15/11/2013
Ngày 04/07/2013, tại Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã diễn ra tọa đàm khoa học với chủ đề “Xung quanh việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hoa Kỳ” do PGS.TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học chiến lược, Bộ Công an trình bày.
Tham dự buổi tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS. Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á và một số nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
Theo PGS.TS. Lê Văn Cương, trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, chúng ta phải trả lời 03 câu hỏi: (1) Mối quan hệ đó diễn ra như thế nào? (2) Tại sao nó lại diễn ra như thế? Và (3) Sắp tới nó sẽ đi đến đâu. Trong buổi tọa đàm, PGS.TS. Lê Văn Cương đã tập trung làm rõ và đi sâu vào câu hỏi (2) và (3).
Câu hỏi (2) và (3), được diễn giả phân tích qua các khía cạnh: Hoa Kỳ là ai? Việt Nam là ai? Hoa Kỳ cần gì ở Việt Nam? Việt Nam cần gì ở Hoa Kỳ? Những nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ?
Trả lời cho những câu hỏi đó, diễn giả đã liên hệ đến sự sụp đổ của Liên Xô, quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc những năm 1958 - 1962 và hiện nay. Đồng thời cho rằng, trước đây và hiện nay, dòng chảy của Hoa Kỳ - Nhật Bản - Tây Âu vẫn là dòng chảy chính của lịch sử, và có thể nói đến đại hội Đảng lần thứ XII, XIII Việt Nam vẫn chưa thể đi vào dòng chảy chính. Vậy những nhân tố nào đã và đang tác động đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ? Theo phân tích của diễn giả, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, bị điều lái phần nhiều bởi những biến động khu vực, quốc tế bên cạnh những yếu tố khác, và hệ quả chiến tranh.
Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều câu hỏi và ý kiến thảo luận xoay quanh vấn đề Hoa Kỳ - Trung Quốc - Việt Nam. Và vấn đề ý thức hệ, lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc, vấn đề Việt Nam gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương).
Buổi tọa đàm thật sự có ích và ý nghĩa, bởi diễn giả đã cung cấp một bức tranh tổng quát về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đã xâu chuỗi những sự kiện lịch sử và dự đoán về triển vọng của mối quan hệ của hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây là hoạt động sinh soạt khoa học thật sự bổ ích đối với các nhà nghiên cứu.
P.V