29/09/2020
Tổng hợp: Nguyễn Đắc Tùng, phòng NC Lịch sử và Văn hóa, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á
Tháng 8/2020, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã nêu ra một loạt sáng kiến thúc đẩy phong trào “Ấn Độ tự cường” (Atmanirbhar Bharat) với mục tiêu đẩy mạnh nền công nghiệp quốc phòng nội địa, giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu vũ khí và khí tài quân sự từ nước ngoài. Phong trào “Ấn Độ tự cường” (Atmanirbhar Bharat) là tầm nhìn/chiến lược của Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, nhằm đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia tự lực, tự cường không những trên lĩnh vực như kinh tế mà còn trên lĩnh vực quốc phòng. “Ấn Độ tự cường” là chủ đề chính của bài phát biểu của Thủ tướng Modi nhân dịp Quốc khánh lần thứ 74 của nước này (15/8/2020).
Sáng kiến ấn độ tự cương trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng bao gồm: nâng cấp các cơ sở quốc phòng, hiện đại hóa nhà máy đóng tàu, triển khai các khí tài quốc phòng sản xuất trong nước và ký kết biên bản ghi nhớ mới với khu vực tư nhân để tăng cường nội địa hóa. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng sẽ cấm nhập khẩu 101 loại thiết bị quân sự trong vòng 5 năm tới. Danh sách các mặt hàng cấm rất đa dạng, từ những trang bị đơn giản như: áo khoác chống đạn cho tới những loại vũ khí công nghệ cao và quan trọng như pháo, súng trường tấn công, máy bay vận tải, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ, thiết bị bay không người lái, tàu khu trục tên lửa...[1]
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết: “Quyết định này sẽ mang lại cơ hội lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ sản xuất các mặt hàng trong danh sách bằng cách sử dụng khả năng thiết kế và phát triển của riêng họ hoặc áp dụng các công nghệ do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) thiết kế và phát triển để đáp ứng các yêu cầu của Lực lượng vũ trang Ấn Độ. Lệnh cấm vận đối với hàng hóa vũ khí nhập khẩu được lên kế hoạch thực hiện dần dần từ năm 2020 đến năm 2024. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, danh sách các loại vũ khí thuộc lệnh cấm sẽ được mở rộng dần dần. Bắt đầu từ tháng 12/2020, 69 mặt hàng quân sự sẽ bị cấm nhập khẩu vào Ấn Độ. Sau đó, lệnh cấm sẽ được mở rộng thêm vào cuối các năm: 2021 (11 mặt hàng), 2023 (12 mặt hàng), 2024 (8 mặt hàng). Đến cuối năm 2025, mặt hàng cuối cùng trong danh sách này là tên lửa hành trình tầm xa sẽ không được nhập khẩu vào Ấn Độ. Việc cấm nhập khẩu theo từng giai đoạn giúp các nhà thầu quân sự Ấn Độ có thời gian phát triển công nghệ cho các sản phẩm thay thế để đáp ứng nhu cầu của quân đội. Bên cạnh quy định về các mặt hàng cấm nhập khẩu, Chính phủ Ấn Độ cũng nâng hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên 74% trong lĩnh vực quốc phòng và thiết lập một ngân sách gần 7 tỷ USD trong năm tài khóa 2020-2021 dành riêng để mua sắm vũ khí nội địa.[2]
Nói về những cải cách mà chính phủ của ông đã thực hiện cải cách trong các lĩnh vực như Sở hữu trí tuệ (IP), thuế, phá sản, thậm chí cả trong lĩnh vực không gian và năng lượng nguyên tử, Thủ tướng Narendra Modi cho biết: “Đối với các Nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) nước ngoài, sản xuất tại Ấn Độ sẽ là lựa chọn tốt nhất. Nâng cấp công nghệ là cần thiết để tự cung cấp các thiết bị hiện đại và cũng cần phải làm việc để chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo của các thiết bị đang được sản xuất cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ. Các bước chính bao gồm quy trình cấp phép đơn giản hóa, tạo sân chơi bình đẳng cũng như bắt đầu đơn giản hóa quy trình xuất khẩu. Những điều này sẽ khuyến khích sự phát triển của các công nghệ mới trong lĩnh vực quốc phòng. Ấn Độ đã là nước nhập khẩu vũ khí lớn trong vài năm, nhưng tình hình đang thay đổi. Cam kết của chúng tôi về khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất quốc phòng không chỉ giới hạn trong các cuộc đàm phán hay giấy tờ. Từng bước một đã được thực hiện, quy mô các đơn đặt hàng cho ngành sản xuất quốc phòng trong nước cũng sẽ tăng lên trong những ngày tới. Công việc đang diễn ra tại hai hành lang công nghiệp quốc phòng ở bang Uttar Pradesh và bang Tamil Nadu và mục tiêu đầu tư 20.000 Rs crore (2,66 tỷ USD) đã được đặt ra trong vòng 5 năm tới”.[3]
Nói về sân chơi bình đẳng cho các cầu thủ tư nhân, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nêu rõ “Mục tiêu của Ấn Độ tự cường không thể đạt được nếu không có một sân chơi bình đẳng cho các công ty tư nhân”.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ cho biết: “Hội đồng Quản trị Nhà máy quốc phòng sẽ được thành lập để quản lý tốt hơn và cuối cùng sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Để quá trình mua sắm quốc phòng có thời hạn và ra quyết định nhanh hơn, ban quản lý dự án quốc phòng sẽ được thành lập để hỗ trợ quản lý hợp đồng mua sắm quốc phòng”[4].
