20/08/2021
1. Bối cảnh
Ngày 7/10/2001, nhằm trả đũa và tiêu diệt lực lượng lượng al-Qaeda gây ra vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 nhằm vào Toà tháp đôi và Lầu Năm Góc, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã phát động chiến dịch “Tự do bền vững” tại Afghanistan. Chiến dịch giành được thắng lợi vào ngày 7/12/2001 khi Kandahar thất thủ. Ngày 5/12/2001, các phe phái chính trị ở Afghanistan đã đạt được một thoả thuận với sự bảo trợ của Nghị quyết 1383 của LHQ để bổ nhiệm Hamid Karzai làm người đứng đầu chính quyền lâm thời. Chính quyền Karzai đã thực hiện nhiều cải cách làm thay đổi xã hội Afghanistan và được các nhóm sắc tộc ủng hộ. Mỹ cũng duy trì khoảng 15.000 quân hiện diện ở Afghanistan để bảo đảm về an ninh cho quốc gia này.
Năm 2003 đánh dấu sự trở lại của Taliban và al-Qaeda khi lực lượng này liên tục gây các vụ tấn công cảm tử nhằm vào dân thường. Tới ngày 23/5/2005, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Tổng thống Mỹ George W. Bush ra một tuyên bố chung công bố về một quan hệ “đối tác chiến lược” giữa hai bên. Tuyên bố cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận các cơ sở quân sự của Afghanistan tiến hành “cuộc chiến chống khủng bố quốc tế và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực”. Tình hình an ninh diễn biến phức tạp, mất ổn định khiến Mỹ buộc phải tăng thêm quân. Từ 2006-2009, số lính Mỹ tại Afghanistan đã tăng lên gần 4 lần, đạt đỉnh điểm gần 100.000 người.
Tháng 11/2010, tại hội nghị thượng đỉnh ở Lisbon, các nước thành viên NATO đã ký tuyên bố đồng ý bàn giao toàn bộ trách nhiệm về an ninh ở Afghanistan cho các lực lượng Afghanistan vào cuối năm 2014. Quá trình chuyển đổi sẽ bắt đầu vào tháng 7/2011, với các lực lượng an ninh địa phương tiếp quản quyền kiểm soát đối với các tỉnh, thành phố. Việc bàn giao ban đầu diễn ra trùng với thời điểm Mỹ bắt đầu cắt giảm 100.000 binh sĩ triển khai tại Afghanistan. Việc trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt vào ngày 1/5/2011 càng thúc đẩy nhanh xu hướng đó. Ngày 7/10/2011, 10 năm sau ngày đưa quân vào Afghanistan, chính quyền Barack Obama có kế hoạch rút toàn bộ quân tham chiến vào năm 2014, nhưng vẫn còn nghi ngờ lớn về năng lực của chính phủ Afghanistan trong việc đảm bảo đất nước. Vào thời điểm này, Mỹ đã có 1.800 binh lính thương vong và đã mất một khoản 444 tỷ USD đổ vào cuộc chiến này. Các chi phí này đã làm xói mòn sự ủng hộ của người dân, khi nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đang rơi vào tình trạng suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 9,1% và thâm hụt ngân sách hàng năm 1.300 tỷ USD. Mặc dù có đạt được một số thành quả về quân sự, song triển vọng về một thoả thuận với Taliban nhằm giảm bớt xung đột là xa vời. Sau vụ ám sát với Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Afghanistan, Tổng thống Karzai đã đình chỉ các cuộc đàm phán với phe Taliban.
