08/08/2020
Tổng hợp: NCS. Nguyễn Văn Linh, Phòng NC Kinh tế và Phát triển, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á
Khi tăng tốc phát triển hướng tới giới hạn xanh, Ấn Độ có thể sẽ đóng vai trò là hình mẫu cho phần còn lại của các nước đang phát triển. Quá trình chuyển đổi xanh của Ấn Độ chắc chắn sẽ khá độc đáo, nhưng vẫn có điều cần phải học hỏi từ các quốc gia, khu vực đã bắt tay vào hành trình chuyển đổi xanh. Trong nghiên cứu thứ 4 của Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát (Observer Research Foundation - ORF), Khung chuyển đổi xanh của 3 khu vực Vương quốc Anh, Đức và California được xem xét một cách chi tiết. Ba vùng này được ORF lựa chọn làm nghiên cứu phân tích sâu, tích lũy kinh nghiệm cho Ấn Độ vì chúng đã chứng minh làm sao để thành công trong hành trình chuyển đổi xanh - giảm đáng kể lượng khí thải các-bon (khử các-bon) và đồng thời tạo nên sự tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Quá trình chuyển đổi xanh của Ấn Độ có khả năng là khá khó khăn so với quá trình chuyển đổi xanh của Vương quốc Anh, Đức hay California. Trong khi cả ba vùng trên đều là những nơi phát triển cao đạt ngưỡng giới hạn trên của công nghệ/năng suất toàn cầu, thì Ấn Độ vẫn là một quốc gia đang phát triển với mức thu nhập bình quân đầu người thấp. Thế giới phát triển theo mô hình phát triển cơ bản từ trang trại đến nhà máy (farm-to-factory), nhưng Ấn Độ lại phát triển theo mô hình nhảy vọt thẳng từ trang trại đến giới hạn trên của công nghệ/năng suất toàn cầu. Chỉ có các công ty hoạt động tại ngưỡng này mới có thể cạnh tranh thành công trong nền kinh tế thị trường toàn cầu mở. Đồng thời, Ấn Độ sẽ cần phải áp dụng các công nghệ xanh tốt nhất trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra như hiện nay. Do vậy, mô hình phát triển của Ấn Độ sẽ cần phải chuyển đổi từ trang trại đến giới hạn xanh (farm-to-green frontier).
Một câu hỏi được đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách là, lượng khí thải dự kiến theo kịch bản thông thường so với kịch bản từ trang trại đến giới hạn xanh như thế nào? Các phương pháp khử các-bon trong kịch bản chuyển đổi xanh sẽ điều chỉnh sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh, công việc xanh, kỹ năng xanh, doanh nghiệp xanh và tài chính xanh. Do đó, rất cần thiết để phát triển một khung phân tích dựa trên dữ liệu để mô hình hóa và tiếp cận các tác động của tăng trưởng xanh đối với Ấn Độ.
Rõ ràng rằng, các chính sách của Ấn Độ không thể xác định được chính xác khung hành trình xanh sau khi chuyển đổi, nhưng chắc chắn là chúng sẽ làm thay đổi, định hình lại nền kinh tế của quốc gia. Một yếu tố quan trọng của sự chuyển đổi sẽ tạo ra các ngành công nghiệp xanh. Các nhà hoạch định chính sách và doanh nhân sẽ phải giải phóng lực lượng thị trường, thúc đẩy sự tăng trưởng của năng lượng mặt trời, các phương tiện vận hành bằng điện, các thiết bị siêu tiết kiệm năng lượng (như tủ lạnh, máy điều hòa), và bao bì xanh. Thúc đẩy một số hoặc tất cả các ngành công nghiệp xanh có khả năng xác định đà chuyển đổi xanh của Ấn Độ.
Một câu hỏi khác rằng, theo cách nào và ở mức độ nào thì chuyển đổi xanh sẽ tác động đến việc làm? Trong khi không có việc làm chính thức nào được tạo ra trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho đến nay, nhưng có rất nhiều nghiên cứu độc lập ước tính rằng, lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Ấn Độ đã gia tăng gần gấp năm lần so với năm năm trước đây.
Thêm vào đó, một báo cáo năm 2019 của Tổ chức năng lượng tái tạo toàn cầu (IRENA) đã xếp hạng Ấn Độ là một trong sáu quốc gia tạo ra tối đa số việc làm xanh. IRENA ước tính rằng, đã có tới 719000 việc làm đã được tạo ra trong lĩnh vực năng lượng xanh của Ấn Độ vào cuối năm 2018.
