02/08/2019
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ lấy lại sức mạnh và đạt mức tăng trưởng 7,5% vào năm 2020, trong đó có thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở nông thôn và giảm tỷ lệ lạm phát.
Cơ quan liên chính phủ cho biết: “Tăng trưởng sản phẩm quốc nội ở Ấn Độ được dự báo sẽ tăng gần 7,25% cho năm tài chính 2019 và gần 7,5% năm 2020”. Sự tăng trưởng này đến từ nhu cầu cao hơn trong nước do điều kiện tài chính được cải thiện, kích thích tài khóa và bán tài khóa, bao gồm các biện pháp hỗ trợ thu nhập mới cho nông dân và cải cách cơ cấu gần đây. Giá dầu thấp hơn và sự tăng giá đồng Rupee sẽ giảm áp lực về lạm phát và tài khoản vãng lai.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế G20 với tăng trưởng xuất khẩu theo hướng có lợi, báo cáo cho biết “Tăng trưởng đầu tư sẽ tăng tốc khi năng lực sản xuất tăng, lãi suất giảm và những căng thẳng địa chính trị và bất ổn xã hội được cho là sẽ suy yếu dần”. Nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng thấp nhất trong sáu quý gần đây, từ tháng 10 đến tháng 12/2018. Văn phòng thống kê sẽ công bố ước tính GDP hàng quý cho tháng 1 đến 3 và ước tính tạm thời hàng năm 2018 – 2019 vào ngày 31/5/2019. Tăng trưởng GDP cho năm tài chính 2019 ở mức 7%.
Dự báo tăng trưởng lành mạnh của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh OECD cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu từ 3,5% năm 2018 xuống mức thấp hơn 3,2% trong năm 2019, trước khi tăng trở lại 3,4% vào năm 2020. Tăng trưởng toàn cầu đột ngột chậm lại trong năm qua, với sự yếu kém từ cuối năm 2018 kéo dài đến 2019 trong bối cảnh căng thẳng thương mại kéo dài, đồng thời thúc giục chính phủ Ấn Độ giải quyết tranh chấp thương mại.
Thuế, lạm phát
Tổ chức OECD hy vọng chính sách tiền tệ của Ấn Độ sẽ được nới lỏng phần nào vì lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu và kỳ vọng lạm phát đang điều chỉnh giảm. Trong tháng 4/2019, lạm phát ở Ấn Độ đạt 2,92% do giá thực phẩm tăng đột biến. Ngân hàng dự trữ Ấn Độ trong tháng 4/2019 đã cắt giảm lãi suất khoảng 0,25%, ước tính lạm phát bán lẻ ở mức 2,9 đến 3% từ tháng 4 đến tháng 9 do giá lương thực và nhiên liệu thấp hơn.
Theo đánh giá của OECD, yêu cầu vay của khu vực công tăng lên phản ánh các chương trình phúc lợi mới và doanh thu thuế còn chậm chạp và nhu cầu tài chính ngày càng tăng của các doanh nghiệp công cộng và ngân hàng. Báo cáo cho thấy, thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) được cải thiện, giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ công và tăng GDP. Bên cạnh đó, đảm bảo việc giải quyết nhanh chóng các quy trình phá sản sẽ giúp kiềm chế các khoản nợ không hoạt động và tăng năng suất bằng các thúc đẩy việc phẩn bổ lại nguồn lực cho công ty.
Đầu tư tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các dự án khu vực công lớn. Ngược lại, đầu tư tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất đã bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn trước cuộc bầu cử quốc hội, kết hợp với những khó khăn dai dẳng trong các dự án tài chính, mua đất và giải phóng tất cả mặt bằng cần thiết. Tiêu dùng ở khu vực nông thôn, doanh số xe hai bánh và máy kéo chậm lại do giá nông sản và tiền lương thấp.
Nguyễn Thu Trang
Tổng hợp từ The Economic Times