặt cưỡng bức việc trồng chàm và mức thuế nặng mà các chủ đồn điền đặt ra cho nông dân trồng chàm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nông dân, nhiều gia đình rơi vào tình trạng đói kém. Trước tình hình đó, Mahatma Gandhi đã trực tiếp đến Champaran nghiên cứu tình hình, giúp nông dân Champaran thương thảo với các chủ đồn điển và chính quyền thực dân. Cuối cùng, nhờ sự can thiệp của Gandhi, chính quyền thực dân đã phải nhượng bộ. Toàn quyền Anh tại Ấn đã phải ban hành Đạo luật Nông nghiệp Champaran (1/5/1919) qua đó bãi bỏ hệ thống Tinkathia với những quy định bất công đối với nông dân.
+ Phong trào Rowlatt Satyagraha (1918-1919), nhằm chống lại đạo luật Rowlatt, còn gọi là “Đạo luật Đen”, theo đó cho phép chính quyền thực dân bỏ tù trong thời gian tối đa 2 năm mà không cần thông qua xét xử bất kỳ người Ấn nào bị nghi ngờ là khủng bố. Mục đích của Đạo luật Rowlatt là ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc ngày càng mạnh mẽ ở Ấn Độ. Trong phong trào chống lại Đạo luật Rowlatt, Gandhiji đã áp dụng chương trình hành động bốn bước: (1) người Ấn trả lại tất cả những huy chương, chức tước do chính quyền thực dân ban cho; (2) tất cả luật sư đóng cửa văn phòng, viên chức chính quyền từ chức, cha mẹ không cho con cái tiếp tục theo học các trường công lập; (3) tất cả binh lính Ấn trong quân đội chính quyền từ bỏ vũ khí; (4) toàn thể nhân dân Ấn Độ không nộp thuế cho chính quyền. [Phong trào phản đối đạo luật Rowlatt không đạt được tất cả các mục tiêu đặt ra và phải ngưng lại trước khi đến giai đoạn cuối cùng do xu hướng bạo động của phong trào, dẫn đến sự đàn áp phong trào của chính quyền thực dân, đỉnh điểm là xảy ra vụ thảm sát tại Jallianwala Bagh ở Amritsa năm 1919. Tuy nhiên, đạo luật Rowlatt, vốn là nguyên nhân dẫn đến phong trào đấu tranh, chưa từng được chính quyền thực dân đem ra sử dụng. Điều đó có thể xem là kết quả tích cực của phong trào Rowlatt.]
+ Phong trào Bất hợp tác (1920-1922): Vụ thảm sát tại Jallianwala Bagh, trong đó chính quyền thực dân đã nổ sung vào một đám đông tụ tập trong một khu vực không lối thoát, khiến cho 379 người chết, 200 người bị thương, là một trong những nguyên nhân dẫn đến phong trào Bất hợp tác trong những năm 1920-22. Bên cạnh đó, những cải cách hạn chế của Montagu-Chelmsford không làm người Ấn thỏa mãn; vấn đề Khilaphat của người Hồi giáo cũng tạo nên bối cảnh cho phong trào bất hợp tác. (Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Anh phế truất Khalifa khỏi vị trí quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đến sự phản đối của thế giới Hồi giáo). Chương trình hành động của phong trào Bất hợp tác là sự tiếp nối và mở rộng của phong trào chống đạo luật Rowlatt, bao gồm việc tẩy chay hàng hóa ngoại nhập (của Anh), sử dụng hàng nội địa, bên cạnh việc tẩy chay các dịch vụ dân sự, quân đội và cảnh sát, từ bỏ các tước hiệu, tẩy chay các cuộc bầu cử hội đồng, phản đối chuyến thăm của Hoàng tử xứ Wales đến Ấn Độ… Trong phong trào này, quần áo vải vóc ngoại nhập bị đốt cháy công khai, hàng nhập khẩu của Ấn Độ giảm xuống còn một nửa. Khoảng 9000 sinh viên từ bỏ trường học, nhiều luật sư từ bỏ tòa án (trong đó có C.R. Das, Motilal Nehru – cha của J. Nehru, V. Patel v.v.) Tuy nhiên, tương tự như phong trào phản đối đạo luật Rowlatt, sự kiện bạo động tại Chauri Chaura năm 1922 của những chiến binh Satyagrahi đã khiến Gandhiji ngay lập tức kêu gọi chấm dứt phong trào. Dù vậy, phong trào Bất hợp tác đã tạo ra một làn sóng yêu nước mới, bất bạo động trở thành công cụ chính yếu của phong trào dân tộc Ấn Độ.
+ Phong trào Bất tuân dân sự (1930-1931): liên quan đến việc đấu tranh phản đối Đạo luật Muối của chính quyền thực dân. Năm 1882, chính quyền Anh đã ban hành Đạo luật Muối, theo đó, người Ấn bị cấm thu hoạch hoặc bán muối, 1 gia vị chính trị trong chế độ ăn uống của mọi người dân Ấn. Vấn đề thuế muối đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Ấn bởi nó liên quan đến một nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mọi người. Ngày 12/3/1930, cuộc Hành trình Dandi (Dandi March) chống lại Đạo luật Muối của Gandhi chính thức bắt đầu từ trang trại của ông trên bờ sông Sabarmati (Sabarmati Ashram). Gandhi cùng với các học trò của ông đã đi bộ khoảng 241 dặm (tương đương 385 km) từ Ahmedabad đến Dandi, một ngôi làng ven biển ở bang Gujarat. Trong suốt hành trình, Gandhi đã có những bài phát biểu chứng minh sự vô nhân đạo của đạo luật Muối của chính quyền thực dân. Quần chúng Ấn Độ tham gia phong trào ngày một đông, lên đến hàng chục ngàn người. [Phong trào Bất tuân dân sự phản đối Đạo luật Muối tuy không mang lại độc lập cho Ấn Độ ngay lập tức, nhưng đã làm suy yếu nghiêm trọng chính quyền thực dân, đẩy nhanh tiến trình rút khỏi Ấn Độ của thực dân Anh.]
