29/07/2019
Thỏa thuận hệ thống tên lửa phòng không S-400 đã trở thành mâu thuẫn trong quan hệ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, khi Mỹ kêu gọi các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ các cảnh báo và tuyên bố sẽ không lùi bước, Ấn Độ tuyên bố sẽ làm tất cả những gì vì lợi ích quốc gia.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ:
Ngày 29/6/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và tuyên bố: “vấn đề mua sắm hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ từ Nga có thể được giải quyết mà không làm tổn hại đến quan hệ song phương”. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6/2019 được coi là một bước tiến quan trọng trong việc giảm bớt quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm giữa tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về Đạo luật CAATSA của Mỹ có thể gây tổn hại cho “quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan
Trước khi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhắc lại quan điểm của ông đối với thỏa thuận hệ thống tên lửa phòng không S-400 và cho biết Nga đang trong quá trình giao hàng, dự kiến vào nửa đầu tháng 7/2019. Trước đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận về việc cung cấp hệ thống tên lửa trên hồi mùa Hè năm 2017. Thổ Nhĩ Kỳ mua 4 hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá 2,5 tỷ USD. Hơn nữa, Moscow đồng ý cho Ankara vay hơn một nửa giá trị hợp đồng đó. Đây là lần đầu tiên một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mua lại các hệ thống phòng không của Nga để tự vệ.
Ông Ahmet Berat Chonkar, phó Chủ tịch nhóm Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng Nghị viện NATO, không loại trừ khả năng các hệ thống này sẽ được triển khai trên biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ông tuyên bố: “Xung quanh Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có những điểm nóng: Iraq, Iran, Syria, Cyprus, toàn bộ khu vực của chúng tôi giống như một thùng thuốc súng. Mối đe dọa nghiêm trọng nhất là vùng phía Đông Địa Trung Hải, từ phía Bắc Cyprus và Syria. Vì vậy, chúng tôi trước hết muốn bảo vệ biên giới phía Nam và phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị trừng phạt bởi Mỹ theo Đạo luật CAATSA, đặc biệt nhắm vào Nga, Iran và Triều Tiên. Hoa Kỳ cho biết hệ thống tên lửa phòng không S-400 không tương thích với hệ thống phòng thủ của NATO và có thể làm cản trở thỏa thuận về máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-35, loại máy bay mà Mỹ đang giúp Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo và lên kế hoạch bán cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đi trước thỏa thuận, họ có thể phải đối mặt với việc trục xuất khỏi thỏa thuận về máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-35, các biện pháp khác có thể giáng một đòn đáng kể vào nền kinh tế vốn đã trong giai đoạn khủng hoảng và ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phía Ấn Độ:
Ấn Độ là khách hàng tiếp theo mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400. Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 quan trọng đối với Ấn Độ bởi vì Ấn Độ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 nhằm mục đích tự vệ, củng cố hệ thống phòng không khu vực biên giới biên giới dài hơn 3000 km với Trung Quốc và Pakistan. Ấn Độ giải thích rằng, các hệ thống tên lửa của Nga cần thiết cho Ấn Độ “trong điều kiện bảo vệ cấu trúc khu vực”. Ấn Độ tuyên bố sẽ làm tất cả những gì vì lợi ích quốc gia của mình, bởi các hệ thống phòng không S-400 là hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh của đất nước. Trước đó, vào tháng 10/2018, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin tại New Delhi, Ấn Độ hai nhà lãnh đạo đã chính thức ký thỏa thuận trị giá hơn 5,2 tỷ USD cho 5 hệ thống tên lửa phòng không S-400, hệ thống tên lửa phòng không dự kiến sẽ được chuyển giao đến Ấn Độ vào đầu năm 2020.
Vấn đề được nêu ra trong chuyến thăm Ấn Độ vào cuối tháng 6/2019 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, tại New Delhi Ngoại trưởng Hoa Kỳ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.Jaishankar, nhưng hai bên không thể đưa ra kết luận về vấn đề này. Sau cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã tuyên bố rằng Ấn Độ sẽ làm những gì vì lợi ích quốc gia.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar
Trong vòng một thập kỷ qua, các thỏa thuận quốc phòng của Mỹ với Ấn Độ đã lên tới 15 tỷ USD, bao gồm các thỏa thuận quan trọng về việc Ấn Độ mua máy bay vận tải C-17 Globemaster và C-130J, máy bay trinh sát hàng hải P-8 (I), máy bay trinh sát hạng nhẹ M777, tên lửa Harpoon, trực thăng Apache và Chinook. Mỹ có thể sẽ chấp nhận yêu cầu của Ấn Độ về máy bay không người lái tuần tra bờ biển, và các nhà sản xuất của Mỹ bao gồm hãng Lockheed Martin và hãng Boeing là nhà cung cấp chính cho các thỏa thuận vũ khí lớn với Ấn Độ. Tháng 7 năm 2019, Mỹ tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng cung cấp cho Ấn Độ (cùng với Indonesia và Việt Nam) việc miễn trừ các lệnh trừng phạt theo Đạo luật CAATSA.
Tại sao Mỹ phản đối hệ thống tên lửa phòng không S-400?
Hệ thống phòng không S-400 của Nga, theo giới phân tích, là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Hệ thống này được chế tạo để đánh bại công nghệ tàng hình của Mỹ. Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf do Nga chế tạo được Mỹ xác định là hệ thống tên lửa phòng không hiện đại được triển khai hoạt động nguy hiểm nhất thế giới và được coi là hiệu quả hơn nhiều so Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) do Mỹ phát triển.
S-400 hiện được xem là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất của Nga. Hệ thống này có tầm bắn 600km, bắn hạ tên lửa và máy bay đối phương (mục tiêu trên không) ở khoảng cách 400 km và đối với các tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60 km, với tốc độ phóng lên 17.000 km/ giờ, S-400 thực sự là một vũ khí phòng thủ hiệu quả nhất trên thế giới. Mỗi hệ thống S-400 được tích hợp rada có thể sử dụng ít nhất 4 loại tên lửa đánh chặn khác nhau và tấn công nhiều loại mục tiêu. Theo đó, một tổ hợp S-400 có thể theo dõi 160 mục tiêu và đánh chặn 72 mục tiêu cùng một lúc.
Tháng 8 năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) của Mỹ, đặc biệt nhắm vào Nga, Iran và Triều Tiên. Mục 2 của Đạo luật tìm cách trừng phạt Nga vì Nga can thiệp quân sự vào Ukraine và cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, bằng cách nhắm vào ngành dầu khí, quốc phòng an ninh, và các tổ chức tài chính của Nga. Mục 231 của Đạo luật trao quyền cho Tổng thống Hoa Kỳ áp dụng ít nhất 5 trong số 12 lệnh trừng phạt được được liệt kê trong Mục 235 đối với những tổ chức, cá nhân tham gia vào giao dịch quan trọng trong các lĩnh vực tình báo và quốc phòng Nga.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo cho 39 tổ chức, cá nhân của Nga, các giao dịch quan trọng có thể khiến các bên thứ ba chịu trách nhiệm trừng phạt. Hầu như tất cả các công ty, tổ chức sản xuất và xuất khẩu quốc phòng lớn của Nga, bao gồm công ty Almaz-Antey Air, công ty Space Defense Corporation và nhà sản xuất hệ thống tên lửa phòng không S-400, đều có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Nguyễn Đắc Tùng
Tổng hợp từ Defense News