21/06/2014
Là một trong những quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới, Ấn Độ đang bắt đầu nỗ lực đối phó với các mối đe dọa an ninh mạng. Số vụ tấn công mạng nhằm vào New Delhi gia tăng rõ rệt trong năm 2013. Một nghiên cứu cho thấy, các mối đe dọa không gian mạng và các cuộc tấn công chống lại các tổ chức chính phủ Ấn Độ tăng 136%, trong khi các cuộc tấn công nhắm mục tiêu các tổ chức cơ quan tài chính tăng 126%. Theo "Báo cáo Norton 2013" của Symantec, đến tháng 7-2013, các cuộc tấn công mạng tinh vi khiến các cá nhân và các Cty Ấn Độ tổn thất 4 tỷ USD. Đó là mặt trái của sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các hệ thống điện thoại di động và điện thoại thông minh. Tại thời điểm các vụ tấn công trực tuyến - gồm lừa đảo, tẩy xóa các trang mạng, đột nhập mạng, virus tấn công - lên cao đỉnh điểm, chính phủ New Delhi công bố Chính sách An ninh mạng (NCSP), vào đầu tháng 7-2013. Tuy nhiên, sự thành công và tính khả thi của chính sách này đang gây nhiều tranh cãi. Tai ương của Ấn Độ Tháng 8- 2012, các cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống Bộ Tư lệnh phía Đông của Hải quân Ấn Độ. Bộ Tư lệnh phía Đông giám sát các hoạt động hàng hải trong vùng biển Đông, cũng như sự phát triển của các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Vào ngày 12-7-2013, chỉ vài ngày sau khi NCSP được công bố, một số quan chức cấp cao của GOI cho biết, email của họ bị đột nhập. Một cuộc điều tra sau đó kết luận có đến 12.000 tài khoản bị tấn công, trong đó có các hệ thống của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO), và lực lượng Cảnh sát biên giới Ấn Độ-Tây Tạng (ITBP). Ngay cả những máy chủ của Trung tâm Tin học Quốc gia, làm nhiệm vụ liên kết tất cả các cơ quan chính phủ, cũng bị ảnh hưởng. Nhân viên của Tổ chức Nghiên cứu kỹ thuật quốc gia (NTRO), cơ quan tình báo kỹ thuật hàng đầu của Ấn Độ thuộc NSA, cho rằng, các vụ tấn công nhằm vào mạng lưới lưu trữ bí mật nhà nước. Trong đó, Trung Quốc được cho là đối tượng khả nghi nhất trong vụ tấn công ITBP bởi New Delhi và Bắc Kinh có lịch sử tranh chấp biên giới lâu dài. Điều này, cùng với sự tham gia gần đây của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) trong các hoạt động gián điệp mạng trên toàn cầu, trở thành hồi chuông báo động New Delhi. Mỹ gần đây chỉ đích danh PLA đột nhập và lấy cắp các bí mật kinh tế, dù Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ. Ngoài ra, các nhóm khủng bố trong khu vực, chẳng hạn như Mujahideen Ấn Độ (IM), sử dụng rất nhiều các trang mạng truyền thông xã hội không chỉ để giao tiếp hiệu quả, mà còn để thực hiện hoạt động tuyển dụng. Trong bất kỳ chính sách mạng nào, GOI cần chủ động đối phó với những vấn đề này. Chính sách An ninh mạng quốc gia NCSP đề cập đến khuôn khổ bảo vệ thông tin mạng bằng cách loại bỏ các lỗ hổng. Các điều khoản chính tập trung hơn vào nghiên cứu và phát triển công nghệ an ninh bản địa, và thử nghiệm hiệu quả. Chính sách này lên kế hoạch tạo ra lực lượng lao động với 500.000 chuyên gia mạng trong 5 năm tới. Chính sách này cũng tạo điều kiện thành lập cơ quan mới Trung tâm Bảo vệ Thông tin cơ sở hạ tầng quan trọng Quốc gia (NCIIPC), chịu trách nhiệm bảo vệ tài sản trong các lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng, tài chính, năng lượng và viễn thông. Đội Ứng cứu khẩn cấp máy tính Ấn Độ (CERT-In), mà trước đây được giao nhiệm vụ bảo mật tài sản quốc gia, giờ sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản mạng không quan trọng, và cũng đóng vai trò là cơ quan đầu mối cho tất cả các trường hợp khẩn cấp an ninh mạng. Mặc dù NCSP là bước đi tích cực hướng tới việc bảo vệ tài sản mạng, chính sách này khó có thể bảo đảm tất cả các mối đe dọa không gian mạng, như họ tồn tại ngày nay. Nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu thông tin chi tiết, cùng với chiến lược khả thi trên toàn quốc. Chính phủ Ấn Độ chi 7,76 triệu USD cho ngân sách an ninh mạng trong năm 2013, trong khi Mỹ là 751 triệu USD. Ấn Độ không có đủ nguồn lực. Ngân sách cũng cần phải tăng lên ít nhất 10 lần nếu muốn hoạt động trôi chảy", Subimal Bhattacharjee, một chuyên gia an ninh mạng và cựu lãnh đạo Tập đoàn thông tin khổng lồ của Mỹ General Dynamics tại Ấn Độ, cho biết. Một điểm quan trọng mà NCSP không đề cập đến là mối quan ngại an ninh trong ngành công nghiệp viễn thông. Ngành công nghiệp viễn thông Ấn Độ đang sử dụng các thiết bị và cơ sở hạ tầng từ các Cty viễn thông toàn cầu, chủ yếu là Huawei của Trung Quốc.
Theo Báo Công an TP Đà Nẵng- CADN Online