12/06/2020
Tổng hợp: ThS Trần Ngọc Diễm, Phòng NC Quan hệ quốc tế và Hội nhập
Những năm gần đây, quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ tập trung vào tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế, đặc biệt đã có những triển vọng mới sau chuyến thăm của tổng thống D. Trump tới Ấn Độ vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, với bối cảnh của đại dịch COVID-19, quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ sẽ có những bước biến chuyển mới:
Hoa Kỳ trở thành tâm dịch của thế giới, dẫn đầu về số người nhiễm và tử vong đã đặt áp lực lên hệ thống y tế và gia tăng nhu cầu với thuốc chống sốt rét (Hydroxychloroquine – HCQ) được coi là hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Trong khi đó Ấn Độ là nhà sản xuất thuốc HCQ lớn nhất thế giới. Ấn Độ hợp tác cung cấp HCQ cho Hoa Kỳ dù đã ban hành yêu cầu hạn chế xuất khẩu đối với tất cả các mặt hàng dược phẩm. Tổng thống D. Trump đặc biệt hoan nghênh động thái này từ phía Ấn Độ, kêu gọi tăng cường hợp tác giữa những người bạn trong thời kỳ đại dịch.
Về phía Ấn Độ, Thủ tướng N. Modi đã thể hiện một vai trò lãnh đạo trong cả G-20 và SAARC hướng tới tăng cường hợp tác quốc tế chống lại đại dịch COVID-19. Từ đây, Tổng thống D. Trump cũng dành sự chú ý tới vai trò của Ấn Độ và quan hệ song phương mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng đã chín muồi trong giai đoạn này. Khủng hoảng hiện nay ảnh hưởng đến toàn bộ các quốc gia đòi hỏi sự lãnh đạo quốc tế mạnh mẽ. Trong bối cảnh phòng ngừa là không đủ, mà mỗi khu vực và toàn thế giới cần phải có sự lãnh đạo để phát triển và thực hiện các phản ứng giảm thiểu mối đe dọa từ đại dịch COVID-19. Hoa Kỳ và Ấn Độ đều là những nước có vị thế tốt nhất để dẫn đầu trong việc bảo vệ quốc gia trước các mối đe dọa hiện hữu như COVID-19. Gần đây nhất, ngày 12/05/2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và các lãnh đạo đồng cấp 5 nước gồm: Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Brazil, Nhật Bản và Isarel thảo luận về hợp tác quốc tế trong việc giải quyết đại dịch COVID-19 và các biện pháp đối phó với sự suy thoái kinh tế. Hoa Kỳ và Ấn Độ đều chung quan điểm hợp tác trong việc ngăn chặn các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu trong tương lai và tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.
Hoa Kỳ và Ấn Độ đều là những quốc gia có nhiều tiềm năng dẫn đầu trong cuộc đua tìm ra vaccine chống lại COVID-19 bởi đều sở hữu những nguồn lực mạnh mẽ trong nghiên cứu y sinh và công nghệ thông tin. Trong bối cảnh hiện tại của đại dịch COVID-19, Ấn Độ và Hoa Kỳ đều hướng tới hợp tác chặt chẽ trong chẩn đoán và điều trị dựa trên nền tảng quan hệ đối tác lâu dài giữa các tổ chức nghiên cứu và sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Cụ thể, hợp tác song phương trong việc phát triển thử nghiệm thuốc trị liệu COVID-19 giữa Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ với Viện Công nghệ Khoa học Sức khỏe ở Gurgaon, Ấn Độ; các nhà cung cấp của các công ty Mỹ có trụ sở ở Ấn Độ đang liên lạc với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ để tham gia và tăng cường khả năng xét nghiệm COVID-19 tại Ấn Độ. Hơn nữa, các bác sĩ và nhà khoa học người gốc Ấn có uy tín cao ở Hoa Kỳ và mối liên kết với các đối tác Ấn Độ của họ tạo thành cầu nối tự nhiên cho sự hợp tác khoa học. Tuy nhiên, để sự hợp tác phát triển vaccine giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ phát huy hết hiệu quả, hai nước cần phải có một khung chính sách đầy đủ để giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ và các vấn đề pháp lý.
Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu trong việc hỗ trợ cho các quốc gia khác bao gồm cả Ấn Độ trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Cuộc khủng hoảng này cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng các cơ quan đa phương vẫn hoạt động hiệu quả và không bị ảnh hưởng đối với bất kỳ một quyền lực nào. Ấn Độ và Hoa Kỳ có thể hợp tác với các đồng minh của mình để thúc đẩy tính trung lập, minh bạch và trách nhiệm trong các cơ quan như vậy.
Trước đại dịch COVID-19 hiện nay, Hoa Kỳ sẽ phải thay đổi chiến lược và cách tiếp cận nếu muốn tăng cường quan hệ với Ấn Độ.
Thứ nhất, giữa đại dịch COVID-19 hợp tác giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ phải vượt xa những hợp tác trong việc cung cấp thuốc HCQ vốn chưa được khẳng định tính hiệu quả trong chống lại virus corona. Những thảo luận chung hiện nay có thể tập trung vào vấn đề “chuỗi cung ứng toàn cầu cho các dược phẩm quan trọng” như Nhà Trắng đề xuất. Tuyên bố từ Nhà Trắng cho biết “lãnh đạo hai nước đã thảo luận về chuỗi cung ứng toàn cầu để đảm bảo sự vận hành trơn tru của chuối này trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Hoa Kỳ và Ấn Độ không thể hiện vai trò dẫn đầu trong việc phối hợp tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu mà tìm kiếm các tiềm năng từ đối tác tăng cường thương mại trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nền dân chủ của cả hai nước sẽ khó phát triển mạnh mẽ nếu không đảm bảo được tăng trưởng kinh tế đáp ứng nhu cầu của công dân. Đảm bảo hoạt động của chuỗi cung ứng quốc tế không chỉ để đáp ứng nhu cầu cho cuộc khủng hoảng hiện tại mà cả sự tồn tại và phát triển của chuỗi cung ứng trong tương lai.
Thứ hai, khi Ấn Độ đang thảo luận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, Hoa Kỳ đã có những động thái cảnh báo với Đạo luật Chống lại đối thủ của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Hoa Kỳ cũng đề ra các biện pháp giới hạn cấp thị thực (loại H-1B) cho người Ấn Độ. Khi phong tỏa thời đại dịch COVID-19 kết thúc, những biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các ngành, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin. Ấn Độ là một trong những quốc gia lớn nhất đóng góp nguồn lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin ở Hoa Kỳ và việc hạn chế thị thực H-1B sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn chuyên gia Ấn Độ. Nếu muốn tăng cường quan hệ đối tác, sự nỗ lực phải bắt nguồn từ cả hai phía, trong đó hiện tại Hoa Kỳ cần rút lại những lệnh trừng phạt trên với Ấn Độ, bởi hiện nay thế đơn cực của Hoa Kỳ cũng khó duy trì.
Cuối cùng, nhân tố Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhân tố chính trong trật tự toàn cầu trong tương lai. Tất cả quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ và Ấn Độ đều phải cân nhắc và đối phó với những động thái của Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống D. Trump, Hoa Kỳ đang biến chuyển dần từ trạng thái linh hoạt sang những hành động cứng rắn hơn, do đó sự cạnh tranh sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn nữa.
Quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ trong tương lai sẽ tiếp tục được củng cố trong tương lai nhưng sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào người lãnh đạo ở cả quốc gia này.
Tài liệu tổng hợp từ:
Shubham Singh (2020), Transforming India-US. Relations in the time of COVID-19, https://thekootneeti.in/2020/04/15/india-us-relations-in-times-of-covid-19/
The Econmic Times (2020), India and US collaboration on combating COVID-19: Ambassador Sandhu, https://economictimes.indiatimes.com/news/politics-and-nation/india-and-us-collaborating-on-combating-covid-19-ambassador-sandhu/articleshow/74823096.cms?from=mdr
Raymond E. Vickery, Jr. (2020), The US and India should lead the Defense of Democracy in the COVID-19 crisis, https://thediplomat.com/2020/04/the-us-and-india-should-lead-the-defense-of-democracy-in-the-covid-19-crisis/
Rajeswari Pillai Rajagopalan (2020), India: Why the Pandemic and China’s Actions Are Strengthening U.S. Ties, For Now, https://www.cfr.org/blog/india-why-pandemic-and-chinas-actions-are-strengthening-us-ties-now