20/05/2020
Đại hội Chi bộ Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của đơn vị. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm sự lãnh đạo của chi bộ với các hoạt động của Viện trong nhiệm kỳ qua; đề ra phương hướng lãnh đạo nhiệm kỳ tới; bầu Ban Chấp hành Chi bộ nhiệm kỳ 2020- 2025 và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng cấp trên.
Hướng về Đại hội, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của Viện Ấn Độ và Tây Nam Á phấn khởi, tự hào và nhận thức đầy đủ về vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với mọi hoạt động của Viện trong những năm qua, đặc biệt là năm 2019 biểu hiện trên các lĩnh vực dưới đây:
1. Công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị
Ngay từ đầu năm 2019, Chi bộ cùng Lãnh đạo Viện đã xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trên từng lĩnh vực; tiến hành phân công, phân nhiệm đối với từng cán bộ, đảng viên; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Chi bộ đã làm tốt công tác phổ biến, đôn đốc đảng viên, cán bộ quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương và của Đảng uỷ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng như Nghị quyết của chi bộ; Thực hiện đúng quy chế, chương trình làm việc đã được đề ra. Cấp uỷ luôn phối hợp chặt chẽ với Lãnh đạo Viện tiến hành phân công, phân nhiệm rõ ràng cho các cán bộ, đảng viên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Từ đó, đã phát huy tinh thần dân chủ, chủ động và sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, xây dựng chi bộ, cơ quan ngày càng vững mạnh, phát triển.
2. Công tác quản lý, điều hành
Năm 2019, Chi bộ và Lãnh đạo Viện đã quán triệt việc thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học và quốc tế hóa các công trình nghiên cứu, trong năm có 35 bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí, trong đó có 4 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục SCOPUS, 5 bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín khác và 3 bài báo bằng tiếng Anh đăng trên tạp chí trong nước; Có 47 bài tham gia hội thảo, trong đó có 18 bài tham gia hội thảo quốc tế tại nước ngoài (16 bài được trình bày), 18 bài tham gia hội thảo quốc tế tại Việt Nam. Viện đang chủ trì thực hiện 03 đề tài cấp Bộ, 03 đề tài do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) tài trợ và 12 đề tài khoa học cấp cơ sở. Các đề tài cấp Bộ và Nafosted đều thực hiện theo đúng tiến độ và đã hoàn thành xong phần lớn các sản phẩm đầu ra (bao gồm bài báo quốc tế, bài báo trong nước và bản thảo sách chuyên khảo). Tổ chức hội thảo quốc tế “ Sáng kiến Vành đai Con đường với các quốc gia trong khu vực” (tháng 7/2019) và hội thảo quốc tế “Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trong bối cảnh mới” (tháng 10/2019) và nhiều buổi sinh hoạt quy mô nhỏ hơn thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học. Với tổng số 28 cán bộ công chức viên chức, trong đó có 4 đồng chí đi học nước ngoài, những kết quả đạt được nêu trên là một thành tích đáng ghi nhận, một sự bứt phá so với những năm trước.
Công tác tư vấn, thông qua việc xây dựng báo cáo tham mưu gửi các ban ngành có liên quan đã từng bước được nâng cao về chất lượng nội dung. Các báo cáo hàng tháng về Kinh tế Ấn Độ có thể đáp ứng tốt nhu cầu tư vấn chính sách của các ban ngành có liên quan. 02 báo cáo kiến nghị thuộc 02 đề tài cấp Bộ thực hiện giai đoạn 2017-2018 đã được gửi lên ban lãnh đạo Viện Hàn lâm.
Công tác đối ngoại, năm 2019 cũng đạt được nhiều kết quả ấn tượng, Viện đã tổ chức được 02 hội thảo quốc tế và nhiều buổi tọa đàm khoa học nhận được sự quan tâm chú ý từ Đại sứ quán Ấn Độ, các học giả trong nước và các nước trong khu vực, các cơ quan tư vấn chính sách và các đơn vị truyền thông; Công tác đón đoàn vào (03 đoàn) và đoàn ra (08 đoàn) luôn được Viện chủ động và thực hiện đúng quy định; Trong năm, Viện đã ký MOU với Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc đại học Quốc gia Tsing Hua (tháng 11/2019).
