13/06/2017
Thy Thương*
Đến năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên chủ chốt của NATO, đã đứng ngoài trong cuộc chiến chống ISIS. Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến tranh với lực lượng dân quân người Kurd ở Syria - lực lượng mặt đất duy nhất được huấn luyện để tham gia ISIS.
Mối lo lớn nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ là người Kurd giành được độc lập, cho dù là ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Theo quan điểm của Ankara, vấn đề độc lập của người Kurd ở Syria tối thiểu cũng leo thang thành cuộc xung đột kéo dài ba thập kỷ và nghiêm trọng hơn, có thể đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Người Kurd chiếm từ 15 đến 25% dân số của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng số liệu này chỉ mang tính tương đối bởi chính phủ nước này nghiêm cấm việc phân loại sắc tộc. Đa số người Kurd sống ở phía đông nam, gần biên giới Syria và Iraq. Nhiều người trong số họ muốn ly khai và thành lập một nhà nước độc lập.
Người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực hiện được điều đó với sự giúp đỡ từ bên ngoài. Điều này đã được minh chứng bởi nhóm người Kurd ở Iraq – những người này được giải phóng khỏi chế độ Saddam Hussein sau khi kết thúc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, tuy giành được độc lập nhưng họ chưa có tên riêng cụ thể. Cuộc nội chiến ở Syria cho phép người Kurd có thể tạo một không gian của riêng mình, nằm giữa ISIS và chế độ Assad[1] - đó là những gì Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại. Tuy Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia hùng mạnh nhưng không có nghĩa là nguy cơ bị lật đổ chính quyền không thể xảy ra. Bởi tấm gương của họ - chính quyền của Saddam Hussein ở Iraq và chính quyền Bashar al-Assad ở Syria cũng là những chính quyền hùng mạnh trước khi trở nên suy yếu bởi những cuộc bạo loạn.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh tất cả mọi người trong đất nước đều là người Thổ Nhĩ Kỳ (Turk), dù họ có thích điều đó và thừa nhận nó hay không. Người Kurd, theo chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, không phải là dân tộc riêng biệt. Thay vào đó, họ là những "người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống ở vùng núi bị mất ngôn ngữ". Nhưng dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như dân tộc Ả Rập, hầu như không tồn tại cho đến ngày tàn của đế chế Ottoman vào cuối Thế chiến lần thứ nhất. Rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ là tàn dư của đế chế đa dân tộc đó, là tập hợp của nhiều bản sắc khác nhau. Với người Kurd, người Ả Rập, người Zaza, và người Alevi thiểu số, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không đồng nhất hơn khi so với tàn dư của Soviet (Soviet empire - nguyên văn của tác giả chỉ Liên bang Xô Viết) với các dân tộc Tatars, Ingushetia, Sakha, Chechnya, và một số lượng lớn khác của các dân tộc không phải Nga (non-Russian) ở các khu vực ngoại vi.
Khi Mustafa Kemal Ataturk thành lập nước cộng hòa hiện đại từ đống tro tàn của Thế chiến lần thứ nhất, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng để hòa hợp tất cả các dân tộc vì mục đích đoàn kết quốc gia và ngăn chặn việc mất mát lãnh thổ. Nhưng người Kurd từ chối tham gia bởi vì phương Tây đã hứa hẹn giúp đỡ họ thành lập nhà nước riêng. Cho đến ngày nay, họ là dân tộc không có nhà nước lớn nhất trên trái đất. Nhiều người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy gắn bó thân thiết với đồng bào của họ (người Kurd ở Iran, Iraq và Syria) hơn là với những người đồng hương danh nghĩa - những dân tộc khác ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đế quốc Ottoman[2] là một liên minh tương đối lỏng lẻo trong đó người Kurd có một vùng lãnh thổ cho riêng mình. Nhưng nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại được thành lập là một nhà nước cộng hòa mang phong cách phương Tây, tập trung quyền lực mạnh mẽ trong đó người Kurd bị chinh phục và đồng hóa. Dân tộc Kurd phải di dời khỏi phần phía đông của đất nước, trong khi người Thổ Nhĩ Kỳ gốc Âu di chuyển đến sinh sống tại các khu vực xa nhất của Bán đảo Tiểu Á. Thậm chí ngôn ngữ của người Kurd cũng đã bị cấm trong trường học, văn phòng chính phủ, và ở những nơi công cộng cho đến năm 1991. Trước đây, câu nói đơn giản "Tôi là một người Kurd" bằng tiếng của người Kurd cũng được xem là một hành vi phạm tội. Năm 2009, một nhà chính trị người Kurd đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn khi nói một vài từ bằng tiếng Kurd ở tòa nhà Quốc hội. Giáo sư Erik Meyersson của Trường Kinh tế Stockholm cho rằng "Việc nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các hoạt động trấn áp người Kurd xuất phát từ lý do đề phòng những hậu quả của sự mất tập trung quyền lực hơn là sự thiếu thiện cảm được kế thừa từ quá khứ".
