31/07/2019
Một quan chức hàng đầu của chính phủ Mỹ cho biết, Mỹ không những thất vọng với Ấn Độ về các mối quan hệ quốc phòng gặp khó khăn trong mấy năm gần đây mà còn lên kế hoạch trừng phạt Ấn Độ theo Đạo luật CAATSA (Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt) đặc biệt nhắm vào Nga, Iran và Triều Tiên. Mục 2 của Đạo luật tìm cách trừng phạt Nga vì Nga can thiệp quân sự vào Ukraine và cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Mục 231 của Đạo luật trao quyền cho Tổng thống Hoa Kỳ áp dụng ít nhất 5 trong số 12 lệnh trừng phạt được được liệt kê trong Mục 235 đối với những tổ chức, cá nhân tham gia vào giao dịch quan trọng trong các lĩnh vực tình báo và quốc phòng Nga. Do đó, Đạo luật này cho phép Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia vì thực hiện giao dịch trên 15 triệu USD với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
Không những Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang theo dõi chặt chẽ Ấn Độ. Quyết định của Ấn Độ về việc mua 5 hệ thống tên lửa phòng không S-400 và các kế hoạch gần đây của Ấn Độ về việc mua thêm sản phẩm quốc phòng từ Nga đã trở thành nguyên nhân chính khiến Ấn Độ hiện đang bị xem xét để xử phạt theo Đạo luật CAATSA.
Tuy nhiên, quan chức này cho biết các lệnh trừng phạt sẽ không được áp dụng ngay lập tức vì Nga sẽ phải mất một thời gian để chuyển giao 5 hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf tới New Delhi, nhưng Washington DC rất thất vọng và không hài lòng với Ấn Độ về quan hệ hợp tác quốc phòng tiến triển giữa Mỹ và Ấn Độ được vận hành trong những năm vừa qua.
Hoa Kỳ đặc biệt khó chịu trong ba năm qua không có thỏa thuận quốc phòng lớn nào được ký kết giữa Mỹ và Ấn Độ trong khi Ấn Độ vẫn có các cuộc đàm phán với Nga về một số thỏa thuận quốc phòng quy mô lớn. Hi vọng duy nhất đó là việc Ấn Độ đặt hàng mua các máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến F21 của Mỹ.
Quan hệ quốc phòng Ấn Độ-Nga:
Đạo luật CAATSA được Mỹ ban hành ngày 2 tháng 8 năm 2017. Năm 2018, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc theo Đạo luật CAATSA vì mua máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Ngày 17 tháng 7 năm 2019, Tổng thống Mỹ Donaldd Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ ngừng việc bán máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ do nước này mua 4 hệ thống tên lửa S-400 của Nga trị giá 2,5 tỷ USD.
Bất chấp các mối đe dọa từ Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman tuyên bố rõ rằng luật pháp Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Nga. Ấn Độ đang lên kế hoạch ký Hợp đồng quốc phòng với Nga nhằm tăng cường doanh số mua bán vũ khí giữa hai nước. Hợp đồng này có thể được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Vladivostok, Nga trong Diễn đàn kinh tế phương Đông, sẽ được tổ chức từ ngày 4 - 6 tháng 9/2019 tại Nga.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch mua hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường từ Nga cho Hải quân. Ấn Độ có kế hoạch mua tàu khu trục bằng cách trả bằng đồng Euro để tránh các lệnh trừng phạt của Đạo luật CAATSA. Moscow cũng có thể giúp New Delhi phát triển việc bổ sung 2 tàu khu trục. Ấn Độ cũng đang tiến hành các cuộc thảo luận với Nga để giúp phát triển 6 chiếc tàu ngầm diesel lớp Amur-1650, ước tính trị giá 6 tỷ USD thông qua chuyển giao công nghệ. Các tàu ngầm này sẽ được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, tên lửa BrahMos được phối hợp phát triển bởi Tổ chức Phát triển Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ và công ty thiết kế tên lửa của Nga từ năm 1998. Tên của tên lửa BrahMos được ghép từ tên của hai con sông Brahmaputra ở phía Đông Bắc Ấn Độ và Moskva ở phía Tây nước Nga.
Lời kêu gọi mà Mỹ đưa ra về Đạo luật CAATSA với Ấn Độ đại diện cho một trong những quyết định quan trọng nhất cho mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ trong những năm gần đây. Nếu mối quan hệ này trải qua các lệnh trừng phạt, mối quan hệ giữa hai nước có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn. Điều đó cho thấy, bất chấp chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ, Donald Trump với Ấn Độ, Tổng thống Donald Trump thực sự sẽ khó áp dụng lệnh trừng phạt đối với Ấn Độ để phá hỏng mối quan hệ giũa hai nước.
Căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ:
Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Ấn Độ cuối tháng 6/2019, Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishankar đã tuyên bố với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là Ấn Độ sẽ tiến hành thỏa thuận mua 5 hệ thống tên lửa S-400: “Ấn Độ tuyên bố sẽ làm tất cả những gì vì lợi ích quốc gia của mình, bởi các hệ thống phòng không S-400 là hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh của đất nước”. S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất trên thế giới. Hệ thống này có tầm bắn 600km, bắn hạ tên lửa và máy bay đối phương (mục tiêu trên không) ở khoảng cách 248 dặm (400 km) ở độ cao lên đến 19 dặm (hơn 30 km) và đối với các tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60 km, với tốc độ phóng lên 17.000 km/ giờ.
