14/04/2020
Phía sau mỗi người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ. - Mark Twain. Câu nói trên đây của Mark Twain có thể hơi khó chấp nhận, nhưng điều đó khá đúng. Sự thành công của một người đàn ông nằm trong tay người phụ nữ gắn bó với cuộc đời của ông ấy, thường là người vợ. Nếu người đàn ông không lấy vợ thì người mẹ có thể có vai trò quan trọng. Quả thực, Mahatma Gandhi vừa chịu ảnh hưởng bởi mẹ ông, bà Putlibai, vừa chịu ảnh hưởng bởi vợ ông, Kasturba, được gọi với cái tên thân mật là ‘Ba’ (‘Ba’ cũng có nghĩa là: Mẹ). Thời thơ ấu, Gandhi chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi đạo Jain và giáo phái Pranami… thông qua mẹ mình. Chính từ gia đình ông đã được học bài học đầu tiên về Satyagraha (Kiên trì Chân lý).
Ông thừa nhận rằng, ông đã học được Satyagraha trực tiếp thông qua vợ mình, Kasturba, mặc dù ông cũng chịu ảnh hưởng bởi Tolstoy và Thoreau. Trong cuốn tự truyện của mình, Gandhi viết: “Tôi đã học được bài học về bất bạo động (Satyagraha) từ vợ tôi. Tôi đã cố gắng uốn cong cô ấy theo ý muốn của tôi. Một mặt, sự kiên quyến chống lại ý chí của tôi và mặt khác, sự khuất phục thầm lặng của cô ấy đối với sự đau khổ mà tôi đã ngốc ngếch gây ra, cuối cùng đã làm cho tôi thấy xấu hổ về bản thân và đã giúp chữa căn bệnh ngu ngốc của tôi khi nghĩ rằng tôi sinh ra là để thống trị cô ấy; và cuối cùng cô ấy trở thành người thầy của tôi về bất bạo động. Và những gì tôi đã làm ở Nam Phi chẳng qua chỉ là sự mở rộng của quy tắc về Satyagraha mà cô ấy đã tình cờ thực hành bằng chính con người mình.”
Cái tên Kasturba Gandhi thường bị lu mờ trước sự lãnh đạo của Gandhi, nhưng chính bà là hậu phương vững chắc của ông, ngay từ những ngày đầu khi ông là một luật sư bình thường cho đến giai đoạn hỗn loạn sau này khi ông trở thành lãnh đạo của phong trào dân tộc. Bà là người đầu tiên gắn bó với ông hơn bất kỳ ai khác và có lẽ cũng là người duy nhất có thể “bất đồng ý kiến” và chỉ ra cho ông thấy sai sót của mình. Thật vậy, trong hành trình của Gandhi, người được coi là Cha già Dân tộc, Kasturba (Ba) là bạn đồng hành, là vợ, là người chăm sóc và sau này là người đại diện của ông nữa. Kasturba Gandhi đúng là đặc biệt ‘khác thường’.
Bà hiểu được tầm quan trọng của nhiệm vụ của chồng mình và kề vai sát cánh cùng chồng, vào tù vì sự nghiệp của chồng, tham gia vào các chiến dịch công khai, những điều đã được Gandhi đề cập đến trong những bài viết và bài phát biểu của mình. Arun Manilal Gandhi, cháu trai của Mahatma, đã từng nói rất đúng, ‘Trong khi Gandhi thử nghiệm với chân lý (sự thật), thì Kasturba trải nghiệm nó.’ Khi mối quan hệ của họ ngày một lớn lên, thất khó có thể hình dung Gandhi mà không có Kasturba, người đã thường nói rằng, ‘Tôn giáo của tôi là chồng tôi.’ Gandhi, về phần mình, nói rằng, ‘Kasturba đã quên đi chính mình vì tôi và thực sự là một nửa tốt đẹp hơn trong tôi.’ Thật sự, nếu không có sự ủng hộ và hi sinh lớn lao của bà thì có lẽ Gandhi đã khó có thể đạt được những đỉnh cao về tâm linh như thế.