Bắt đầu từ năm 1984, Đảng Công nhân người Kurd, viết tắt là PKK - ban đầu được hỗ trợ bởi Liên Xô - đã tiến hành một một cuộc chiến du kích chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Theo số liệu của chính phủ, cuộc chiến đã gây ra cái chết của hơn 45.000 người, tương đương với số lính Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Hầu hết người thiệt mạng là người Kurd, những người còn sống thì phải chịu những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Chín năm trước, người viết bài lái xe từ Istanbul đến miền bắc Iraq và đã bàng hoàng khi phát hiện ra rằng người Kurd ở Iraq có cuộc sống sung túc và dễ chịu hơn rất nhiều so với cuộc sống trong bom đạn và bị áp bức của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng được xem là một ứng cử viên có thể gia nhập Liên minh châu Âu, còn Iraq là một trong những quốc gia bất ổn và bị tàn phá nặng nề nhất trên thế giới, nhưng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có cuộc sống khốn khó hơn rất nhiều so với người Kurd ở Iraq.
Từ giữa năm 2013 đến giữa năm 2015, nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ và PKK có một giai đoạn tương đối yên bình khi hai bên thỏa thuận ngừng bắn, nhưng vào cuối tháng 7, đội quân ném bom các vị trí của PKK ở miền bắc Iraq, và PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố kết thúc thỏa thuận ngừng bắn. Một làn sóng tấn công các trạm cảnh sát diễn ra trên toàn quốc gia vào tháng 8 khiến cho viễn cảnh hòa bình ổn định ở Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên mờ mịt.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã được cảnh báo về sự tồn tại của một khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq và đã nhiều lần đe dọa tấn công nếu khu vực này tuyên bố độc lập khỏi Baghdad. (Đó có thể là lý do duy nhất mà người Kurd ở Iraq vẫn chưa tuyên bố độc lập). Hiện tại, cảnh báo này được tăng lên gấp đôi khi người Kurd ở Syria đã thiết lập được khu tự trị riêng, mà họ gọi là Rojava, trong khi người Ả Rập ở Syria đang tàn sát lẫn nhau trong một cuộc nội chiến. Và thậm chí sự cảnh báo còn tăng lên gấp 3 lần đối với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, khi lực lượng dân quân người Kurd ở Syria, Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (People’s Protection Units - YPG), được hỗ trợ bởi PKK.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan - giống như bất kỳ người Turk nào - lo sợ rằng nếu người Kurd thành lập một quốc gia độc lập ở ở Syria, họ sẽ giúp người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại Ankara. Sẽ là tốt hơn cả nếu người Kurd ở Syria sẽ không hợp tác với PKK. PKK có thể sẵn sàng tham gia một cuộc chiến lâu dài, đây là điều mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không mong muốn.
Theo Abdullah Mohtadi - lãnh đạo của Đảng Komala, một nhóm Cộng sản tự do cánh tả người Kurd ở Iran nhóm sống lưu vong ở Iraq: Người Kurd có tinh thần dân tộc rất cao. Bản chất tự nhiên của họ không có dân chủ. Họ không có nguyên tắc, không bạn hữu, không cam kết, không giá trị riêng. Tiếng nói chung trong tất cả các phong trào của người Kurd là của tập thể chứ không phải của cá nhân nào.
