29/09/2021
Tập hợp những tham luận được chọn lọc từ hội thảo "Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chi" vào ngày 11/12/2020 do Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp với Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Kể từ khi ra đời vào những năm 20 của thế kỷ XX, báo chí Phật giáo đã chứng minh được tính hữu dụng trong việc xây dựng nền văn hóa Phật giáo, đưa tinh thần Phật giáo ảnh hưởng tích cực vào đời sống văn hóa - xã hội của đất nước. Báo chí Phật giáo đã từng gắn liền với tiến trình chấn hưng Phật giáo và là một trong những phương tiện quan trọng làm lan tỏa tư tưởng chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam. Hiện nay, báo chí Phật giáo nói chung, báo chí nữ giới Phật giáo nói riêng, vẫn tiếp tục đồng hành cùng Nhà nước và Chính phủ trong công cuộc duy trì sự ổn định xã hội và phát triển đất nước. Mặc dù vậy, vai trò của nữ giới đối với báo chí Phật giáo vẫn chưa thật sự được biết đến rộng rãi. Với mong muốn xây dựng một diễn đàn trao đổi thông tin giữa các nhà nghiên cứu, các Tăng Ni, cư sĩ về vai trò của nữ giới Phật giáo, Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã phối hợp với Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí” vào ngày 11/12/2020 tại Hà Nội. Hội thảo thành công tốt đẹp đã giúp đem đến những thông tin vô cùng quý giá về dấu ấn của nữ giới Phật giáo với báo chí trong lịch sử và hiện tại, khẳng định ảnh hưởng to lớn cũng như sức lan tỏa mạnh mẽ của Phật giáo đến đời sống xã hội và văn hóa dân tộc. Cuốn sách “Nữ giới Phật giáo với Báo chí” là tập hợp những tham luận được chọn lọc từ hội thảo nêu trên.
Cuốn sách gồm ba phần:
Phần 1: Vai trò của truyền thông đối với Phật giáo
Các bài viết trong phần này tập trung bàn về các vấn đề chung của truyền thông, vai trò của truyền thông đối với việc truyền bá tư tưởng Phật giáo, và những thời cơ – thách thức của truyền thông Phật giáo trong thời đại công nghệ 4.0. Nhìn chung, các bài viết đều khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông đối với Phật giáo, coi đó là quá trình “ẩn ác, dương thiện, làm cho từ bi trí tuệ của đạo Phật được lan tỏa như một kênh hoằng pháp”. Theo đó, việc hiểu biết và sử dụng phương tiện truyền thông để truyền tải giáo pháp của Đức Phật đến với mọi người được xem là một phương pháp truyền bá đạo pháp hiệu quả nhất trong thời đại đa phương tiện. Có thể nói, quá trình hội nhập quốc tế và các yếu tố của thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 đã tác động đến mô hình truyền thông Phật giáo, một mặt càng nhấn mạnh thêm vai trò của truyền thông Phật giáo Việt Nam giai đoạn này; mặt khác, cho thấy những thời cơ và thách thức với hoạt động truyền thông Phật pháp hiện nay mà một trong những thách thức lớn là sự thiếu hụt đội ngũ hành nghề có đủ trình độ chuyên môn.
Phần 2: Nữ giới với báo chí Phật giáo trong lịch sử
Nội dung của phần này tập trung phân tích về vai trò, vị trí và những cống hiến của nữ giới với báo chí Phật giáo trong lịch sử. Tên tuổi của các vị danh Ni có vai trò quan trọng góp phần đặt nền móng cho sự hình thành, phát triển của báo chí Phật giáo như Ni sư Diệu Tịnh, Ni sư Huệ Tâm, Sa-di-ni Diệu Phước, Ni trưởng Diệu Không, Ni sư Đàm Hướng, Đàm Hoa, Ni trưởng Như Thanh… liên tục được khẳng định trong bài viết của các nhà nghiên cứu. Bức tranh lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX nói chung và lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam nói riêng đã được phục dựng trong hầu hết các nghiên cứu. Trong tiến trình đó, có những tờ báo đã trở thành “chứng nhân” của một giai đoạn quan trọng trong lịch sử dân tộc và Phật giáo, là “di sản” quý giá của quá khứ với những dấu tích còn “vang bóng”; có những tờ báo vẫn được truyền thừa, tiếp nối và phát triển, trở thành “tiếng nói của nữ giới Phật giáo Việt Nam”, mà đặc san Hoa Đàm là một điển hình tiêu biểu.
Phần 3: Nữ giới Phật giáo với báo chí đương đại
Các bài viết trong phần này đi từ những vấn đề chung như “Ảnh hưởng của báo chí Phật giáo trong đời sống xã hội đương đại”, đến góc nhìn về riêng người “nữ giới Phật giáo” với ngành báo chí trong thời đại công nghệ 4.0. Các góc độ khai thác khá đa dạng, từ việc “thời cơ và thách thức” nào đang chờ đợi người Nữ giới Phật giáo làm báo cho đến vấn đề Ni sinh trẻ với công tác báo chí ngày nay cần được nhìn nhận ra sao. Một số bài viết cung cấp những thông tin, kiến thức còn tương đối mới với học giới Việt Nam, giúp người đọc có những hình dung cơ bản về vấn đề thực hành Thiền Vipassanā với nữ giới Phật giáo, về ngôi trường tiểu học Kiều Đàm Di Việt Nam giữa lòng Ấn Độ, hay về tập thơ Therigatha (Therīgāthā) - “một minh chứng hùng hồn cho thấy con đường của chư Phật mở rộng cho mọi người, không phân biệt nam nữ”.
Với những nội dung đã triển khai, có thể coi cuốn sách là lời tri ân công đức của các bậc tiền nhân, không chỉ làm sáng tỏ các giá trị lịch sử và cội nguồn hệ phái trong báo chí Phật giáo thời kỳ đầu, xác định vai trò, vị trí của nữ giới Phật giáo trong lĩnh vực báo chí qua các thời kỳ; mà còn một lần nữa nhìn nhận lại những cơ hội và thách thức, từ đó định hướng nhiệm vụ và vai trò của nữ giới Phật giáo trong báo chí.