14/01/2021
Tổng hợp: Nguyễn Đắc Tùng, phòng NC Lịch sử và Văn hóa, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS)
Trong nhiệm vụ trở thành một những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới và tăng cường quan hệ chiến lược với các quốc gia “thân thiện”, Ấn Độ đã lập ra danh sách các quốc gia có thể bán hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, hệ thống tên lửa phòng không Akash và các loại vũ khí khác trong 5 năm tới.
Tên lửa BrahMos là sản phẩm hợp tác giữa Ấn Độ và Nga. Tên lửa được phát triển bởi công ty BrahMos Aerospace Private Limited, một công ty liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và công ty NPO Mashinostroyenia của Nga từ năm 1998. Tên của tên lửa BrahMos được ghép từ tên của hai con sông Brahmaputra (con sông ở phía Đông Bắc Ấn Độ) và Moskva (con sông ở phía Tây nước Nga). Tên lửa được phát triển dựa trên tên lửa hành trình chống tàu siêu âm P-800 Oniks của Hải quân Nga. Ngoài nhiệm vụ chính là chống hạm, tên lửa BrahMos còn được cải tiến để tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Đây là tên lửa hai tầng, tầng đầu tiên sử dụng nhiên liệu chất rắn, tầng thứ hai sử dụng nhiên liệu lỏng. Mẫu cơ bản của tên lửa BrahMos dài 9 m, nặng 3 tấn. Tên lửa siêu thanh Brahmos được coi là một thành tựu quan trọng trong mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia Nga và Ấn Độ. Đối với việc xuất khẩu tên lửa BrahMos, Nga phải tham gia.
Việc xuất khẩu tên lửa BrahMos do Nga hợp tác phát triển cùng với Ấn Độ sang Philippines đã được Ủy ban An ninh Nội các Ấn Độ do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì phê duyệt lần cuối vào ngày 30/12/2020. Quốc gia thứ hai trong danh sách xuất khẩu tên lửa BrahMos là Indonesia, trong khi đó Việt Nam, UAE, Ả Rập Saudi và Nam Phi cũng đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua tên lửa BrahMos tầm bắn 290 km của Ấn Độ, tên lửa BrahMos được coi là vũ khí tấn công chính xác được lựa chọn cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ.
Mặc dù tầm bắn của tên lửa BrahMos hiện đang được mở rộng lên hơn 400 km, Ấn Độ và Nga thậm chí còn có kế hoạch thử nghiệm biến thể 800 km trong năm 2021, phiên bản xuất khẩu sẽ là phiên bản có tầm phóng 290 km. Điều này là do Cơ chế Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (ngăn chặn sự phổ biến của các tên lửa có tầm bắn trên 300 km).
Sở dĩ Ấn Độ có thể tăng tầm bắn của tên lửa BrahMos là bởi vì Ấn Độ hiện là thành viên của Điều này là do Cơ chế Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR) từ năm 2016, khi Ấn Độ trở thành thành viên thứ 35 của MTCR. MTCR được thành lập nhằm giúp các nước thành viên có thể nâng tầm bắn của tên lửa vượt quá phạm vi giới hạn 300 km nhưng nó ngăn cấm các nước thành viên chuyển nhượng, buôn bán hay hợp tác sản xuất tên lửa có tầm bắn trên 300 km sử dụng đầu đạn trên 500 kg, cũng như công nghệ chế tạo các loại tên lửa cho các nước không thuộc cơ chế này.
Lần lượt có 9 quốc gia tỏ ra quan tâm đến hệ thống tên lửa Akash bản địa do Ấn Độ phát triển, tên lửa Akash có thể đánh chặn máy bay, trực thăng, máy bay không người lái và tên lửa hành trình cận âm của đối phương ở cự ly 25 km. Đó là Kenya, Philippines, Indonesia, UAE, Bahrain, Ả Rập Saudi, Ai Cập, Việt Nam và Algeria. Hơn 96% thiết kế của tên lửa Akash là bản địa, không cần phải tìm kiếm sự đồng tình của bất kỳ nước thứ ba nào để xuất khẩu tên lửa phòng không Akash.
Phiên bản xuất khẩu của tên lửa phòng không Akash cũng sẽ khác một chút so với phiên bản do lực lượng vũ trang giới thiệu. Sự khác biệt này là cần thiết để đảm bảo bí mật quân sự và công nghệ quân sự xuất khẩu ra nước ngoài. Không chỉ có Ấn Độ, mà nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Mỹ, châu Âu đều có biến thể xuất khẩu riêng đối với các dòng vũ khí, trang bị quân sự. Tổ hợp tên lửa Akash là dòng tên lửa phòng không đầu tiên do Ấn Độ tự phát triển. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) với công ty Bharat Electronics Limited (BEL) của Ấn Độ.
Đây là tên lửa đất đối không tầm trung, do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ phát triển. Tên lửa Akash được phát triển như một phần của Chương trình phát triển tên lửa dẫn đường có thể tích hợp với nhiều hệ thống vũ khí (IGMDP) của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, được thiết kế để đối phó với nhiều dòng mục tiêu bay, trong đó có máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa không đối đất. Tên lửa Akash nặng 720 kg, dài 5,78 m có đường kính 35 cm, chiều dài 5,78 m và mang theo đầu đạn nặng 60 kg. Tên lửa Akash có tầm bắn 25 km và trần cao lên tới 18 km, bay với vận tốc từ Mach 2,8-3,5, gấp khoảng 3 lần tốc độ âm thanh có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết Mỗi tiểu đoàn Akash gồm 4 bệ phóng với 3 đạn tên lửa mỗi bệ.
