15/11/2013
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam và Iran (4/8/1973), Chương trình biểu diễn nhạc truyền thống Ba Tư của “Nhóm Homayoun” được diễn ra vào 17h00, thứ năm, ngày 26/9/2013 tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình được đồng tổ chức bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Đại sứ quán Cộng hòa Iran tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và một số cơ quan, đơn vị khác.
Kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/8/1973. Mối quan hệ Việt Nam và Iran đang ngày càng phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa. Trong 40 năm qua, kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Iran đã có những bước phát triển tích cực. Nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước và các chuyến thăm của lãnh đạo các bộ, ban, ngành đã được thực hiện nhằm trao đổi, thảo luận, tìm các biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Với sự phong phú về văn hóa, và tinh thần yêu chuộng độc lập, nhân dân hai nước đã cùng chia sẻ những lợi ích và sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề quốc tế và khu vực. Mối quan hệ hữu nghị sâu sắc đã được định hình trong quá khứ và ngày càng được định hướng rõ nét.
Là một trong chuỗi sự kiện văn hóa kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Iran và Việt Nam, chương trình biểu diễn nhạc truyền thống Ba Tư của “Nhóm Homayoun” sẽ được diễn ra với các tác phẩm mang âm hưởng của âm nhạc truyền thống Iran, bao gồm:
Nhạc cụ Tar, được biểu diễn bởi nghệ sĩ Mehran Mehrnia. Đây là nhạc cụ được sử dụng phổ biến ở nhiều nền văn hóa và nhiều nước như Iran, Afghanistan, Armenia, Gruzia, Azerbaijan. Tar có nghĩa là Dây trong tiếng Ba Tư.
Nhạc cụ Kamacheh, được biểu diễn bởi nghệ sĩ Shahram Saremi. Đây là nhạc cụ có cùng họ với Rebab hình cung, đàn nguyên thủy của Kamacheh, loại đàn nguyên thủy của dòng violin ở châu Âu. Từ “Kamancheh” trong tiếng Ba Tư có nghĩa là “cánh cung nhỏ”. Đàn Kamancheh được sử dụng rộng rãi trong âm nhạc cổ điển của Iran, Armenia, Azerbaijan, Uzbekistan, Turkennistan và Kurdistan với những biến thể về mặt cấu trúc của nhạc cụ.
Nhạc cụ Santur được biểu diễn bởi nghệ sĩ Sepehr. Tên Santur lần đầu tiên được nhắc đến trong thơ ca cổ đại Iran. Hình thức tương tự của đàn Santur xuất hiện ở các nền văn hóa láng giềng như Ấn Độ, Afghanistan, Pakistan, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Trung Quốc và Hy Lạp.
Nhạc cụ Tanbur, Tonbak, Daf được biểu diễn bởi nghệ sĩ Mir Farsad Maleknia. Trong đó, Tanbur là nhạc cụ truyền thống của Iran, gắn liền với âm nhạc thần bí (Sufi) của người Turk ở phía Tây Iran. Tonbak là một loại trống có chân từ Ba Tư, là nhạc cụ gõ chủ yếu trong âm nhạc Ba Tư. Còn Daf là loại trống Ba Tư có khung to được sử dụng trong âm nhạc cổ điển và đại chúng.
Chương trình biểu diễn hứu hẹn sẽ mang lại nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa chính trị to lớn, góp phần nâng cao sự hiểu biết của hai nước.
P.V