02/08/2019
Ấn Độ đã áp dụng tăng thuế đối với 28 mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ có hiệu lực từ ngày 16/6/2019 để trả đũa cho việc Mỹ rút quyền truy cập ưu đãi cho các sản phẩm của Ấn Độ từ ngày 5/6/2019.
Thông báo cuối cùng về thuế quan do Bộ tài chính đưa ra vào tối ngày 15/6/2019, vài phút trước khi thuế quan có hiệu lực, một mặt hàng không được đưa vào trong danh sách trước đó là 'terminar' – một loại tôm.
Ngày 14/6/2019, Bộ thương mại đã công khai ý định đi trước với việc áp thuế đối với các sản phẩm của Mỹ, động thái mà New Delhi đã hoãn trước đó với hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại.
Thông báo chỉ ra rằng “Thực hiện việc áp thuế trả đũa đối với 28 mặt hàng được chỉ định có nguồn gốc hoặc được xuất khẩu từ Mỹ, đồng thời duy trì tỷ lệ thuế tối huệ quốc (MFN) cho tất cả các hàng hóa các quốc gia trừ Mỹ”. Ấn Độ đã nhiều lần hoãn việc áp dụng thuế quan đối với 200 triệu USD các hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với trị giá 1,4 tỷ USD kể từ khi được công bố lần đầu tiên vào ngày 20/6/2018.
Mức thuế được đưa ra nhằm đáp trả cho quyết định của Hoa Kỳ về việc tăng thuế hải quan đối với các sản phẩm nhôm và thép. Trong số các mục tiêu nhập khẩu, thuế đối với quả óc chó đã được tăng từ 30% đến 120%, trong khi thuế đối với sản phẩm đậu xanh, đậu phộng và đậu lăng tăng từ 30% đến 70%. Abhishek Jain, từ công ty Ernst & Young LLP cho biết: “Với những sửa đổi được thông báo, nhập khẩu một số mặt hàng từ Mỹ sẽ không còn đủ điều kiện để áp thuế hải quan thấp hơn. Điều này sẽ dẫn đến tỷ lệ thuế cao hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ so với các quốc gia khác. Mức thuế trả đũa này đã được đưa ra từ lâu nhưng việc thực hiện chúng được hoãn lại một thời gian”.
Sự căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế xảy ra vào thời điểm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại do căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ - Trung Quốc đè nặng lên niềm tin kinh doanh và đầu tư. Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong tháng 4 đã hạ mức tăng trưởng toàn cầu xuống mức 3,3% cho năm 2019, giảm so với mức 3,5% như đã dự báo ở tháng 1. Đầu tháng 6/2019, Ngân hàng dự trữ Ấn Độ cũng đã tuyên bố, trong tuyên bố chính sách tiền tệ 2 tháng một lần ở tài khóa này, nhu cầu toàn cầu yếu do leo thang trong các cuộc chiến thương mại có thể tác động đến hoạt động đầu tư và xuất khẩu của Ấn Độ. Vào tháng 2/2019, Văn phòng Thống kê Trung Ương hồi tháng 2 đã hạ ước tính tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á cho năm tài chính 2019 từ 7,2% xuống còn 7%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết sự gián đoạn bị gây ra do chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã cho Ấn Độ cơ hội để cải thiện thị phần của mình trên thị trường thế giới. Ông Rajiv Kumar, Phó Chủ tịch Think Tank NITI Aayog về chính sách bang cho rằng: “Những gì đang diễn ra đối với nền kinh tế toàn cầu ngày hôm nay, đây là lúc chúng ta nên hưởng lợi từ những lỗ hổng đang nổi lên trong nguồn cung trên thị trường toàn cầu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người trở lại trong nhiệm kỳ thứ 2 với chiến thắng vang dội vào tháng 5/2019, ông đã kêu gọi các Bộ trưởng tối ưu hóa tiềm năng sản xuất và xuất khẩu của Ấn Độ. Tâm lý này có thể sẽ được phản ánh trong ngân sách Liên minh cho năm tài chính 2020 mà Bộ trưởng tài chính Nirmala Sitharaman sẽ trình bày tại Quốc hội vào đầu tháng 7/2019.
Hãng tin PTI đưa tin rằng, Ấn Độ có thể nhận được khoảng 217 triệu USD doanh thu bổ sung từ thuế quan trả đũa đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Nguyễn Thu Trang
Tổng hợp từ Livemint