26/06/2014
Lễ khai mạc triển lãm tranh Ấn Độ "Đức Phật đắc đạo".
Đó là mong muốn của Đại sứ Ấn Độ P.Xa-ran trong lễ khai mạc triển lãm tranh Ấn Độ "Đức Phật đắc đạo", được tổ chức hồi đầu tháng 6 vừa qua. Quy tụ 74 tác phẩm mỹ thuật của nhiều họa sĩ xuất sắc đến từ "xứ sở sông Hằng", triển lãm không chỉ truyền tải những triết lý sâu sắc, đầy tính nhân văn của đạo Phật tới người dân Việt Nam mà còn góp phần thắt chặt tình cảm hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước. Tiếp nối thành công rực rỡ của Đại lễ Phật giáo Ấn Độ trong khuôn khổ tuần lễ "Festival văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam", triển lãm tranh "Đức Phật đắc đạo" là hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc, làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước Việt Nam và Ấn Độ trên nền tảng Phật giáo. Triển lãm trưng bày 74 tác phẩm của 26 họa sĩ nổi tiếng đến từ Tổ chức Mỹ thuật hiện đại và xuất sắc quốc tế Ấn Độ, do họa sĩ A.X.Va-xi-ê, người sáng lập tổ chức trên, tuyển chọn. Lấy cảm hứng chủ đạo là Đức Phật linh thiêng và có phong cách thể hiện tinh tế, giàu tính biểu tượng, các tác phẩm này đã giành được sự chú ý, khen ngợi từ khách mời Việt Nam và quốc tế. Chia sẻ về cơ duyên ra mắt triển lãm này, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam P.Xa-ran cho biết: "Quan hệ giao lưu tôn giáo giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có lịch sử hơn hai nghìn năm trước. Hai nước cùng chia sẻ mối liên kết lịch sử, văn hóa, văn minh thân thiết và Phật giáo chính là di sản chung của hai dân tộc. Sau Đại lễ Phật giáo Ấn Độ diễn ra tại chùa Phật tích (Bắc Ninh) với sự tham dự của hơn 3.000 tăng ni, phật tử, tôi càng nhận thấy, nhân dân Việt Nam rất nhiệt huyết với những lễ hội tinh thần và tôn giáo mang thông điệp của Đức Phật về sự hòa bình, an lạc trên thế giới. Do đó, Đại sứ quán Ấn Độ quyết định đưa những bức tranh này tới Hà Nội với mong muốn gửi gắm triết lý của Đức Phật đến với nhiều bạn bè Việt Nam hơn". Ấn Độ là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại và cũng là mảnh đất khởi nguồn của Phật giáo. Cách đây hai nghìn năm, nhà sư Ấn Độ Khâu Đà La cùng các đoàn thuyền buôn theo con đường tơ lụa trên biển đã đặt chân đến chùa Phật tích và mang đạo Phật truyền bá đến Việt Nam. Phật giáo đã trở thành một cầu nối quan trọng trong mối quan hệ văn hóa truyền thống có chiều dài hàng nghìn năm lịch sử giữa nhân dân hai nước. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nhằm thắt chặt mối quan hệ bang giao lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được thúc đẩy và Triển lãm tranh "Đức Phật đắc đạo" là một dấu ấn đặc sắc trong quá trình giao lưu, trao đổi này. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, triển lãm tranh "Đức Phật đắc đạo" là hoạt động giao lưu văn hóa thiết thực nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về nền văn hóa Phật giáo giàu bản sắc của mỗi dân tộc, đồng thời thắt chặt quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước, dựa trên nền tảng vững chắc là tư tưởng từ bi, trí tuệ, bao dung của Phật giáo mà hai dân tộc cùng nhau chia sẻ. Không chỉ góp phần thắt chặt quan hệ giao lưu tôn giáo giữa Việt Nam và Ấn Độ, triển lãm cũng mở ra một cách tiếp cận đặc sắc với tinh thần Phật giáo dưới góc nhìn hội họa. Từ xưa đến nay, người dân và phật tử Việt Nam luôn thể hiện, đề cao tinh thần nhà Phật với nhiều hình thức phong phú, đa dạng qua những câu chuyện, vở kịch, vở chèo... mang lời răn dạy của Đức Phật; mỹ thuật cũng là một phương tiện văn hóa không thể thiếu để truyền tải và tôn vinh những giáo lý này. Tại buổi triển lãm, người xem có dịp thưởng thức những tác phẩm hội họa tâm huyết, thể hiện sắc diện của Đức Phật qua các góc nhìn khác nhau của các họa sĩ Ấn Độ. Với các hình ảnh biểu tượng như: tòa sen, chân dung Đức Phật, ánh sáng Phật giáo, sự giao thoa của Đất - Trời..., 74 tác phẩm đã hướng con người đến với sự hòa hợp, an bình trong tâm tưởng. Họa sĩ Va-xi-ê chia sẻ: "Các nghệ sĩ Ấn Độ đã cố gắng khai thác giá trị thẩm mỹ của tinh thần Phật giáo và đưa những giá trị này đến gần với nhân dân Việt Nam hơn thông qua góc nhìn mỹ thuật. Buổi triển lãm nhận được sự phản hồi tích cực của nhiều người xem, điều đó cho thấy người dân và phật tử Việt Nam cũng rất đam mê hội họa. Đây chính là động lực lớn lao để chúng tôi nỗ lực tăng cường những hoạt động giao lưu tôn giáo giữa hai nước". Bằng ngôn ngữ riêng của nghệ thuật, các tác phẩm đã chạm đến trái tim người thưởng thức, truyền tải trọn vẹn những thông điệp đầy tính nhân văn và góp phần thắt chặt sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ấn Độ. Đại sứ P.Xa-ran tin tưởng, ý nghĩa thiêng liêng và giá trị đạo đức chứa đựng trong những bức tranh sẽ đưa mọi người đến gần hơn với thông điệp về tình yêu, sự an lạc và hòa hợp của Đức Phật trên thế giới.
Theo nhandan.org.vn