20/05/2020
Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi khung cảnh của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. “Cơn sóng thần” Covid-19 đã khiến cả thế giới chao đảo. Virus corona mà giới khoa học ‘biết rất ít về nó”, các chính trị gia gọi là “kẻ thù vô hình” đã đặt các quốc gia vào tình trạng khẩn cấp, “thảm hại” như thời chiến với những mối đe dọa về sức khỏe, tính mạng gây nên khủng hoảng đời sống, kinh tế toàn cầu nghiêm trọng. Vũ khí chiến đấu của con người lúc này không còn là những vũ khí tối tân hiện đại mà loài người đã tích lũy trong cuộc chạy đua vũ trang bao năm qua, mà là sự sáng suốt, bình tĩnh, ý chí, nhận thức và tinh thần đoàn kết. Trong bối cảnh này, Việt Nam đã thể hiện là một dân tộc quả cảm tuyệt vời. Sức mạnh tổng hợp với những phẩm chất tốt đẹp, bản sắc văn hóa ngàn đời của tinh thần đoàn kết, bao dung, tương thân tương ái của các tầng lớp nhân dân một lần nữa được phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài viết sau đây trình bày quan điểm của các tác giả về nguyên nhân thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên cơ sở trải nghiệm của các tác giả cùng với việc tham khảo các bài viết trên các trang báo, phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế. Bài viết cho rằng, nguyên nhân chính của sự thành công của Việt Nam trong cuộc chiến này là sự kết hợp hài hòa của “ý Đảng lòng Dân”, là sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện của Đảng, là sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, là sự ủng hộ, đồng lòng, hợp tác của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
1. Khái quát về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam
Tại Việt Nam, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 23/1/2020. Đó là trường hợp hai cha con từ Vũ Hán, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Thời điểm đó, toàn dân vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng xác định được tính chất nguy hiểm, phức tạp của tình hình dịch bệnh. Chiều mùng 3 Tết, Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp Thường trực Chính phủ, chính thức phát động toàn dân “chống dịch như chống giặc”. Ngày 29/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành công văn hỏa tốc gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đảng ủy đơn vị sự nghiệp trung ương, về việc phòng chống dịch bệnh lây lan do loài virus corona mới. Văn bản nêu rõ: “Xác định công tác phòng, chống dịch do chủng mới Corona là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành đề ra, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.” (dangcongsan.vn)
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam cho đến nay có thể được chia thành bốn giai đoạn: giai đoạn 1 (23/1 đến 6/3); giai đoạn 2 (6/3 đến 1/4); giai đoạn 3 (từ 1/4 đến 23/4); giai đoạn 4 (từ 23/4 đến nay)
Trong giai đoạn 1, Việt Nam đã chiến thắng, cắt đứt mạch lây lan và điều trị khỏi bệnh cho những người bị nhiễm Covid-19 trên chuyến bay đi từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc) về nước và những ca lây lan. Ổ dịch xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) với 16 người bệnh đã được cách ly, dập dịch thành công giúp Việt Nam rút ra được những bài học đầu tiên về công tác phòng dịch.
Trong giai đoạn 2, bắt đầu từ khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện (ngày 6/3), trận chiến đã trở nên khốc liệt hơn. Thấy rõ được tính chất phức tạp và nguy hiểm của sự lây lan từ nguồn lây bên ngoài về trong nước, Chính phủ đã quyết định cách ly toàn bộ những người trên các chuyến bay từ vùng dịch về để hạn chế tối đa nguồn lây. Nhiều điểm cách ly tập trung được hình thành, những người đi từ vùng dịch về đều được xét nghiệm sàng lọc và cách ly 14 ngày, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, có giấy chứng nhận y tế, mỗi cá nhân về địa phương và gia đình tiếp tục cách ly 14 ngày tại gia đình. Biện pháp này đã giúp ngăn chặn hiệu quả triệt để nguồn lây từ bên ngoài vào trong nước.