Tại Hội nghị quốc tế Bonn, Đức diễn ra vào tháng 12/2011 nhằm thảo luận về tương lai chính trị của Afghanistan, hàng chục quốc gia và tổ chức vạch ra lộ trình hợp tác ngoài việc rút quân quốc tế vào năm 2014. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tuyên bố nước này sẽ yêu cầu 10 tỷ USD hàng năm trong thập kỷ sau đó để củng cố an ninh và tái thiết, đồng thời cam kết giải quyết tham nhũng để đổi lấy sự hỗ trợ tiếp tục của quốc tế. Hội nghị không đạt được các mục tiêu đề ra khi quân nổi dậy tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công, trong khi Pakistan - nước đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này lại từ chối tham dự. Tháng 1/2012, Taliban đạt được thỏa thuận mở văn phòng tại Qatar nhằm hướng tới động thái tiến hành các cuộc đàm phán hoà bình mà Mỹ coi là một phần quan trọng của dàn xếp chính trị nhằm đảm bảo một Afghanistan ổn định. Tuy nhiên, đến tháng 3/2012, Taliban đình chỉ các cuộc đàm phán sơ bộ với cáo buộc Washington từ chối lời hứa thực hiện các bước có ý nghĩa đối với việc hoán đổi tù nhân. Tháng 2/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thông báo kế hoạch của Lầu Năm Góc sẽ kết thúc các nhiệm vụ chiến đấu vào đầu năm 2013 và chuyển sang vai trò hỗ trợ an ninh chủ yếu ở Afghanistan.
Đến tháng 6/2013, lực lượng Afghanistan thực hiện việc đảm nhiệm trách nhiệm an ninh trên toàn quốc khi NATO trao quyền kiểm soát 95 quận còn lại cho phía chính phủ. Trọng tâm của liên minh do Mỹ dẫn đầu chuyển sang việc huấn luyện quân sự và chống khủng bố theo hướng hoạt động đặc biệt. Việc bàn giao diễn ra cùng ngày với thông báo rằng Taliban và các quan chức Mỹ sẽ nối lại các cuộc đàm phán tại Doha, Qatar. Phía Afghanistan cũng yêu cầu Mỹ phải đàm phán một thỏa thuận an ninh song phương với chính phủ Karzai để duy trì sự hiện diện quân sự của mình tại Afghanistan do nhiệm vụ hết hạn vào tháng 12/2014. Tháng 4/2014, chính quyền Obama tuyên bố rút toàn bộ quân ra khỏi Afghanistan vào cuối năm 2016.
Sau đó, chính quyền Donald Trump tiếp tục triển khai phương án rút quân khỏi Afghanistan. Bắt đầu từ cuối năm 2018, Mỹ và Taliban tiến hành đàm phán tại Doha, và ngày 29/2/2020 ký thỏa thuận mở đường cho một đợt giảm đáng kể quân đội Mỹ ở Afghanistan với các đảm bảo từ Taliban rằng đất nước Afghanistan sẽ không bị sử dụng cho các hoạt động khủng bố. Tháng 9/2020, đại diện của Taliban và chính phủ Afghanistan và xã hội dân sự gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên tại Doha, Qatar, sau gần 20 năm chiến tranh. Tháng 11/2020, phía Mỹ thông báo kế hoạch giảm một nửa quân số tại Afghanistan xuống còn 2.500 quân vào giữa tháng 1/2021 chỉ vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức. Phía chính quyền Biden sau đó tuyên bố sẽ thực hiện việc rút quân trước ngày 1/5/2021 thay vì thời hạn 11/9/2021 như ban đầu.
Ngày 15/8/2021, lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul và chiếm lấy dinh Tổng thống chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Afghanistan Ghani rời khỏi đất nước. Các nhà lãnh đạo Taliban cho biết họ sẽ hội đàm với các quan chức của Afghanistan để thành lập một chính phủ Hồi giáo cởi mở và hoà nhập. Cựu Tổng thống Afghanistan Karzai và Abdullah - Chủ tịch Hội đồng hòa giải quốc gia thành lập một hội đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi hòa bình sang chính phủ Taliban. Việc tiếp quản diễn ra sau bước tiến nhanh chóng của Taliban khi lần lượt chiếm giữ toàn bộ, bao gồm các cửa khẩu biên giới. Lực lượng an ninh Afghanistan tại một số khu vực đã đàm phán về việc đầu hàng, tránh giao tranh đổ máu với với Taliban.
2. Đánh giá về sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan
Sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan diễn ra nhanh chóng sau khi lực lượng Taliban đưa quân vào thủ đô Kabul vào ngày 15/8/2021. Sự sụp đổ này được lý giải bởi các lý do sau đây:
Khách quan
Thứ nhất, xung đột kéo dài quá lâu khiến chính quyền cũng như người dân Afghanistan đã quá mệt mỏi.
