30/06/2021
Tác giả: ThS Nguyễn Lê Thy Thương, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS)
Ấn Độ là một trong những thị trường tiềm năng ở khu vực châu Á của các doanh nghiệp Việt Nam. Kể từ năm 2016 khi quan hệ song phương được nâng cấp lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, hợp tác thương mại của Việt Nam - Ấn Độ phát triển nhanh chóng và đưa Việt Nam vào vị thế thặng dư thương mại lớn với Ấn Độ kể từ đó. Mặc dù có dấu hiệu chững lại trong 2 tháng gần đây, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ vẫn duy trì mức tăng trưởng cao (41,89% so với cùng kỳ năm 2020). Bài viết này phân tích thực trạng xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường Ấn Độ, lý giải những nguyên nhân dân đến sự biến động trong hoạt động xuất khẩu đồng thời đề xuất một số giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo chỗ đứng vững chắc tại thị trường Ấn Độ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở cả hai nước.
Bảng 1: Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường Ấn Độ 5 tháng đầu năm (2020- 2021)
Đơn vị: USD
Năm 2021
Năm 2020
Tháng 1
645.526.634
433.157.882
Tháng 2
448.111.716
500.324.734
Tháng 3
618.512.031
464.620.273
Tháng 4
465.079.955
175.334.400
Tháng 5
370.833.378
222.344.328
Tổng
2.548.063.714
1.795.781.617
Nguồn: Tác giả tổng hợp theo Phụ lục Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 1-5/2020 và 1-5/2021 của Bộ Công thương Việt Nam
Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động trao đổi thương mại của nhiều quốc gia trên thế giới, song kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục tăng tưởng. Căn cứ vào các số liệu về xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ấn Độ của Bộ Công thương Việt Nam, có thể thấy kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Ấn Độ hiện duy trì ở mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần đảm bảo vị trí của Ấn Độ trong nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên sang tháng 4 và tháng 5, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đang có dấu hiệu giảm dần, với giá trị xuất khẩu tháng 5 chỉ đạt 370.833.378 USD, giảm 42,53% so với tháng 1/2021. Sự biến động của hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Ấn Độ được thể hiện cụ thể hơn qua bảng dưới:
Bảng 2: Một số mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ 5 tháng đầu năm 2021
Mặt hàng
Tổng giá trị 5 tháng
Điện thoại các loại và linh kiện
193.408.922
116.293.408
131.945.091
71.206.825
46.694.557
559.548.803
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện
79.502.600
57.695.185
90.354.617
62.676.626
50.667.075
340.896.103
Kim loại thường khác và sản phẩm
59.085.144
43.689.611
58.676.182
30.209.453
8.043.660
199.704.050
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác
51.764.206
40.617.316
52.982.869
71.121.803
39.605.939
256.092.133
Hóa chất
36.482.577
28.504.038
33.821.833
34.493.755
42.448.392
175.750.595
Sản phẩm từ sắt thép
19.773.926
8.524.072
16.679.607
11.308.607
15.305.802
71.592.014
Chất dẻo nguyên liệu
16.492.990
8.390.115
15.256.300
17.493.009
12.885.931
70.518.345
Cao su
14.147.139
7.298.075
15.575.404
7.424.480
5.793.952
50.239.050
Giày dép
13.688.677
7.120.762
11.278.152
12.318.883
18.990.770
63.397.244
Thức ăn gia súc và nguyên liệu
11.189.399
7.542.473
6.018.114
8.613.417
8.040.974
41.404.377
Sắt thép các loại
6.916.764
7.947.330
16.825.923
6.566.771
5.093.568
43.350.356
Hàng dệt may
10.554.194
4.894.630
15.210.290
7.941.419
6.827.995
45.428.528
Nguồn: Tác giả tổng hợp theo Báo cáo thống kê tình hình xuất nhập khẩu theo khu vực và vùng lãnh thổ tháng 1-5/2021 của Tổng cục Hải quan
Nhìn chung các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng vẫn là nhóm hàng chủ đạo mà Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ. Nằm trong xu thế xuất khẩu chung của cả nước, mặt hàng điện thoại và linh kiện điện thoại vẫn là nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất, chiếm tỷ trọng 21,6% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ. Xếp thứ hai và thứ ba lần lượt là mặt hang: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chiếm 13,4%; mặt hàng Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên tốc độ tăng tưởng giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này không ổn định. Trong số các mặt hàng chính mà Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ trong năm 2021 , nếu như các mặt hàng có giá trị trung bình luôn giữ được giá trị xuất khẩu tương đối ổn định qua các tháng thì những mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao như điện thoại, linh kiện điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lại giảm mạnh trong tháng 4 và tháng 5. Sự sụt giảm của các mặt hàng này đã kéo theo sự giảm giá trị của tổng sản lượng hhóaViệt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ nói chung.