Giai đoạn 3 bắt đầu khi bắt đầu có những ca nhiễm lây lan trong cộng đồng, FO bị mất dấu. Chiến dịch chống Covid-19 trở nên khó khăn hơn bội phần. Việc bùng phát các ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và tại quán Bar Buddha (Tp. HCM) cho thấy nguồn lây khó có thể kiểm soát. Đảng, Nhà nước kích hoạt giai đoạn ba của cuộc chiến. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ra Lời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức để chiến thắng đại dịch. Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công bố dịch trên toàn quốc. Sau hơn một tuần thực hiện, số ca nhiễm COVID-19 ở nước ta từ hai con số/ngày, giảm xuống còn một vài người trong một ngày, có ngày chỉ phát hiện một người cho thấy rõ hiệu quả bước đầu cuả chiến lược này.
Giai đoạn 4 bắt đầu từ 23/4 khi Việt Nam có thể nói “đã chiến thắng trên từng trận đánh”, trong từng giai đoạn, và bắt đầu dần nới lỏng giãn cách xã hội, “thiết lập trạng thái bình thường mới”. Với mục tiêu chung sống an toàn với dịch, vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống người dân, Chính phủ Việt Nam chủ trương “chuyển sang giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt” (Chinhphu.vn). Trong giai đoạn mới, cả nước cần thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân” (Chinhphu.vn).
2. Sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong hơn ba tháng qua, Đảng, Chính phủ đã có những “quyết định đi vào lịch sử”, đó là “chống dịch như chống giặc”, “cách ly xã hội”, nhờ đó, Đảng, Chính phủ đã và đang tập hợp được sức mạnh đoàn kết của toàn dân để cùng chiến đấu với “giặc” Covid-19. Đối với Việt Nam, tất cả những gì đi ngược lại lợi ích của nhân dân, cản trở sự tiến bộ của nhân dân đều bị coi là “giặc”. Bên cạnh “giặc” ngoại xâm, Việt Nam còn chống “giặc đói, giặc dốt”. Virus corona đe dọa sức khỏe và tính mạng con người nên cũng bị xem là một loại “giặc”. Sau 75 năm đất nước hoàn toàn giải phóng, Đảng, Chính phủ Việt Nam mới lại dùng từ “chống giặc” trong những văn bản chính thức của mình. Trận chiến với “giặc” Covid-19 đã khởi đầu với tâm thế chủ động trên tinh thần không quá hoang mang lo lắng nhưng cũng không lơ là, chủ quan. Đồng thời, Đảng và Chính phủ xác định, “chống giặc” là phải có chiến thuật, chiến lược và chuẩn bị lực lượng cần thiết cho các “trận đánh”. (dangcongsan.vn)
Ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19. Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước nêu rõ: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bảo, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. (dangcongsan.vn)
Theo sau Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nội dung trọng tâm là bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết.
Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị… Việc phòng chống dịch được chỉ đạo thực hiện theo phương châm 4 “tại chỗ”: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuộc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ. Nguyên tắc này giúp Việt Nam nhanh chóng phản ứng với tình hình bằng lực lượng tại chỗ và giảm bớt gánh nặng cho các cấp chính quyền trung ương, đồng thời tận dụng được tối đa các nguồn lực sẵn có ở địa phương. Phương châm 4 “tại chỗ” này được thế giới đánh giá cao.
Toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân đã tham gia chống dịch. Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã huy động cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch này gây ra. Bộ Y tế là chủ lực thường trực trong công tác phòng chống dịch. Bộ Quốc phòng phối hợp với ngành y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch tại cửa khẩu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo các công ty du lịch hủy các tour, gói du lịch… Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch và từ vùng có dịch đến Việt Nam. Có thể nói, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, không ai đứng ngoài cuộc (Dangcongsan.vn).
Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, sức mạnh cộng đồng đã được phát huy rất hiệu quả. Ngay từ những ngày đầu chống dịch, Nhà nước đã có các giải pháp đồng bộ, từ đóng cửa biên giới, cách ly các điểm du lịch, huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan y tế chuyên môn, các cơ quan truyền thông và thậm chí là mỗi người dân. Trong giai đoạn dịch bắt đầu bùng phát hiện nay, vai trò của hệ thống cấp ủy, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương là vô cùng quan trọng trong việc thực hiện cách ly, giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”; khai báo y tế, khoanh vùng dập dịch.