Thứ hai, sự quyết tâm của Taliban khiến họ trở nên mạnh mẽ và giành chiến thắng.
Thứ ba, tâm lý của người dân Afghanistan không muốn có sự xuất hiện của lực lượng nước ngoài can thiệp vào tình hình nội bộ đất nước.
Thứ tư, Afghanistan có tới 80% diện tích là đồi núi, các loại vũ khí hiện đại của Mỹ do vậy đã không phát huy được khả năng chiến đấu.
Với những lý do trên, việc chính phủ Afghanistan sụp đổ một cách nhanh chóng trước Taliban là điều có thể hiểu được.
Chủ quan
Thứ nhất, là do sai lầm trong tính toán chiến lược của Mỹ tại Afghanistan. Ban đầu, Mỹ đưa quân vào Afghanistan với mục tiêu là tiêu diệt các phần tử khủng bố. Sau khi lật đổ chế độ Taliban, giới lãnh đạo Mỹ lo ngại rằng việc họ rút khỏi Afghanistan sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực tại khu vực. Giới lãnh đạo Mỹ sau đó quyết định kéo dài thời gian chiếm giữ và bị sa lầy trước sự phản kháng của Taliban.
Thứ hai, sau khi giành chiến thằng quá nhanh tại Afghanistan, giới lãnh đạo Mỹ lúc đó cảm thấy quá tự tin về nguồn lực và sức mạnh của mình. Vì vậy, họ đã phớt lờ các cảnh báo từ các chuyên gia trong chính quyền làm phải rút lui ngay khỏi Iraq và Afghanistan sau khi mục tiêu đã hoàn thành. Sau khi tuyên bố sứ mệnh đã hoàn thành, Mỹ vẫn tiếp tục ở lại đồng thời gia tăng quân trước các cuộc phản công của Taliban và al-Qaeda. Mỹ rất chậm trễ trong việc rút lui khỏi Afghanistan.
Thứ ba, bản thân chính phủ Afghanistan suy yếu về cách điều hành, quản lý đồng thời quá dựa dẫm vào Mỹ. Bởi vậy, khi mất đi chỗ dựa, chính phủ đã đầu hàng một cách nhanh chóng.
Thứ tư, Mỹ không tính tới yếu tố văn hoá Đạo hồi trong việc đưa quân vào Afghanistan và xây dựng một chính thể dân chủ theo kiểu phương Tây. Văn hoá Đạo hồi khó chấp nhận để một thể lực bên ngoài không trị và ấp chế lên bởi nó có những giá trị và giáo lý riêng.
3. Ý đồ của các nước có liên quan
Nga:
Trong bối cảnh Mỹ rút các lực lượng quân sự của mình ra khỏi Afghanistan, Nga lo ngại sẽ phải đối phó với những thách thức về an ninh, bao gồm:
Lực lượng khủng bố al-Qaeda và nhà nước Hồi giáo tự xưng IS sẽ quay trở lại hoạt động tại Afghanistan, thâm nhập vào khu vực Caucasus và Chechnya để gây rối sự mất ổn định.
Nga lo ngại khoảng trống quyền lực tạo ra sau khi Mỹ rút lui khiến các cường quốc bên ngoài nhảy vào, từ đó làm suy yếu ảnh hưởng sườn phía Nam của nước Nga, trong đó có Trung Quốc.
Kể từ khi chính quyền Obama bày tỏ ý định đàm phán với Taliban, Nga buộc phải có những bước đi để đảm bảo an ninh phía Nam của mình. Mặc dù coi Taliban là một nhóm khủng bố, nhưng Moscow sẵn sàng làm việc với Taliban nhằm đảm bảo an ninh biên giới, đồng thời bảo đảm an ninh cho các nhân viên của mình đang hoạt động tại Afghanistan.
Nga là quốc gia gánh vác trách nhiệm chính đối với an ninh của Trung Á theo khuôn khổ của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), bao gồm Nga và 5 quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác. Do vậy, việc đạt được một thoả thuận với Taliban giúp Nga có được sự đảm bảo về an ninh với các đồng minh của mình tại Trung Á như Uzbekistan và Tajikistan.
