08/07/2020
Chủ biên: GS. TS Ngô Xuân Bình, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á
Với chiến thắng vang dội nhất trong 30 năm qua của “Đảng Nhân dân Ấn Độ” (BJP) trong kỳ bầu cử Quốc hội, Narendra Modi đã chính thức trở thành tân Thủ tướng Ấn Độ vào năm 2014. Được đánh giá là một nhà lãnh đạo khôn khéo và quyết đoán, thủ tướng Modi đã kiên trì đi theo chủ nghĩa dân tộc mềm mỏng, chủ trương phát triển kinh tế đất nước theo định hướng thị trường và thắt chặt quan hệ với các quốc gia dân chủ tại châu Á để thiết lập mạng lưới đối tác chiến lược. Các chính sách của chính phủ dưới thời Modi tập trung vào khôi phục nền kinh tế Ấn Độ đồng thời tăng cường năng lực quốc phòng và mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược với những quốc gia có chung chí hướng để từ đó thúc đẩy sự ổn định trong khu vực cũng như ngăn chặn tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực châu Á. Dưới sức ảnh hưởng của Modi, Ấn Độ được kỳ vọng là sẽ nhanh chóng khôi phục phát triển kinh tế và các nhà đầu tư “sẽ không phải đối mặt với nạn tham nhũng mà là những tấm thảm đỏ đầy triển vọng”.
Phần chính của cuốn sách này tập trung vào những vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại của chính quyền Modi để chứng minh rằng: Cùng với những khởi sắc trong lĩnh vực kinh tế, chính sách đối ngoại của Ấn Độ cũng được nâng lên tầm cao mới vào giữa năm 2014, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi. Các khuynh hướng chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã có bước nhảy vọt và lấy lại đà phát triển sau một thập niên tê liệt. Điều quan trọng là Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi đã đột ngột nổi lên trong nhận thức chiến lược toàn cầu của nhiều nước lớn. Từ những cam kết của ông trong chiến dịch bầu cử cũng như thành công của ông khi còn làm thủ hiến Gujarat, giới quan sát đã đưa ra dự đoán về đường lối đối ngoại của chính phủ mới. Cụ thể, Ấn Độ sẽ cứng rắn hơn trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và đối đầu với Pakistan. Trong chiến dịch bầu cử, ông Modi từng cảnh báo Bắc Kinh hãy từ bỏ “tư tưởng bành trướng” và chỉ trích đảng cầm quyền Quốc đại có “phản ứng mềm” đối với những vụ tấn công khủng bố bị tình nghi xuất phát từ Pakistan và những vụ xâm nhập biên giới của quân đội Trung Quốc. Hiện nay, New Delhi cũng không an tâm về tình trạng Trung Quốc mở rộng hoạt động ở Ấn Độ Dương và đầu tư chuỗi cảng xung quanh các nước láng giềng của Ấn Độ từ Paskistan đến Bangladesh. Do đó, Ấn Độ muốn tăng cường sức mạnh hải quân và trang bị khả năng ứng phó vững chắc đối với các vụ xâm phạm biên giới. Chính phủ mới đã nhanh chóng vạch ra những lợi ích an ninh cốt lõi, trong đó ưu tiên giải quyết tranh chấp biên giới với Trung Quốc, củng cố vị thế của New Delhi ở Ấn Độ Dương và không dung thứ những hành động khủng bố của các tay súng Hồi giáo mà New Delhi tin là được Pakistan hậu thuẫn. Nhiều người dân Ấn Độ hiện muốn ông Modi có một hướng mới về quan hệ ngoại giao trong bối cảnh khoảng cách về vị thế quốc tế giữa nước này với Trung Quốc ngày càng lớn. Chiến thắng của ông Modi nhiều khả năng cũng sẽ biến quan hệ Ấn - Nhật trở thành đầu tàu chính trong chính sách hướng Đông của New Delhi vốn nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế và chiến lược với các quốc gia ở Đông Á. Quan hệ sâu sắc hơn giữa New Delhi và Tokyo có thể tái định hình bối cảnh chiến lược ở châu Á.
Tuy vậy, khi nắm quyền điều hành đất nước, Thủ tướng Modi cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong vấn đề đối ngoại. Nhân dân Ấn Độ mong muốn vị thủ tướng này sẽ đề xuất phương hướng ngoại giao mới trong bối cảnh khoảng cách về tầm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày một gia tăng. Bởi ngay tại sân nhà, phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ với Nepal, Sri Lanka và Maldives cũng đang giảm dần. Trong khi đó, Bhutan hiện vẫn là nút thắt chiến lược của Ấn Độ tại khu vực Nam Á.
Mặt khác, chính phủ Ấn Độ dưới thời thủ tướng Modi cũng đang phải tìm cách đối phó với mức độ nguy hiểm ngày càng lớn mạnh từ mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan. Hai quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân này không chỉ thường xuyên xâm phạm lãnh thổ biên giới Ấn Độ mà còn tiếp tục hợp tác phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong khi đó, chính sách ngoại giao của Trung Quốc được định hình từ giới lãnh đạo Đảng Cộng sản và quân đội thì Pakistan lại dựa vào chính năng lực quân sự và các cơ quan tình báo mà ưu tiên là sử dụng các nhóm khủng bố.
Cuốn sách này được GS.TS Ngô Xuân Bình cho ra đời trong bối cảnh thủ tướng Modi đẩy mạnh việc thực thi Chính sách hướng Đông (được điều chỉnh thành chính sách Hành động phía Đông) nhằm tăng cường liên kết kinh tế và an ninh với Đông Nam Á, tham gia vào khu vực này thông qua các cuộc tập trận và các vấn đề an ninh mềm. Sự điều chỉnh chính sách hướng Đông của Ấn Độ không chỉ có tác động tích cực đến Ấn Độ mà còn đem lại những cơ hội và thách thức không nhỏ cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Nội dung của cuốn sách được chia thành 3 chương như sau:
Chương I: Những yếu tố tác động đến sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng N.Modi
Chương II: Nội dung điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng N.Modi
Chương III: Đánh giá và dự báo xu hướng phát triển chính sách đối ngoại của Ấn Độ đến năm 2030
Xin giới thiệu tới bạn đọc