Có thể nói, việc nâng mức cảnh báo lên cao nhất: “Chống dịch như chống giặc” là “chiến thuật riêng có” của Việt Nam (Dangcongsan.vn). Ngay từ khi phát hiện dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao trong diện rộng và trong bối cảnh thế giới chưa tìm ra thuốc chữa đã giúp Việt Nam chủ động bố trí nhân lực, vật lực và các phương án phòng chống dịch bệnh đến mức cao nhất. Ban Chỉ đạo quốc gia được thành lập, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu, là cơ quan chỉ đạo cao nhất cho chiến dịch phòng chống COVID-19. Việt Nam ngay từ đầu đã làm cao hơn và sớm hơn những gì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo dự báo. Đã đề ra và thực hiện có hiệu quả những nguyên tắc kiên định: ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và phương châm 4 tại chỗ như đã đề cập ở trên.
Giãn cách xã hội để có thời gian khoanh vùng dập dịch trong cộng đồng cũng là biện pháp mạnh của Chính phủ Việt Nam khi phát hiện nguồn lây chéo trong cộng đồng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 15 và 16 và tuyên bố có dịch, thực hiện giãn cách xã hội, kiểm soát chặt chẽ biên giới thực hiện cách ly 14 ngày. Với tinh thần: tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó. Khi có yêu cầu bắt buộc phải đi lại, ra ngoài nên đi bộ hoặc phương tiện cá nhân, bắt buộc phải đeo khẩu trang và cách xa 2m lúc trao đổi. Mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tùy theo điều kiện cần tổ chức lại không gian làm việc, sinh hoạt và sản xuất theo cách phù hợp nhất; làm việc, hội họp trực tuyến; mua sắm, giao tiếp online. Thực hiện sống chậm; sống đơn giản, tiết kiệm để phòng chống dịch. Từ thực tế phòng chống dịch của nước ta và các nước trên thế giới thời gian qua cho thấy; chính việc đi lại, di chuyển nhanh, nhiều; tụ tập đông người là nguyên nhân cơ bản khiến dịch bệnh phát tán khắp nơi; khiến nhiều quốc gia bị “vỡ trận” mà đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Có thể nói, sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu đã tạo nên tâm thế chủ động “sẵn sàng chiến đấu” như của quân đội góp phần đem lại thành công cho Việt Nam trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, “Chúng ta đã thành công với cơ chế phòng chống thiên tai với nguyên tắc “4 tại chỗ”, đã có sự vận hành tốt nhiều năm qua ở các địa phương. Chúng ta có hệ thống chính trị tuyệt vời. Lực lượng quân đội tham gia phòng, chống dịch ngay từ đầu. Chúng ta đã kiên định nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Nguyên tắc này tưởng như đơn giản nhưng là kiến thức được đúc kết từ những lần chống dịch trước có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia và đặc biệt là được điều hành thống nhất, đồng bộ.” (Báo Quốc tế, 10/4/2020)
Nhìn chung, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đã từng bước được kiểm soát, khống chế và đẩy lùiViệt Nam đã có những chính sách, chiến lược độc đáo, hiệu quả, kịp thời. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thể chế, chính sách có phù hợp đến đâu cũng sẽ không có hiệu quả nếu như không có những con người xả thân, hi sinh, hết mình phục vụ sự nghiệp chung. Hình ảnh người lãnh đạo “vì nhân dân quên mình” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã được nhiều người dân chia sẻ. Hình ảnh của những người lãnh đạo cấp cao nhất đã được phổ biến trên khắp các trang tin. Một trong những hình ảnh được chia sẻ nhiều trong những ngày chống dịch là về Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 – vị Tư Lệnh trên tuyến đầu chống dịch. Trong thời điểm giữa tâm dịch, nhiều người dân đã sáng tác những vần thơ xúc động dành tặng Phó Thủ tướng, đồng thời cũng dành cho các ban ngành Chính phủ, Bộ Y tế, các bác sĩ cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cùng chung sức đồng lòng chống đại dịch. Một trong những sáng tác đó là bài “Ngủ một chút đi anh” của tác giả Phạm Đức Minh, sau đó được nhạc sĩ Tô Vân phổ nhạc và ca sĩ Việt Tú thể hiện. Bài thơ này ngay sau khi sáng tác đã thu hút đông đảo sự chia sẻ và yêu thích trên các trang mạng xã hội. Bài thơ được sáng tác ngay trong đêm 7.3.2020 khi Hà Nội họp khẩn lúc 22 giờ công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn Thành phố. Dưới đây là trích một số đoạn của bài thơ “Ngủ một chút đi anh!”:
Ngủ một chút đi anh Ngắn thôi cũng được Dù đêm nay trên mọi miền Tổ quốc Có triệu người trằn trọc như tôi
Nhân dân tin anh tài đức sáng ngời Đảng trao cho anh niềm tin sắt đá Nên hãy ngủ đi, đừng để mình gục ngã Bởi sáng mai đây cả dân tộc dựa vào Là đầu tàu với trách nhiệm lớn lao Tôi biết anh đã nhiều đêm không ngủ “Chống giặc” từ bên ngoài thôi chưa đủ Mà “giặc” bây giờ đã ở cả bên trong … Gần hết đêm rồi các anh hãy ngủ đi Cả ngành y, quân đội, công an và bao ngành khác nữa Chúng tôi là dân, có thao thức cũng chỉ biết thắp lên ngọn lửa Sưởi ấm cho các anh lãnh đạo cả con tàu. … (Tác giả: Phạm Đức Minh) (Nguồn: saoexpress.vn)
Nhân dân tin anh tài đức sáng ngời Đảng trao cho anh niềm tin sắt đá Nên hãy ngủ đi, đừng để mình gục ngã Bởi sáng mai đây cả dân tộc dựa vào
Là đầu tàu với trách nhiệm lớn lao Tôi biết anh đã nhiều đêm không ngủ “Chống giặc” từ bên ngoài thôi chưa đủ Mà “giặc” bây giờ đã ở cả bên trong
…
Gần hết đêm rồi các anh hãy ngủ đi Cả ngành y, quân đội, công an và bao ngành khác nữa Chúng tôi là dân, có thao thức cũng chỉ biết thắp lên ngọn lửa Sưởi ấm cho các anh lãnh đạo cả con tàu.
(Tác giả: Phạm Đức Minh) (Nguồn: saoexpress.vn)
3. Sự ủng hộ, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 gợi lại cuộc tranh luận về vai trò, trách nhiệm của Đàng lãnh đạo và nghĩa vụ, bổn phận của dân dân. Khi người lãnh đạo mẫu mực, trách nhiệm, đặt lợi ích của toàn dân lên trên hết thì người dân sẽ tự khắc tuân thủ nghĩa vụ, bổn phận của mình. Trong cuộc chiến chống Covid-19, Đảng lãnh đạo tập trung nhưng không độc đoán, mà trên cơ sở lắng nghe ý kiến nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích, sự an toàn và sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết. Điều đó đã giúp huy động sức người, sức của từ đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Thực tế cho thấy, tất cả các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam đã được người dân Việt Nam ủng hộ và thực hiện. Chúng ta nhớ lại câu nói của Hồ Chủ Tịch: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. (Tiền Phong, 2/9/2017)[1]
Sự sáng suốt của Đảng thể hiện ở phương châm “lấy dân làm gốc trong quá trình phòng, chống dịch bệnh”. Với phương châm: tính mạng con người và lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết; “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt, phải phòng bệnh hơn chữa bệnh; thậm chí “phải hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân” như tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ (Dangcongsan.vn). Chính vì quan điểm này đã tập hợp được ý chí, sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng trong quá trình chống dịch. Nhân dân đã cùng Đảng và Chính phủ chống “giặc dịch” bằng cách trong dân gian lưu truyền các câu ca, khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thuộc như: “ở nhà là yêu nước”, “yêu nước thì phải ở nhà”; “chống giặc thì phải xông pha, chống dịch thì phải ở nhà nghe chưa?”; lực lượng y sỹ cũng lan truyền các khẩu hiệu như: “chúng tôi đi làm vì các bạn, các bạn hãy ở nhà vì chúng tôi”…. Trên mạng xã hội đang xuất hiện các khẩu hiệu với những nội dung kêu gọi người dân hãy tự giác, đoàn kết, ủng hộ và hợp tác với chính quyền, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Nhiều tài khoản Facebook đã sử dụng dòng chữ “Hãy đứng im khi Tổ quốc cần” trên ảnh đại diện (avatar) với mục đích vận động mọi người hãy hạn chế đi lại khi không có việc gì đặc biệt quan trọng. Các trang cá nhân cùng nhau chia sẻ những khuyến cáo của cơ quan chức năng cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc sử dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh... “Ai ho báo y tế, ai tung tin giả báo công an, ai trốn cách ly báo cộng đồng mạng”… Trên mạng xã hội đưa ra định nghĩa về COVID-19 là: C – Cắt bớt chi tiêu; O - Ổn định cuộc sống; V – Vệ sinh sạch sẽ; I – Ít tụ tập ăn chơi; D – Đầu tư sức khỏe, trí tuệ; 1 – Điều nhịn; 9 – Điều lành…
Quyết định giãn cách xã hội của Chính phủ đã được chấp hành nghiêm túc. Điều quan trọng là, trong thời gian này, các cơ quan chức năng của hệ thống chính trị đã chăm lo rất chu đáo và đầy đủ mọi mặt đời sống nhân dân. Nhân dân được phép đi lại, di chuyển trong các trường hợp cần thiết, hàng hóa và các nhu yếu phẩm được đảm bảo đủ yêu cầu. Câu chuyện cách ly xã hội được thực hiện nghiêm túc không chỉ thể hiện ý thức tự giác trong phòng chống dịch của người dân mà còn khẳng định tinh thần đoàn kết của nhân dân được phát huy mạnh mẽ trong lúc đất nước gặp khó khăn.
Bản thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thừa nhận, nhân dân là lực lượng quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch Covid (Báo Quốc tế, 10/4/2020). Phó Thủ tướng nêu rõ, ‘với dân số gần 100 triệu người, có đường biên giới dài với Trung Quốc, Việt Nam là nước có nguy cơ lây nhiễm dịch rất cao.” Thế nhưng, Việt Nam đã lần lượt chiến thẳng từng trận đánh với những kết quả, những con số biết nói. (Báo Quốc tế, 10/4/2020)[2] Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “chúng ta xác định nhân dân có vai trò quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch, các lực lượng khác là nòng cốt. Từ đó chúng ta có kế hoạch tuyên truyền vận động, người dân rất tin tưởng, ý thức tự giác cùng tham gia phòng, chống dịch (Báo Quốc tế, 10/4/2020).
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, kỹ sư công nghệ thông tin cũng đã vào cuộc tích cực, đưa ra các giải pháp công nghệ hết sức thiết thực, quan trọng phục vụ công tác truy vết, giám sát các ca bệnh, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, y tế… trong mùa dịch. Cây ATM gạo là một ví dụ tiêu biểu về sự chung tay của các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch. Từ Nam ra Bắc, những cây ATM cấp gạo miễn phí cho bà con bị ảnh hưởng bởi Covid 19 đã được dựng lên. Gạo do các mạnh thường quân tài trợ. Cây ATM gạo thể hiện tinh thần tương thân tương ái, truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” của người Việt. Tất cả những ai có khó khăn đều có thể đến những cây ATM nhận gạo miễn phí.
Cây ATM gạo “lan tỏa yêu thương” này do anh Hoàng Tuấn Anh – CEO Công ty PHGLock (quận Tân Phú, Tp. HCM) chế tạo. Máy hoạt động như cây ATM, chỉ cần nhấn nút, gạo sẽ tự động tuôn ra. Sau khi xuất hiện tại Tp. HCM, cây ATM gạo đã nhanh chóng lan rộng trên cả nước. Xuất phát từ mong muốn “không để ai bị bỏ lại phía sau”, những tấm lòng hảo tâm đã ngày đêm miệt mài vận động, kêu gọi và trực tiếp ủng hộ tiền, công sức để “hồi sức” cho những hoàn cảnh khó khăn giữa vòng xoáy của dịch Covid-19. Riêng tại cây ATM gạo phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, sau 19 ngày liên tiếp thực hiện phát gạo, các nhà hảo tâm đã cấp phát cho gần 30.000 lượt người, mỗi người 3kg gạo, tổng cộng hơn 90 tấn gạo. Trung bình mỗi ngày gần 2000 người nghèo và người khuyết tật… đến nhận gạo miễn phí tại ATM gạo phường Nghĩa Tân (Hanoimoi.com.vn). Hành động đẹp của cây ATM gạo “cho đi sự tử tế” đã lan tảo ra thế giới, nhận được những lời khen ngợi từ bạn bè quốc tế. Các em thiếu niên Ấn Độ cũng làm những video ca ngợi Việt Nam và những cây ATM gạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch.