Mặc dù vậy, Hoa Kỳ vẫn ủng hộ người Kurd ở Syria bởi họ là lực lượng mặt đất duy nhất có khả năng chiến đấu và chiến thắng ISIS. Các lựa chọn khác ở Syria có thể là Hezbollah, một tổ chức Hồi giáo Sunni, căm ghét chế độ Assad và chắc chắn sẽ ngả về phía Hoa Kỳ; Nusra Front, một tổ chức có liên hệ với Al-Qaeda; và một số ít các nhóm Sunni đã không còn đạt được hiệu quả hoạt động như trước đây.
Người Kurd là tộc người dành sự ủng hộ cho Mỹ cao nhất ở khu vực Trung Đông. Họ có xu hướng thân Mỹ hơn so với Israel. Nhưng các nhóm ủng hộ PKK lại có một chút khác biệt. Họ đã từng được Liên Xô ủng hộ và đang xung đột với một thành viên của NATO. Người Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu ít nhất một nửa trách nhiệm cho cuộc xung đột đó. Người Kurd sẽ không thể chấp nhận sự xâm phạm văn hóa tại bất kỳ nơi nào trong khu vực. Nếu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đề nghị giúp đỡ người Kurd, chắc chắn họ sẽ đồng ý. Tuy vậy, điều đó không xảy ra và họ sẽ chấp nhận sự giúp đỡ và ý thức hệ từ Nga như một sự thay thế.
Người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria không đấu tranh để tập thể hóa nông nghiệp. Họ không quan tâm đến việc thanh trừng các địa chủ hay "kulaks." Họ cũng không hề quan tâm đến việc áp đặt một nhà nước ở Ankara. Đầu tiên và trước hết, họ đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít của ISIS, thứ hai là cho nền độc lập của người Kurd - một hệ thống chính trị trường tồn, và thứ ba là sự bình đẳng giới tính. Giống như những người cực hữu kỳ thị đạo Hồi ở Mỹ, họ căm ghét đạo Hồi. Nếu so sánh với các dân tộc trong khu vực, họ là những người theo chủ nghĩa tự do.
Tất nhiên vào thời điểm hiện tại Hoa Kỳ sẽ không chống lại người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù người Kurd ở Iran và Iraq có vẻ là lựa chọn hợp lý hơn về chính trị, nhưng Hoa Kỳ hiểu rằng họ đang tham gia một cuộc chiến tranh ủy nhiệm[3]. Với những lực lượng ủy nhiệm hiện nay, các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) chính là lực lượng hiện đại nhất mà Hoa Kỳ có được ở Syria để chống lại ISIS.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại nhìn nhận mọi vấn đề theo cách khác. Vào đầu mùa hè, Erdogan tỏ ra không hài lòng khi các lực lượng người Kurd ở Syria giải phóng thị trấn Tel Abyad khỏi ISIS. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã lập một kế hoạch xâm lược Syria, không phải để chống lại ISIS mà để thiết lập một vùng đệm có chiều rộng khoảng 30 km để ngăn chặn người Kurd ở Syria kiểm soát đất nước của mình. "Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép việc thành lập một nhà nước ở biên giới phía nam của chúng tôi và phía bắc của Syria," ông Erdogan nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì điều đó với bất cứ giá nào.
Cần phải xem xét nhiều khía cạnh của lời tuyên bố cứng rắn đó. Thổ Nhĩ Kỳ - một thnafh viên của NATO, thậm chí còn tỏ ra tức giận vì ISIS mất lãnh thổ và cho biết đã sẵn sàng tấn công Syria, không phải để chống ISIS mà để ngăn chặn các đồng minh của Mỹ.
Các nhà phân tích và hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ đã tranh luận trong nhiều năm về việc: giữa nhóm Syria-Iran-Hezbollah và ISIS, lực lượng nào đáng sợ hơn. Rõ ràng, cả hai lực lượng này đều vô cùng nguy hiểm. ISIS có thể sát hại người Mỹ ngay trên đất Mỹ và ở ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc tranh luận xem ISIS và người Kurd bên nào nguy hiểm hơn đã kết thúc. Mặc dù Ankara không có lợi ích chung với ISIS nhưng lực lượng này chưa hề gây hấn với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ suốt 30 năm qua. Vì lý do đó, theo quan điểm của người Thổ Nhĩ Kỳ, ISIS không đáng lo bằng người Kurd.
