30/11/2021
Tổng hợp: ThS. Nguyễn Thị Hiên, Phòng NC Kinh tế và Phát triển, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS)
Nền kinh tế Ấn Độ đang trên đà phát triển mạnh mẽ khi phục hồi sau tác động của COVID-19. Những điểm nổi bật của thị trường Ấn Độ: Thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh, rộng lớn, đa dạng và phong phú. Nhu cầu trong nước có thể sẽ là động lực chính cho sự phục hồi và tăng trưởng trong thập kỷ tới. Tiêu dùng trong nước chiếm 60% nền kinh tế tổng thể (World Economic Forum, 2019).Thu nhập trung bình trên mỗi hộ gia đình của Ấn Độ dự kiến sẽ đạt 10.350 USD vào năm 2025 (IMF, 2021). Tuy nhiên, trong năm 2020, kinh tế Ấn Độ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng trong vòng hơn 40 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến một bộ phận lớn dân số mất việc.
1. Quy mô thị trường
Ấn Độ, quốc gia có dân số gần 1,4 tỷ người (Worldmeter, 2021), trong nhiều năm đã trở thành một thị trường bán lẻ hấp dẫn với lượng khách hàng trẻ và giàu có gia tăng. Theo cơ quan xúc tiến đầu tư của Ấn Độ, Invest India, lĩnh vực bán lẻ đóng góp 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này và chiếm khoảng 8% số việc làm (Invest India, 2021). Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Ấn Độ theo giá hiện hành ở mức 2,62 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2020 (Worldbank, 2021). Theo ước tính của Văn phòng Thống kê Quốc gia NSO, Ấn Độ đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP là 0,4% trong quý 3 năm tài chính 2021 (Bussiness Standard, 2021). Sự gia tăng này cho thấy tiến trình phục hồi hình chữ V bắt đầu vào quý 2 năm tài chính 2021.
Theo Khảo sát Kinh tế 2020-21, tăng trưởng GDP thực tế của Ấn Độ cho năm tài chính 2022 được dự báo là 11% (Ministry of Finance, 2021). Bản cập nhật WEO tháng 1 năm 2021 dự báo mức tăng 11,5% trong năm tài chính 2022 và mức tăng 6,8% trong năm tài chính 2023 (IMF, 2021). Theo IMF, trong hai năm tới, Ấn Độ cũng được dự đoán sẽ nổi lên như một nền kinh tế phát triển nhanh nhất.
2. Nhu cầu tiêu dùng của thị trường Ấn Độ
Thị trường tiêu dùng Ấn Độ đang thu hút sự chú ý toàn cầu không chỉ bởi quy mô thị trường rộng lớn mà còn vì sự thay đổi trong bản chất của nhu cầu của người tiêu dùng Ấn Độ. Tăng đô thị hóa, tăng thu nhập và khát vọng vươn lên về cuộc sống tốt hơn, đặc biệt là ở các tầng lớp kinh tế thấp, là một số yếu tố định hình lại thị trường tiêu dùng Ấn Độ. Kết quả của xu hướng này là một người tiêu dùng Ấn Độ mới sành điệu hơn bao giờ hết, sẵn sàng đặt tiền của mình vào thương hiệu, chất lượng và sự tiện lợi thông qua các hoạt động thương mại điện tử.
Ấn Độ là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới và được dự báo là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với nhiều dân hơn bất kỳ quốc gia nào khác vào năm 2035. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của đất nước đang gia tăng và nâng cao cơ hội việc làm và kinh doanh, đồng thời tăng thu nhập khả dụng. Ngày càng có nhiều người chuyển từ tầng lớp yếu kém về kinh tế để gia nhập tầng lớp trung lưu. Do đó, tầng lớp trung lưu với số lượng và thu nhập ngày càng tăng đang trở thành phân khúc thị trường lớn nhất. Trên thực tế, tầng lớp trung lưu của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng từ 80 triệu người hiện nay lên 580 triệu người vào năm 2025 (WEF, 2019). Tầng lớp giàu có cũng được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển về quy mô và giá trị, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với tầng lớp trung lưu. Tầm nhìn cho tương lai của tiêu dùng ở Ấn Độ được duy trì trong sự tăng trưởng của phân khúc thu nhập trên trung bình và thu nhập cao, sẽ tăng từ một trong bốn hộ gia đình hiện nay, lên một trong hai hộ gia đình vào năm 2030.
Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng dẫn đến sự gia tăng đáng kể tâng lớp trung lưu, đồng thời tăng nhanh thu nhập của họ. Tầng lớp trung lưu của Ấn Độ chiếm tỉ lệ cao với thu nhập ngày càng gia tăng. Ước tính cho thấy tầng lớp trung lưu sẽ chiếm 59% tổng lượng tiêu thụ của Ấn Độ vào năm 2025.
Ngành TMĐT Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Mỹ để trở thành thị trường TMĐT lớn nhất thế giới vào năm 2034 (WEF, 2019). Thị trường TMĐT của Ấn Độ có tiềm năng tăng trưởng gấp bốn lần so với năm 2018 (ở mức 50 tỷ USD) và đạt 150 tỷ USD vào năm 2022 do thu nhập của người dân tăng và tăng số lượng người sử dụng mạng. Với sự thâm nhập và phát triển nhanh chóng của điện thoại thông minh, mạng lưới 5G và sức tiêu dùng ngày càng tăng, doanh thu từ TMĐT dự kiến sẽ tăng từ 38,5 tỷ USD năm 2017 lên 200 tỷ vào năm 2026 với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 51%, tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới hiện nay (IBEF, 2019).
Thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, và do đó, các nhà bán lẻ trực tuyến đang bị thu hút bởi các thị trường Ấn Độ, nơi sẵn sàng phát triển nhảy vọt trong những năm tới. Có khoảng 120 triệu người mua sắm trực tuyến ở Ấn Độ vào năm 2018 và con số này dự kiến sẽ đạt 220 triệu vào năm 2025 (WEF, 2019).
Đại dịch Covid-19 đã giúp đẩy nhanh sự chuyển dịch sang hình thức thanh toán kỹ thuật số tại Ấn Độ. Công ty tư vấn Accenture dự đoán, vào năm 2023, 67 tỷ giao dịch tại Ấn Độ với trị giá 270 tỷ USD sẽ chuyển đổi từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán kỹ thuật số. Covid-19 đã thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật số với tốc độ mà không ngân hàng nào có thể dự đoán được. Đại dịch sẽ thay đổi vĩnh viễn cách người tiêu dùng mua sắm và thanh toán cho các sản phẩm bởi vì họ ưu tiên sự tiện lợi.
Với thị trường dân số đông, đặc biệt với tỷ lệ dân số trẻ cao với tốc độ hội nhập công nghệ cao, sức tiêu dùng lớn, Ấn Độ là một thị trường tiềm năng màu mỡ cho các công ty TMĐT trong và ngoài nước tập trung vào phát triển và chiếm lĩnh thị trường. Với các chính sách khuyến khích từ chính phủ trong hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin như Digital India và Startup India, nhiều công ty thương mại điện tử phát triển trên thị trường Ấn Độ phải kể tới như: Amazon, Shopmatic, KartRocket, Bizongo, Industrybuying, Tolexo, Snapdeal (IBEF, 2019). Các công ty thương mại điện tử hàng đầu theo các mô hình kinh doanh khác nhau.
Với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của mạng internet, số người dùng internet ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng từ 445,96 triệu người trong năm 2017 lên 829 triệu người vào năm 2021 (IBEF, 2020). Mỗi tháng Ấn Độ có thêm khoảng 10 triệu người dùng internet sử dụng dịch vụ TMĐT (IBEF, 2020). Người mua sắm trực tuyến ở Ấn Độ dự kiến sẽ đạt 220 triệu vào năm 2025. Mức chi tiêu trung bình cho mua sắm trực tuyến của người dùng ở Ấn Độ đạt 224 USD trong năm 2017. Dự báo tới năm 2022, số người dùng điện thoại thông minh sẽ đạt 476 triệu người. Ấn Độ cũng là một trong các quốc gia sử dụng dữ liệu bình quân lớn nhất trên toàn cầu với mức sử dụng trung bình 9,8 GB/tháng/người dùng (IBEF, 2020).
Do thu nhập tăng, nhận thức về sản phẩm được nâng cao và sự gia tăng của các lựa chọn, người tiêu dùng Ấn Độ đang trở nên kén chọn hơn trong việc mua hàng của họ. Đổi mới sản phẩm, định vị và bao bì sẽ là chìa khóa để các công ty thu hút người tiêu dùng. Người tiêu dùng Ấn Độ ngày càng quan tâm đến sức khỏe, họ có thể chọn một sản phẩm thực phẩm không chỉ có hương vị tuyệt vời mà còn có lợi cho sức khỏe. Các công ty sẽ phải chứng minh giá trị thông qua đổi mới và hấp dẫn nhu cầu của các khu vực và tầng lớp người tiêu dùng khác nhau.