4. Một số nhận xét, đánh giá
Có thể nói, hoàn cảnh khó khăn, khủng hoảng là phép thử đối với bản lĩnh, tính cách của mỗi cá nhân. Điều này cũng đúng đối với một quốc gia hay một đảng cầm quyền. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là phép thử đối với hệ thống chính trị Việt Nam, đã khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị cũng như uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc chiến này, uy tín của Đảng được nâng cao không chỉ ở trong nước mà còn trên trường quốc tế (Times of India, 20/04/2020) (Times of India, 28/04/2020) (The Diplomat, 09/04/2020).
Theo kết quả khảo sát của Dalia Research, một công ty truyền thông có trụ sở tại Berlin (Đức) vào cuối tháng 3/2020, với câu hỏi “Người dân đánh giá phản ứng của Chính phủ nước mình với Covid-19 ra sao?”, 32.631 người tại 45 quốc gia đã đưa ra ý kiến. Với 62% người Việt được Dalia hỏi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã hành động ‘đúng mức’, Việt Nam trở thành quốc gia có chỉ số niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ cao nhất thế giới vào thời điểm diễn ra đại dịch. (Tuyên giáo, 12/4/2020)[3]
Việt Nam không phải là quốc gia mạnh nhất thế giới nhưng trong cuộc chiến chống Covid-19, Việt Nam có được niềm tin cao nhất của nhân dân. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 một lần nữa khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hệ thống chính trị nước ta, vai trò, chức năng của Đảng là lãnh đạo chính trị, của Nhà nước là quản lý mọi hoạt động của xã hội, của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là tập hợp đoàn viên, hội viên xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo đồng thuận xã hội, củng cố nền tảng chính trị của Đảng, Nhà nước. Cơ chế vận hành của hệ thống chính trị nước ta là: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Việt Nam đang được nhắc tới như một ví dụ điển hình về năng lực trong kiểm soát tốt đại dịch với nguồn lực hạn chế: “Tập trung vào kiểm dịch, cách ly với những khu vực có nguy cơ lây nhiễm và tìm những người có khả năng bị lây nhiễm để cách li là những giải pháp phù hợp và hiệu quả.” “Khi đại dịch chuyển sang một giai đoạn mới, thách thức và cam go hơn thì vai trò tiên phong của Đảng và sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân là những yếu tố quyết định thành công", Giáo sư Khương phân tích. “Chúng ta không chủ quan và đồng lòng thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Chính phủ thì sẽ sớm chiến thắng trong cuộc chiến lần này vì sức khoẻ, an toàn và hạnh phúc của người dân”. (dangcongsan.vn)
Song song với sự tiếp cận chủ động đối với vấn đề quản lý, giám sát y tế và sự can thiệp kịp thời của Chính phủ để đẩy lùi đại dịch trong nước, Việt Nam cũng đã rất thành công trong công tác đối ngoại thời gian qua. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã cho thấy hình ảnh nước Chủ tịch ASEAN chủ động, trách nhiệm, “hợp tác và thích ứng” (Faisal Ahmed, 01/05/2020). Ngày 14/4, hai Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19 đã kết thúc tốt đẹp, thể hiện cam kết chính trị ở mức cao nhất về đoàn kết và hợp tác trong khối cũng như với các đối tác nhằm chiến thắng đại dịch. Theo nguyên Thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh[4], sự chủ động và linh hoạt của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN trong những tháng “sống chung” với dịch Covid-19 được thể hiện ở chỗ: khi bắt đầu xuất hiện dịch bệnh, không chỉ kịp thời ứng phó ở cấp quốc gia, Việt Nam còn chủ động cảnh báo, trao đổi và phối hợp với các nước ASEAN từ rất sớm, thúc đẩy đoàn kết, chia sẻ thông tin, hợp tác phòng chống dịch bệnh. Việt Nam cũng đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại, kể cả bằng trực tuyến, trong ASEAN và với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ, các tổ chức quốc tế nhằm cùng nhau ngăn chặn và sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh. Trong khi vừa quyết liệt chống dịch trong nước, Việt Nam cũng luôn trách nhiệm trong chia sẻ thông tin, chung tay trong khu vực và quốc tế, hỗ trợ lẫn nhau về vật tư, thiết bị y tế, khẩu trang, quần áo bảo hộ… Việt Nam đã giúp đỡ Lào, Campuchia, Myanmar. Việt Nam cũng hỗ trợ, cung cấp vật tư y tế cho các nước đối tác ngoài khu vực như Trung Quốc, EU, Mỹ, Nga… ủng hộ 550.000 khẩu trang cho năm quốc gia châu Âu, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha. Việt Nam cũng tặng 100.000 khẩu trang cho nhân dân Ấn Độ (21/4/2020).
