20/08/2019
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Economic Times (Ấn Độ) vào tháng 8/2019, Thủ tướng Modi cho biết Chính phủ của ông đang hướng tới xây dựng các Chính sách thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư cho Ấn Độ từ cả trong và ngoài nước để đạt được mục tiêu này. Các chính sách này sẽ tập trung vào huy động tối ưu năng lực của khu vực tư nhân để cải thiện đầu tư.
Thủ tướng Narendra Modi bày tỏ sự tin tưởng dựa trên phản ứng của các nhà đầu tư rằng Ấn Độ là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất thế giới với nguồn nhân lực lành nghề và hệ thống cơ sở hạ tầng đang ngày một được cải thiện. Nguyên văn lời phát biểu của ông như sau “Năm năm tới, Ấn Độ sẽ tập trung vào tăng trưởng đầu tư. Chính phủ hướng tới đặt mục tiêu giá trị đầu tư đạt 100.000 tỷ trong năm năm tới.
Trong thời gian gần đây, Ấn Độ đã tạo ra làn sóng cải thiện khả năng cạnh tranh và thuận lợi trong kinh doanh. Tính đến tháng 5/2019, theo Bảng xếp hạng năng lực Cạnh tranh thế giới IMD, sức cạnh tranh của nền kinh tế Ấn Độ đã vươn lên vị trí 43 thế giới. Trong khi vào tháng 10/2018, Ấn Độ đã tăng vọt 23 bậc, xếp hàng 77/190 quốc gia trong Báo cáo kinh doanh của Ngân hàng thế giới.
Động lực cho sự cải thiện thứ bậc này là do Chính phủ đang triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy dòng vốn đầu tư cho Ấn Độ từ cả trong và ngoài nước. Các chính sách đầu tư của Ấn Độ sẽ không được xây dựng để đáp ứng các lợi ích ngắn hạn vốn được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Thay vào đó, Chính phủ Ấn Độ tập trung vào việc cải thiện khả năng cạnh tranh của Ấn Độ thông qua các biện pháp cải cách dài hạn như từng bước cải thiện thứ hạng tạo thuận lợi trong kinh doanh, cải cách thuế như giảm thuế suất và đơn giản hóa thủ tục, cải cách ngành lao động để khuyến khích chính thức hóa và những cải cách liên quan đến FDI hướng tới tiếp tục tự do hóa môi trường đầu tư.
Hiện tại Ấn Độ đã loại bỏ các biện pháp kiểm soát mức độ đầu tư trong FDI ở hầu hết các lĩnh vực, nên vấn đề đặt ra bây giờ là Ấn Độ cần tạo lập một cơ chế hoạt động bao gồm các quy định tài chính, chính sách thuế, hành vi của các nhà quản lý, dự đoán chính sách và chất lượng cơ sở hạ tầng. Theo bản thân ông Modi đánh giá, nhiều vấn đề nêu trên đã được cải thiện song chính phủ cần tập trung vào các biện pháp để cân bằng các vấn đề này.
Tháng 11 năm ngoái, khi đó là Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Jim Yong Kim, đã tuyên dương sự thăng hạng vượt trội của Ấn Độ trong bảng xếp hạng thuận lợi kinh doanh, nhấn mạnh rằng quốc gia hơn 1,2 tỷ người này đã tăng 65 bậc chỉ trong vòng 4 năm.
Ông Modi đặt tham vọng rằng Ấn Độ cần thu hút đầu tư từ các công ty thuộc danh sách Fortune 500 bằng cách khiến họ đầu tư và sản xuất tại Ấn Độ. Ấn Độ cũng liên tục tiếp xúc với những công ty này để hiểu những thách thức của họ. Chính phủ của Modi sẽ chú trọng vào việc tạo ra môi trường tài chính, điều tiết, kiểm soát vốn, thuế, lao động và cơ sở hạ tầng để thuận tiện cho các công ty toàn cầu đưa hàng hóa vào Ấn Độ, điều hành các nhà máy hoặc trung tâm dịch vụ ở chính Ấn Độ và tái xuất các sản phẩm đầu ra.
