08/07/2021
Tác giả: ThS Trần Ngọc Diễm, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS)
1. Giới thiệu
World Bank (2008) định nghĩa về toàn cầu hóa kinh tế là sự gia tăng nhiều hoạt động kinh tế giữa các quốc gia. Theo đó, Sucharita Ghosh và Camilla Mastromacro (2013) nhận định hoạt động kinh tế liên quốc gia bao gồm: (i) trao đổi hàng hóa và dịch vụ bằng các hình thức thương mại quốc tế; (ii) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và (iii) di cư lao động[1]. Tuy nhiên với riêng hoạt động kinh tế qua biên giới trong đề tài sẽ chỉ giới hạn bao gồm trao đổi hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới và các hoạt động thâm nhập thị trường vào quốc gia có đường biên giới trực tiếp.
Hiện nay, các hoạt động thương mại và kinh tế biên giới về cơ bản là việc trao đổi các sản phẩm địa phương trong phạm vi ở hai bên biên giới quốc tế. Về hoạt động trao đổi thương mại xuyên biên giới, Ấn Độ trao đổi hàng hóa qua đường biên giới với 6 nước láng giềng. Các hoạt động kinh tế như trao đổi thương mại của Ấn Độ với các nước này được thực hiện qua các trạm hải quan đất liền theo quy định tại Điều 7, đạo luật Hải quan từ năm 1962. Ở Ấn Độ, chủ yếu được tiến hành dọc theo biên giới của Ấn Độ với 6 nước bao gồm Myanmar, Bangladesh, Nepal, Bhutan; qua các đường ranh giới kiểm soát (LoC) giữa Ấn Độ và Pakistan và đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ở cấp độ song phương, đây là một biện pháp xây dựng lòng tin chính bới các hoạt động hợp tác xuyên biên giới sẽ khuyến khích các cam kết mang tính xây dựng, ổn định biên giới bằng cách giảm xích mích và tạo cơ sở pháp lý cho các khu vực biên giới quốc tế đang tranh chấp giữa Ấn Độ với các nước láng giềng đặc biệt là với Trung Quốc, Pakistan. Ở cấp địa phương, tăng cường trao đổi thương mại xuyên biên giới sẽ cải thiện kinh tế cho người dân sống ở khu vực biên giới Ấn Độ vốn còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, các hoạt động kinh tế xuyên biên giới sẽ thúc đẩy hoàn thiện các cơ chế quản lý biên giới với mục tiêu điều tiết lưu thông hàng hóa và người qua đường biên giới quốc tế.
2.Tầm quan trọng của các hoạt động kinh tế qua biên giới
Trên thực tế, thị trường xuyên biên giới thông qua khu vực cửa khẩu đất liền được coi là cửa ngõ trung chuyển và nhận được sự quan tâm giữa các nước láng giềng của nhau khi tăng cường quan hệ kinh tế và đa dạng hóa các hoạt động kinh tế. Biên giới tại vùng Đông Bắc Ấn Độ chiếm tới 98% ranh giới của Ấn Độ với quốc tế[2], do đó khu vực này có tầm quan trọng trong các liên kết kinh tế được Ấn Độ thúc đẩy không chỉ với các nước láng giềng trực tiếp như Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc mà còn mở rộng ra khu vực Đông Nam Á từ nước láng giềng Myanmar. Trên cơ sở Ấn Độ đã triển khai các thỏa thuận thương mại và thỏa thuận đường bộ ở khu vực biên giới thông qua các Trạm hải quan trên đất liền (LCS), dưới thời Thủ tướng N. Modi, Ấn Độ nhấn mạnh mục tiêu cải thiện thương mại với các nước láng giềng là ưu tiên số một. Các hoạt động kinh tế qua biên giới hiện nay được xác định chủ yếu là trao đổi thương mại thông qua biên giới, ghi nhận ở mức 13 tỷ USD trong năm 2017 – 2018, trong đó Ấn Độ xuất khẩu khoảng 11,3 tỷ USD (chiếm 3,7% tổng kim ngạch xuất khẩu)[3].