Năm 2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã cấp cho Ấn Độ “Quy chế quyền thương mại chiến lược 1” (STA-1) để chuyển giao hàng hóa nhạy cảm và hội nhập của các nhà cung cấp ở cả hai nước một cách trơn tru và hiệu quả hơn. Mặc dù có sự khác biệt mà cả hai nước đang phải đối mặt với thương mại song phương, chính quyền Trump đã hy vọng rằng họ sẽ có thể giảm thâm hụt thương mại với Ấn Độ bằng cách bán thêm vũ khí của mình cho Ấn Độ.
Đầu năm 2019, chính phủ Mỹ đã chuyển một đạo luật lên Thượng viện, tìm cách nâng cấp vị thế của Ấn Độ ngang bằng với các đồng minh NATO để bán các sản phẩm quốc phòng công nghệ cao bằng cách sửa đổi Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí. Mỹ cũng đã nâng cấp Ấn Độ lên thành “Đối tác quốc phòng chính” trong nỗ lực thúc đẩy doanh số quốc phòng và quân sự giữa hai nước, bao gồm chuyển giao công nghệ nhạy cảm và mã hóa.
Mỹ thất vọng vì vũ khí Nga đang phát triển ở Ấn Độ:
Theo ông Benjamin Schwartz, người đứng đầu ngành Hàng không vũ trụ và quốc phòng của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Ấn Độ có trụ sở tại Washington, cho biết: tác động tương tác giữa Ấn Độ và Mỹ trong bối cảnh Ấn Độ tăng cường mua vũ khí từ Nga có thể trở thành một trở ngại cho việc chuyển giao công nghệ dễ dàng hơn”.
Trong khi thương mại quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ tiếp tục phát triển, các giao dịch lớn mới cho UAV (thiết bị bay không người lái) và máy bay chiến đấu vẫn đang chờ xử lý. Điều này gây thất vọng khi thời gian và nỗ lực đang diễn ra song song với các thỏa thuận giữa Ấn Độ và Nga. Tiến trình về các giao dịch thương mại sẽ giúp ích khi CAATSA được kích hoạt và phải được quản lý. Ấn Độ và Hoa Kỳ đã ký hai bản ghi nhớ quốc phòng năm 2018. Thỏa thuận được ký bởi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman. Đó là: LEMOA (Bản ghi nhớ Trao đổi Hậu cần) và COMCASA (Thỏa thuận Tương thích và Bảo mật truyền thông).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman
Thỏa thuận giữa chính phủ Ấn Độ với chính phủ Mỹ về việc Ấn Độ mua máy máy bay chiến đấu F-21 của Mỹ sẽ giải quyết mọi vấn đề, bao gồm cả Đạo luật CAATSA và tranh chấp thương mại, vì Mỹ không thực sự muốn làm hỏng mối quan hệ với Ấn Độ vì họ coi New Delhi là đối trọng với Trung Quốc. Vì vậy, hợp tác quốc phòng giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
Ấn Độ đang có kế hoạch mua 114 máy bay chiến đấu theo thỏa thuận trị giá 18 tỷ USD với một đối tác nước ngoài. Gói thầu này nhằm thay thế phi đội tiêm kích đã lỗi thời từ không quân Ấn Độ. Việc đấu thầu được Không quân Ấn Độ ban hành vào tháng 4/2019. Một số ứng cử viên hàng đầu là máy bay F-21 của tập đoàn Lockheed Martin và máy bay F / A-18 Super Hornet của tập đoàn Boeing đều của Mỹ. Những đối thủ khác bao gồm Eurofighter Typhoon, Dassault Rafale, Saab Gripen.
Máy bay chiến đấu F-21
Máy bay chiến đấu F-21 được tập đoàn vũ khí Lockheed Martin của Mỹ phát triển dành riêng để giới thiệu cho Ấn Độ. Được biết loại chiến đấu cơ này được phát triển từ máy bay F-16V nhưng ứng dụng nhiều công nghệ trên máy bay F-22 và F-35 của Mỹ. Tập đoàn Lockheed Martin cho biết:“máy bay F-21 có những linh kiện giống và học hỏi nhiều từ máy bay F-22 và F-35, một nửa dây chuyền cung cấp của F-21 và F-16 cũng giống với F-22 và F-35. Máy bay F-21 sẽ được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu mới, hệ thống ngắm bắn Sniper và trang bị nhiều vũ khí hạng nặng. Buồng lái của F-21 cũng có nét hiện đại như trên tiêm kích F-35 với các màn hình cỡ lớn”.
Vòng thứ hai của cuộc họp “Bộ trưởng 2 + 2” sẽ diễn ra vào tháng 9 năm 2019 tại Washington. Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng có thể tới Mỹ vào tháng 9 năm 2019 để tham dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Nguyễn Đắc Tùng
Tổng hợp từ Defence News