Công tác Tạp chí và xuất bản phẩm: Trong năm 2019, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á đã in và phát hành 3.900 cuốn tạp chí với 324.000 trang in tiếng Việt và 33.000 trang in tiếng Anh. Đặc biệt, trong năm nay tạp chí đã xuất bản tạp chí số 8 (81) tháng 8-2019, số đặc biệt về Mahatma Gandhi và số tiếng Anh (Vietnam Journal for Indian and Asian Studies. Vol. 1, No. 1 June 2019). Viện đã xuất bản 03 cuốn sách và đang trong quá trình chỉnh lý để xuất bản 02 cuốn sách vào năm 2020, trong đó có 1 cuốn được xuất bản tại Ấn Độ.
Để đạt được mục tiêu và thực hiện được Chiến lược phát triển đề ra, Chi bộ cùng lãnh đạo Viện luôn quan tâm xây dựng và kiện toàn bộ máy lãnh đạo Viện, các phòng ban chuyên môn cũng như đội ngũ cán bộ, gồm cả cán bộ quản lý, nghiên cứu và khối chức năng, nghiệp vụ. Trọng tâm trong công tác cán bộ của Chi bộ là phát huy năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ hiện có; chăm lo tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, đào tạo cán bộ nghiên cứu chủ chốt cả về trước mắt cũng như lâu dài.
Trong năm 2019, Viện đã tuyển dụng được 02 biên chế mới theo hình thức thi tuyển tập trung (01 Tiến sĩ và 01 NCS); hoàn thiện thủ tục thôi việc và chấm dứt hợp đồng lao động cho 01 viên chức; hoàn thiện hồ sơ kéo dài thời gian công tác theo Nghị định 40 cho 01 viên chức; 01 viên chức được xét phong hàm Giáo sư; 02 viên chức được xét đặc cách nghiên cứu viên chính. Đến nay, Viện có 04 Phòng chuyên môn và 03 phòng nghiệp vụ (tinh giản hơn so với giai đoạn trước 02 phòng); 03 Lãnh đạo cấp Vụ, Viện và tương đương; 06 lãnh đạo cấp Phòng; 01 Giáo sư; 01 PGS; 06 Tiến sĩ; 19 Thạc sĩ và 06 nghiên cứu sinh; số lượng công chức, viên chức được đào tạo đúng chuyên ngành và bố trí sắp xếp hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Bên cạnh đó, Chi bộ cùng lãnh đạo Viện đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy trình lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, bổ nhiệm, tiếp nhận, tuyển dụng và đào tạo cán bộ. Đã xây dựng và rà soát, bổ sung, đề nghị cấp trên phê duyệt, thẩm định quy hoạch cấp uỷ nhiệm kỳ 2015 – 2020; 2020-2025 và quy hoạch cán bộ chủ chốt các cấp của Viện giai đoạn 2016-2021; 2021-2026; Công tác lấy phiếu tín nhiệm, tiếp nhận, tuyển dụng và đào tạo cán bộ luôn được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo công khai, dân chủ và minh bạch; Về công tác đào tạo, Chi bộ và lãnh đạo Viện chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ về mọi mặt, khuyến khích cán bộ nghiên cứu tìm kiếm các học bổng và cơ hội đi đào tạo tại Ấn Độ và các nước khác (hiện có 03 NCS được đào tạo tại nước ngoài và 03 NCS được đào tạo trong nước) và nhiều viên chức tham gia các khóa học ngắn hạn, dài hạn ở trong nước để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
- Thứ nhất, công tác chỉ đạo, điều hành công tác quản lý hành chính
Chi bộ và lãnh đạo Viện luôn quan tâm đến cuộc sống của cán bộ cơ quan, đã thực hiện đầy đủ chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm, độc hại...Thực hiện nghiêm túc kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, tạo thành nề nếp, tác phong cho toàn thể cán bộ trong đơn vị; Công tác cải cách hành chính và công tác bảo đảm kinh phí cho các hoạt động thường xuyên, đột xuất của Viện luôn được thực hiện kịp thời, đúng thời gian quy định. Công tác mua sắm trang thiết bị, xây dựng kế hoạch và dự toán NSNN hàng năm được Lãnh đạo Viện chỉ đạo một cách sát sao và khoa học, có phân công rõ ràng và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, đảm bảo thực hiện tiết kiệm, hiệu quả và minh bạch.