"Chỉ huy ISIS nói với chúng tôi chẳng phải lo sợ gì cả", một cựu kỹ thuật viên truyền thông của ISIS trả lời phỏng vấn tờ Newsweek, "vì đã có sự hợp tác đầy đủ với người Thổ Nhĩ Kỳ và họ cam đoan với chúng tôi rằng không có gì sẽ xảy ra. ISIS nhận thấy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của mình, đặc biệt khi tấn công người Kurd ở Syria. Người Kurd là kẻ thù chung của cả ISIS và Thổ Nhĩ Kỳ ".
Tổng thống Obama từng phàn nàn rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể làm nhiều hơn để ngăn chặn dòng di chuyển của các "chiến binh" vào Syria. Thổ Nhĩ Kỳ quả thực có thể làm được điều đó vì nước này có đường biên giới dài với Syria. Tuy nhiên biên giới đã bị đóng cửa, người viết bài này đã thấy những bãi mìn ở rất nhiều nơi khi lái xe dọc biên giới.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những lực lượng quân đội lớn trên thế giới, đứng thứ hai trong NATO, nếu muốn lực lượng này có thể quét sạch ISIS khỏi lãnh thổ. Trong khi Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd có thể tiến vào các vùng lãnh thổ do ISIS nắm giữ chỉ với một lực lượng dân quân được trang bị sơ sài, thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể giải phóng người dân Syria khỏi các lực lượng Assad, Hezbollah, và ISIS cùng một lúc. Nhưng trong nhiều năm Erdogan đã không làm điều đó, thậm chí còn duy trì tình trạng hiện tại.
"Bạn nên hiểu một điều", một kẻ buôn lậu người Thổ Nhĩ Kỳ nói với phóng viên Jamie Dettmer của tạp chí Daily Beast, "Không khó khăn để có thể vào Caliphate (vùng lãnh thổ do ISIS nắm giữ) nhưng muốn đi xa hơn về phía tây hoặc phía đông, vào các vùng lãnh thổ của người Kurd thì sẽ khó khăn hơn nhiều khi phải né tránh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đi qua biên giới. Ngay cả những con chim cũng không thể bay lại từ phía đó."
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có tiềm lực không thể xem thường và đã phát triển trước Iraq tới 1.000 năm. Không phải ngẫu nhiên mà ISIS đã có thể tăng cường lực lượng của mình dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi người Kurd không thể làm điều đó. Nếu Erdogan có thể ngăn chặn người Kurd vượt qua đường biên giới đó, ông ta cũng có thể ngăn chặn được ISIS. Cho nên có thể hiểu tất cả là do chủ ý của Erdogan.
Chính phủ của Ergogan cũng không phải là một nhà nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Ông ta không bảo hộ cho ISIS, và cũng không cùng phía với họ về ý thức hệ. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm qua Ergogan đã để mặc cho một trong những kẻ thù tồi tệ nhất của Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ đồng thời tấn công một trong những đồng minh tốt nhất của Hoa Kỳ trong khu vực.
Trước đây, Hoa Kỳ đã có tiền lệ trong việc tham gia những quan hệ đồng minh không tốt đẹp: đó là việc ủng hộ các chế độ độc tài quân sự ở Mỹ Latinh để ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản sang Tây Bán Cầu khi chủ nghĩa này tiến đến Cuba và Nicaragua. Hoa Kỳ cũng đứng về phía Saddam Hussein trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Tuy nhiên sau đó, Hoa Kỳ đều chống lại chính những nước đã từng là đồng minh này.