3. Một số nhận xét, kết luận
Điểm thành công nhất của Mahatma Gandhi trong tất cả những phong trào này là khả năng vận động và thu hút sự tham gia của một số lượng lớn quần chúng. Bằng việc đánh thức khả năng đấu tranh bất bạo động của những người nông dân Ấn Độ chất phác thật thà, Gandhi đã thu phục được tình cảm của đông đảo nhân dân. Sức mạnh của quần chúng từ mọi tầng lớp dưới sự dẫn dắt của Gandhi đã gây sức ép cho Chính quyền và buộc Chính quyền phải nhượng bộ trong nhiều trường hợp. Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Gandhi, phong trào dân tộc Ấn Độ không còn giới hạn trong tầng lớp tinh hoa của xã hội. Phong trào dân tộc trở thành một phong trào của toàn dân. Sức mạnh của sự kháng cự bất bạo động của toàn thể nhân dân Ấn Độ đã phơi bày bộ mặt thật sự của chủ nghĩa đế quốc, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh tiến trình rút khỏi Ấn Độ và chuyển giao quyền lực từ Chính quyền Anh sang Chính quyền của người Ấn.
Trên đây chỉ là một số điểm chính của phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ấn Độ. Tôi hi vọng TS. Harisha có thể bổ sung thêm nhiều điều trong phần kết luận.
Phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Mahatma Gandhi đã cho thấy sức mạnh của phương pháp đấu tranh bất bạo động tích cực. Đây chính là đóng góp quý báu của Ấn Độ cho thế giới. Sự độc lập của Ấn Độ không chỉ có ý nghĩa đối với Ấn Độ, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực và thế giới. Phương pháp đấu tranh của Ấn Độ không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử, mà còn rất có ý nghĩa đối với thế giới hiện nay khi các xung đột vẫn diễn ra giữa các dân tộc trên thế giới.
Như Mahatma Gandhi đã chỉ ra, tinh thần dân tộc của Ấn Độ không mâu thuẫn với tinh thần quốc tế. Gandhiji nói rằng, “tôi mong muốn sự tự do cho đất nước tôi để các nước khác có thể học được gì đó từ sự tự do của đất nước tôi, để nguồn lực của đất nước tôi có thể hữu dụng cho lợi ích của nhân loại”.
Vì vậy, Mahatma Gandhi coi bản thân là “một người phụng sự khiêm nhường của Ấn Độ”, và trong khi nỗ lực phụng sự Ấn Độ, ông cũng nỗ lực phụng sự nhân loại nói chung. Đối với Gandhi, sự hi sinh của mỗi cá nhân có nhiều tầng sâu ý nghĩa: “Cá nhân hi sinh cho cộng đồng (làng xã), cộng đồng hi sinh cho quận/huyện, quận/huyện hi sinh cho quốc gia/ dân tộc, và dân tộc hi sinh cho thế giới/nhân loại.[3]
Ngày 18/8/2020 vừa qua, trong khi diễn giải về tầm nhìn “Ấn Độ tự cường” (Atmanirbhar Bharat), Thủ tướng Modi cũng nói: khi Ấn Độ nói về tự lực, tự cường, điều đó không có nghĩa là (Ấn Độ) ủng hộ một hệ thống “lấy bản thân làm trung tâm”. Trong sự tự lực, tự cường của Ấn Độ có sự quan tâm đối với hạnh phúc, sự hợp tác và hòa bình của toàn thế giới. Văn hóa Ấn Độ luôn coi thế giới là một gia đình, và sự tiến bộ của Ấn Độ là một phần và cũng đóng góp cho sự tiến bộ của toàn thế giới.
Điều cuối cùng tôi muốn nói là, Phong trào độc lập của Ấn Độ cũng có tác động cổ vũ rất lớn đối với phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Chính sự chia sẻ, ngưỡng mộ và những tình cảm chân thành mà các bậc lãnh tụ tiền bối của chúng ta danh cho nhau, giữa Pandit Nehru, Mahatma Gandhi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển vững chắc như ngày hôm nay. Hôm nay, chúng ta hiểu và không ngừng tự nhắc nhở rằng, độc lập, tự chủ, tự do là những giá trị mà Ấn Độ và Việt Nam đã phải đánh đổi bằng sự hi sinh, bằng máu và mồ hôi nước mắt của nhiều thế hệ cha anh. Chúng ta hôm nay có bổn phận kế thừa và phát huy tinh thần đó.
Tôi xin tạm dừng bài phát biểu của mình tại đây. Xin chúc mừng ngày độc lập của Ấn Độ và quốc khánh của Việt Nam. Chúc cho tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ mãi bền chặt và ngày càng phát triển. Kính chúc quý vị sức khỏe và hạnh phúc, thành công.
Xin cảm ơn quý vị.
[1] Vì một Ấn Độ tự lực. http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=77&NewsId=435924
[2] Ngày 7/8/1905, phong trào Swadeshi nhằm tẩy chay hàng hóa ngoại nhập và chỉ sử dụng hàng nội địa đã được tuyên bố khởi động ở Ấn Độ dưới thời thuộc Anh.
[3] Ibid.