Trong bối cảnh tự do hóa thương mại hiện nay, các hoạt động kinh tế của Ấn Độ với các nước láng giềng sẽ mang lại lợi ích phát triển cho khu vực, không chỉ ở khu vực Nam Á mà còn đóng góp cho liên kết kinh tế với khu vực ASEAN. Ấn Độ sẽ có nhiều cơ hội mở rộng quy mô thị trường thông qua đa dạng hóa và tăng cường các hoạt động kinh tế xuyên biên giới với các nước láng giềng, đặc biệt là Bangladesh và Myanmar. Trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ cải thiện khả năng kết nối thông qua các tuyến đường bộ nối liền biên giới và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các hoạt động kinh tế đứng trước nhiều nhiều tiềm năng phát triển.
Bên cạnh chính sách Hướng Đông, các sáng kiến khu vực và tiểu vùng khác nhau của chính phủ Ấn Độ được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy thương mại cho các bang có vị trí chiến lược ở khu vực Đông Bắc. Nhận rõ tầm quan trọng về cả kinh tế và chiến lược, Ấn Độ đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm đa dạng hóa các kênh hợp tác thông qua các kênh song phương hoặc đa phương để hiện thực hóa tiềm năng thương mại đầy đủ ở Nam Á. Các xu hướng hợp tác khu vực đang nổi lên và hướng về phía đông có thể giúp khai thác lợi thế so sánh của sự gia tăng thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế của khu vực này đặc biệt là đối với các nền kinh tế giáp biên giới của NER. Ngoài ra, quan hệ Ấn Độ - Myanmar được cải thiện đã hình thành bước đầu tiên và quan trọng trong quan hệ Ấn Độ - Đông Nam Á, đồng thời cải thiện an ninh trong NER và mở đường cho sự phát triển kinh tế trong tương lai trong khu vực.
Về phạm vi, một số học giả xác định các nước láng giềng trong chính sách của Ấn Độ chỉ bao hàm các quốc gia ở khu vực Nam Á, mà còn chỉ khu vực “láng giềng mở rộng„ hay ở nơi Ấn Độ xác định có lợi ích cần hướng đến trong đó có khu vực Đông Nam Á[4]. Do đó, bài viết xác định rõ hướng trọng tâm nghiên cứu về các chính sách cũng như hoạt động kinh tế xuyên biên giới của Ấn Độ với các quốc gia ở Nam Á và cả nước láng giềng mở rộng của Ấn Độ là Myanmar.
Là “trục bản lề„ của tiểu khu vực và là cánh cửa dẫn đến khu vực Đông Nam Á, ba quốc gia Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong các nỗ lực thúc đầy hội nhập khu vực. Hợp tác kinh tế xuyên biên giới song phương giữa Ấn Độ với Bangladesh, Ấn Độ với Myanmar sẽ thúc đẩy các nước tăng cường hợp tác ở khu vực Nam Á. Từ đây, Ấn Độ bắt đầu triển khai những hướng tiếp cận mới trong khu vực chẳng hạn như BIMSTEC như một cơ chế thay thế cho SAARC. Để thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực, Ấn Độ chủ trương kêu gọi các nước láng giềng như Bangladesh, Myanmar tham gia các sáng kiến hợp tác tiểu vùng đặc biệt là Hợp tác tiểu khu vực Ấn Độ - Bangladesh – Myanmar (IBM – SRC). Các mối liên kết khu vực của Ấn Độ không chỉ phát triển trong SAARC mà còn vượt ra ngoài SAARC trong đó khẳng định vai trò của Ấn Độ trong tiến trình kết nối này bằng quan điểm: “Tất cả các nước thành viên đều có thể lựa chọn con đường và đích đến của mình, nhưng khi Ấn Độ tham gia vào hành trình chung của khu vực, con đường hội nhập sẽ trở nên thuận lợi hơn, cuộc hành trình có tốc độ nhanh hơn và điểm đến gần hơn„[5].
