29/03/2019
Quang cảnh buổi tọa đàm
Đại thi hào Tagore là nhà thơ, nhà giáo dục, họa sỹ, đồng thời là người đấu tranh vì chủ nghĩa tự do nổi tiếng của Ấn Độ, người đã giành giải Nobel văn học, tác giả của bản Quốc ca Ấn Độ, đã lần đầu tiên đặt chân tới Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) vào năm 1929. Để kỷ niệm, 90 năm sự kiện lịch sử quan trọng giữa Việt Nam và Ấn Độ này, sáng ngày 29/03/2019, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã kết hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Kỷ niệm 90 năm Gurudev Rabindranath Tagore tới Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh)” (Gurudev Rabindranath Tagore in Saigon @90) do GS. Bidyut Chakrabarty, Phó Hiệu trưởng, Đại học Visva-Bharti, Shantiniketan, West Bengal trình bày.
Buổi sáng cùng ngày, Ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; GS. Bidyut Chakrabarty, Hiệu trưởng, Đại học Visva-Bharti, Shantiniketan, Tây Bengal; và GS.TS. Amarjiva Locha, Đại học Delhi và một số khách mời từ Hội hữu Nghị Việt Ấn đã tới và dâng vòng hoa tưởng niệm Tagore tại tại Bảo tàng Văn học Việt Nam trước khi di chuyển tới Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Chương trình diễn ra với sự tham gia của các học giả và khách mời từ các tổ chức hữu nghị và cơ quan nghiên cứu về Tagore và Ấn Độ, như Bộ ngoại giao, Hội Hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ, Trường ĐH. Khoa học xã hội và Nhân văn, Đh Sư phạm Hà Nội, Viện Văn học, Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam… Ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (VASS); PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS); ông Hà Minh Huệ Phó chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Ấn; Ông Hữu Thỉnh, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam; PGS.TS Lê Văn Toan, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS. Bidyut Chakrabarty, Hiệu trưởng, Đại học Visva-Bharti, Shantiniketan, Tây Bengal; GS.TS. Amarjiva Locha, Đại học Delhi.
Triển lãm tranh bên ngoài tọa đàm
Trong thời gian diễn ra Tọa đàm, những tranh ảnh minh họa về hoạt động của Tagore tại Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) được trưng bày. Chương trình bắt đầu với nghi lễ dâng hoa tại bức ảnh của Gurudev Rabindranath Tagore tại Hội trường. Sau đó, toàn bộ người tham dự được xem Bộ phim tài liệu về Đại thi hào Rabindranath Tagore, người xem đã rất xúc động về cuộc đời hiến dâng cho nghệ thuật và tự do của ông. Tiếp theo là bài phát biểu chào mừng của Ngài Đại sứ Ấn Độ, Ông Parvathaneni Harish đối với các khách mời, và chia sẻ những trân trọng đối với những đóng góp vĩ đại của đại thi hào Tagore. Ông cho rằng chuyến thăm của Tagore 90 năm trước có ý nghĩa to lớn đối với mối quan hệ ngoại giao nhân dân giữa hai nước Việt Nam- Ấn Độ và ca ngợi đóng góp của Tagore đối với đời sống văn hóa xã hội tại Sài Gòn lúc bấy giờ (nay là Tp. Hồ Chí Minh).
Nội dung chính của chương trình là bài giảng của GS. Bidyut Chakrabarty, Hiệu trưởng, Đại học Visva-Bharti, Shantiniketan, Tây Bengal, ngôi trường do Tagore sáng lập. Ông đã giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Tagore, và những đóng góp của ông đối với thơ ca, giáo dục và đấu tranh vì tự do. GS cũng đề cập tới những hoạt động của Tagore khi tới Sài Gòn (nay là TP.Hồ Chí Minh) vào năm 1929 trong quá trình chu du thế giới của mình. Trong thời gian ngắn tại đây, ông đã tiếp xúc với nhiều thi sỹ và nhà yêu nước của Việt Nam và tới thăm nhiều địa danh ở miền Nam Việt Nam. Chuyến thăm Rabindranath Tagore từ Sài Gòn được báo chí đăng tải rộng rãi. Trong thời gian dừng chân ngắn ngủi tại Sài Gòn, các phương tiện truyền thông in đầy những báo cáo minh họa về chuyến viếng thăm của Nhà thơ cùng với bản dịch các bài diễn văn, chuyên luận và thơ bằng tiếng Việt của ông.
Tiếp theo chương trình, GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đại diện cho Lãnh đạo Viện Hàn lâm có đôi lời phát biểu về những di sản vĩ đại trong nghệ thuật, âm nhạc, kịch, hội họa. và tư tưởng của ông về triết lý nhân sinh (đề cao con người, đồng cảm với những người dân nô lệ, đấu tranh đòi tự do và cuộc sống hạnh phúc cho con người); triết lý về “sự thống nhất thông qua đa dạng” tiếp tục có ảnh hưởng vĩnh cửu đối với Ấn Độ nói riêng, thế giới nói chung. Bên cạnh đó, những đóng góp của Tagore đối với nền văn học Việt Nam là rất to lớn. Các tác phẩm của Tagore được dịch và xuất bản trong các sách giáo khoa và các tài liệu văn học có sự tham gia của các nhà thơ nổi tiếng Việt Nam như Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên…
Phần thảo luận do GS.TS Amarjiva Locha, Đại học Delhi điều hành đã thu hút được các ý kiến đóng góp của các học giả tham dự. Các ý kiến đa dạng về mối liên hệ giữa hai nhà tư tưởng lớn của Ấn Độ là Gandhi và Tagore, cho rằng mối liên kết sâu sắc nhưng lại có tư tưởng phương pháp, quan điểm khác biệt. Tuy nhiên, giữa hai nhà tư tưởng lớn này có sự tôn trọng đối với nhau.
Các học giả cũng liên hệ Tagore đối với quá trình giáo dục tư cách, tính nhân văn. Việc giáo dục trong nhà trường khi còn nhỏ định hình tính cách cho trẻ khi lớn lên. GS.TS Đặng Nguyên Anh và TS. Amarjiva Lochan chia sẻ về việc thực hành chân lý của Tagore, cần qua hành động chứ không chỉ là lời nói, cần có thay đổi, tầm nhìn rộng lớn. Đối với các học giả nói chung và các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXH, việc nghiên cứu và tìm tòi những điều mới là rất cần thiêt, họ cần vượt qua những lối mòn, để khám phá những điều mới trong khoa học.
Kết thúc chương trình, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS) đã phát biểu cảm ơn Đại sứ quán Ấn Độ, Viện Hàn lâm KHXH, Hội Hữu Nghị Việt Ấn, Bảo tàng Văn học Việt Nam và các học giả, khách mời tham gia chương trình, và một lần nữa thể hiện sự trân trọng đối với cống hiến của Tagore đối với nghệ thuật và quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Thủy Nguyên