Trung Quốc:
Trung Quốc có chung đường biên giới với Afghanistan dài 76 km, bắt đầu từ điểm biên giới giữa 3 nước của hai nước với Pakistan và Tajikistan. Với đường biên giới như vậy, Trung Quốc lo ngại rằng các nhóm khủng bố tại Afghanistan có thể tiến vào Tân Cương thông qua hành lang Wakhan, đồng thời đe doạ Trung Quốc thông qua các nước Trung Á khác nếu tình hình Afghanistan xấu đi. Do vậy, Trung Quốc ngay từ đầu đã rất quan tâm tới việc Mỹ có ý định rút quân khỏi Afghanistan từ năm 2011. Sau khi chính quyền Biden đưa ra thời hạn rút quân, Trung Quốc thể hiện sự lo ngại nhưng cũng coi đó là “cơ hội” trong việc tính toán lấp vào khoảng trống đó. Ngoài ra Trung Quốc cũng quan tâm đến nguồn tài nguyên khoáng sản của Afghanistan.
Ngoài ra, mục tiêu của Trung Quốc là biến Afghanistan thành một phần trong sáng kiến Vành đai con đường (BRI) của Trung Quốc thông qua Bản ghi nhớ ký kết từ hồi năm 2016. Tháng 5/2021, Trung Quốc còn đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Tới đầu tháng 6/2021, Ngoại trưởng Vương Nghị đã tổ chức một cuộc họp ba bên với các đồng nhiệm Pakistan và Afghanistan, trong đó nêu ra 3 đề xuất:
Thứ nhất, tiến trình hòa bình và hòa giải ở Afghanistan nên thực hiện theo nguyên tắc “do người Afghanistan chỉ đạo và thuộc về người Afghanistan”.
Thứ hai, thúc đẩy Afghanistan hình thành một thoả thuận chính trị rộng rãi và bao trùm, đảm bảo tất cả các dân tộc, phe phái ở Afghanistan đều có thể tham gia vào đời sống chính trị của nước này.
Thứ ba, cấu trúc quản trị quốc gia trong tương lai của Afghanistan cần phù hợp với tình hình quốc gia đặc thù và nhu cầu phát triển của nước này, không sao chép dập khuôn mô hình nước ngoài.
Ngày 28/7/2021, Ngoại trưởng Vương Nghị tiếp tục đón tiếp phái đoàn Lãnh đạo của Taliban mới thăm tại thành phố Thiên Tân. Trong buổi làm việc này, lực lượng Taliban coi Trung Quốc là “người bạn” của Afghanistan và hy vọng sẽ trao đổi với Bắc Kinh về việc tái thiết sau chiến tranh càng sớm càng tốt. Phía Taliban cũng đưa ra cam kết không để cho người Ngô Duy Nhĩ tìm cách tị nạn tại Afghanistan, đồng thời hứa sẽ ngăn chặn không để cho lực lượng al-Qaeda hoặc bất kỳ nhóm khủng bố nào tiến hành các hoạt động ở đó nhằm vào Trung Quốc.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Vương Nghị bày tỏ hy vọng rằng, Taliban sẽ “đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải hòa bình và tái thiết ở Afghanistan”. Ngoài ra, Trung Quốc cũng hy vọng Taliban sẽ ngăn chặn Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) vì đây là “đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc”.
Ấn Độ:
Ấn Độ muốn sử dụng Afghanistan để mở rộng phạm vi chiến lược vì nước này bao quanh Pakistan ở phía bắc và phía tây. Ấn Độ cũng cần đảm bảo Afghanistan không trở thành nơi thuận lợi cho các lực lượng chống Ấn Độ. Trong 20 năm qua, viện trợ của New Delhi cho Afghanistan đạt 3 tỷ USD và nước này đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền Kabul, các nhà lãnh đạo các vùng và lực lượng dân sự.
