18/11/2015
Thực hiện Quyết định số 1262/QĐ-KHXH ngày 17 tháng 06 năm 2015 về việc cử cán bộ đi công tác nước ngoài của Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ThS. Lê Thị Hằng Nga, Phó Trưởng Phòng phụ trách, Phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, Trợ lý đối ngoại, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, đã tham gia Hội nghị Thế giới lần thứ XXI về ‘Sự năng động của Tôn giáo : Quá khứ và Hiện tại’ tại Trường Đại học Erfurt, Thành phố Erfurt, CHLB Đức. Đây là một Hội nghị diễn ra 5 năm một lần, do cơ quan nghiên cứu lịch sử tôn giáo thế giới (IAHR), dưới sự bảo trợ của UNESCO, và Trường Đại học Erfurt, tổ chức.
Theo thông tin từ ban tổ chức Hội nghị, Hội nghị có sự tham dự của khoảng 1200 học giả đến từ nhiều nước khác nhau. Riêng tại khu vực Đông Nam Á có 8 nhà nghiên cứu tham gia.
Hội nghị tập trung các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử tôn giáo thế giới nhằm làm rõ tiến trình thay đổi và sự tiến triển của tôn giáo trong quá khứ, hiện tại và tương lai ở một số cấp độ liên quan đến nhau, đó là các cấp độ cá nhân, xã hội và cộng đồng, phong tục, tập quán, tín ngưỡng… Những vấn đề này được nghiên cứu ở các lĩnh vực chủ yếu, bao gồm : các cộng đồng tôn giáo trong xã hội : sự thích nghi và biến đổi ; Sự thực hành và giảng nghĩa (practices and discourses) : đổi mới và truyền thống ; cá nhân : tôn giáo, tâm linh và quá trình cá nhân hóa (individualization) ; phương pháp luận : những đại diện và cách giải thích khác nhau.
Đây là một hội nghị xanh (Green Congress). Vì vậy, để giảm thiểu tác động từ việc tổ chức lên môi trường, Ban tổ chức đã hạn chế tối đa việc in ấn, photo. Do đó, người tham gia cần tiếp cận với chương trình, nội dung và tóm tắt của các bài tham luận trên trang web của hội nghị.
Tại Hội nghị, ThS. Lê Thị Hằng Nga đã báo cáo tham luận : ‘Cộng đồng Ấn Độ tại Việt Nam : sự thích nghi hay thỏa hiệp tôn giáo ?’ tại tiểu ban ‘Tôn giáo của Cộng đồng Ấn Độ tại Đông Nam Á’. Tham luận của ThS. Lê Thị Hằng Nga bàn về quá trình du nhập và đời sống tôn giáo của cộng đồng người Ấn ở Việt Nam, đặc biệt dưới thời kỳ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở cuối thế kỷ 19, tại địa bàn chính là Tp. Hồ Chí Minh. ThS. Lê Thị Hằng Nga cho rằng đời sống tôn giáo của người Ấn tại Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, mang tính thích nghi nhiều hơn thỏa hiệp. Điều này thể hiện rõ ở hoạt động tôn giáo của cộng đồng người Ấn tại một số đền Hindu giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là Đền bà Mariamman. Ấn Độ giáo có thể thích ứng dễ dàng trong điều kiện ở Việt Nam vì tôn giáo của người Ấn du nhập vào Việt Nam bằng con đường hòa bình (không phải cưỡng bức như văn hóa Trung Hoa) ; tôn giáo Ấn Độ có những điểm tương đồng với tín ngưỡng dân gian Việt Nam (tục thờ nữ thần Mariamman rất gần gũi với tục thờ Mẫu của Việt Nam)… Hơn nữa, đối với đa số người Ấn, hoạt động tôn giáo thuộc lĩnh vực tâm linh, thuộc địa hạt riêng tư. Hầu hết các nghi lễ tôn giáo quan trọng đều được thực hiện tại nhà. Vì vậy, họ hoàn toàn có thể giữ nguyên nếp sống tôn giáo của mình mà không cần phải thỏa hiệp.
Tham luận của ThS. Lê Thị Hằng Nga đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về cộng đồng người Ấn tại khu vực Đông Nam Á và đã tạo được cuộc trao đổi thú vị giữa tác giả và các nhà khoa học quốc tế.
Nhật Thu