Mặc dù cũng có lúc họ cãi cọ và tranh luận trong cuộc sống riêng, nhưng Kasturba luôn đứng phía sau Gandhi. Gandhi cũng biết rằng Kasturba luôn ở đó ủng hộ ông. Vào năm 1882, khi Gandhi chưa đầy 13 tuổi, ông đã kết hôn với Kasturbai Makhanji Kapadia, một cô gái Porbandar lớn hơn ông khoảng sáu tháng tuổi. Trong cuốn Tự truyện của mình, Gandhi viết, ‘Hai đứa trẻ ngây thơ cùng vô tình lao mình vào đại dương của cuộc sống.’ Kasturba, một cô gái Modh Bania xinh đẹp và ít học, có ý chí mạnh mẽ. Cô ấy có một tinh thần kiêu hãnh và tự do. Cô ấy không bao giờ cho phép ai đó ra lệnh, kể cả người đó là chồng mình. Nhà sử học Vinay Lal viết, ‘Kasturba không bao giờ dễ dàng chấp nhận mong muốn của chồng, và cuốn Tự truyện của Gandhi cung cấp bằng chứng đáng kể về tính độc lập và kiên định trong quan điểm của cô ấy, và sự bất đồng gay gắt giữa cô ấy và chồng (Gandhi), khi trong hai thập kỷ đầu của hôn nhân, Gandhi thường tìm cách thống trị cô ấy một cách vô lý.’
Phong cách của Kasturba thích ứng một cách tự nhiên chứ không phải gây thách thức. Bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi về kẻ trộm, ma, rắn và kẻ cướp, Mahatma ‘không dám ra khỏi cửa’ và không thể ngủ nếu không có ánh đèn ở gần. Nằm bên cạnh anh là một Kasturba đáng yêu nhưng mạnh mẽ, người ‘không biết sợ rắn và ma’ và ‘có thể đi đến bất cứ đâu trong bóng tối,’ Gandhi cảm thấy xấu hổ với chính mình. Gandhi từng có quan điểm rằng, ‘sự giải phóng (salvation) của Ấn Độ phụ thuộc vào sự hi sinh và giác ngộ của phụ nữ (Ấn Độ).’ Ông tin tưởng chắc chắn rằng, phụ nữ mạnh hơn nam giới về sức mạnh đạo đức. Phụ nữ, theo lập luận của ổng, là hiện thân của bất bạo động, và do đó, là những người thích hợp nhất cho việc thực hành Satyagraha. Nhưng ông không chắc liệu Kasturba có tham gia tích cực vào phong trào hay không và ông không muốn thúc ép bà. Khi ông can ngăn bà tham gia thì bà nói rằng, ‘Tôi cũng muốn tham gia vào phong trào mà ông mời những người khác. Tôi thiếu phẩm chất gì mà không thể vào tù?’ Kasturba trước tiên đã tham gia vào chính trị ở Nam Phi năm 1904 khi bà giúp chồng và những người khác thiết lập Trang trại Phoenix (Phoenix Settlement) ở gần Durban. Sau đó, chính bà là người đã vượt biên trái phép tại Transvaal ở Nam Phi vào tháng 9/1913, cùng với 15 người khác, vi phạm luật của người Anh; họ đã bị bắt và bị kết án ba tháng tù giam với lao động nặng nhọc mặc dù sức khỏe của bà không được tốt.