Ấn Độ muốn tăng cường quan hệ với Afghanistan bởi lo ngại sự gia tăng quan hệ giữa Afghanistan và Pakistan. Ấn Độ lo ngại rằng lực lượng Taliban do quân đội Pakistan hậu thuẫn sẽ là một nguy cơ đe doạ đối với an ninh của nước này. Từ lâu Pakistan vốn được coi là “đối thù truyền kiếp” của Ấn Độ. Khi Taliban sụp đổ trước đây, Ấn Độ ủng hộ chính quyền Kabul trên nhiều mặt. Giờ đây khi Taliban quay trở lại, lực lượng này sẽ khó có thể hoan nghênh ảnh hưởng của Ấn Độ so với Pakistan.
Sau khi chính quyền Afghanistan sụp đổ vào ngày 16/8/2021, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra một thông báo tuyên bố New Delhi sẽ “sát cánh” với các đối tác Afghanistan, thực hiện tất cả các bước vì sự an toàn của người Ấn Độ và vì lợi ích của Ấn Độ ở Afghanistan. Bên cạnh đó, Ấn Độ thông báo sẽ cấp thị thực cho tất cả các công dân Afghanistan đang hợp tác với Ấn Độ trong các dự án và hoạt động phát triển khác nhau. Ấn Độ đang có kế hoạch đưa máy bay vận tải C-17 đến Afghanistan như một phần của trách nhiệm sơ tán.
Pakistan:
Pakistan là quốc gia hỗ trợ cho lực lượng Taliban quay trở lại để giành lại quyền kiểm soát đối với Afghanstan. Trước và sau sự kiện 11/9/2001, Pakistan vẫn tiếp tục ủng hộ tàn quân của Taliban, là nơi ẩn náu của lực lượng al-Qaeda và trùm khủng bố Osama bin Laden.
Trong quá trình đàm phán giữa Taliban và Mỹ, Pakistan đóng vai trò trung gian chủ chốt đưa Taliban ngồi vào bàn đàm phán. Trước nguy cơ thỏa thuận rút quân đạt được với Mỹ sụp đổ, Pakistan được cho là sẽ gây áp lực buộc Taliban phải tuân thủ các cam kết của mình. Trong chiến dịch “bão táp sa mạc”, Pakistan cũng đã mở cửa biến giới, hỗ trợ hơn 3 triệu người tị nạn từ Afghanistan tràn sang.
Pakistan tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Afghanistan nhằm thực hiện các mục tiêu chính trị của mình. Quốc gia này tăng cường đối thoại và phối hợp với chính quyền Kabul để mở rộng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) có trị giá lên tới 62 tỷ USD, thực hiện mong muốn của Trung Quốc kết nối Afghanistan với thành phố Peshwar phía tây bắc của Pakistan hay ủng hộ Afghanistan tham gia vào việc mở rộng BRI của Trung Quốc.
Mỹ:
Mục tiêu của Mỹ là rút ra khỏi vũng lầy Afghanistan, tuy nhiên Mỹ sẽ không cắt đứt quan hệ với Afghanistan. Thay vào đó sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình mới nhất là Afghanistan có nguy cơ trở thành sự cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các nước bên ngoài, bao gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan và Mỹ.
Ngày 14/8/2021, Tổng thống đưa ra tuyên bố mới về tình hình Afghanistan tập trung vào các nội dung sau: (1) Triển khai 5.000 quân nhằm đảm bảo cho việc sơ tán nhân viên của Mỹ và các đồng minh một cách trật tự, an toàn, đồng thời sơ tán cả người Afghanistan đã giúp quân đội Mỹ trong thi thực hiện các các nhiệm vụ của mình, (2) Đảm bảo rằng Mỹ sẽ duy trì khả năng và cảnh giác để giải quyết các mối đe doạ khủng bố trong tương lai từ Afghanistan, (3) Tiếp tục hỗ trợ Tổng thống Ghani và các nhà lãnh đạo khác của Afghanistan khi họ tìm cách ngăn chặn đổ máu thêm và theo đuổi thoả thuận chính trị, (4) Cảnh báo Taliban không được xâm phạm đến người Mỹ ở Afghanistan, (5) Giao Đại sứ Tracey Jacobson phụ trách xử lý, vận chuyển và tái định cư những người nộp đơn xin thị thực nhập cư vào Mỹ và sơ tán các gia đình giúp đỡ Mỹ cùng gia đình của họ.