Một số ngành hàng tuy không nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu chính sang Ấn Độ nhưng lại có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2021như xuất khẩu chè tăng 693,8%; xuất khẩu than đá tăng 256,5%; xuất khẩu chất dẻo nguyên liệu tăng 195%; xuất khẩu sắt thép các loại tăng 186%; xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ - mây tre, cói thảm cùng tăng 103,5%...[1]. Tháng 4 và tháng 5, khi phần lớn các ngành hàng chính giảm giá trị xuất khẩu thì xuất khẩu chè vẫn tăng tưởng ấn tượng (từ 42.806 USD trong tháng 1 lên 735.943 USD vào tháng 5).
Sự biến động của giá trị và sản lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ chịu ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, bao gồm: diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở cả hai nước, sự biến động của cả hai nền kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ thương mại ở Ấn Độ, tính mùa vụ và đặc thù của một số ngành hàng xuất khẩu đặc biệt…Ở đây tác giả bài viết chỉ tập trung vào những vấn đề liên quan đến tác động của dịch bệnh Covid-19 và chủ nghĩa bảo hộ thương mại ở Ấn Độ.
2.1 Dịch bệnh Covid-19
Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động của các nền kinh tế nói chung, hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong phòng chống dịch Covid-19, khiến cho những ảnh hưởng của dịch bệnh này đến kinh tế vĩ mô được kiểm soát đáng kể. Đây là một trong những lý do khiến cho Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trong kim ngạch xuất khẩu đầu năm 2021 nói chung, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ nói riêng. Với thị trường Ấn Độ, sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho giá trị hàng xuất khẩu vào thị trường này tăng đáng kể. Thị trường tiêu dùng của Ấn Độ vô cùng rộng lớn, được tách biệt thành thị trường thành thị và nông thôn, đang thu hút các nhà xuất khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Các tập đoàn kinh tế toàn cầu coi Ấn Độ là một trong những thị trường quan trọng có thể tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Sự tăng trưởng trong thị trường tiêu dùng của Ấn Độ chủ yếu được thúc đẩy bởi thành phần dân cư có thu nhập cao đang ngày càng tăng trưởng. Tầng lớp trung lưu với số lượng và thu nhập ngày càng tăng đang trở thành phân khúc thị trường lớn nhất. Trên thực tế, tầng lớp trung lưu của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng từ 80 triệu người hiện nay lên 580 triệu người vào năm 2025. Tầng lớp giàu có cũng được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển về quy mô và giá trị, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với tầng lớp trung lưu[2].
Hơn nữa, thị trường tiêu dùng Ấn Độ phát triển mạnh không chỉ vì hứa hẹn về sản lượng mà còn vì sự thay đổi lớn diễn ra trong nhu cầu của người tiêu dùng. Quá trình đô thị hóa, sự tăng thu nhập và khát vọng vươn lên tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn, là một số yếu tố định hình lại thị trường tiêu dùng Ấn Độ. Kết quả của xu hướng này là một thế hệ người tiêu dùng Ấn Độ mới sành điệu hơn bao giờ hết ra đời, sẵn sàng sử dụng tiền của mình mua sắm hàng hóa của các thương hiệu lớn, đòi hỏi cao về chất lượng và sự tiện lợi, đồng thời háo hức khám phá thị trường bán lẻ đang phát triển[3].