Trong Ngân sách 2019 đã được công bố, có hạng mục dành cho việc thu hút các công ty toàn cầu thành lập các nhà máy sản xuất lớn trong lĩnh vực công nghệ mới và tiên tiến bao gồm chế tạo bán dẫn, pin quang điện mặt trời, pin lưu trữ lithium, cơ sở hạ tầng về điện năng/ năng lượng mặt trời bằng những ưu đãi về thuế.
Để thúc đẩy lòng tin của các nhà đầu tư vào tiềm năng lâu dài của thị trường Ấn Độ, Thủ tướng Modi đã thúc đẩy họ "hoàn thành kế hoạch đầu tư mà không cần phải lo lắng” cũng như hứa hẹn mọi sự hỗ trợ có thể từ chính phủ. Từng bộ khác nhau đang làm việc liên tục với từng ngành công nghiệp liên quan để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển hết tiềm năng. Ông Modi cam kết Ấn Độ sẽ làm hết mức có thể để khu vực tư nhân được phát triển. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ cũng sẽ đảm bảo tính minh bạch của các nguồn vay và tăng trưởng bền vững. Và ông tin tưởng, chỉ trong thời gian ngắn, khu vực tư nhân của Ấn Độ sẽ thực sự bùng nổ nhờ vào những cải thiện chính sách này.
Mặc dù ông Modi cũng thừa nhận rằng các lĩnh vực như bất động sản, ô tô và khai thác đang giảm dần tốc độ phát triển song ông cùng bày tỏ tin tưởng rằng nhu cầu trong các lĩnh vực này sẽ hồi sinh cùng với sự tăng tốc trong mức độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới nhờ các biện pháp chính sách nêu trên. Với riêng lĩnh vực sản xuất ô tô, Thủ tướng nói rằng tốc độ chậm lại chỉ là nhất thời do những nguyên nhân từ hạn chế chi tiêu hay giảm sút về nhu cầu. Ông đảm bảo rằng Ấn Độ có một thị trường đủ lớn và không gian chính sách đủ lớn để đảm bảo sự phát triển thị trường cho ô tô đốt trong (ICE) cũng như xe điện (EVs).
Trong khi đó, với vấn đề nợ xấu của Ấn Độ hiện đang được kiểm soát, Modi tin rằng Ấn Độ sẽ đặt ra nhu cầu phải tận dụng tối ưu nguồn lực khu vực tư nhân để cải thiện đầu tư. Sự đầu tư chiến lược của một số doanh nghiệp thuộc khu vực công (CPSEs) sẽ mở ra nhiều lĩnh vực mới cho đầu tư tư nhân. Với việc sử dụng công suất vượt 75%, Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng đầu tư từ khu vực tư nhân trong những tháng tới. Đồng thời, ông làm rõ rằng chính phủ sẽ tiếp tục mạnh mẽ thúc đẩy đầu tư khu vực công và đẩy nhanh việc thực hiện các dự án này.
Thủ tướng Modi tiếp tục đặt cược rất nhiều vào “hệ sinh thái” cho các công ty khởi nghiệp. Ông luôn cho rằng các doanh nhân chính là những “Đại sứ tăng trưởng” của Ấn Độ. Ông liên tục củng cố niềm tin cho họ bằng cách hứa hẹn sẽ không bỏ sót bất cứ cơ hội nào để biến Ấn Độ thành một môi trường kinh doanh thuận lợi về mọi mặt. Modi nói rằng ngay cả khi giá trị dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng giảm, Ấn Độ vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định khi đạt khoảng 65 tỷ USD chỉ riêng dòng FDI.
Trần Ngọc Diễm
Tổng hợp từ Business Today