Trong suốt thời gian ở trong tù, bà đã tạo động lực cho những phụ nữ khác có được sự can đảm để sống sót qua những tháng ngày khó khăn và khắc nghiệt. Khi trở về Ấn Độ vào năm 1914, bà đã đảm trách nhiệm vụ tiếp cận phụ nữ để tổ chức họ thành đơn vị hiệu quả và cũng tham gia tích cực vào các hoạt động dân sự và các cuộc biểu tình trên khắp Ấn Độ được tổ chức bởi Gandhi mặc dù bà bị bệnh viêm phế quản mãn tính. Kastuba đã tham gia vận động gây quỹ cho phong trào giải phóng dân tộc. Bà tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống lại sự phân biệt đối xử với tầng lớp không thể đụng chạm (untouchability) và đi khắp miền nam Ấn để bênh vực cho những người Harijan (từ Gandhi dùng để gọi những người nghèo, nghĩa là ‘con của Thượng đế’). Bản năng nhạy bén của Kasturba đã giúp bà có khả năng tiếp cận với những người nghèo khó. Năm 1904 ở Nam Phi xảy ra bệnh dịch hạnh tại Johannesburg. Kasturba đã tiếp cận cộng đồng ngừi Ấn và giáo dục họ về tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh trong những tình huống như vậy và cách để phát hiện những dấu hiệu cảnh báo của sự khởi phát của bệnh dịch. Gandhi bắt đầu chiến dịch đầu tiên của mình liên quan đến hoàn cảnh của nông dân ở Champaran, Bihar vào năm 1917. Kasturba tập hợp phụ nữ ở khu vực đó, dạy cho họ cách tự cấp tự túc và coi trọng việc vệ sinh sạch sẽ.
Bà rời Champaran vào mùa xuân năm 1918, tự hào về thành quả của mình tại đó, hài lòng vì công việc của bà cùng với những phụ nữ khác đã mang lại những thay đổi thực sự: đường làng sạch sẽ, mùi rác thải và chất bẩn đã biến mất, ruồi muỗi cũng biến mất và mọi người có thói quen sạch sẽ hơn, và có hi vọng rằng những thay đổi này sẽ được duy trì. Gandhi trở về Ấn Độ từ Nam Phi với nhiều kinh nghiệm lãnh đạo phong trào, thiết lập các ashram (nổi tiếng là Trang trại Phoenix và Tolstoy) và trên hết, một sự trải nghiệm trong cuộc sống cộng đồng, nhằm mục đích nuôi dưỡng và thúc đẩy tình huynh đệ phổ quát. Khi trở về Ấn Độ, ông rất muốn có nơi ở của riêng mình.
Tuy nhiên, để có chỗ ở phù hợp cho gia đình ông và tất cả các cộng sự của ông, Sabarmati Ashram đã được thiết lập bên dòng sông Sabarmati. Ashram này cũng được gọi là Satyagraha Ashram. Kasturba trông coi ashram và ngoại trừ những lúc phải đi với Gandhi, thời gian còn lại bà hoạt động với độ chính xác của một chiếc đồng hồ. Ở đây, bà được gọi một cách thân mật là ‘Ba’ hay ‘Mẹ’, bởi vì bà phục vụ với vai trò của người mẹ tại các ashram ở Ấn Độ. Bà là một người nghiêm khắc và luôn chú ý đến từng chi tiết mà những người khác có thể bỏ qua hoặc không để ý. Những từ như ‘quên’ hay ‘bỏ qua’ không có trong từ vựng làm việc của bà. Mặc dù bà không được dạy bài bản về môn toán nhưng bà đã phát triển tài năng tính toán rất chính xác.
Mahatma Gandhi tìm thấy ở Kasturba một người bạn đời tận tụy hết mình. Bà quả thực giống như cái bóng của ông. Sự đóng góp và hi sinh của bà vẫn còn trong các trang sách của lịch sử. Nhưng, thật không may, chúng ta đã quên đi những trang sách ấy. Khi những trang sử này được ghé thăm lại, Kasturba vẫn nổi lên như một nữ anh hùng vào thời điểm mà chỉ có các vị nam anh hùng xuất hiện.
Biên dịch: Hằng Nga
Kasturba – The Unsung Heroin, https://www.mkgandhi.org/newannou/Kasturba-the-unsung-heroine.html
Author: Jaydev Jana
Source: https://www.mkgandhi.org