Tổng thống Truman đã từng hợp tác với Stalin để chống lại Hitler, nhưng ngay lập tức ông thay đổi lập trường trong cuộc Chiến tranh Lạnh chống lại Liên Xô sau khi Đức Quốc xã sụp đổ. Sự hỗ trợ của Washington cho các chế độ độc tài quân sự ở Mỹ Latin cũng kết thúc hoàn toàn sau sự sụp đổ của Liên Xô. Quá trình can thiệp vào Panama để lật đổ Manuel Noriega đã được lên kế hoạch chỉ vài ngày sau khi bức tường Berlin sụp đổ và được thực hiện trong tháng tiếp theo. Các chế độ chính trị ở Nam Mỹ sau đó sụp đổ liên tiếp. Năm 2002, Hoa Kỳ lật đổ hoàn toàn chính quyền Saddam Hussein.
Tương tự như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có thể chuyển sang lập trường chống ISIS. Thổ Nhĩ Kỳ không bị ép buộc phải đồng thuận với PKK hoặc bất kỳ phong trào độc lập của người Kurd nào khác, bởi điều đó là không thể. Nhưng cần một sự công nhận từ phía Ankara rằng ISIS đe dọa lợi ích và an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn so với PKK.
Mặc dù vậy, một số dấu hiệu tích cực cho thấy chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã có những điều chỉnh nhất định: vào tháng Bảy, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bao vây và bắt giam hàng trăm thành viên ISIS. Khó có thể suy đoán mục đích của người đứng đầu chính phủ khi đặt ra những quy định này. Có thể Ankara làm vậy để tránh khỏi sự chỉ trích của phương Tây, hoặc họ đã nhận thấy rằng, không giống như người Kurd, ISIS là mối đe dọa cho toàn nhân loại. Cũng có thể Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy họ có thể cùng một lúc chống cả hai lực lượng này.
Chỉ vài ngày sau sự kiện trên, một kẻ đánh bom tự sát đã sát hại 28 người tại một cuộc họp của các lực lượng ủng hộ người Kurd ở thành phố Suruç, Thổ Nhĩ Kỳ. Suruç nằm sát biên giới Syria, bên kia là Kobane của người Kurd. Kobane đã được lực lượng người Kurd giải phóng từ tay ISIS vào năm ngoái. Không lực lượng nào nhận trách nhiệm, nhưng gần như chắc chắn ISIS đã thực hiện vụ việc này. Còn ai khác muốn tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd cùng một lúc?
Các lực lượng dân quân người Kurd là đối thủ khó khăn nhất mà ISIS phải đối mặt. Tấn công người Kurd ở Suruç là thông điệp của ISIS rằng người Kurd không được an toàn, thậm chí cả bên ngoài Syria và Iraq. Đồng thời, ISIS cũng gửi một thông điệp tới Thổ Nhĩ Kỳ. "Chúng tôi không muốn chống lại các bạn vào lúc này. Cuộc chiến của chúng tôi là ở Syria. Nhưng chúng tôi có thể tấn công đất nước của bạn bất cứ khi nào, vì vậy hãy đứng ngoài cuộc chiến này".
Thổ Nhĩ Kỳ có sẽ chống lại ISIS nếu người Turk bị giết chết, còn những cái chết của người Kurd lại không gây ra phản ứng gì đáng kể. Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ Metin Gurcan viết trong Al-Monitor: "Chứng kiến những tranh cãi trong dư luận Thổ Nhĩ Kỳ sau khi các cuộc tấn công nổ ra, và thấy rằng giới tinh hoa chính trị thậm chí còn không đưa ra được một thông điệp thống nhất lên án cuộc tấn công này, nhiều người phải thừa nhận rằng những kẻ tấn công đã đạt được mục đích".
Một vài ngày sau đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho phép Hoa Kỳ sử dụng căn cứ không quân Incirlik, cách biên giới Syria 70 dặm làm căn cứ cho các cuộc không kích vào các vùng lãnh thổ của ISIS với điều kiện các lực lượng không quân Hoa Kỳ không được hỗ trợ các lực lượng dân quân người Kurd. Có thể nói Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thực sự hợp tác với Hoa Kỳ. Giải pháp ổn thỏa cho vấn đề này là chính phủ phải đem lại hòa bình cho người Kurd. Người Kurd không đi đâu cả, họ vẫn sẽ muốn tách khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, tách khỏi Syria, tách khỏi Iraq và Iran khi những quốc gia này đối xử với họ như những công dân hạng hai, thậm chí còn tệ hơn.
