11/10/2018
Ngày 2/10/2018, Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm đặc biệt nhân ngày sinh lần thứ 150 của Mahatma Gandhi tại Khách sạn Melia, Hà Nội. Tham dự và phát biểu tại sự kiện có Ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, GS. TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Mohandas Karamchand Gandhi, người được nhân dân Ấn Độ gọi là “Thánh Gandhi”, là Người Cha của nhân dân Ấn Độ, người đã dẫn dắt Ấn Độ giành được độc lập tự do từ sự cai trị của chủ nghĩa thực dân Anh bằng phương pháp đấu tranh Kiên trì Chân lý (Satyagraha) và Bất bạo động (Ahimsa). Nguyên tắc đấu tranh của Mahatma Gandhi được cho là đã thay đổi hoàn toàn nhận thức chính trị của thế kỷ 20. Năm 2007, Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết lấy ngày sinh của Mahatma Gandhi (ngày 2 tháng 10) là Ngày Quốc tế Bất Bạo động. Từ ngày 2/10/2018, Ấn Độ tổ chức nhiều sự kiện đa dạng để kỷ niệm 150 ngày sinh của Mahatma Gandhi nhằm quảng bá thông điệp về Người về Chân lý và Bất Bạo động, vì Hòa bình của thế giới.
Phát biểu của Ngài P. Harish tại sự kiện nhấn mạnh vai trò và ảnh hưởng của Thánh Gandhi đối với Ấn Độ và thế giới. Thánh Gandhi được gọi là Người Cha của Ấn Độ không chỉ bởi vì Người đã lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ thành công mà còn bởi vì, ông là người duy nhất có thể đoàn kết một đất nước Ấn Độ rộng lớn, đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, sắc tộc... Phát biểu của GS. Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh những phẩm chất tạo nên sự vĩ đại của Thánh Gandhi như sự giản dị, trong sáng, tinh thần phụng sự, tầm quan trọng của việc thực hành những thông điệp sâu sắc của Thánh Gandhi. GS. Đặng Nguyên Anh nhắc lại một số câu nói nổi tiếng của Thánh Gandhi như “Chân lý là Thượng Đế”, “phương tiện duy nhất để đạt đến Chân lý là Ahimsa (Bất bạo động, Bất tổn sinh, sự Yêu thương)”, “hãy là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới”, “kẻ yếu không thể tha thứ (bao dung), tha thứ (bao dung) là thuộc tính của kẻ mạnh”… Phát biểu của Ông Nguyễn Văn Thảo đề cập đến sự gặp gỡ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Thánh Gandhi, về sự ngưỡng mộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự giản dị và nhân ái của Thánh Gandhi.
Đặc biệt, tại buổi Lễ, Thượng tọa Thích Đức Thiện có bài phát biểu tựa đề “Satya Vaarta” (Thông điệp của Chân lý), chia sẻ tình cảm, sự trải nghiệm và những tác động của tư tưởng Thánh Gandhi đối với cuộc đời và tư tưởng của Thượng tọa. Thượng tọa nhấn mạnh những điểm tương đồng trong tư tưởng của Thánh Gandhi và Phật giáo, bao gồm tinh thần Bất bạo động, phương pháp đấu tranh dựa trên sự yêu thương, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chuyển hóa đối thủ bằng sự yêu thương, tha thứ, tinh thần khoan dung, hòa hợp chứ không phải đấu tranh bằng cách tiêu diệt đối thủ.
Nhân dịp này, một bộ tem kỷ niệm về Thánh Gandhi, gồm 7 con tem do Cục Bưu chính Ấn Độ thiết kế, sẽ được ban hành và tặng cho các đại biểu Việt Nam.
Video clip bài hát “Vaishnav Jan To Tene Kahiye” do ca sỹ Phi Nhung trình bày cũng được trình chiếu. Đây là bài hát do Nasri Mehta soạn vào thế kỷ 15 và về sau được Thánh Gandhi đưa vào các bài cầu nguyện buổi sáng của ông tại Sabarmati Ashram.
PV. Nhật Thu