15/03/2021
Cuốn sách là sản phẩm của đề tài nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), mã số 601.02-2018.300.
Sự trỗi dậy của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy còn mạnh mẽ hơn, dẫn đến sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương – châu Á – Thái Bình Dương, được phản ánh trong mối quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng nhỏ ngày càng trở nên quan trọng. Nepal, Bhutan thuộc nhóm những nước nhỏ nhất ở khu vực láng giềng của Ấn Độ nhưng có vị trí địa chính trị quan trọng: Nepal nằm ở biên giới phía Bắc Ấn, Bhutan ở biên giới phía Đông Bắc Ấn Độ. Sri Laka nằm ở Ấn Độ Dương, phía Tây Nam Ấn Độ, có vị trí quan trọng trong chiến lược biển của Ấn Độ. Vị trí địa chiến lược của Nepal, Bhutan và Sri Lanka khiến Ấn Độ không thể xem nhẹ mối quan hệ với những nước này.
Vì vậy, từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng Modi đã có những điều chỉnh chính sách đối ngoại quan trọng, trong đó có chính sách “Láng giềng ưu tiên số một” (neighborhood first policy). Chính sách “láng giềng ưu tiên số một” trở thành một trong những đặc trung quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Modi. Thủ tướng Modi bắt đầu nhiệm kỳ bằng việc mời lãnh đạo các nước láng giềng Nam Á đến dự lễ nhậm chức vào tháng 5/2014 và thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Bhutan. Sau khoảng gần 4 năm cầm quyền, ông đã đi thăm hầu hết các nước láng giềng nhằm cải thiện quan hệ với từng nước và nâng cao vai trò lãnh đạo của Ấn Độ ở khu vực.
Cuốn sách nhằm làm rõ thực chất quan hệ giữa Ấn Độ với một số nước trong khu vực dưới thời chính quyền Narendra Modi (trường hợp Bhutan, Nepal và Sri Lanka), trên cơ sở đó đưa ra những hàm ý cho Việt Nam trong việc xử lý mối quan hệ với các nước láng giềng.
Cuốn sách tiếp cận quan hệ giữa Ấn Độ với một số nước trong khu vực Nam Á trong đó Ấn Độ là chủ thể nghiên cứu. Hướng tiếp cận chủ đạo của đề tài là tiếp cận theo vấn đề (theo chiều ngang). Quan hệ giữa Ấn Độ và các nước láng giềng nhỏ dưới thời chính quyền Narendra Modi được tiếp cận theo những vấn đề như: nhân tố tác động, thực trạng mối quan hệ trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, song song với việc sử dụng cách tiếp cận theo vấn đề, đề tài cũng sử dụng cách tiếp cận lịch đại (chiều dọc), nghiên cứu quan hệ giữa Ấn Độ và các nước láng giềng theo tiến trình lịch sử của các sự kiện. Việc kết hợp cả hai hướng tiếp cận theo vấn đề và theo lịch đại sẽ giúp nhóm tác giả phục dựng bức tranh tổng thể mối quan hệ giữa Ấn Độ với một số nước trong khu vực (trường hợp Nepal, Bhutan và Sri Lanka) một cách hiệu quả và xác thực nhất.
Về kết cấu của cuốn sách, ngoài phần mở đầu, kết luận, cuốn sách bao gồm 3 chương chính:
Chương 1: Những yếu tố tác động đến quan hệ giữa Ấn Độ với một số nước trong khu vực.
Trong Chương 1, nhóm tác giả phân tích những yếu tố bên trong và bên ngoài tác động đến quan hệ giữa Ấn Độ và các nước láng giềng, được thể hiện ở những khía cạnh: nhân tố bên trong như: nhân tố lịch sử; chính sách đối ngoại của Ấn Độ nói chung và với một số nước trong khu vực nói riêng; chính sách đối ngoại của một số nước Nepal, Bhutan và Srilanka; tình hình Ấn Độ; tình hình các nước Nepal, Bhutan và Sri Lanka. Những nhân tố bên ngoài có thể kể đến: xu hướng chính trị quốc tế và khu vực; nhân tố Trung Quốc; nhân tố Pakistan; những nhân tố khác.
Chương 2: Quan hệ giữa Ấn Độ và Nepal, Bhutan và Sri Lanka.
Chương 2 cuốn sách phân tích thực trạng mối quan hệ giữa Ấn Độ và các nước Nepal, Bhutan và Sri Lanka, lý giải “mối quan hệ đặc biệt” nhưng chứa đựng những căng thẳng và mâu thuẫn phức tạp giữa Ấn Độ và những nước được gọi là “nhà nước tiền tuyết” (frontier states) của Ấn Độ. Thực trạng quan hệ giữa Ấn Độ và các nước này sẽ được phân tích trên các khía cạnh: quan hệ chính trị - ngoại giao; quan hệ kinh tế; an ninh quốc phòng.
Chương 3: Đánh giá quan hệ giữa Ấn Độ với một số nước trong khu vực và hàm ý cho Việt Nam.
Trên cơ sở những phân tích trong Chương 1 và Chương 2, ở Chương 3, nhóm tác giả rút ra những đánh giá về quan hệ giữa Ấn Độ với một số nước trong khu vực và hàm ý cho Việt Nam, được thể hiện ở những nội dung: đặc điểm cơ bản của quan hệ giữa Ấn Độ và các nước láng giềng; những thành tựu đạt được; những vấn đề đặt ra; những hàm ý cho Việt Nam.