Một tin tốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, nếu họ đủ khôn ngoan để nhận ra, đó là người Kurd là những người dễ kết bạn nhất trong toàn bộ Trung Đông. Người Mỹ có thể làm bạn được với người Kurd mà gần như không cần có sự cố gắng nào, tương tự như người Israel. Tuy nhiên, kết bạn với ISIS là điều không thể không thể. Trong cuốn sách ISIS: bên trong một đội quân khủng bố, Michael Weiss và Hassan Hassan đã cho rằng "đội quân khủng bố này sẽ ở cùng chúng ta mãi mãi". Tổng thống Obama cũng đồng ý với quan điểm đó. Trong một bài phát biểu tại Lầu Năm Góc vào đầu tháng 7/2015 ông cho rằng cuộc chiến chống lại ISIS có thể mất hàng thập kỷ. Tổng thống George W. Bush cũng nói tương tự như vậy về Al-Qaeda, và ISIS chỉ đơn giản là phiên bản khác của al-Qaeda ở Iraq dưới một hình thức quản lý mới.
Vài thập kỷ là khoảng thời gian quá dài cho phép một nhà nước khủng bố tồn tại ở bất cứ nơi nào, và vài thập kỷ cũng là khoảng thời gian quá dài để một đồng minh NATO gián tiếp hỗ trợ chính quyền này bằng cách từ chối hành động. Điều này sẽ không thể kéo dài, bởi những hành động bạo lực của ISIS chống lại toàn bộ nhân loại trong đó có cả những nước láng giềng thân cận. Nhưng đồng thời thời cũng cần đề phòng những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc phân biệt đối xử với người Kurd.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không biến chuyển như kỳ vọng, Nhà Trắng, Quốc hội, Bộ Ngoại giao, và các đồng minh thực sự của Hoa Kỳ trong NATO sẽ phải cho Thổ Nhĩ Kỳ thấy rằng họ cần có những hành động phù hợp.
(*) Nguyễn Lê Thy Thương - ThS. Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á
Nguồn tổng hợp: The Trouble with Turkey: Erdogan, ISIS, and the Kurds, http://www.worldaffairsjournal.org/article/trouble-turkey-erdogan-isis-and-kurds
[1] Chế độ Assad là từ chỉ chính quyền hiện thời của nước Syria do tổng thống Bashar Hafez al-Assad lãnh đạo
[2] Đế quốc Ottoman hay Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, là một quốc hiệu Thổ Nhĩ Kỳ đã tồn tại từ năm 1299 đến 1923
[3] Chiến tranh ủy nhiệm (hay chiến tranh qua tay người khác) là từ chỉ các cuộc chiến tranh được tiến hành gián tiếp giữa các cường quốc đối địch thông qua các lực lượng thứ ba thay mặt họ. Các cuộc chiến tranh này thường diễn ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên nhiều cuộc chiến tranh được coi là chiến tranh ủy nhiệm nhưng bản thân các bên tham gia trực tiếp cũng có những động cơ riêng của họ chứ không đơn thuần đại diện cho lợi ích của các cường quốc. Theo http://nghiencuuquocte.org/2014/10/12/tu-ngu-thu-vi-51-60/#sthash.XBfBrioX.dpuf
Giới thiệu cuốn sách “Nữ giới Phật giáo với báo chí” (Chủ biên: TS. Ni sư Như Nguyệt, TS. Lê Thị Hằng Nga, TS. Trần Thanh Thủy)
Giới thiệu cuốn sách “Quan hệ giữa Ấn Độ với một số nước trong khu vực và hàm ý cho Việt Nam” (Chủ biên: Lê Thị Hằng Nga)
Giới thiệu cuốn sách “India – Vietnam Enhancing Partnership” (Co-editors: Jayachandra Reddy G & Nguyen Xuan Trung)
Giới thiệu cuốn sách “Nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam năm 2018: Những vấn đề văn hóa, xã hội và phát triển (Chủ biên: Trần Hoàng Long)