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đang góp phần làm giảm tốc tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ:
Từ cuối tháng 4/2021, Việt Nam bước vào đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với diễn biến phức tạp, số ca mắc mới nhiều và tăng nhanh hơn các đợt trước. Trong khi đó, Ấn Độ đã trở thành tâm dịch của cả châu Á. Làn sóng Covid-19 thứ hai bắt đầu từ tháng 3 ở Ấn Độ được đánh giá là lớn hơn nhiều so với đợt đầu tiên, với tình trạng thiếu vắc-xin, giường bệnh, bình oxy và các loại thuốc điều trị khác diễn ra ở nhiều nơi trên khắp đất nước.[4] Vào ngày 30 tháng 4 năm 2021, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên có hơn 400.000 trường hợp nhiễm mới trong khoảng thời gian 24 giờ.[5] Cho đến nay nước này vẫn là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới và các chuyên gia y tế tin rằng các số liệu được báo cáo thậm chí vẫn còn ít hơn so với thực tế đang diễn ra tại Ấn Độ.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4-5/ 2021 của Việt Nam chịu tác động mạnh của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trong nước khiến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại một số tỉnh bị ảnh hưởng. Nhiều địa phương đang xảy ra dịch bệnh có nhiều đường giao thông huyết mạch chạy qua, án ngữ những con đường vận tải hàng hóa quan trọng về Hà Nội, khiến cho hoạt động sản xuất ít nhiều bị đình trệ.
Về phía đối tác Ấn Độ, nhiều bang và lãnh thổ liên bang ở Ấn Độ phải tiến hành các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nên ảnh hưởng xấu đến hoạt động thông quan hàng hóa tại các cảng biển và hoạt động của các ngân hàng. Công suất hoạt động tại các cảng lớn như Mundra, Nhava Seva, Chennai, Kolkata đều sụt giảm do thiếu nhân công. Tình trạng này khiến cho các hãng tàu không muốn chở hàng đi Ấn Độ do lo ngại không có hàng quay đầu hoặc phải lưu container tại cảng, chịu phí lưu kho, lưu bãi. Tình trạng khan hiếm container vẫn tiếp tục diễn ra ở các tuyến vận tải biển trong khi đó vận tải bằng đường không có chi phí quá lớn đối với biên độ lợi nhuận của nhiều mặt hàng.
Vì những tác động kể trên của dịch bệnh, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ trong tháng 4-5/2021 sụt giảm đáng kể so với 3 tháng đầu năm. Đây là sự sụt giảm mang tính quy luật mà cả hai phía Việt Nam và Ấn Độ đều chưa khắc phục được: tình trạng tương tự cũng xảy ra vào tháng 4-5/2020 do ảnh hưởng xấu của lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm phòng chống dịch bệnh mà chính quyền trung ương Ấn Độ ban hành. Đến năm 2021, do sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, sự sụt giảm tương tự lại tiếp tục diễn ra. Tuy đến giữa tháng 6/2021, số ca mắc mới tại Ấn Độ đã giảm dần, nhưng các chuyên gia lại cảnh báo về nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch bệnh lần thứ ba ở Ấn Độ với quy mô và mức độ tàn phá lớn hơn. Chính vì vậy, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ấn Độ nhiều khả năng vẫn chưa thể khôi phục tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới.
2.2 Chủ nghĩa bảo hộ thương mại ở Ấn Độ
Ấn Độ là một trong những nền kinh tế có mức độ bảo hộ cao nhất thế giới, biểu hiện ở mức thuế hải quan tương đối cao và hệ thống thuế quan phức tạp, chính sách chống bán phá giá và bảo hộ cho sản xuất nội địa vô cùng chặt chẽ. Chính vì vậy, thị trường Ấn Độ tuy dễ tính nhưng lại không dễ tiếp cận đối với các nhà xuất khẩu nước ngoài. Trong báo cáo về Ngân sách quốc gia ban hành đầu năm 2021, chính phủ Ấn Độ tiếp tục tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu, trong đó có nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, đây là nguyên nhân khiến cho giá trị xuất khẩu các mặt hàng này sụt giảm trong tháng 4, 5/2021 và có thể cả những tháng tiếp theo. Một số sản phẩm chính bị điều chỉnh mức thuế quan bao gồm:
- Các thiết bị sạc điện thoại di động, vốn được miễn thuế, đến năm 2021 bị đánh thuế 10%.
- Bảng mạch và bộ phận chụp ảnh của điện thoại di động tăng thuế từ 0 lên 2,5%.
- Mức thuế đối với bộ phận máy nén cho tủ lạnh và điều hòa không khí tăng lên 15% (trước đó là 12,5%).
