19/05/2014
Với chủ trương hội nhập khu vực mà Iran đang theo đuổi trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là do dư luận quốc tế chống lại chương trình hạt nhân của Iran, Iran đang cố gắng thúc đẩy hợp tác với các quốc gia lớn trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Những tương đồng văn hóa, văn minh giữa Iran và các quốc gia Đông Nam Á là một trong những vấn đề chung thúc đẩy Iran tăng cường hợp tác với các quốc gia này.
Trong bối cảnh Iran triển khai chính sách ngoại giao tăng cường hội nhập với các quốc gia Đông Nam Á và trên nền tảng mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam - Iran từ năm 1973 đến nay, cùng những điểm tương đồng về văn hoá, lịch sử gắn bó giữa hai nước, hiện nay, quan hệ hợp tác Việt Nam - Iran đã bước sang giai đoạn phát triển mới - giai đoạn phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật; trong đó nổi bật là hợp tác thương mại, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, dầu khí, sản xuất xi măng v.v..
Tuy nhiên, có thể nói quan hệ hợp tác Việt Nam - Iran vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng của hai nước, mặc dù hai nước có những lợi thế kinh tế có thể bổ sung cho nhau. Do vậy,để tiếp tục phát huy mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp sẵn có, cả Việt Nam và Iran đều cần có những nỗ lực mới và lớn hơn nhằm tìm kiếm các chính sách, biện pháp hợp tác phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Trong đó, nghiên cứu các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội Iran và quan hệ Việt Nam - Iran tại Việt Nam sẽ tạo nền tảng quan trọng nhằm đưa ra các giải pháp, kiến nghị chính sách cho chính phủ Việt Nam và Iran để đưa quan hệ Việt Nam - Iran phát triển lên tầm cao mới, đóng góp thiết thực vào sự thịnh vượng của hai nước.
Do vậy, ngày 12/5/2014, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã có buổi làm việc với Ngài Hossein Alvandi Behineh, Đại sứ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, và Ông Mahmoud Alizadeh, Bí thư thứ ba, về Dự án thành lập Chương trình Nghiên cứu Iran tại Việt Nam. Dự án này nhằm đạt được mục tiêu dài hạn là phát triển ngành Iran học trở thành một lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án sẽ giúp cung cấp các thông tin cần thiết, các cứ liệu khoa học cho các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam và Iran, cho sinh viên, học giả và những ai quan tâm đến Iran tại Việt Nam; giới thiệu về đất nước và con người Iran và Việt Nam cho nhân dân hai nước, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Iran.
Ông Hossein Alvandi Behineh đã hoàn toàn ủng hộ Chương trình này và cam kết sẽ hỗ trợ hết sức để giúp cho Chương trình Nghiên cứu Iran tại Việt Nam đạt được kết quả tốt nhất. Theo Chương trình, Đại sứ quán nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ cung cấp các suất học bổng ngắn hạn và dài hạn về tiếng Ba Tư, và các lĩnh vực nghiên cứu khác về Iran cho các cán bộ nghiên cứu của Viện. Ngoài ra, các chương trình trao đổi học giả, hội thảo khoa học quốc tế, các đề tài nghiên cứu chung về Việt Nam, Iran và quan hệ Việt Nam - Iran sẽ thường xuyên được tổ chức và thực hiện giữa hai nước.
P.V
Tổng hợp: ThS Nguyễn Đắc Tùng, Phòng NC Lịch sử-Văn hóa và Chính trị, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á