4. Tình hình Afghanistan trong thời gian tới
Nguy cơ nội chiến ở Afghanistan:
Mặc dù Taliban tuyên bố tiếp quản đất nước trong hòa bình, nhưng những diễn biến mới nhất hiện nay ở Afghanistan cho thấy tình hình Afghanistan sẽ không bao giờ có ổn định, sự rút lui của Mỹ ở Afghanistan chỉ chấm dứt sự tham chiến của người Mỹ nhưng sẽ bắt đầu một cuộc nội chiến mới với những dấu hiệu rõ ràng sau đây:
Thứ nhất, các lực lượng chống đối Taliban đã bắt đầu tập hợp lực lượng. Tướng quân đội Ahmad Massoud và Phó tổng thống Amrullah Saleh, người tuyên bố không đội trời chung với Taliban, đã tập trung quân ở Thung lũng Panjshir. Cờ Liên minh phương Bắc lại được dựng lên ở Thung lũng Panjshir và có vẻ như liên minh này sẽ được khôi phục. Cần lưu ý rằng Thung lũng Panjshirluôn được coi là điểm yếu chí mạng của Taliban khi lực lượng này chưa bao giờ chiếm được Thung lũng Panjshir kể cả trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của mình. Thậm chí quân đội Liên Xô (cũ) cũng vậy, với tiềm lực quân sự vượt trội chưa bao giờ bình định được thung lũng này. Cho nên sự hiện diện của các lực lượng chống đối Taliban ở Thung lũng Panjshir có thể là mốc khởi đầu cho các cuộc nổi dậy trong tương lai, đẩy đất nước Afghanistan vào cuộc nội chiến thảm khốc và kéo dài một lần nữa.
Thứ hai, trong phần lớn lịch sử, Afghanistan nằm dưới sự điều hành của các nhà nước phi tập trung và lỏng lẻo, với các khoảng trống quyền lực thường được lấp đầy bởi các thành phần phi nhà nước. Một nhà nước mới do Taliban điều hành sẽ phải đối mặt với cấu trúc thực tế này. Là một nhóm phiến quân Hồi giáo, Taliban khó lòng kiểm soát được toàn bộ đất nước Afghanistan vốn có địa hình, sắc tộc và lịch sử phân chia địa giới hành chính phức tạp như vậy. Thực tế cho thấy vấn đề hoà giải dân tộc và ngôn ngữ luôn là thách thức không nhỏ đối với các chính quyền ở Afghanistan từ xưa đến nay. Nếu Afghanistan một lần nữa được đặt dưới sự cai trị hà khắc của một tổ chức Hồi giáo cực đoan, mâu thuẫn về tôn giáo, sắc tộc và ngôn ngữ ở Afghanistan có thể bị thổi bùng lên và gây ra những xung đột quân sự căng thẳng.
Thứ ba, do vị thế đắc địa về địa chính trị (nằm ở trung tâm của châu Á, là điểm trung chuyển giữa các quốc gia ở hai châu lục Á-Âu xuyên suốt từ thời cổ đại cho đến nay), Afghanistan thường xuyên bị thế lực chính trị bên ngoài xâm chiếm và giành quyền kiểm soát. Từ các nước láng giềng Nga, Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc cho đến các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ và EU đều mong muốn hiện diện và tranh giành ảnh hưởng tại đây. Khi đất nước Afghanistan có một chính quyền dân sự hợp pháp và được đặt dưới sự bảo trợ của Mỹ và các nước đồng minh, các quốc gia xung quanh phải che giấu sự can dự của mình. Nhưng khi chính quyền Afghanistan sụp đổ và siêu cường Mỹ chấm dứt sự hiện diện quân sự tại đây, sự can dự của các quốc gia khác vào nội bộ Afghanistan sẽ trở nên công khai và mạnh mẽ hơn, gây chia rẽ và xáo trộn trong nội bộ đất nước.
