25/12/2020
Co-editors: Nguyen Xuan Trung, Le Thi Hang Nga, Dang Thu Thuy
Sự trỗi dậy của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy còn mạnh mẽ hơn, dẫn đến sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, cả Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt là Ấn Độ ngày càng thắt chặt quan hệ với các quốc gia láng giềng.
Việc duy trì quan hệ láng giềng tốt là ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ quốc gia nào kể cả Ấn Độ. Ấn Độ và các nước láng giềng đều có nhu cầu tạo ra một khu vực ổn định, hòa bình để cùng phát triển. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực từ nhiều phía, ngoại vi Ấn Độ vẫn là khu vực có nhiều bất ổn. Trong bối cảnh châu Á hiện nay, sự trỗi dậy song song của Trung Quốc và Ấn Độ đã đưa hai nước vào xu hướng cạnh tranh nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã tác động đáng kể đến việc định hình kiến trúc an ninh khu vực.
Việc Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành cuốn sách tựa đề “India’s Relations with its Neighboring Countries in the New Context” do PGS. TS Nguyễn Xuân Trung, TS. Lê Thị Hằng Nga và TS. Đặng Thu Thủy đồng chủ biên trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa quan trọng. Cuốn sách là tập hợp các tham luậncủa các học giả Ấn Độ và Việt Nam trong Hội thảo cùng tên do Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tổ chức vào ngày 22/10/2019 tại Hà Nội.
Cuốn sách được chia thành 5 phần. Phần I tập trung vào chính sách đối ngoại của Ấn Độ, bao gồm chính sách Hành động Phía Đông, chính sách Láng giềng là ưu tiên số một, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Phần II đề cập đến mối quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc, bao gồm những khía cạnh như hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Trung Quốc, cạnh tranh Ấn Độ - Trung Quốc ở Nam Á, tác động của Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan đối với quan hệ Ấn Độ - Pakistan, quan điểm của Ấn Độ về Sáng kiến Vành đai, con đường củaTrung Quốc, quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc sau Đại hộilần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phần III đề cập đến mối quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trực tiếp ở Nam Á, bao gồm hợp tác du lịch Ấn Độ - Nepal, hỗ trợ phát triển kinh tế của Ấn Độ đối với Bhutan, ngoại giao Phật giáo Ấn Độ tại Nam Á. Phần IV bao gồm những tham luận liên quan đến mối quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng mở rộng ở Đông Nam Á, bao gồm quan hệ Ấn Độ - Myanmar, Ấn Độ - Việt Nam. Phần cuối của cuốn sách tập trung vào Ấn Độ và Tây Á với các tham luận đề cập đến những vấn đề như Mùa xuân Ả Rập và những thách thức của sự kiện này đối với Ấn Độ. Nhìn chung, các nghiên cứu trong cuốn sách này phản ánh cách tiếp cận đa chiều về quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trong bối cảnh mới, từ kinh tế, chính trị đến thương mại, quốc phòng và văn hóa.