Việc Ấn Độ đồng ý xuất khẩu tổ hợp tên lửa Akash nằm trong sáng kiến “Ấn Độ tự cường” (Atmanirbhar Bharat) của Thủ tướng Narendra Modi. Sáng kiến “Ấn Độ tự cường” (Atmanirbhar Bharat) là tầm nhìn/chiến lược của Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, nhằm đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia tự lực, tự cường không những trên lĩnh vực như kinh tế mà còn trên lĩnh vực quốc phòng. Sáng kiến “Ấn Độ tự cường” với mục tiêu đẩy mạnh nền công nghiệp quốc phòng nội địa của Ấn Độ nhằm nâng giá trị xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ lên 5 tỷ USD vào năm 2025, giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu vũ khí và khí tài quân sự từ nước ngoài . “Ấn Độ tự cường” là chủ đề chính của bài phát biểu của Thủ tướng Modi nhân dịp Quốc khánh lần thứ 74 của nước này (15/8/2020). Ngoài ra, việc đồng ý xuất khẩu vũ khí sẽ giúp tăng cường quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng giữa Ấn Độ với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Các nguồn tin cho biết, tên lửa Astra không đối đất có tầm bắn 100 km, hiện đang được sản xuất sau khi thử nghiệm thành công từ máy bay chiến đấu Sukhoi-30MKI, cũng có tiềm năng để xuất khẩu. Bộ Quốc phòng Ấn Độ chop biết Ấn Độ sẽ phải xuất khẩu “các hệ thống vũ khí lớn hơn” nếu muốn đạt được mục tiêu đầy tham vọng là 5 tỷ USD (36.500 Rs crore) vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, Liên minh Nội các Ấn Độ vào ngày 30/12/2020 đã phê duyệt việc xuất khẩu các hệ thống tên lửa phòng khồng Akash. Liên minh Nội các Ấn Độ cũng thành lập một ủy ban gồm Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ, Rajnath Singh, Bộ trưởng đối ngoại Ấn Độ, S Jaishankar và Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, Ajit Doval để cho phép xuất khẩu các loại vũ khí tiếp theo sang các nước khác một cách nhanh chóng.
Cả tên lửa BrahMos và tên lửa Akash đều là hệ thống đã được thử nghiệm, kiểm tra và giới thiệu thành công. Các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã đặt hàng các hệ thống Akash trị giá 24.000 Rs crore trong nhiều năm, với một hợp đồng khác với trị giá 10.000 Rs crore đang được triển khai. Hợp đồng cho tên lửa BrahMos đã vượt qua 36.000 Rs crore.
Ấn Độ đang ở vị trí dễ bị tổn thương về mặt chiến lược khi trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, sau Ả Rập Saudi, chiếm 9,2% tổng lượng vũ khí nhập khẩu thế giới trong giai đoạn 2015-2019. Không những nhập khẩu các loại vũ khí hiện đại như xe tăng, máy bay chiến đấu..., mà còn cả đạn pháo, tên lửa, Ấn Độ cũng phụ thuộc vào các nguồn cung bên ngoài, điều này là gánh nặng với ngân sách quốc phòng Ấn Độ, đồng thời cũng khiến Ấn Độ đối mặt với nguy cơ thiếu thốn trang thiết bị quân sự nếu nguồn cung từ nước ngoài bị gián đoạn. Ấn Độ hiện chỉ xuất khẩu một số vũ khí, linh kiện và đạn dược nhỏ hơn, lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2018-2019.
Để khắc phục tình trạng này, những năm qua, Ấn Độ đã ký nhiều hợp đồng lớn với các đối tác để mua vũ khí như Nga và Mỹ, trang bị nhưng kèm với điều kiện bán giấy phép sản xuất và chuyển giao công nghệ chế tạo trong nước. Biện pháp này nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ sở hữu các công nghệ cốt lõi, từ đó dần tự phát triển các vũ khí cho riêng mình. Việc giảm phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu, tăng cường năng lực sản xuất vũ khí trong nước giúp Ấn Độ tiết kiệm ngân sách mà vẫn đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng lực quốc phòng để đối phó với những thách thức an ninh.
Trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ đang chịu tác động nặng nề từ Đại dịch Covid-19, việc Ấn Độ lập danh sách các quốc gia xuất khẩu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos và tên lửa phòng không Akash nhằm giúp Ấn Độ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia, góp phần giải quyết một số khó khăn, thách thức về kinh tế do Đại dịch Covid-19 gây ra. Quan trọng hơn, đây cũng là cơ hội để Ấn Độ phát huy tối đa năng lực sản xuất quốc phòng, từ đó nâng cao vị thế của Ấn Độ trên thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới.
1. Atmanirbhar in defence: India must battle demons within before tackling external threats, https://www.firstpost.com/india/atmanirbhar-in-defence-india-must-battle-demons-within-before-tackling-external-threats-8690721.html., ngày truy cập 8/1/2021.
2. India draws up nations’ list for Akash and BrahMos export,
https://www.defencenews.in/article/India-draws-up-nations%e2%80%99-list-for-Akash-and-BrahMos-export-1033356?fbclid=IwAR2SagYDZiXaFmtQXhkP9lBZa5zuq8-cXcbu1LEn9_3KhefX44U6lRE2mR8, ngày truy cập 10/1/2021.