3. Thực trạng hợp tác kinh tế qua biên giới của Ấn Độ: trường hợp với Myanmar
3.1.Cơ chế hợp tác
Trước khi hiệp định thương mại biên giới Ấn Độ - Myanmar có hiệu lực, quá trình trao đổi hàng hóa theo truyền thông đã diễn ra giữa người dân hai nước sống dọc đường biên giới. Lý do cho thương mại biên giới song phương phát triển sớm là nhờ mối liên hệ văn hóa và trao đổi kinh tế mật thiết. Năm 1995, Hiệp định Thương mại biên giới giữa Ấn Độ và Myanmar chính thức có hiệu lực quy định thương mại biên giới song phương sẽ diễn ra chủ yếu tại hai cửa khẩu (LC) tại Moreh (thuộc bang Manipur, Ấn Độ) và Zokhawthar (thuộc bang Mizoram, Ấn Độ) - tương ứng với Tamu và Rhi thuộc Myanmar.
Sau năm 2012, có tổng cộng 62 mặt hàng đã được bên chấp thuận cho giao dịch qua biên giới Ấn Độ - Myanmar bao gồm tre, hạt và lá trầu, ớt, hạt rau mùi, phụ tùng xe đạp, lưỡi dao và bóng đèn… Lộ trình gia tăng các mặt hàng trao thông qua biên giới song phương thực hiện cụ thể như sau:
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ năm 2015 đã chính thức bãi bỏ trao đổi thương mại theo hình thức hàng đổi hàng (barter trade), vốn được biết đến là một hình thức trong thương mại biên giới giữa Ấn Độ và Myanmar. Tiếp đó, thương mại biên giới ở cửa khẩu Moreh và Zokhawthar sẽ được nâng cấp lên thành mua bán thông thường để thúc đẩy thương mại song phương. Do đó, cơ chế chính sách điều chỉnh thương mại qua biên giới đất liền giữa Ấn Độ và Myanmar đã có những thay đổi từ cả hai phía. Chương trình ưu đãi giảm thuế (DFTP) của Ấn Độ và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ cũng là nguyên nhân chủ yếu để Ấn Độ áp dụng những chuyển đổi trong các hoạt động kinh tế xuyên biên giới với Myanmar. Tóm lại, thương mại biên giới giữa Ấn Độ và Myanmar thông qua tuyến đường bộ không chỉ chịu sự điều chỉnh của Hiệp định Thương mại biên giới mà còn đang trong quá trình chuyển đổi từ trao đổi hàng hóa sang thương mại thông thường và từ thương mại biên giới sang thương mại thông thường.
3.2.Hoạt động thương mại hàng hóa qua biên giới Ấn Độ - Myanmar
Trong giai đoạn từ 2012-2013 đến 2017-18, tổng giả trị song phương luôn biến thiên đáng kể là một đặc trưng trong hoạt động thương mại biên giới giữa Ấn Độ và Myanmar. Dựa trên nền tảng tổng thương mại song phương liên tục tăng qua các năm, thương mại biên giới giữa Myanmar và Ấn Độ dựa trên giá trị nhập khẩu và xuất khẩu đều tăng. Riêng trong năm 2013-14, thương mại biên giới Ấn Độ - Myanmar đã tăng từ khoảng 12 triệu US$ (2012-13) lên 45 triệu US$ và 60 triệu US$ (2014-15) (Bảng 1). Nguyên nhân cho sự tăng trưởng này là từ quyết định mở rộng danh sách các mặt hàng được phép giao dịch qua biên giới đất liền vào tháng 11/2012 khi hai nước đã bổ sung 22 mặt hàng mới nâng tổng số hàng hóa lên 62 mặt hàng.
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, giá trị thương mại biên giới song phương còn khá hạn chế, khi so với tổng giá trị thương mại song phương, trung bình khoảng 61 triệu US$, chiếm trung bình chưa tới 4% tổng thương mại song phương.