- Thứ hai, công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của các tổ chức chính trị, đoàn thể
Chi bộ đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Đảng ủy các cấp về công tác dân vận, nhất là Nghị quyết số 04-NQ/ĐUK của Đảng bộ Khối về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của đảng bộ các cơ quan nhà nước”; xây dựng mô hình “Cán bộ, viên chức Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở” theo tinh thần chỉ đạo của Đảng ủy Viện Hàn lâm tại Công văn số 714 ngày 28/12/2018 về triển khai mô hình “Dân vận khéo”; tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về công tác dân vận trong tình hình mới.
Chi bộ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo BCH Công đoàn cơ sở, Ban thanh tra nhân dân tăng cường hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và kiện toàn tổ chức, hoạt động của Chi đoàn thanh niên và Công đoàn cơ sở. Trong năm, đã phối hợp với BCH các đoàn thể cấp trên tổ chức phát động, triển khai các phong trào, hoạt động thi đua yêu nước. Thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp giữa cấp uỷ chi bộ, lãnh đạo cơ quan và các đoàn thể quần chúng; phát huy vai trò đại diện, tập hợp quần chúng của các đoàn thể, quần chúng, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở và sự đoàn kết, thống nhất cao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn đơn vị.
Bên cạnh đó, Chi bộ còn quan tâm bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên và các cán bộ trẻ thông qua việc giao phụ trách những việc liên quan đến quản lý như quản lý khoa học, hợp tác quốc tế, sinh hoạt khoa học định kỳ và các việc của website, dân quân tự vệ và phòng cháy chữa cháy… Năm 2019, có 02 quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng đều từ nguồn giới thiệu của Công đoàn và Chi đoàn của Viện; Chi bộ luôn đồng hành trong việc tổ chức phát động và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hưởng ứng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do các ngành, các cấp phát động; thực hiện tốt các công tác xã hội như đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ủng hộ đồng bào bị bão lụt”; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên…
3. Đánh giá chung
Năm 2019, 100% công chức, viên chức của Viện đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Viện đạt thành tích KPI đứng thứ 5/tổng số các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Tập thể Viện được xét danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc với 04 chiến sĩ thi đua cơ sở, 01 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 04 Tập thể Phòng được khen thưởng;
Có được những thành tích trên là do Viện đã nhận thức đúng đắn và đầy đủ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Chi bộ và của cơ quan, từ đó xây dựng và thực hiện mối quan hệ đồng bộ giữa cấp uỷ và lãnh đạo Viện. Cấp uỷ, Chi bộ đã chú trọng chất lượng, hiệu quả công việc, coi đó là tiêu chí hàng đầu để nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên trong việc thực thi nhiệm vụ; Luôn tôn trọng và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đề cao tự phê bình, phát huy vai trò gương mẫu của các đồng chí cán bộ chủ chốt. Nhờ đó, thời gian qua không có đồng chí nào vi phạm kỷ luật, không có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ. Các mặt công tác của Viện luôn được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hầu hết các công việc của chi bộ, cơ quan trên các mặt công tác như tổ chức - cán bộ, kế hoạch – tài chính, nghiên cứu khoa học, đào tạo – bồi dưỡng… đều được đưa ra bàn bạc, thông qua tập thể trước khi lãnh đạo ra quyết định, không có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, cá nhân chủ nghĩa; Công tác tổ chức - cán bộ đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng quy trình; phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của các đồng chí cán bộ chủ chốt, xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất cao trong chi bộ và toàn cơ quan.
Đây chính là những thuận lợi làm tiền đề cho công tác xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới và xây dựng tập thể Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á luôn đoàn kết và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao./.
Author: Nguyễn Xuân Trung & Trần Hoàng Long
Source: Chi Bộ Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á