- Đối với ô tô, thiết bị đánh lửa và đèn tín hiệu bị tăng thuế từ 7,5 đến 10% lên 15%.
- Tuy nhiên, Ấn Độ cũng giảm thuế đối với một số nguyên liệu thô để hạ giá thành cho các nhà sản xuất trong nước. Một số sản phẩm sắt phế liệu hiện được miễn thuế (mức thuế trước đây là 2%). Thuế suất đối với naphtha, thành phần cơ bản của một số sản phẩm hóa dầu, giảm từ 4% xuống 2,5%[6].
Có thể thấy rất nhiều sản phẩm thuộc ngành hàng linh kiện điện thoại, máy móc, điện tử...,vốn là những ngành hàng thế mạnh của Việt Nam đã bị tăng thuế, khiến cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ vốn đã lao đao vì đại dịch lại càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu muốn tiếp tục trụ vững ở thị trường Ấn Độ sẽ phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng, chủ động chuyển hướng, giảm thiểu rủi ro, nhanh chóng nắm bắt cơ hội mới.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các quy định, chính sách nhập khẩu của Ấn Độ, nhất là của những địa phương mà doanh nghiệp đang tiến hành xuất khẩu hàng hóa sang. Để thực hiện tốt điều này, cần thường xuyên liên lạc với các đối tác Ấn Độ, kịp thời thăm hỏi, động viên và chia sẻ nếu cần thiết.
Để đề phòng rủi ro, doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc lựa chọn giao dịch với các đơn vị nhập khẩu uy tín trên thị trường. Đồng thời doanh nghiệp nên thỏa thuận chặt chẽ với đối tác các điều khoản về giao hàng, thanh toán, giải quyết tranh chấp khi phát sinh, các trường hợp bất khả kháng, ví dụ: trường hợp hàng tồn tại các kho bãi không vận chuyển đi được; nên mua bảo hiểm với các lô hàng cần thiết... Ngoài ra trong quá trình vận chuyển phải liên tục kiểm tra tình trạng giao nhận hàng hóa, tiến trình thông quan hàng hóa tại cảng và hoạt động của các ngân hàng. Không được tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp.
Để ứng phó với sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại ở Ấn Độ, cần nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, các nhóm mặt hàng thường xuyên bị kiện. Trong bối cảnh quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang trải qua nhiều bất đồng, các mặt hàng chủ đạo mà Trung Quốc xuất khẩu sang Ấn Độ có thể sẽ bị tăng thuế hoặc bị điều tra bán phá giá. Nếu doanh nghiệp Việt Nam cũng xuất khẩu những mặt hàng này, chúng ta sẽ phải đối mặt với điều tương tự. Mặt khác, có thể tìm hiểu và chuyển hướng sang xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô - vốn là những mặt hàng đang được Ấn Độ giảm thuế để khuyến khích sản xuất trong nước.
Tài liệu tham khảo
[1] Khánh Lan (2021). Thương mại Việt Nam - Ấn Độ tăng 34% trong 3 tháng đầu năm 2021. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 15/04/2021. Truy cập tại https://dangcongsan.vn/kinh-te/thuong-mai-viet-nam-an-do-tang-34-trong-3-thang-dau-nam-2021-578607.html
[2] Business Australia (2021). A deep dive into the Indian consumer market. Reieved from https://www.businessaustralia.com/how-we-help/grow-your-business/preparing-to-export/india-consumer-market
[3] Business Australia (2021). A deep dive into the Indian consumer market. Reieved from https://www.businessaustralia.com/how-we-help/grow-your-business/preparing-to-export/india-consumer-market
[4] Michael Safi (21 April 2021). "India's shocking surge in Covid cases follows baffling decline". The Guardian. Retrieved 29 April 2021.
[5] Coronavirus: India becomes first country in the world to report over 4 lakh new cases on 30 April 2021". The Hindu. Special Correspondent. 30 April 2021. ISSN 0971-751X. Retrieved 2 May 2021.
[6] Baba, M.(2021).India tariff hikes target mainly China in protectionist drive. Nikkei Asia February 11, 2021. Retrieved from https://asia.nikkei.com/Economy/Trade/India-tariff-hikes-target-mainly-China-in-protectionist-drive