25/11/2013
Thực hiện Quyết định số 1546/ QĐ-KHXH ngày 09 tháng 10 năm 2013 về việc cử cán bộ đi công tác nước ngoài của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS. TS. Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á và ThS. NCS. Lê Thị Hằng Nga, Trợ lý đối ngoại, Phó Phòng phụ trách, Phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, đã đi công tác tại Ấn Độ từ ngày 23 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11 năm 2013.
Trong thời gian tại Ấn Độ, đoàn đã đến công tác tại 02 thành phố New Delhi và Kolkata.
Tại Delhi, đoàn đã có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Trung Quốc (ICS); Viện Nghiên cứu và Phân tích Chiến lược (IDSA) trực thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ; Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột (IPCS); Viện Nghiên cứu các nước đang phát triển (RIS); Trường Quốc tế học, Đại học Jawaharlal Nehru và đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi.
Lễ ký kết hợp tác (MOU) giữa Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VNIISAS) (Đại diện là PGS. TS. Ngô Xuân Bình, Viện trưởng)với Viện Nghiên cứu và Phân tích Chiến lược (IDSA) (Đại diện là TS. Arvind Gupta, Tổng giám đốc).
Tại các Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột (IPCS) và Viện Nghiên cứu các nước đang phát triển (RIS) và Trường Quốc tế học, Đại học Jawarharlal Nehru, đoàn đã gặp gỡ với lãnh đạo của các đơn vị, trao đổi khả năng hợp tác và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục phối hợp nghiên cứu và trao đổi học thuật.
Tại Kolkata, đoàn đã đến Santineketan và tiếp xúc với các Khoa Lịch sử, Khoa Văn hóa và Ngôn ngữ Trung Quốc của Đại học Vishva-Bharati, trường đại học do R. Tagore, người châu Á đầu tiên được giải Nobel thành lập. Đoàn cũng đã đến thăm các làng quê Ấn Độ tại Santiniketan để tìm hiểu về đời sống thực sự của nông thôn Ấn Độ.
Cũng tại Kolkata, đoàn đã tham dự buổi hội thảo tại Viện Nghiên cứu Châu Á Maulana Abul Kalam Azad (MAKAIAS) với các báo cáo về những triển vọng và thách thức trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, về Phật giáo tại Việt Nam. Ngoài ra, đoàn cũng có buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu với các cán bộ của MAKAIAS, và giao lưu với Đại học Calcutta, một trong những trường đại học lớn và lâu đời nhất ở Ấn Độ. Tại MAKAIAS và Đại học Calcutta, ngoài việc trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, đoàn cũng đã có những trao đổi thiết thực về tư liệu nghiên cứu liên quan đến đối tượng nghiên cứu của cả hai phía.
Ngày cuối cùng của chuyến công tác khép lại với việc đoàn đến thăm Raichak, khúc cuối của dòng sông Hằng linh thiêng, nơi hòa nhập những nhánh sông khác nhau trước khi đổ ra Vịnh Bengal.
Nhìn chung, chuyến công tác của Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á vừa qua đã rất thành công, tạo nên những bước phát triển quan trọng trong hợp tác quốc tế của Viện. Thành công nổi bật của chuyến đi là việc ký kết được 02 Bản ghi nhớ (MOU) với các đối tác Ấn Độ. Ngoài ra, việc gặp gỡ, tiếp xúc với một loạt các cơ quan nghiên cứu và trường đại học lớn của Ấn Độ ở hai thành phố Delhi và Kolkata đã giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa Viện với các đối tác Ấn Độ, đồng thời đã giúp giới thiệu với bạn bè Ấn Độ về Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
Lê Thị Hằng Nga
Tổng hợp: ThS Nguyễn Đắc Tùng, Phòng NC Lịch sử-Văn hóa và Chính trị, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á