Đường lối cai trị và điều hành đất nước của chính quyền mới
Chính quyền Hồi giáo cực đoan Taliban được dự đoán là sẽ tiếp tục áp đặt chế độ cai trị hà khắc lên toàn bộ đất nước, trong đó phụ nữ và trẻ em là những đối tượng bị đối xử bất công nhất. Tuy Taliban cam kết không thực hiện bất cứ hoạt động trả thù nào đối với các công chức và tướng lĩnh của chế độ cũ nhưng không ai có thể đảm bảo tính minh bạch của những cam kết này. Điều này có thể gây nên tình trạng bất mãn, châm ngòi cho các cuộc nổi dậy trong tương lai gần.
Đường lối đối ngoại của chính quyền mới và sự can dự của các quốc gia khác
Taliban tuyên bố sẽ áp dụng chính sách không can thiệp vào nội bộ nước khác để đổi lấy việc các nước này không can thiệp vào Afghanistan. Tuy nhiên, việc Taliban được đón tiếp nồng hậu tại Trung Quốc không lâu trước đây, cộng với việc Nga, Pakistan, Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ sự thành lập của chính quyền mới do Taliban cai trị tại Afghanistan, có thể nhận định rằng trong tương lai Afghanistan sẽ tăng cường quan hệ đối ngoại với các quốc gia này.
- Với Trung Quốc, Afghanistan là một phần quan trọng trong chiến lược BRI của Trung Quốc và có thể mở cửa cho quốc gia này đầu tư nhiều hơn vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tâng và khai thác tài nguyên.
- Với Pakistan, hai nước có thể thiết lập quan hệ đồng minh về quân sự dựa trên cơ sở nền tảng chung về hệ tư tưởng Hồi giáo và các mối quan hệ qua lại mật thiết trong quá khứ. Với Nga, Afghanistan có thể mở đường cho sự hiện diện về quân sự nhiều hơn của Nga tại quốc gia này.
- Với Ấn Độ, Afghanistan có thể tăng cường hợp tác trong một số phương diện nhất định, nhưng hai quốc gia vẫn dành cho nhau thái độ e ngại và dè chừng.
- Với các quốc gia còn lại, đặc biệt là Mỹ và các nước đồng minh, có thể sẽ không có hoạt động hợp tác nào đáng kể, thậm chí ngược lại là những căng thẳng trong quá khứ về vấn đề khủng bố của Afghanistan với các nước này có thể sẽ bùng lên một lần nữa.
5. Đánh giá tác động của vấn đề Afghanistan
Đối với người dân Afghanistan
Sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan đã đánh dấu sự chấm dứt của nền dân chủ non trẻ mà Mỹ và các nước đồng minh đã xây dựng ở quốc gia này. Những thành tựu về kinh tế, ngoại giao, chính trị xã hội và nhân quyền mà Afghanistan đạt được thời gian trước đây có thể bị Taliban xóa bỏ. Sự lũng đoạn của Taliban không chỉ gây ra tình trạng bất ổn an ninh mà còn kéo theo những mâu thuẫn không thể giải quyết về tôn giáo, sắc tộc. Trước mắt, Afghanistan đang lâm vào cuộc khủng hoảng nhân đạo khi người dân tìm đủ mọi cách để tị nạn sang các quốc gia khác nhằm thoát khỏi chế độ độc tài của Taliban.
Đối với thế giới
Thứ nhất, sự trở lại của Taliban kéo theo nguy cơ về sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn của chủ nghĩa khủng bố. Taliban một lần nữa có thể biến Afghanistan trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan. Do vị trí đắc địa của quốc gia này, các phần tử khủng bố được đào tạo ở Afghanistan có thể dễ dàng xâm nhập vào các quốc gia khác từ Á, Âu cho đến châu Phi. Thậm chí, ngay thời điểm hiện tại, đã có nhiều ý kiến lo ngại về việc các phần tử Hồi giáo cực đoan đang trà trộn vào dòng người tị nạn từ Afghanistan đổ về các nước láng giềng và các thành phố lớn trên thế giới.
Thứ hai, dòng người tị nạn ở Afghanistan có xu hướng gia tăng về số lượng trong tương lai, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo và các nguy cơ về an ninh cho tất cả các quốc gia nằm ở vị trí cửa ngõ cũng như các nước tiếp nhận luồng dân di cư này.