Khi hàng triệu hộ gia đình trước đây thiếu thốn về kinh tế chuyển sang phân khúc trung lưu, họ sẽ bắt đầu có khả năng chi trả và yêu cầu các sản phẩm và dịch vụ ngoài thực phẩm và quần áo. Sự thâm nhập ngày càng tăng của các phương tiện truyền thông và cơ sở hạ tầng sẽ khiến vùng nông thôn Ấn Độ có lối sống đô thị hóa và thúc đẩy mong muốn tiềm ẩn về mức sống được cải thiện. Cùng với nhau, những người 'tham vọng' từ các khu vực nông thôn và thành thị sẽ thúc đẩy nhu cầu hàng hóa và dịch vụ ở cấp thấp hơn.
Thị trường tiêu dùng Ấn Độ với phần lớn người tiêu dùng trẻ đang ngày càng trở nên sành điệu và có ý thức về thương hiệu. Những người tiêu dùng trẻ thuộc tầng lớp trung lưu điển hình đang bắt đầu nhìn xa hơn khía cạnh tiện ích của một sản phẩm để tìm kiếm những điều vô hình như thương hiệu và tuyên bố về phong cách sống gắn liền với sản phẩm. Người tiêu dùng hiện đại muốn việc mua hàng của mình phản ánh phong cách sống của họ, hoặc ít nhất là phong cách mà họ mong muốn.
Đại dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng tác động sâu sắc tới Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực trong đó có sự thay đổi trong giỏ mua sắm của người Ấn Độ. Thời gian cách ly dài buộc người dân Ấn Độ phải thay đổi thói quen tiêu dùng. Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của họ là các vấn đề sức khỏe, tiếp đến là dự trữ lương thực, các sản phẩm kỹ thuật số và các đồ dùng gia đình giúp nhà cửa ngăn nắp.
Đại dịch khiến vấn đề sức khỏe ngày càng được người tiêu dùng quan tâm chú trọng, với nhu cầu ngày càng tăng cao. Các công ty dược phẩm lớn tại Ấn Độ như Himalaya Drug hay Dabur India đang chứng kiến nhu cầu cao đối với các loại thực phẩm truyền thống như Septilin - kết hợp các thành phần ayurveda (hệ thống y học Hindu truyền thống) như cam thảo hay guduchi; chyawanprash (hỗn hợp gồm quả amla, mật ong, đường, bơ trâu, thảo dược và các loai gia vị). Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020, doanh số bán hàng sản phẩm chywanprash của Dabur (một trong những nhà cung cấp các sản phẩm ayurveda lớn nhất tại Ấn Độ) tăng 700%, dự kiến tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Bên cạnh nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm tăng cường sức khỏe, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đóng hộp cũng tăng nhanh do hạn chế trong mua sắm và đi lại. Kể từ tháng 3/2020, doanh số của các loại thực phẩm đóng hộp tại Ấn Độ tăng mạnh do nhu cầu tích trữ lương thực của các hộ gia đình tăng cao. Các công ty sản xuất thực phẩm đóng hộp ở Ấn Độ như Nestle India, Parle Products, Britannia Industries đều ghi nhận mức tăng trưởng nhanh. Các loại thực phẩm như ngũ cốc cho bữa sáng, mỳ ăn liền, gạo và các loại dầu, chất béo sử dụng trong nấu nướng… nằm trong danh sách thực phẩm tăng trưởng nhanh nhất, thậm chí không đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng do nhu cầu tích trữ quá lớn.
Dịch bệnh khiến người Ấn Độ tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, họ có xu hướng sử dụng các thiết bị điện tử nhiều hơn, trong cả cuộc sống lẫn công việc. Đặc biệt là các nền tảng trao đổi trực tuyến như phần mềm học Byju. Chỉ trong vòng 2 tháng từ tháng 04 đến 06/2020, số sinh viên mới sử dụng dịch vụ học trực tuyến của startup Byju tăng gấp 3 lần. doanh số bán các loại máy tính xách tay tăng gấp đôi kể từ tháng 3. Mặc dù chính quyền tai nhiều địa phương ở Ấn Độ đã nới lỏng lệnh giới nghiêm, nhu cầu cho các dịch vụ giải trí trực tuyến vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm. Nhu cầu dành cho các loại máy tính xách tay cấu hình cao nằm trong danh sách đầu bảng. Hoạt động thường ngày của người dùng ứng dụng ZEE5 (một ứng dụng xem phim, clip, gameshow truyền hình phổ biến ở Ấn Độ) đã tăng 33%, và số lượt tải chương trình cũng tăng 45% trong tháng 5/2020 (Ankika, 2020).
Nhu cầu mua sắm các thiết bị gia dụng cũng tăng cao tại Ấn Độ trong thời gian qua do thời gian cách li, làm việc ở nhà kéo dài khiến nhu cầu trang bị những thiết bị trong nhà cũng tăng cao. Theo kết quả nghiên cứu của Mintel Research, 25% người dân Ấn Độ đang có kế hoạch dành thời gian nhiều hơn vào chăm sóc gia đình. Nhu cầu này chủ yếu tới từ những người trong độ tuổi từ 18-34, với mong muốn dành nhiều tiền hơn vào phát triển cuộc sống. Nhu cầu đối với các mặt hàng gia dụng như máy xay sinh tố, máy trộn, lò vi sóng, máy nướng bánh mỳ tăng 4 lần trong tháng 7/2020. Nhu cầu đối với các mặt hàng vệ sinh như máy hút bụi cũng tăng 4 lần. Các cửa hàng cắt tóc buộc phải đóng cửa do lệnh cách ly. Điều này đã khiến các sản phẩm ví dụ như bộ dụng cụ tự cắt tóc nam giới đắt hàng. Công ty Havells India cho biết nhu cầu các mặt hàng như tông-đơ cắt tóc tăng gấp 5 lần so với thời kỳ trước Covid-19. Các công ty như IFB Industries đã tạm dừng nhận các đơn hàng mới với sản phẩm máy rửa bát vì họ không kịp sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Công ty sản xuất đồ điện tử Philips India cũng ghi nhận doanh thu từ các sản phẩm làm đẹp của nam và nữ tăng 60-70% trong thời điểm từ tháng 5 đến tháng 6/2020 (Ankika, 2020).
3. Mức độ bảo hộ của thị trường
Ấn Độ là thị trường bảo hộ mậu dịch lớn nhất châu Á, với hàng rào bảo hộ thuế và phi thuế ở mức khá cao. WTO đánh giá Ấn Độ nằm trong nhóm các quốc gia sử dụng biện pháp bảo hộ mậu dịch nhiều nhất (101 biện pháp, chỉ sau Argentina 182 biện pháp và Nga 172 biện pháp) (Trích Báo cáo đánh giá thái độ bảo hộ của hơn 180 quốc gia trên thế giới).
Năm 1991, Ấn Độ cải cách nền kinh tế, thuế suất hải quan của Ấn Độ được cắt giảm từ 150% năm 1991-1992 xuống 35% năm 2001-2002. Mặc dù vậy, Ấn Độ vẫn thuộc hàng các nước có mức thuế hải quan cao nhất thế giới. Mức thuế MFN (tối huệ quốc) phổ biến hiện nay của Ấn Độ 34,442% (UNCTAD, 2021).
Ấn Độ còn là quốc gia sử dụng nhiều nhất các biện pháp chống bán phá giá. Trong những năm qua, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dè dặt khi tiếp cận thị trường này.
Năm 2014, Chính phủ Ấn Độ đưa ra sáng kiến “Make in India” nhằm đưa Ấn Độ thành “công xưởng thế giới” mới. Từ đó đến nay, mức độ bảo hộ thương mại của Ấn Độ ngày càng gia tăng. Ấn Độ luôn duy trì chính sách nhất quán chủ trương khuyến khích sản xuất trong nước, sẵn sàng thực hiện chính sách cấm nhập khẩu hoặc một số biện pháp hạn chế đối với hàng hóa các nước khác. Nông sản xuất khẩu của Việt Nam (sợi đàn hồi, hạt điều…) cũng không ngoại lệ. Do đó, dù các hợp đồng thương mại đã được doanh nghiệp 2 bên ký kết, song không thể thực hiện được do rào cản chính sách nhập khẩu.
Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, việc đánh thuế tùy tiện và các quy định quá mức nhắm vào đầu tư nước ngoài không thể hiện hình ảnh một Ấn Độ cởi mở và chào đón. Những yếu tố này có thể hạn chế tiềm năng của Ấn Độ và cản trở tăng trưởng.
4. Hàng rào thuế và phi thuế
Ấn Độ hiện áp dụng chính sách thuế theo liên bang, mặc dù áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng trên toàn quốc, nhưng sự khác biệt trong biểu thuế thương mại giữa các bang khiến hệ thống thuế không rõ ràng. Thuế hải quan được tính đối với hàng hóa nhập khẩu vào Ấn Độ theo các điều khoản của luật hải quan và với tỷ suất qui định tại luật thuế hải quan. Có rất nhiều loại thuế được đánh vào hàng nhập khẩu và có một số phương pháp quy định để tính thuế.
Biểu danh mục thuế của Ấn Độ gồm nhiều loại miễn, giảm và hoàn thuế và được áp dụng dựa trên cơ sở từng mặt hàng cụ thể, phụ thuộc vào mục đích sử dụng cũng như vị thế của nhà nhập khẩu. Các mức thuế suất cơ bản là 5%, 15%, 25%, 30%. Việc giảm thuế đã hỗ trợ nhiều ngành công nghiệp xuất khẩu của nhiều nước xuất khẩu vào Ấn Độ. Khoảng 50% tổng số nguyên liệu đầu vào của Ấn Độ được giảm thuế nhập khẩu, mặc dù việc áp dụng chế độ miễn thuế được đặt song song với quá trình cắt giảm thuế quan (Vietnam Export, 2018).
Chính sách miễn thuế nhập khẩu cho phép nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu mà không phải nộp thuế. Giấy phép miễn thuế có thể được cấp theo khuôn khổ chương trình miễn thuế. Chương trình sẽ cho phép bổ sung/miễn thuế sau xuất khẩu đối với nguyên liệu đầu vào dùng trong hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu. Chương trình miễn thuế gồm (a) (Duty Free Replenishment Certificate – DFRC) và (b) (Duty Entitlement Pass Book – DEPB) (Vietnam Export, 2018). DFRC cho phép tiếp tục miễn thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu. Chương trình DEPB cho phép hoàn phí nhập khẩu đối với các nguyên liệu đầu vào dùng cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu. Chính phủ có quyền công bố miễn thuế hoàn toàn hay một phần "vì lợi ích công cộng" và chỉ rõ các điều kiện (ví dụ điều khoản ngừng áp dụng) (Vietnam Export, 2018).
Những ngành công nghiệp nước ngoài được hưởng lợi từ việc Ấn Độ xóa bỏ cơ chế hạn ngạch (Quantity Restriction - QR) và giảm thuế suất là: hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, giày dép, đồ chơi, sản phẩm viễn thông, phân bón, thiết bị khai thác mỏ, sản phẩm gỗ, đồ trang sức, linh kiện máy ảnh, giấy, bìa các tông, phế liệu kim loại, máy tính, máy văn phòng và linh kiện, máy dệt và linh kiện, thiết bị cầm tay, nước ngọt, nước hoa quả và đồ hộp.
Theo định nghĩa của WTO, rào cản Kỹ thuật trong Thương mại là các biện pháp được các chính phủ áp dụng nhằm thiết lập các yêu cầu của sản phẩm để thực hiện các mục tiêu chính sách công, chẳng hạn như sức khỏe và an toàn cho con người, bảo vệ môi trường, thông tin người tiêu dùng hoặc chất lượng. Các biện pháp này được áp dụng cho cả hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Các rào cản kỹ thuật trong Hiệp định thương mại mục đích để đảm bảo rằng các biện pháp này (quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, kiểm tra và thủ tục cấp giấy chứng nhận) không tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với hoạt động thương mại.
Theo số liệu từ Cơ sở dữ liệu của Hệ thống thông tin và phân tích thương mại của UNCTAD (The Global database on Non – Tariff Measures, gọi tắt là TRAINS) hiện Ấn Độ áp dụng tổng cộng 4601 biện pháp phi thuế. Trong đó 3663 biện pháp được áp dụng đối với tất cả các đối tác và 938 biện pháp được áp dụng với các đối tác cụ thể. Các rào cảnkỹ thuậtđối với thương mại được áp dụng là 1483biện pháp (chiếm tỷ lệ 32,2% tổng các rào cản phi thuế).