Bảng 1: Giá trị thương mại song phương Ấn Độ - Myanmar
(Đơn vị: Triệu US$)
Năm
Thương mại biên giới song phương
Tổng thương mại song phương
Tỷ lệ thương mại biên giới trong tổng thương mại (%)
2012 – 13
12
1320
0,9
2013 – 14
45
1637
2,7
2014 – 15
60
1340
4,4
2015 – 16
72
1711
4,2
2016 – 17
88
1943
4,5
2017 – 18
91
1468
6,2
Nguồn: Ministry of Commerce, Myanmar, https://www.commerce.gov.mm/en
Như chúng ta có thể thấy, giá trị thương mại biên giới Ấn Độ với Myanmar rất nhỏ, đặc biệt là so với các nước khác như Trung Quốc hay Thái Lan.
Hình 1: Thương mại biên giới Myanmar với các nước láng giềng
(Đơn vị: triệu US$)
Hiện tại, trong số các nước láng giềng, Trung Quốc là đối tác thương mại biên giới lớn nhất của Myanmar. Theo biểu đồ 1, trong giai đoạn 2012-13 đến 2017-18, Trung Quốc và Thái Lan liên tiếp chiếm khoảng 80% và 15% tổng trao đổi thương mại ở khu vực biên giới của Myanmar, trong khi trao đổi thương mại với Ấn Độ chỉ chiếm khoàng 1%. Tổng giá trị trao đổi thương mại biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar đã đạt khoàng 3,8 tỷ US$ với hơn 11000 mặt hàng (Ram Upendra Das, 2016) thông qua 3 cửa khẩu cho phép giao thương hàng hóa.
Theo thống kê của ITC TradeMap và EximBank (Ấn Độ), hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Myanmar thông qua thương mại song phương từ năm 2014 đến nay chủ yếu bao gồm nhiên liệu khoáng, dầu và các chế phẩm từ dầu, dược phẩm, đường và bánh kẹo, đường. Về nhập khẩu, Myanmar là nguồn cung quan trọng rau, cá và động vật giáp xác, một số rễ và củ, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Tuy nhiên, các mặt hàng phố biến trong thương mại song phương tổng thể giữa Ấn Độ lại khác hoàn toàn so với thành phần thương mại biên giới. Trong lĩnh vực thương mại biên giới, các mặt hàng chính được Myanmar nhập khẩu từ Ấn Độ bao gồm sợi bông, phụ tùng ô tô, bột đậu nành và dược phẩm. Mặt khác, trầu cau, gừng khô, đậu xanh, matpe đen, củ nghệ, nhựa và dược liệu là những hàng hóa Ấn Độ nhập khẩu từ Myanmar.
Các bang ở khu vực Đông Bắc của Ấn Độ và Myanmar có điểm tương đồng trong cấu trúc kinh tế chủ yếu là nông nghiệp cùng với các hoạt động sản xuất, do đó, cơ sở tài nguyên và thành phần sản xuất của các bên khó để bổ sung lợi thế so sánh cho nhau, do đó thu hẹp phạm vi thương mại song phương. Dựa trên cơ cấu kinh tế của mỗi bên, hai nước có thể xác định nhiều sản phẩm tiềm năng cho cả nhập khẩu và xuất khẩu dựa trên nền tảng Hiệp định thương mại biên giới cho phép trao đổi 62 mặt hàng.
