23/08/2019
Nga và Ấn Độ đã một số thỏa thuận về hợp tác quốc phòng liên quan đến tàu khu trục, tàu ngầm tấn công, hệ thống phòng không. Nga được cho là đang chuẩn bị kết thúc đàm phán cung cấp 2 tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường cho Hải quân Ấn Độ. Các tàu này sẽ được đóng tại Nhà máy đóng tàu Yantar của Nga ở Kaliningrad ngay khi Ấn Độ thực hiện khoản thanh toán đầu tiên theo thỏa thuận hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD. Ấn Độ sẽ trả tiền cho các tàu khu trục bằng đồng Euro để tránh Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt năm 2017 (CAATSA).
Đạo luật này cho phép Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Ấn Độ vì thực hiện giao dịch trên 15 triệu USD với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Bất chấp rủi ro này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman tuyên bố rõ rằng luật pháp Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Nga. Bà tuyên bố: “trong tất cả các cam kết với Mỹ, chúng tôi đã giải thích rõ ràng về việc Ấn Độ và Nga hợp tác quốc phòng đã diễn ra trong một thời gian dài và đó là một mối quan hệ truyền thống”.
Trong thời gian tới, Tập đoàn đóng tàu United của Nga sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc lắp ráp thêm 2 tàu khu trục tại Nhà máy đóng tàu Goa ở Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ dự kiến sẽ nhận chiếc tàu đầu tiên vào cuối năm 2022; chiếc thứ 2 vào giữa năm 2023, trong tổng số 4 chiếc được hoàn tất bàn giao vào năm 2026.
Nga cũng đề nghị hợp tác với Ấn Độ để cùng phát triển một tàu ngầm tấn công mới cho Hải quân Ấn Độ, tàu ngầm diesel lớp Amur-1650 của Nga. Nếu dự án được triển khai, nó sẽ vượt qua các thỏa thuận sản xuất thông thường liên quan đến việc chuyển giao công nghệ quốc phòng của Nga cho Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang có kế hoạch hợp tác chế tạo 6 chiếc tàu ngầm lớp Amur-1650, ước tính trị giá 6 tỷ USD với một quốc gia nước ngoài. Các công ty hải quân của Pháp, Thụy Điển Đức và Nga đang cạnh tranh hợp đồng này.
Các tàu ngầm sẽ được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, tên lửa BrahMos được phối hợp phát triển bởi Tổ chức Phát triển Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ và công ty thiết kế tên lửa của Nga từ năm 1998. Tên của tên lửa BrahMos được ghép từ tên của hai con sông Brahmaputra (con sông ở phía Đông Bắc Ấn Độ) và Moskva (con sông ở phía Tây nước Nga). Tên lửa được phát triển dựa trên tên lửa hành trình chống tàu siêu âm P-800 Oniks của Hải quân Nga. Ngoài nhiệm vụ chính là chống hạm, tên lửa BrahMos còn được cải tiến để tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Đây là tên lửa hai tầng, tầng đầu tiên sử dụng nhiên liệu chất rắn, tầng thứ hai là nhiên liệu lỏng. Mẫu cơ bản của tên lửa BrahMos dài 9 m, nặng 3 tấn, có tầm bắn 300 km, Đây là một trong những tên lửa diệt hạm có tốc độ cao nhất thế giới hiện nay, tên lửa BrahMos có tốc độ hành trình 3.700 km/h.
Theo trang Defenseworld.net, tên lửa BrahMos sẽ bao gồm một hệ thống phun nhiên liệu kỹ thuật số, giúp tăng tốc độ của tên lửa BrahMos từ Mach 2.8 lên Mach 3.5. Phiên bản mới này sẽ mỏng hơn, ngắn hơn 3 m và trọng lượng nhẹ hơn khoảng 50% so với phiên bản thông thường, nhưng vẫn giữ tầm bắn là 290 km.
Trong khi đó, việc mua sắm 5 hệ thống trên lửa phòng không S-400 Truimf trị giá hơn 5,2 tỷ USD do Nga sản xuất cũng đang tiếp tục, bất chấp nguy cơ trừng phạt của Mỹ. Việc giao hàng sẽ bắt đầu vào tháng 10 năm 2020 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 4 năm 2023. S-400 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất trên thế giới. Hệ thống này có tầm bắn 600km, bắn hạ tên lửa và máy bay đối phương (mục tiêu trên không) ở khoảng cách 248 dặm (400 km) ở độ cao lên đến 19 dặm (hơn 30 km) và đối với các tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60 km, với tốc độ phóng lên 17.000 km/ giờ. Mỗi hệ thống S-400 được tích hợp rada có thể sử dụng ít nhất 4 loại tên lửa đánh chặn khác nhau và tấn công nhiều loại mục tiêu. Theo đó, một tổ hợp S-400 có thể theo dõi 160 mục tiêu và đánh chặn 72 mục tiêu cùng một lúc.
Theo ông Pratyush Rao, phó giám đốc Ấn Độ và Nam Á gọi thỏa thuận này là một vụ bắt bóng, ông nói rằng Ấn Độ đang tiến hành một cuộc thắt chặt ngoại giao giữa một đối tác đáng tin cậy nhưng đang suy yếu (Nga) và một đối tác đang nóng bỏng (Mỹ). Ấn Độ có mối quan hệ lịch sử với Nga. Khoảng 68% thiết bị quân sự của Ấn Độ được cung cấp bởi Nga trong khi truyền thống quan hệ của Ấn Độ với Mỹ vẫn còn khá mới.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Nirmala Sitharaman đã thông báo với Hoa Kỳ rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga: “chúng tôi có mối quan hệ về mua sắm quốc phòng trong 7 thập kỷ, một mối quan hệ lâu dài với người Nga và đang tiến tới việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400”. Bằng cách chấp nhận rủi ro và ký kết thỏa thuận, Ấn Độ đã cho thế giới thấy, mối quan hệ của Ấn Độ với Nga đã vấp phải mối quan hệ với Mỹ trong một trật tự thế giới đang thay đổi, Ấn Độ đã từ chối từ bỏ một trong những đồng minh lâu đời nhất là Nga và đã trấn an với Nga là Ấn Độ vẫn là đối tác chiến lược quan trọng về quốc phòng.
Nguyễn Đắc Tùng
Tổng hợp từ Defence News