Trên lý thuyết, đây là một sự thúc đẩy lớn cho khả năng sản xuất quốc phòng của Ấn Độ, tạo cơ hội cho các ngành công nghiệp Ấn Độ quan tâm đến sản xuất quốc phòng có thể bỏ túi những khoản tiền khổng lồ trong nước, một bước nhảy vọt để Ấn Độ tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng với vũ khí tự chế để đạt được những mục tiêu cao cả của Ấn Độ tự cường. Vào tháng 2/2020, Thủ tướng Narendra Modi đặt mục tiêu xuất khẩu quốc phòng trị giá 5 tỷ USD trong 5 năm tới và mời các chuyên gia quốc phòng toàn cầu thành lập các trung tâm sản xuất tại Ấn Độ.
Đánh giá
Là quốc gia có tiềm lực quân sự lớn thứ 4 thế giới nhưng trong nhiều thập niên Ấn Độ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vũ khí nhập khẩu. Suốt nhiều năm qua, Ấn Độ luôn nằm trong số các quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Trong giai đoạn từ năm 2014-2019, tổng giá trị nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ rơi vào khoảng 16,75 tỷ USD, xếp thứ 2 thế giới chỉ sau Saudi Arabia. Không chỉ nhập khẩu các loại vũ khí hiện đại như xe tăng, máy bay chiến đấu..., mà ngay cả đạn pháo, tên lửa, Ấn Độ cũng phụ thuộc vào các nguồn cung bên ngoài, điều này là gánh nặng với ngân sách quốc phòng Ấn Độ, đồng thời cũng khiến quốc gia Nam Á đối mặt với nguy cơ thiếu thốn trang thiết bị quân sự nếu nguồn cung từ nước ngoài bị gián đoạn.
Để khắc phục tình trạng này, những năm qua, Ấn Độ đã ký nhiều hợp đồng lớn với các đối tác để mua vũ khí như Nga và Mỹ, trang bị nhưng kèm với điều kiện bán giấy phép sản xuất và chuyển giao công nghệ chế tạo trong nước. Ví dụ như trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, Donald Trump đến Ấn Độ, cuối tháng 2/2020, hai nước Ấn Độ và Mỹ đã ký một thỏa thuận để Ấn Độ mua hơn 3 tỷ USD thiết bị quân sự tiên tiến của Mỹ, bao gồm cả trực thăng kèm theo những điều kiện bán giấy phép sản xuất và chuyển giao công nghệ chế tạo trong nước. Biện pháp này nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ sở hữu các công nghệ cốt lõi, từ đó dần tự phát triển các vũ khí cho riêng mình. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng triển khai một số chương trình sản xuất vũ khí nội địa như xe tăng Arjun, trực thăng tấn công hạng nhẹ... Việc giảm phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu, tăng cường năng lực sản xuất vũ khí trong nước giúp Ấn Độ tiết kiệm ngân sách mà vẫn đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng lực phòng thủ đối phó với những thách thức an ninh. Đây cũng được xem là bước đi phù hợp với mục tiêu “tự lực, tự cường” mà Chính phủ Ấn Độ hướng tới.
Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đang chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, những sáng kiến mà Bộ Quốc phòng Ấn Độ đưa ra được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia, tạo thêm việc làm cho lao động trong nước, góp phần giải quyết một số khó khăn, thách thức về kinh tế do đại dịch gây ra. Quan trọng hơn, đây cũng là cơ hội để quốc gia Nam Á phát huy tối đa năng lực sản xuất quốc phòng, từ đó nâng cao vị thế của ẤnĐộ trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu.
Tài liệu tham khảo
1. Atmanirbhar in defence: India must battle demons within before tackling external threats, https://www.firstpost.com/india/atmanirbhar-in-defence-india-must-battle-demons-within-before-tackling-external-threats-8690721.html, ngày truy cập 6/9/2020.
2. India to Ban Imports of 101 Items of Military Equipment (2020), https://thediplomat.com/2020/08/india-to-ban-imports-of-101-items-of-military-equipment/, ngày truy cập 8/9/2020.
3. Huma Siddiqui (2020), PM Modi bats for Atmanirbhar Bharat in defence, says India has capability to become reliable supplier, https://www.financialexpress.com/defence/pm-modi-bats-for-atmanirbhar-bharat-in-defence-says-india-has-capability-to-become-reliable-supplier/2067827/, ngày truy cập 9/9/2020.
[1] India to Ban Imports of 101 Items of Military Equipment (2020), https://thediplomat.com/2020/08/india-to-ban-imports-of-101-items-of-military-equipment/, ngày truy cập 16/8/2020.
[2] India to Ban Imports of 101 Items of Military Equipment (2020), https://thediplomat.com/2020/08/india-to-ban-imports-of-101-items-of-military-equipment/.
[3] Huma Siddiqui (2020), PM Modi bats for Atmanirbhar Bharat in defence, says India has capability to become reliable supplier, https://www.financialexpress.com/defence/pm-modi-bats-for-atmanirbhar-bharat-in-defence-says-india-has-capability-to-become-reliable-supplier/2067827/.
[4] Atmanirbhar in defence: India must battle demons within before tackling external threats, https://www.firstpost.com/india/atmanirbhar-in-defence-india-must-battle-demons-within-before-tackling-external-threats-8690721.html.