Đối với các quốc gia và khu vực khác
Đối với Mỹ: Vấn đề Afghanistan khiến cho uy tín của Mỹ nói chung và của chính quyền Tổng thống Biden nói riêng bị suy giảm trầm trọng. Các quốc gia NATO từng gửi quân tham chiến dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã thể hiện sự lo ngại trước tình hình Afghanistan và thậm chí là sự chỉ trích đối với Mỹ. Bởi hơn ai hết, họ cũng phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn về an ninh bởi vì các nhóm Hồi giáo cực đoan sẽ tràn vào châu Âu trước khi xâm nhập vào lục địa Bắc Mỹ. Rõ ràng sự rút lui của Mỹ vào thời điểm này đã làm cho uy tín của nước này bị suy giảm trầm trọng đối với các quốc gia đồng minh.
Mặt khác, khi rút lui khỏi Afghanistan, Mỹ muốn chấm dứt sự hiện diện vốn gây nên quá nhiều tổn thất cả về nhân lực và vật lực của mình tại đây để dồn lực cho các vấn đề cấp bách khác mà nước này đang phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề Trung Quốc và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thay vì trút bỏ gánh nặng, Mỹ giờ đây lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép về an ninh và nhân đạo, nhất là khi nước này luôn ở vị trí lãnh đạo trong các cuộc chiến chống khủng bố. Do đó vấn đề Afghanistan đã đặt ra thêm nhiều thách thức về an ninh và đối ngoại cho Mỹ, nhất là thách thức về sự trỗi dậy một lần nữa của chủ nghĩa khủng bố.
Đối với Nga và Pakistan: Taliban lên nắm quyền có thể trở thành con dao hai lưỡi đối với hai quốc gia này. Một mặt, quan hệ giao hảo với Taliban có thể mở đường cho Nga và Pakistan tăng cường phạm vi ảnh hưởng của mình tại Trung Đông và khiến cho các đối thủ trực tiếp (Mỹ, Ấn Độ) phải dè chừng. Nhưng mặt khác, hai nước cũng đối mặt với những nguy cơ to lớn về an ninh khi Taliban có thể kích động các nhóm Hồi giáo gây ra bất ổn ở khu vực biên giới của các quốc gia này.
Đối với Ấn Độ: không chỉ đối mặt với những nguy cơ về an ninh tương tự như Nga và Pakistan, nước này còn chịu áp lực lớn khi mà ba nước láng giềng Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan có thể tạo thành một liên minh quân sự, giống như một gọng kìm siết chặt Ấn Độ từ nhiều phía.
Các quốc gia Trung Đông như Iran, Iraq, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan: Có thể đón nhận một làn sóng bất ổn mới, khi chủ nghĩa khủng bố có thể trỗi dậy một lần nữa và làn sóng người tị nạn từ Afghanistan dồn dập đổ vào các quốc gia này. Trung Đông vốn đã là điểm nóng của các cuộc cạnh tranh và xung đột mang màu sắc tôn giáo, sau sự trở lại của Taliban, có thể sẽ tiếp tục là chiến trường khốc liệt cho các cuộc chiến tranh tôn giáo và chiến tranh để cạnh tranh ảnh hưởng.
Đối với Trung Quốc: Bất ổn và nội chiến ở Afghanistan có thể khiến cho chiến lược BRI của quốc gia này chịu tổn thất. Trung Quốc cũng luôn phải giữ quan hệ hòa hiếu nhất định với Taliban để tránh việc Taliban cổ vũ cho các lực lượng Hồi giáo ở khu vực biên giới phá hoại các tuyến đường thông thương của quốc gia này và kích động các lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể tranh thủ cơ hội này để hạ thấp uy tín của Mỹ và tăng cường các hoạt động bành trướng của mình. Các nhà bình luận bảo thủ ở Mỹ cho rằng sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan sau khi lực lượng Mỹ rút lui nhanh chóng khỏi đất nước sẽ thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục với kế hoạch chinh phục Đài Loan.
Source: Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS)