29/09/2020
Tổng hợp: Nguyễn Đắc Tùng, phòng NC Lịch sử và Văn hóa, Viện nghiên cứu Ấn Độ
Ngày 21/9/2020, các quan chức quốc phòng cao cấp của Ấn Độ và Trung Quốc đã gặp nhau để đàm phán về vấn đề tranh chấp biên giới ở Ladakh trên dãy Himalaya. Tại cuộc đàm phán , các quan chức cấp cao của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý ngừng điều thêm binh sĩ đến tiền tuyến ở Ladakh, nhưng các cuộc đàm phán về việc rút quân vẫn bế tắc với việc Trung Quốc nói rằng Ấn Độ nên bỏ các tuyến tiền phương mà họ đã thiết lập dọc theo bờ nam của hồ Pangong Tso và quan điểm của Ấn Độ đó là một sự rút lui toàn diện cần phải có kế hoạch để giải quyết tất cả các điểm ma sát dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC).[1]
Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Vương Văn Bân cho biết: “Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp tư lệnh quân đoàn lần thứ 6 vào ngày 21/9/2020, trong đó hai bên trao đổi quan điểm về tình hình biên giới hiện tại trước khi nhất trí tiếp tục trao đổi và thảo luận về vấn đề”.[2]
Thông cáo chung ngày 22/9/2020, của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc sau cuộc hội đàm cho thấy một chút cải thiện là các điều khoản ngoại giao so với trước đây, nơi các tuyên bố khác nhau được đưa ra sau cuộc hội đàm, cả hai bên đã đồng ý tổ chức một vòng đàm phán chỉ huy quân sự khác và thực hiện các biện pháp thiết thực để giải quyết các vấn đề trên thực địa. Thông cáo chung có đoạn: “Các Tư lệnh Quân đoàn nhất trí thực hiện nghiêm túc nhất trí quan trọng mà lãnh đạo hai nước đạt được, tăng cường liên lạc trên thực địa, tránh hiểu lầm và đánh giá sai, ngừng gửi thêm binh sĩ ra tiền tuyến, kiềm chế không đơn phương thay đổi tình hình thực địa và tránh thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp thêm tình hình. Hai bên cũng nhất trí tổ chức Hội nghị cấp Tư lệnh quân đoàn lần thứ 7 trong thời gian sớm nhất có thể, thực hiện các biện pháp thiết thực để giải quyết tốt các vấn đề trên thực địa và cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới”[3]. Đồng nghĩa với việc không triển khai thêm quân đến biên giới. Tuy nhiên, thông cáo chung không nhắc đến việc rút bớt lực lượng quân đội hai nước ở khu vực tranh chấp. Mỗi bên có 40.000 quân từ phía Ấn Độ và Trung Quốc với xe tăng, pháo và tên lửa được bố trí đối trọng nhau.
Mặc dù quyết định không tăng cường binh lính là một bước tiến rút ra từ các cuộc đàm phán, nhưng gần 1000 quân vũ trang hạng nặng hiện vẫn đang tập trung ở biên giới, tạo ra một tình trạng rất bất ổn, trong đó căng thẳng lan rộng có thể bùng phát do các sự cố cục bộ.
Trong khi các chỉ huy quân đội hai nước tham gia vào các cuộc đàm phán trong 13 giờ vào ngày 21/9/2020 tại Moldo, Trung Quốc, đối diện Chushul bên phía Ấn Độ. Cuộc họp bắt đầu vào khoảng 10 giờ sáng và kéo dài đến 11 giờ đêm. Phái đoàn Ấn Độ do Tư lệnh Quân đoàn số 14, Trung tướng Harinder Singh đẫn đầu và người kế nhiệm ông là Trung tướng PGK Menon cùng với một Thư ký chung của Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã tham dự cuộc họp.[4] Trung tướng Harinder Singh đã thúc giục một cuộc rút quân sớm và đầy đủ quân Trung Quốc khỏi tất cả các điểm xung đột. Hai bên cũng đề cập đến mùa đông khắc nghiệt ở vùng Ladakh bắt đầu từ tháng 10 khi nhiệt độ xuống -25 độ C và oxy trở nên khan hiếm[5]. Tuy nhiên các nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán hiện đang bế tắc và quân đội được thiết lập để ở các vị trí khu vực biên giới trong suốt những tháng mùa đông khắc nghiệt sắp tới.
Được biết, phía Trung Quốc đã phản đối việc Ấn Độ chiếm các đèo và các cao điểm ở Chushul và yêu cầu Ấn Độ rút quân ngay lập tức. Trong khi Ấn Độ đưa ra quan điểm quân đội Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở khu vực ngón tay (Finger)[6] trên bờ phía bắc của hồ Pangong, cũng như các khu vực khác.
Đây là vòng đàm phán chỉ huy quân sự đầu tiên kể từ khi Ấn Độ nắm quyền kiểm soát các cao điểm quan trọng ở Chushul và sự lo lắng của Trung Quốc về các đợt triển khai phía trước này đã được phản ánh trong cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, các quan chức nói rằng các cuộc đàm phán vẫn chưa đi đến kết quả và ngày chưa có nhiều hy vọng giải quyết thông qua đối thoại, dựa trên lập trường cứng rắn của Trung Quốc - kẻ gây hấn bằng cách điều động quân qua Đường Kiểm soát Thực tế vào đầu tháng 5/2020.
Căng thẳng dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế, biên giới chưa phân định giữa Ấn Độ và Trung Quốc, diễn ra nhiều tháng qua, bất chấp nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao, quân sự và chính trị bao gồm các cuộc hội đàm tại Moskva đầu tháng 9/2020.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh trước đó đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận biên giới đã đạt được khi đưa thêm quân tới vị trí dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế. Bộ trưởng Singh cho biết Ấn Độ đã liên lạc với Trung Quốc qua kênh ngoại giao và tuyên bố “những nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng vi phạm các thỏa thuận song phương”.[1]
Sự thiếu tin tưởng hoàn toàn sẽ khiến mọi việc trở nên khó khăn, do phía Trung Quốc đã vi phạm các thỏa thuận đạt được trong cuộc đối thoại ít nhất hai lần: một lần tại Galwan thuộc vùng Ladakh do Ấn Độ kiểm soát vào ngày 15/6/2020 làm 20 lính Ấn Độ thiệt mạng trong trận đụng độ, phía Trung Quốc thừa nhận chịu thương vong song chưa công bố số liệu cụ thể và lần thứ hai vào ngày 30/8/2020 khi họ cố gắng chiếm các cao điểm quan trọng ở Chushul.
Quân đội hai nước triển khai hàng nghìn binh sĩ dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế sau lần đụng độ đẫm máu nhất nhiều thập kỷ. Giới chuyên gia lo ngại căng thẳng có thể dẫn đến xung đột vũ trang toàn diện giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới và cùng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Quân đội Ấn Độ đang triển khai chiến dịch hậu cần lớn nhất trong nhiều tháng qua, đưa lượng lớn lương thực, đạn dược, trang thiết bị, nhiên liệu, vật tư phục vụ hoạt động trong mùa Đông tới vùng Ladakh. Quân đội Trung Quốc gần đây cũng tổ chức nhiều cuộc diễn tập trên khu vực cao nguyên Tây Tạng và khu tự trị Tân Cương giáp với Ấn Độ.
Các nguồn tin cho biết, tại cuộc đàm phán, Ấn Độ khẳng định rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) phải bắt đầu quá trình rút quân và trước tiên bắt đầu rút quân khỏi các điểm xung đột. Phía Ấn Độ nhấn mạnh rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nên di chuyển trở lại các vị trí đã tồn tại trước tháng 4/2020 trong khu vực.
Các chỉ huy quân đội hai nước dự kiến sẽ gặp lại nhau để tiến hành các cuộc đàm phán. Cuộc họp của các Tư lệnh Lục quân sẽ được tiếp nối bằng cuộc họp giữa hai Bộ Ngoại giaoChiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962 diễn ra tại khu vực Ladakh và kết thúc bằng một hiệp định đình chiến. Kể từ đó, quân đội hai nước canh gác khu vực biên giới chưa phân định kéo dài từ Ladakh với bang Arunachal Pradesh.
Tài liệu tham khảo
1. After military talks, India and China announce slew of decisions to bring down tensions in eastern Ladakh, https://www.defencenews.in/article/After-military-talks,-India-and-China-announce-slew-of-decisions-to-bring-down-tensions-in-eastern-Ladakh-962330, ngày truy cập 23/9/2020.
2. India, China agree to hold talks, keep all channels of communication open to resolve border dispute, https://www.defencenews.in/article/India,-China-agree-to-hold-talks,-keep-all-channels-of-communication-open-to-resolve-border-dispute-962324, ngày truy cập 22/9/2020.
3. India-China sixth Corps Commander-level meeting concludes after 13-hour marathon talks, https://www.defencenews.in/article/India-China-sixth-Corps-Commander-level-meeting-concludes-after-13-hour-marathon-talks-962320, ngày truy cập 22/9/2020.
[1] After military talks, India and China announce slew of decisions to bring down tensions in eastern Ladakh, https://www.defencenews.in/article/After-military-talks,-India-and-China-announce-slew-of-decisions-to-bring-down-tensions-in-eastern-Ladakh-962330
[2] India, China agree to hold talks, keep all channels of communication open to resolve border dispute, https://www.defencenews.in/article/India,-China-agree-to-hold-talks,-keep-all-channels-of-communication-open-to-resolve-border-dispute-962324
[3] India, China agree to stop sending more troops to frontline in a bid to defuse tensions in eastern Ladakh, https://www.newindianexpress.com/nation/2020/sep/22/india-china-agree-to-stop-sending-more-troops-to-frontline-in-a-bid-to-defuse-tensions-in-ladakh-2200535.html
[4] India-China sixth Corps Commander-level meeting concludes after 13-hour marathon talks, https://www.defencenews.in/article/India-China-sixth-Corps-Commander-level-meeting-concludes-after-13-hour-marathon-talks-962320
[5] India, China agree to stop sending more troops to frontline in a bid to defuse tensions in eastern Ladakh, https://www.newindianexpress.com/nation/2020/sep/22/india-china-agree-to-stop-sending-more-troops-to-frontline-in-a-bid-to-defuse-tensions-in-ladakh-2200535.html
[6] Để phân biệt địa hình phức tạp ở bờ bắc của hồ Pangong, Ấn Độ đã đặt tên cho rặng núi kéo dài là Finger (ngón tay), phân chia khu vực từ 1 đến 8.