Như vậy, Việt Nam vừa thể hiện tinh thần đoàn kết quốc gia, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế.
Kết luận
Tóm lại, Việt Nam đã thành công trong kiểm soát đại dịch bằng cách phản ứng nhanh chóng, đưa ra các chính sách, chiến lược, biện pháp chống dịch hiệu quả, kịp thời. Không chỉ kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, Việt Nam còn tiếp cận và giúp đỡ các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Những hành động quyết đoán, vì nhân dân, đặc biệt những tầng lớp yếu thế, với mục tiêu “không để ai bị tụt lại phía sau” của Đảng và Chính phủ đã giúp củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo toàn diện, gương mẫu và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Không có “phép màu” nào có thể thay thế sự đồng tâm, hiệp lực của các tầng lớp nhân dân cùng với Đảng cầm quyền và Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch. Một lần nữa, lòng yêu nước, tính năng động, sáng tạo, trí tuệ và bản lĩnh của con Lạc cháu Hồng lại được phát huy cao độ trong thời kỳ đầy cam go, thử thách của đại dịch. Với tinh thần bình tĩnh, tự tin, các bộ ban ngành và cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân từ nông thôn đến thành thị, trong ba tháng qua đã khẩng trương “vào cuộc” và đã đạt được những kết quả quan trọng. Số lượng ca mắc ít, số lượng ca khỏi bệnh nhiều, đặc biệt Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia chưa có ca nào tử vong. Một số bài học rút ra từ thành công của Việt Nam có thể kể đến: thứ nhất, khi Chính phủ thực hiện tốt trách nhiệm của người lãnh đạo, đặt lợi ích của dân lên trên hết sẽ thu phục được lòng dân. Thứ hai, khi nhân dân thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, chấp hành tốt kỷ cương phép nước thì xã hội được ổn định, các quyền công dân được đảm bảo. Thứ ba, khi mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người, khi sự yêu thương, đoàn kết và sẻ chia được lan tỏa sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp vượt qua mọi thách thức. Cuộc sống cách ly cũng trở thành chuỗi ngày nhiều kỷ niệm đáng nhớ và ấm áp tình người. Hình ảnh những người lãnh đạo, những bác sĩ, những người lính quên ăn quên ngủ trên tuyến đầu chống dịch cùng những cây ATM gạo miễn phí trên khắp mọi miền đất nước là biểu tượng của tình yêu thương, đoàn kết góp phần làm nên chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
[1] Tiền Phong, 2/9/2017. “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. https://www.tienphong.vn/xa-hoi/kho-van-lan-dan-lieu-cung-xong-1183128.tpo
[2] Báo Quốc tế, 10/4/2020. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nhân dân là lực lượng quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch Covid-19. https://baoquocte.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-nhan-dan-la-luc-luong-quan-trong-hang-dau-trong-phong-chong-dich-covid-19-113401.html.
[3] Tuyên giáo, 12/4/2020. Đoàn kết là sức mạnh trong cuộc chiến chống Covid-19. http://tuyengiao.vn/y-te-cong-dong/doan-ket-la-suc-manh-trong-cuoc-chien-chong-covid-19-127514
[4] https://baoquocte.vn/hinh-anh-nuoc-chu-tich-asean-2020-chu-dong-hop-tac-va-thich-ung-113666.html
Author: Nguyễn Xuân Trung & Lê Thị Hằng Nga
Source: Chi Bộ Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á