Để tạo điều kiện thanh toán cho các hoạt thương mại biên giới, Bản ghi nhớ thỏa thuận giữa Ngân hàng Thống nhất Ấn Độ (UBI), Calcutta và Ngân hàng Kinh tế Myanmar (MEB), Yangon đã được ký kết tại Tamu vào ngày 11 tháng 4 năm 2000. Nhưng, do tình hình an ninh ở khu vực Moreh, dự thảo này có hiệu lực và chính thức được sử dụng vào năm tài khóa 2010-11. Để xóa bỏ rào cản thương mại xuyên biên giới, vào ngày 13 tháng 11 năm 2000, Bộ Thương mại đã ban hành Thông tư số 5/2000 cho phép giao dịch thương mại ở khu vực biên giới Ấn Độ - Myanmar sử dụng ba loại tiền tệ: Kyat, Rupee và US$.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu của Ấn Độ thông qua kênh chính thức đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và từ hàng hóa Trung Quốc tại thị trường nội địa ở Myanmar. Hàng hóa từ Trung Quốc không những rẻ hơn, mà theo những người kinh doanh ở Myanmar nói rằng chiến lược tiếp thị của người Trung Quốc cực kỳ hiệu quả, trong khi đó nhu cầu với hàng hóa Ấn Độ lại đang giảm dần ở thị trường Myanmar[6]. Myanmar nhập khẩu hàng hóa của nước thứ ba từ các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, hợp pháp và xuất khẩu sang Ấn Độ qua Moreh mà không tuân thủ các quy tắc về yêu cầu xuất xứ nhu xuất trình các giấy chứng nhận xuất xứ. Trước đó, trong các cơ chế đổi hàng truyền thống ở biên giới (barter trade) giữa hai nước không hạn chế loại mặt hàng, do đó các loại mặt hàng chăn, hàng may mặc, hàng điện tử, đồ gia dụng, đá quý được lưu chuyển tự do từ Myanmar sang Ấn Độ và bị gian lận khi khai báo tại các điểm hải quan. Tương tự, các mặt hàng như dược phẩm, đồ gỗ được xuất khẩu từ Ấn Độ cũng vào Myanmar qua cùng một tuyến đường. Chợ Paona ở Imphal, có hàng loạt cửa hàng bán hàng từ Trung Quốc và Thái Lan, vận chuyển đến Ấn Độ thông qua Moreh. Thị trường tràn ngập các thiết bị điện tử giá rẻ, đồ nhựa, giày dép, hành lý và các loại thiết bị khác. Để giải quyết vấn đề hàng hóa của nước thứ ba giao dịch tràn lan, không được kiểm soát ở các khu vực gần biên giới, Ấn Độ và Myanmar cần xây dựng cơ chế về giấy chứng nhận xuất xứ và cấp phép cho các hoạt động thương mại.
4. Kết luận
Thương mại biên giới giữa Ấn Độ và các nước láng giềng được hợp pháp hóa đã góp phần mở rộng mặt hàng trao đổi và thúc đẩy thương mại biên giới song phương phát triển. Trong bối cảnh mở cửa và thúc đẩy thương mại biên giới, giá trị thương mại biên giới song phương Ấn Độ với các nước láng giềng vẫn còn nhiều tồn tại chủ yếu do bị hạn chế trong các hoạt động tạo thuận lợi cho thương mại biên giới. Như đã đề cập ở trên, những đặc điểm của thương mại biên giới song phương cũng tạo ra những thách thức cho tiến trình trao đổi hàng hóa qua biên giới giữa hai nước. Một số hoạt động trái phép như buôn lậu vũ khí, buôn bán ma túy hiện đang tồn tại song song với các hoạt động hợp pháp, theo tiến trình phát triển của thương mại biên giới song phương.
[1] Sucharita Ghosh và Camilla Mastromacro (2013), Cross-border Economic Activities, Human Capital and Efficiency: A Stochastic Frontier Analysis for OECD Countries, The World Economy, 2013, 761 – 785, doi: 10.1111/twec.12010
[2] Gautam Kumar Dutta (2004), The Growth of Cross-border Economic Relationships between Northeast India and Bangladesh: An empirical study, Doctoral thesis, Department of Humanities and Social Sciences, Indian Institute of Technology, Guwahati, December 2004.
[3] Suresh Bohhu (2018), IndiaTimes, October 2018
[4] David Scott (2009), “India’s ‘Extended Neighborhood’ Concept: Power Projection for a rising power”, India Review, Vol 8(2), pp. 107 – 143.
[5] Narendra Modi (2014), Prime Minister’s speech at the 18th SAARC Summit, https://www.mea.gov.in/Speeches-Statements.htm?dtl/24321/Prime+Ministers+speech+at+the+18th+SAARC+Summit, accessed on 06/03/2020
[6] Indian Council for Research on International Ecnomic Relations (ICRIER), (2019), India – Myanmar Border trade, Working Paper 378, ICRIER.