Không có gì nghi ngờ rằng, một loạt các công việc mới trong các ngành công nghiệp xanh mới của Ấn Độ sẽ được tạo ra khi nền kinh tế tăng trưởng theo quỹ đạo phát triển xanh của các dự án. Tuy nhiên, cũng cần phải có một đánh giá toàn diện về tác động của chuyển đổi xanh đến các công việc sẽ bị mất trong các ngành năng lượng thông thường khi sự chuyển đổi tập trung hợp lực. Một đánh giá tương tự cũng cần được tạo ra về sự so sánh chất lượng của việc làm xanh tốt hơn hay kém hơn so với các việc làm thông thường đã bị thay thế. Theo nghiên cứu gần đây của ORF cho thấy, mỗi khu vực (Vương quốc Anh, Đức và California) đều có những quan điểm đối lập nhau trong vấn đề đánh giá tác động của mạng lưới chuyển đổi xanh đến việc làm. Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, số lượng việc làm mới được tạo ra do sự chuyển đổi xanh nhiều hơn số việc làm thông thường được dự phòng tăng nếu không có sự chuyển đổi. Đồng thời, cũng có nhiều phân tích cung cấp bằng chứng chứng minh điều ngược lại chính xác hơn. Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tác động của chuyển đổi xanh lên mạng lưới việc làm gần như không quá lớn. Do vậy, như đã nêu ở trên, Ấn Độ cần phát triển một khung mô hình mạnh mẽ để định lượng tác động của sự chuyển đổi xanh lên thị trường lao động.
Việc tạo ra việc làm xanh mới chắn chắn sẽ được liên kết đến nhu cầu tăng trưởng của một bộ kỹ năng chuyên ngành mới. Một thử thách quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ khi việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch được mở rộng là việc Ấn Độ sẽ phát triển một lộ trình đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động như thế nào. Chính phủ Ấn Độ đã sẵn sàng thiết lập các bánh xe chuyển động bằng cách thành lập Hội đồng kỹ năng cho việc làm xanh vào năm 2015. Động thái này được tác động bởi Bộ Năng lượng Tái tạo và Năng lượng mới (MNRE) và Liên minh các ngành Công nghiệp Ấn Độ (CII). Mục tiêu chính của Hội đồng kỹ năng là xác định nhu cầu kỹ năng của người sử dụng dịch vụ và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực kinh doanh xanh trên phạm vi cả nước, phát triển kỹ năng hợp tác và sáng kiến phát triển doanh nhân. Ấn Độ sẽ phải nâng cấp tham vọng kỹ năng tạo đòn bẩy liên kết sự can thiệp của chuyển đổi xanh với sự phát triển kinh tế trong tương lai.
Một câu hỏi quan trọng khác chính là cách thức quản lý lĩnh vực tài chính nào sẽ được liên kết để tài trợ cho sự chuyển đổi xanh của Ấn Độ. Ước tính sơ bộ cho thấy rằng, tham vọng tài chính khí hậu của Ấn Độ sẽ yêu cầu một khoản đầu tư trung bình 95 tỷ USD đến 125 tỷ USD mỗi năm cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, do đó, sẽ phải cần đến khoảng 1,6 nghìn tỷ USD cho giai đoạn 2020-2033. Lĩnh vực tư nhân có khả năng đóng góp vai trò chính trong việc đầu tư tài chính cho sự chuyển đổi xanh này. Để huy động nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng sạch và công nghệ sạch thì cần có các giải pháp bình đẳng trong nỗ lực chính sách công, cải cách quản trị, xây dựng năng lực và can thiệp điều tiết. Các cơ chế đổi mới, các giải pháp và các công cụ tài chính xanh sẽ phải được thiết kế để mở dòng vốn từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để thành lập niềm tin thị trường và thu hút nguồn vốn thì các giải pháp này đòi hỏi lợi nhuận kinh tế rõ ràng và khả năng dự báo chính sách.
Không thể phủ nhận thực tế rằng, trận chiến chống biến đổi khí hậu sẽ là một trận chiến đắt đỏ đối với Ấn Độ cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Theo một báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), cần phải chi khoảng 0,7 nghìn tỷ USD mỗi năm để đối phó các thách thức mà biến đổi khí hậu đặt ra. Tuy nhiên, Ấn Độ có thể góp phần giúp thế giới chiến thắng trận chiến này bằng nguồn ngân sách được tiết kiệm cho khí hậu. Tham vọng về năng lượng mặt trời của Ấn Độ rất có tiềm năng để chuyển đổi cấu trúc năng lượng hiện tại bị chi phối bởi than và định hướng đi cho các nước đang phát triển trên thế giới một kỷ nguyên mới về phát triển các-bon thấp. Hơn thế nữa, bằng cách khai thác lực lượng lao động rộng lớn, Ấn Độ có thể sản xuất hàng hàng hóa tổng hợp lớn, theo một dây chuyền sản xuất lớn cho phần còn lại của thế giới. Do đó, cả thế giới sẽ nhận được lợi ích từ sự lan tỏa tích cực được tạo ra bởi một Ấn Độ tài nguyên, xanh, sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả. Tốc độ chuyển đổi xanh của Ấn Độ đang tập hợp động lực cho thế giới. Với vai trò quan trọng, Ấn Độ thực sự đóng góp nhiều vào sự cắt giảm khí thải GHG toàn cầu; đầu tư vào sự chuyển đổi xanh của Ấn Độ dường như là cơ hội tốt nhất của thế giới để giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Nguồn: Quỹ nghiên cứu các nhà Quan sát (Observer Research Foundation - ORF)