Hệ thống các biện pháp phi thuế quan (NTM) ở Ấn Độ được tạo ra bởi 17 bộ và cơ quan với tổng cộng 479 quy định. 479 quy định này bao gồm 4.618 NTMs ảnh hưởng đến 11.483 mã HS (UNCTAD, 2020). Trong đó, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ đã ban hành số lượng NTM cao nhất (với 1.686 biện pháp, chiếm 63,6% tổng số các biện). Con số này chiếm khoảng 36,5% tổng số NTM được ban hành bởi tất cả 17 bộ và cơ quan. Các biện pháp SPS là NTM được áp dụng thường xuyên nhất trên 17 bộ và cơ quan, chiếm khoảng 50% tổng số NTM và ảnh hưởng đến tổng số 2.887 sản phẩm (mã HS). Các biện pháp TBT (chiếm 36,24% trong tổng số NTM) và các biện pháp liên quan đến xuất khẩu (10,5% trong tổng số NTM), lần lượt là các NTM được áp dụng thường xuyên thứ hai và thứ ba, hai biện pháp này ảnh hưởng đến 11.483 sản phẩm (mã HS) (UNCTAD, 2020).
Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân Ấn Độ đã ban hành 1.155 biện pháp SPS, trong khi Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình ban hành 1.057 biện pháp SPS (UNCTAD, 2020). Các sản phẩm nông nghiệp và dược phẩm là những mặt hàng chính trong giỏ thương mại của Ấn Độ; do đó, các quy định của Ấn Độ chủ yếu nhấn mạnh vào các biện pháp SPS (Loại A) và TBT (Loại B) đối với hai nhóm sản phẩm này để kiểm soát tiêu chuẩn và chất lượng. Trong tất cả các nhóm hàng (mã HS), thực phẩm (100%) là nhóm hàng chịu ảnh hưởng thường xuyên nhất của NTMs, tiếp theo là nhóm hàng rau (99,72%) và động vật và sản phẩm động vật (99,56%) (UNCTAD, 2020).
Kết luận
Thị trường Ấn Độ đặc trưng bởi quy mô rộng lớn, đa dạng, nhu cầu tiêu dùng cao và xu hướng đẩy mạnh thương mại điện tử. Những đặc trưng kể trên của thị trường Ấn Độ vừa tạo ra cơ hội đồng thời cũng là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù thị trường Ấn Độ đầy tiềm năng với quy mô và nhu cầu tiêu dùng lớn, tuy nhiên để tiếp cận được thị trường gần 1,4 tỷ dân này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để làm quen với thị trường với những quy định mới.
Tài liệu tham khảo
1. Ankika Biswas (2020) Here's What Indians Have Been Spending Their Cash on During the Pandemic https://www.bloomberg.com/news/features/2020-08-06/india-consumer-habits-changes-during-coronavirus-lockdown
2. Business Standard, (2021), GDP grows 0.4% in Q3 after shrinking for two quarters, may fall in Q4: NSO, https://www.business-standard.com/article/economy-policy/gdp-grows-0-4-in-q3-after-shrinking-for-two-quarters-may-fall-in-q4-nso-121022601280_1.html truy cập ngày 11/11/2021
3. IBEF, (2020). Indian Ecommerce Industry Report, https://www.ibef.org/download/E-Commerce-January-2020.pdf
4. IMF, (2021) World Economic Outlook Database, India
5. Invest India (2021), https://www.investindia.gov.in/
6. McKinsey Global Institute (2007) Next big spenders: India's middle class.https://www.mckinsey.com/mgi/overview/in-the-news/next-big-spenders-indian-middle-class
7. Ministry of Finance, (2021), Economic Survey 2020-2021.
8. UNCTAD (2020) Non-Tariff Measures in Australia, China, India, Japan, New Zealand and the Republic of Korea: Preliminary Findings.
9. UNIDO (2017). National Report on E-Commerce Development in India https://www.unido.org/sites/default/files/2017-10/WP_15_2017_.pdf
10. USAID (2017) Các vấn đề môi trường trong thương mại Quốc tế.
11. Vietnam Export (2018) Bản tin thị trường Ấn Độ.
12. Website của TRAINS UNCTAD
13. Website http://trademap.org
14. World Economic Forum, (2019), Future of Consumption in Fast-Growth Consumer Markets: INDIA
15. Worldbank, (2021), https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.CD?locations=IN truy cập ngày 20/11/2021
16. Worldmeters, (2021), India population, https://www.worldometers.info/world-population/india-population/ truy cập ngày 25/11/2021